TÓM TẮT
Soi chiếu vào quan niệm về hai
hình thức của cái chết được Amos Goldberg gợi ra trong bài viết “Chấn thương, tự
sự và hai hình thức của cái chết”, bài viết chỉ ra Chí Phèo đã chết hai lần trước
khi kết thúc sợi chỉ sinh mệnh của mình. Mà cái chết cuối cùng là sự lựa chọn để
chống lại hai cái chết hư vô hóa ý thức chủ thể, tức là chết đi để được sống.
1.
Hai hình thức của cái chết
Theo quan điểm của Freud, trong tiềm thức còn ẩn chứa
những nỗi đau, những chấn thương mà con người không ý thức được. Có thể đó là
những chấn thương tâm lý từ quá khứ thời ấu thơ, hoặc đó có thể là chấn thương
tâm lý xảy ra trong hiện tại nhưng con người chưa kịp nhận biết, vết thương do
sự chấn thương đó gây ra tuy chưa nhận biết ở ý thức nhưng đã ghi lại ở tiềm thức.
Những vết thương đó tạo ra năng lượng tâm lý cần được giải thoát, nó có thể giải
thoát vào giấc mơ hoặc vào tác phẩm nghệ thuật, trở thành cội nguồn của cảm hứng
sáng tác.
Việc sáng tác đối với người nghệ sĩ vừa là một cách giải
tỏa năng lượng chấn thương tâm lý, vừa là một cách xoa dịu chấn thương, nhưng đồng
thời tự sự về chấn thương cũng là quá trình kép, (kể về nỗi đau chấn thương, và
kể về nỗi đau là một người sống sót sau chấn thương), tự sự là là sự trình diễn
lại của chấn thương, cho nên cũng là quá trình trải nghiệm lại nỗi đau và khắc
sâu nỗi đau. Chính trạng thái tinh thần này đã làm nên sự giằng xé vô cùng phức
tạp đầy đau đớn trong thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ. VD: Hàn Mặc Tử với
dòng Thơ điên như một “hồi kí của đau thương” – thơ vừa là một sự giải thoát vừa
là một lời nguyền số phận.
Một luận điểm thú vị được Amos Goldberg đưa ra: Viết về
chấn thương sẽ là cách để con người đóng khung mình trong nỗi đau, để tránh rơi
vào hai cái chết tồi tệ hơn là “cái chết bởi cái biểu đạt của kẻ hủy diệt” và
“cái chết tượng trưng”.
Theo đó, ngoài cái chết tự nhiên về cơ thể sinh học,
thì con người có thể rơi vào hai dạng thức cái chết của tinh thần còn khủng khiếp
hơn cái chết tự nhiên, bởi hai cái chết tinh thần này đều làm hư vô hóa con người,
nó xóa đi tính chủ thể và ý thức hiện sinh của con người.
Cái chết bởi cái biểu đạt
của kẻ hủy diệt: Xuất
phát từ quan điểm kí hiệu học của Saussure và quan niệm về chủ thể và tự do của
triết học hiện sinh Sartre, ứng dụng vào nghiên cứu thảm họa Holocaust diệt chủng
người Do Thái của phát xít Đức và đặc biệt qua hiện tượng “dán nhãn” người Do
Thái, Goldberg đã chỉ ra một cái chết về mặt tinh thần khi ý thức cá nhân, ý thức
hiện sinh của con người bị hủy diệt bởi cái biểu đạt (những nhãn dán). Goldberg
đã sử dụng khái niệm hoán dụ của Lacan, cho rằng ham muốn của con người là một
hoán dụ, bởi con người luôn tìm một cái biểu đạt để bộc lộ ý nghĩa của mình,
khi con người tìm được cái biểu đạt thỏa mãn ham muốn, thì ngay lập tức cái biểu
đạt đó mất đi giá trị, bởi cái biểu đạt và chủ thể bao giờ cũng có độ chênh nhất
định, và con người lại tìm kiếm cái biểu
đạt mới. Như vậy, ý thức chủ thể, ý thức hiện sinh tồn tại chừng nào sự thiếu hụt
đó còn xảy ra và con người vẫn tiếp tục tìm cái biểu đạt thỏa mãn nhu cầu của
mình. Nhưng việc kẻ hủy diệt ấn định cho con người một cái biểu đạt cố định
(như việc phát xít Đức khắc nhãn Do Thái lên da thịt người Do Thái) đã chặn lại
quá trình đó, nó đông cứng chủ thể trong một cái biểu đạt cố định, nó gây ra cái thiếu của sự thiếu và khiến cái biểu
đạt xâm lấn, lấp đầy cái thiếu của chủ thể, để từ từ đồng nhất chủ thể. Kết quả
của quá trình này là cái chết về ý thức chủ thể, con người hoàn toàn bị đồng
hóa đánh mất ý thức cá nhân và tồn tại vô hồn như một phần của bộ máy được duy
trì bởi kẻ hủy diệt.
Cái chết tượng trưng: Lacan cho rằng chấn thương xảy ra
do một sự va đập vượt ngưỡng giữa con người và thực tại. Chấn thương này len
qua hệ thống tượng trưng trong tâm lý của con người, nằm ngoài khả năng diễn giải
của hệ thống đó, và quay trở lại tâm trí như một ám ảnh có tính chất cưỡng bức.
Bởi vì chấn thương vượt ngưỡng hệ thống tượng trưng, nên hệ thống tượng trưng của
con người không hề có bất kì ngữ cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội nào thể khai thông
chấn thương (không thể lí giải, không thể hiểu) và dẫn tới việc hệ thống tượng
trưng của con người bị phủ nhận. Hệ quả của việc đó là không thể dùng lí lẽ để
diễn giải của chấn thương, kẻ chấn thương không thể nói hoặc tiếng nói của anh
ta không còn giá trị. Cái chết tượng trưng thật sự là một thảm kịch bởi nếu cái
chết tự nhiên là một phần của quy luật sinh lão bệnh tử, thì cái chết tượng
trưng là một sự vượt ngưỡng của hiện thực, là việc đánh mất chính những quy luật
đó. Toàn bộ cái nhìn của con người về thế giới và sự định vị mình trong thế giới
bị đập vỡ. Hay nói cách khác, thế giới tượng trưng và chính ý thức chủ thể của
con người trong thế giới tượng trưng đó bị hư vô hóa.
Trong những hoàn cảnh con người bị rơi vào nghịch cảnh
khủng khiếp bất thường chưa từng có (như thảm họa diệt chủng Holocast) thì con
người rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Goldberg đã khảo sát việc viết nhật
kí của một nữ tù binh Do Thái, và chi ra điều này:
Tự sự về chấn thương là quá trình sống lại chính chấn
thương đó, việc ghi chép lại một thế giới vụn vỡ càng khắc sâu ý thức về sự đổ
vỡ của thế giới tượng trưng và điều này sẽ làm nên cái chết của thế giới tượng
trưng.
Nhưng nếu không tự sự về chấn thương dần dần con người
sẽ quen với sự đảo lộn của thế giới và chấp nhận nó như một điều bình thường, tức
là dần chấp nhận trật tự đảo lộn và hòa nhập vào trật tự đó đó, và cũng có
nghĩa là dần chấp nhận cái biểu đạt bị kẻ hủy diệt áp vào mình để dần dần rơi
vào “cái chết do cái biểu đạt”.
Chính ở điểm này, soi chiếu dưới quan điểm phân tâm học
của Freud, Goldberg đã chỉ ra việc tự sự về chấn thương như cách con người tồn
tại giữa hai loại cái chết.
Việc tự sự về chấn thương khiến chủ thể nhận ra có những
nỗi đau, có những vết thương ở sâu trong tiềm thức, những điều không thể nắm bắt
được, và việc khơi sâu cố tìm hiểu tiềm thức giúp chủ thể nhận ra chấn thương
chỉ là một sự gián đoạn đối với thế giới tượng trưng (không phải không thể hiểu
mà chưa thể hiểu và cần tìm cách để hiểu), chứ không phải sự phủ định thế giới
tượng trưng và do vậy giúp chủ thể gián cách với “cái chết thế giới tượng
trưng”.
Trong quá trình dùng ngôn từ cố gắng diễn giải chấn
thương, chủ thể tránh khỏi “cái chết bởi cái biểu đạt” bởi đã chối bỏ cái biểu
đạt kẻ hủy diệt gán cho mình và tìm một cái biểu đạt khác để thỏa mãn ý nghĩa của
mình, trong trường hợp này cái biểu hiện
đó là ngôn từ.
Tự sự về chấn thương chính là cách con người đóng
khung mình trong nỗi đau để chống lại sự hư vô hóa của hai dạng cái chết.
2.
“Con quỷ dữ làng Vũ Đại” – Cái chết
gây ra bởi cái biểu đạt của kẻ hủy diệt
Trong bài viết của mình, Goldberg đã
mô tả quá trình ham muốn bất tận của con người như một hoán dụ, nơi chủ thể trượt
từ cái biểu đạt này sang cái biểu đạt khác để thể hiện ý nghĩa của mình. Và nếu
quá trình này dừng lại, con người bị đóng khung trong một cái biểu đạt và dần dần
bị đồng hóa – đánh mất ý thức chủ thể, đánh mất ý thức hiện sinh. Và do đó con
người chỉ còn tồn tại, chứ không còn sống nữa:
“Bằng việc gắn chỉ một cái biểu đạt cho một
cá nhân và áp đặt cái biểu đạt này lên thân thể, khoảng cách giữa chủ thể và
cái biểu đạt hoàn toàn bị khép lại hiểu theo nghĩa đen. Giờ đây chủ thể chỉ còn
có một cái biểu đạt và sự trượt nghĩa hoán dụ từ cái biểu đạt này sang cái biểu
đạt kia bị ngăn cấm. Nói khác đi, cuộc tìm kiếm liên tục và bất tận cái biểu đạt
hay bản sắc của chủ thể bị chặn lại. Chủ thể tiếp nhận cái biểu đạt bị ấn định
theo cách để nó lấp đầy tất cả những chỗ bỏ trống, chỗ thiếu trong sự tồn tại của
anh ta/chị ta; cuộc kiếm tìm một bản sắc có khả năng biến đổi và những đối tượng
mới của ham muốn bị bắt phải dừng lại và chủ thể của ham muốn bị giết chết.”
Vấn đề là, tại sao quá trình đó dừng lại thì “chủ thể của ham
muốn bị giết chết”?
Có lẽ điều này bắt nguồn từ quan niệm của Sartre về hiện
hữu tự thân (vũ trụ quan của Sartre) và hiện hữu tự quy (nhân sinh quan của
Sartre). Đối với ông, vũ trụ là cái phi lý, là lầm lì, là “buồn nôn”.
Con người khác vũ trụ ở chỗ có khả năng ý thức. Bản tính của ý thức là dự
phóng. Dự phóng có nghĩa tìm cho mình một thứ để mình theo đuổi, ý thức của con
người có được bao giờ cũng trong sự dự phóng, trong đó bao gồm cả ý thức chủ thể,
ý thức hiện sinh. Sartre đưa ra ba sự dự phóng của con người:
Dự phóng “có”: Con người luôn theo đuổi tất cả những gì mà
mình thiếu. Dự phóng có sẽ dẫn đến dự phóng “là”, con người muốn có toàn bộ
những gì mà nó thiếu – vũ trụ xung quanh nó để tiến đến chỗ nó là vũ trụ, con người do đó hoài vọng
cái vô cùng và hoài vọng vị trí của Thượng Đế. Điều này là phi lý.
Dự phóng thông cảm với tha nhân: “Theo nghĩa đầu tiên, tha
nhân là đối tượng làm cho tôi thấy mình có thực đây” (Sartre - dẫn theo Trần Thái Đỉnh).
Dự phóng vãn hồi: thể hiện quan niệm của Sartre về cái chết.
Cái chết là tận cùng của con người và sẽ cho thấy ý nghĩa và sự kết thúc của cuộc
đời con người.
Một cách tóm tắt, có thể hình dung mấy điểm như sau:
1.Quá trình dự phóng để tìm kiếm ý thức hiện sinh trong quan
niệm của Sartre chính là sự trượt nghĩa trong các cái biểu đạt mà Goldberg nhắc
tới.
2. Dự phóng là “tìm cho mình một cái gì mình theo đuổi”, tức
là một cái biểu đạt. Chiếu vào quan niệm của Sartre “cái biểu đạt” đó có thể là
toàn bộ vụ trũ ngoại thể, là tha nhân, và là cái chết.
Và như vậy có thể thấy, nếu con người không còn dự phóng, nếu
con người không còn ham muốn tìm “cái biểu đạt” để thể hiện bản sắc chủ thể,
thì con người đánh mất tư cách hiện sinh của mình và đồng nhất với hữu thể tự
thân – một thế giới vật chất im lìm, thinh lặng và “buồn nôn” (từ dùng của
Sartre). Sự tồn tại đó không khác gì đã chết.
Như vậy, câu hỏi thứ hai cần đặt ra là: Chí Phèo lần đầu chết
khi nào?
Trước hết ta cần phải thấy, từ điểm khởi đầu, cái biểu đạt mà
Chí Phèo tìm kiếm để thể hiện bản sắc chính là cái ước mơ đầy lương thiện:
“Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốn mướn
cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi dể làm vốn liếng. Khá giả
thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Ước mơ đó là sự dự phóng để ý thức về cuộc đời của
chính mình. Nó vừa là sự “dự phóng có”: tìm kiếm những gì mình thiếu để định
nghĩa về chính mình. Nó vừa là sự “dự phóng thông cảm với tha nhân”: trong ước
mơ đó là tình yêu là niềm hạnh phúc chưa bao giờ có được, Chí Phèo định nghĩa
mình trong niềm hạnh phúc đó. Ý thức là cái ta ý thức – theo quan điểm của các
triết gia hiện sinh. Khởi đầu tác phẩm, Chí Phèo hiện sinh trong quá trình theo
đuổi dự phóng đó, Chí Phèo định nghĩa chính mình ước mơ hạnh phúc gia đình. Ước
mơ về hạnh phúc gia đình là biểu đạt tiếp theo mà Chí Phèo đang vươn tới trong
chuỗi dịch chuyển của hoán dụ. Dẫu quan niệm hiện sinh cuộc đời là phi lý, thì
ta vẫn thấy rằng cái biểu hiện này chân thành, lương thiện, trong sáng và giàu
thiện cảm, nó gọi thức khát vọng sâu xa về mái ấm gia đình hằn in trong mỗi con
người.
Cái chết gây ra bởi cái biểu đạt của kẻ hủy diệt xảy ra, khi
kẻ hủy diệt bằng mọi cách đồng nhất cái biểu đạt của hắn lên chủ thể và hư vô
hóa chủ thể. Quá trình theo đuổi cái biểu đạt mà mình lựa chọn của Chí Phèo bị
gián đoạn bởi biến cố bị Bá Kiền bỏ vào tù. Khi ra tù, Chí đã lột xác mang hình
hài của tên lưu manh côn đồ với những vết xăm trổ. Trong bài viết của mình
Goldberg đã nhắc đến việc phát xít Đức đánh dấu người Do Thái bằng cách xăm dấu
hiệu lên da thịt họ như một cách đồng nhất người Do Thái –cái biểu đạt = người
Do Thái – khái niệm = người Do Thái – một con người cụ thể. Những dấu hiệu hình
xăm, và sau này là những vết sẹo vằn ngang vằn dọc trên khuôn mặt Chí Phèo sau
này, chính là sự ấn định của cái biểu đạt “Con quỷ dữ làng Vũ Đại” lên Chí và đồng
nhất nó với Chí Phèo. Chính mưu chước của Bá Kiến và định kiến của làng Vũ Đại
đã đóng khung Chí Phèo trong “cái biểu đạt của kẻ hủy diệt” ấy.
Đó là lần đầu tiên Chí chết.
Khi mất đi tính chủ thể, con người không là gì khác ngoài một
biểu tượng, con người hiện sinh của Chí bị hư vô hóa để đồng nhất với biểu tượng.
Chí trở thành “Con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, một cái biểu đạt không phải là anh.
Chí trở thành một phần của cái “hiện hữu tự thân” im lìm, “buồn nôn”, chỉ là một
sự tồn tại như một con vật lạ. “Bây giờ
thì hắn đã thành người không tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi chín? Bốn mươi
hay ngoài bốn mươi? Cái mặt hắn không trẻ cũng không già; nó không còn là mặt
người; nó là mặt của con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi?”.
Ở ngay điểm này chúng ta nhận ra một ý nghĩa khác trong thủ pháp vật hóa của
Nam Cao, cái thủ pháp mà trước đây từng bị phê phán là tự nhiên chủ nghĩa, cái thủ pháp mà một số nhà nghiên cứu lý giải
dưới góc độ nghịch dị của cái đẹp,
trong trường hợp này, thủ pháp vật hóa
là một cách thức hiệu quả để diễn tả trạng thái “đánh mất ý thức chủ thể” của
con người. Chí Phèo đánh mất ý thức chủ thể, Chí Phèo không còn là một con
người hiện sinh, Chí Phèo bị đồng hóa vào thế giới vật chất im lìm cô đặc.
Cũng cần nói thêm, tất cả thao tác ở trên là vô nghĩa nếu cuối
cùng ta vẫn đi đến kết luận về ý nghĩa cái chết của Chí Phèo như việc con người
đánh mất tính thiện và trở thành kẻ ác. Chính trong quan niệm thừa nhận có bản
tính của con người và thiện ác là cái tiên thiên không ngừng đấu tranh, người
ta đưa ra luận điểm về “bi kịch tha hóa”, con người đánh mất tính thiện vốn có
và trở thành cái ác. Đó là cách nhìn truyền thống về Chí Phèo – sự giao tranh
thiện ác như kết cấu bề sâu chi phối sự vận động của hình tượng nhân vật. Nhưng
ở “cái chết do cái biểu đạt của kẻ hủy diệt” gây ra cho Chí Phèo, chúng tôi muốn
đề cập đến một khía cạnh bi kịch khác – không phải bi kịch con người bị tha
hóa, mà là bi kịch con người bị hư vô hóa. Đó là bi kịch của một con người
không ngừng tìm kiếm một cái biểu đạt để khẳng định ý thức chủ thể, bản sắc chủ
thể, ý nghĩa hiện sinh, để rồi bị các thế lực tàn nhẫn đồng hóa với thế giới vật
chất. Đó không phải là bi kịch của kẻ thiện tha hóa thành ác – dẫu sao vẫn còn
là một con người – mà đó là bi kịch của con người bị tước mất tư cách làm người.
3.
Cuộc gặp
gỡ với Thị Nở - sự hồi sinh thế giới biểu tượng và hủy diệt thế giới biểu tượng
Quan điểm
hiện tượng luận cho rằng thế giới vật thật là bất khả tri. Con người chỉ có thể
nhận biết thế giới vật thật thông qua những hiện tượng mà vật biểu hiện cho ta
thấy. Nói một cách khác, ta nhận biết thế giới vật qua các hiện tượng, các vật
thay thế, cũng có nghĩa là các kí hiệu. Để nhận biết thế giới và nhận biết
chính mình, con người phải hình thành trong tâm trí một thế giới tượng trưng –
thế giới của những biểu tượng. Đó là một hệ thống biểu tượng có tương quan với
nhau mà thông qua đó con người lĩnh hội văn hóa, giao tiếp với người khác và
giao tiếp với chính mình. Ra đời gắn liền với những chấn động kinh hoàng của thế
giới trong thế kỉ XX, đặc biệt là vụ thảm sát Holocaust của Phát xít Đức và hai
vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống nước Nhật, lý thuyết chấn thương đào sâu vào
cảm giác hư vô trong tâm lý con người, nó xoáy vào cái phi lý của đời sống và
nó chất vấn con người về những câu hỏi như: Cái gì tồn tại là có ý nghĩa? Tại
sao con người bị đặt vào những thảm họa này? Cái hư vô, phi lý và tâm trạng
hoài nghi, mất mát đó xảy đến do những biến cố to lớn đã xâm nhập vào hệ thống
biểu trưng trong tâm chí chủ thể, những biến cố ấy là một yếu tố ngoại lai, nó
không thể được lý giải, chủ thể không có đủ ngữ cảnh về văn hóa, lịch sử để lý
giải nó. Hệ quả của quá trình ấy, là những biến cố phá vỡ sự liên kết của thế
giới tượng trưng, dẫn đến sự sụp đổ của thế giới biểu tượng, và cuối cùng, phá
vỡ ý thức chủ thể.
Trong
văn học, cái chết tượng trưng thường xảy đến với nhân vật khi nhân vật bị ném
vào một hoàn cảnh khác hoàn toàn hỗn loạn. Nhân vật Kiên trong “Nỗi buồn chiến
tranh” (Bảo Ninh) cũng đã phải chịu tình cảnh bị ném vào một thế giới đầy hỗn độn
– thế giới của chiến tranh, trận ném bom ở ga Thanh Hóa khiến anh “mất trí đi
vì khiếp sợ” chính là dấu chỉ đầu tiên đánh dấu sự tan vỡ của trật tự thế giới
tượng trưng. Nhân vật bị ném vào một trật tự thế giới mới, trật tự của chiến
tranh, của hỗn độn, của cái chết. Mỗi sự kiện xảy ra trong thế giới hỗn loạn ấy
đều là một sự kiện vượt ngưỡng, nó đập vỡ ý thức chủ thể của nhân vật, nó đẩy
nhân vật vào tình thế hoài nghi, nó giằng co nhân vật giữa trạng thái biết và
không biết. Nhân vật Hamlet trong kịch của Shakespears cũng chịu chấn thương
như vậy. Từ biệt thế giới tuổi thơ tươi sáng, rời bỏ trường học, Hamlet quay trở
về nhà và gia nhập một thế giới hỗn độn, chú giết cha, mẹ tái giá với chú, cái
ác, sự giả trá lên ngôi. Đó là những sự kiện vượt ngưỡng phá vỡ hệ thống tượng
trưng, để cuối cùng Hamlet phải chọn trạng thái điên – một điểm nhìn đảo lộn của
thế giới như một cách thức chống chọi với những chấn thương đó, như một cách thức
để cắt nghĩa, lý giải và lật tẩy những mặt nạ giả trá xung quanh anh. Chính sự
phá vỡ hệ thống tượng trưng đặt Hamlet vào sự hoài nghi, và cũng chính sự hoài
nghi này dẫn đến bi kịch của sự chần chừ.
Đối với
Chí Phèo, khoảnh khắc Chí bị ném vào tù chính là khoảnh khắc thế giới biểu tượng
trong Chí bị phá vỡ hoàn toàn. Anh Chí hiền lành, lương thiện phải chết đi để một
tên Chí Phèo lưu manh được sinh ra. Đó là hệ quả của nỗ lực tồn tại trong thế
giới tội ác nơi nhà tù thực dân. Nam Cao đã xây dựng hình ảnh Chí Phèo hoàn
toàn mất hết nhận thức về sự hiện hữu, say tràn từ cơn say này sang cơn say
khác, như một cách thức diễn tả trạng thái hư vô hóa ấy. Khi hệ thống tượng
trưng bị sụp đổ, ý thức chủ thể đánh mất. Ý thức chủ thể đánh mất, Chí Phèo
không còn sống như một con người. Mọi ý niệm về bản thân đều bị xóa trắng.
“Bây giờ thì hắn đã thành người không tuổi rồi. Ba mươi
tám hay ba mươi chín? Bốn mươi hay ngoài bốn mươi? Cái mặt hắn không trẻ cũng
không già; nó không còn phải là mặt người; nó là mặt của con vật lạ, nhìn mặt
những con vật có bao giờ biết tuổi? Cái mặt hắn vàng vàng mà lại muốn xạm màu
gio; nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo. Vết những mảnh
chai của bao nhiêu lần ăn vạ kêu làng, bao nhiêu lần, hắn nhớ làm sao nổi? Bao
nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm! Những
việc ấy chính là cuộc đời của hắn; cuộc đời mà hắn cũng chả biết đã dài bao
nhiêu năm rồi. […] Bởi từ đấy
thì đối với hắn không còn ngày tháng nữa. Bởi vì từ đấy hắn bao giờ cũng say.
Nhưng cơn say của hắn tràn cơn này qua cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông,
hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt
chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say
vô tận. Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng
có hắn ở đời.”
Cuộc gặp
gỡ với Thị Nở mang đến một sự thức tỉnh, cùng với sự thức tỉnh là là quá trình
hồi sinh thế giới biểu tượng trong tâm hồn Chí. Từ một kẻ kí ức cuộc đời bị xóa
trắng, ý thức về thời gian trong Chí trở về, và cuối cùng là ý thức về sự hiện
hữu của chính mình. Lần
đầu tiên hắn nghe được những âm vang của cuộc đời: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá. Có tiếng cười nói của những người
đàn bà đi chợ về. Tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, những tiếng quen
thuộc ấy hôm nào chả có nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy”. Những âm thanh cuộc sống gọi thức phần người trong hắn, buộc
hắn phải đối diện, suy nghĩ về cuộc đời mình. Âm thanh cuộc sống cũng gọi thức
những xúc cảm trong tâm hồn tưởng như chai sạn của Chí, khiến hắn thốt lên:
“Chao ôi buồn!”. Đó
không còn là cái “mơ hồ buồn”, cái “bâng khuâng” của một kẻ vừa tỉnh rượu, mà
đó là cái buồn của thân phận, cái buồn của một kẻ nhận ra hoàn cảnh bi đát của
mình. Cùng với sự nhận thức
hiện tại, những kí ức quá khứ của hắn cũng trở về. Hắn nhớ về ước mơ bình dị mà
chân thành trước đây: “Hình như có một thời
hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải.
Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng
làm”. Ước mơ bình dị ấy chính là dấu hiệu của bản chất lương thiện hồi
sinh. Từ đó, hắn nhận ra
thực tại bi đát của mình: “Tỉnh dậy hắn
thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “Hắn đã tới cái dốc bên kia cuộc đời”.Và hắn thấy được cả viễn cảnh tương lai u ám: “Chí Phèo hình như đã trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm
đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Ý thức hoàn toàn trở về. Ở
đây, Nam Cao đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc, đã khám phá ra được những
biến chuyển nhỏ nhất trong tâm hồn Chí Phèo. Nếu trước đây, Chí Phèo sống triền
miên trong cơn say, hiện tại vô cảm, quá khứ lãng quên, tương lai bất định; thì
giờ đây ý thức và bản chất lương thiện trở lại cũng theo một trình tự tâm lý rất
chặt chẽ: từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ, từ cảm xúc đến ý thức, từ nhận thức quá khứ
đến nhận thức thực tại và nhận thức tương lai. Bằng tình yêu
thương, bằng lòng tốt hiếm hoi duy nhất ở làng Vũ Đại, Thị Nở đã giúp xây dựng
lại thế giới biểu tượng trong tâm hồn Chí.
Sự kiện
thị Nở cự tuyệt, do đó, chính là yếu tố vượt ngưỡng một lần nữa làm sụp đổ thế
giới biểu tượng trong Chí. Khát vọng của Chí Phèo và mối tình của anh với Thị Nở bị bà cô Thị Nở,
nhân danh làng Vũ Đại và những định kiến trong xã hội cự tuyệt. Thế giới biểu tượng vừa hồi sinh nay vỡ vụn ngay trước mắt Chí. Không còn gì. Bị Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng
và đau đớn: “Hắn nghĩ ngợi tí rồi hình
như hiểu”, “hắn bỗng nhiên ngẩn người”, “thoáng
một cái hắn như hít lấy hơi cháo hành” rồi “ngẩn mặt không nói gì”. Chí Phèo chạy theo nắm tay Thị Nở như
là nỗ lực cuối cùng để níu Thị Nở ở lại, nhưng vô vọng. Cùng với sự dứt khoát của thị nở,
tình yêu, hạnh phúc, niềm hy vọng của Chí Phèo cũng bị cự tuyệt. Cánh cửa trở lại làm người sập xuống
ngỡ ngàng và đau đớn ngay trong khoảnh khắc nhân tính trở về trong Chí Phèo. Trước tình cảnh bi đát đó, trong Chí
chỉ còn lại nỗi phẫn uất và tuyệt vọng. Chí về nhà uống rượu, “phải uống thật say”, “phải uống
thêm chai nữa”. “rồi lại uống”, “rồi lại uống” như để chạy trốn chính mình và
chạy trốn hiện thực.Nhưng “càng uống càng tỉnh ra”, “Tỉnh ra, chao ôi buồn” . Khi nhân tính trở về, hắn không còn
có thể triền miên trong cơn say để quay về kiếp thú vật được nữa, hơi rượu
không giúp hắn trốn tránh thực tại, mà trái lại, bắt hắn nhìn thẳng vào bi kịch
và nỗi đau. Hơi cháo hành lại
hiện về như một ám ảnh, như một nhát dao khắc sâu thêm nỗi đau của hắn. Chính vì thế, Chí Phèo “ôm mặt khóc
rưng rức”. Lần đầu tiên trong tác phẩm Chí Phèo khóc, và đó là biểu hiện rõ
ràng nhất của nhân tính, đó là miếng kính
“biến hình vũ trụ” khẳng định bản chất tốt đẹp của con người. Chí Phèo vật vã đau đớn, thấm thía nỗi
đau không cùng khi nhận thức bi kịch của đời mình: bị cự tuyệt làm người.
Như vậy,
cùng với việc nhận thức con đường trở về làm người lương thiện hoàn toàn bị đoạn
tuyệt, Chí Phèo rơi vào cái chết thứ hai, cái chết thế giới tượng trưng.
4.
Kết luận
Trước
khi có lý thuyết chấn thương, văn học đã viết về những nỗi đau của con người. Việc ứng dụng lý thuyết chấn thương
giúp chúng ta phân tích, cắt nghĩa nỗi đau của nhân vật ở mức độ sâu sắc hơn. Đây
là một cách đọc giúp chúng ta khơi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật. Như vậy,
với Chí Phèo, hai quá trình bi kịch đau đớn cũng tương ứng với hai hình thức của
sự chết. Bi kịch tha hóa chính là cái chết gây ra bởi cái biểu đạt. Bi kịch bị
cự tuyệt quyền làm người chính là cái chết tượng trưng. Để kháng cự lại hai
hình thức đó của cái chết, Amos Goldberg đề xuất hình thức tự sự về chấn
thương. Tự sự về chấn thương chống lại cái chết gây ra bởi cái biểu đặt bằng cách
phá vỡ sự giam cầm của cái biểu đạt, khi chủ thể tự tìm đến một cái biểu đạt
khác là ngôn từ và tiếp tục trược dài trên chuỗi dự phóng (với tư cách như một
hoán dụ). Tự sự về chấn thương giúp khơi thông cái chết về hệ thống biểu tượng,
để thấy rằng chấn thương là chưa thể khơi thông chứ không phải không thể khơi thông, và
do đó kháng cự lại sự sụp đổ của thế giới tượng trưng. Nhưng Chí Phèo không thể
viết. Tiếng nói của Chí Phèo là tiếng nói bị cự tuyệt. Xã hội làng Vũ Đại đã kết
án Chí Phèo phải im lặng. Nên để chống lại sự hư vô hóa của ý thức chủ thể, Chí
Phèo đã quyết định tiêu diệt kẻ thù và tự kết liễu cuộc đời mình. Đó là một cái
chết mở ra ý nghĩa sống. Một mặt, Chí Phèo chống lại cái chết bởi cái biểu đạt
bằng cách dự phóng mình vào cái biểu đạt khác – cái chết. Mặt khác, hắn bảo
toàn thế giới tượng trưng trước khi nó sụp đổ hoàn toàn, bằng cách kết liễu sự
sống của chính mình. Đây là một kết cục đầy bi kịch, nó bế tắc bởi nhà văn chỉ
xem con người là nạn nhân của hoàn cảnh, chưa thấy được động lực thay đổi hoàn
cảnh của tác giả. Nhưng điều quan trọng là, dẫu bi kịch, thì nhân vật đã tự lựa chọn và tự quyết cho cái chết của
chính mình. Và do đó, cái chết không chỉ mang đến sắc thái bi thảm buồn
thương mà trước hết đó là một sự chủ động lựa chọn để bảo toàn giá trị. Tính
người trong Chí Phèo, và tư cách làm người của Chí, rõ nét nhất chính là ở cái
can đảm dám lựa chọn và dám chịu trách nhiệm ấy.
TRẦN LÊ DUY
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Triết học hiện sinh, Trần Thái Đỉnh, NXB Thế giới
2.
Từ ký hiệu đến biểu tượng, Trịnh Bá Dĩnh, NXB Đại hoc quốc gia Hà Nội
3.
“Chấn thương, tự sự và hai hình thức của cái chết, Amos Goldberg”,
lythuyetvanhoc.wordpress.com
4.
“Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn học chấn thương ở Việt Nam
và quan điểm nghiên cứu”, Lê Tú Anh, khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét