Thông tin liên lạc

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

BỜ BÊN KIA TRANG GIẤY...


Đề bài:
Bờ bên kia, bờ bên kia… Trang giấy…
Có thể anh qua hay chẳng thể nào qua!
Chả lẽ lại phải làm lại cuộc đời từ lúc ấy
Để có thể đối thoại cùng trận đánh, màu hoa, đối cùng nhân loại
Mà không phải độc chỉ có mình anh, đèn khuya và một tiếng gà.
(“Thơ bình phương - Đời lập phương”, Hoa trên đá, Chế Lan Viên)
Từ đoạn thơ trên, trình bày suy nghĩ của anh/chị về quá trình sáng tác văn học.


GỢI Ý THÂN BÀI

Thao tác
Nội dung
1.Giải thích
-“Bờ bên kia trang giấy”: thế giới nghệ thuật, thế giới tâm hồn của người nghệ sĩ được mã hóa vào ngôn từ nghệ thuật.

- Quá trình sáng tạo là quá trình đi từ thế giới hiện thực đến “bờ bên kia trang giấy” để đi vào thế giới nghệ thuật.  “Làm lại cuộc đời” ở đây có thể hiểu là quá trình người nghệ sĩ sáng tạo với cái tôi nghệ thuật của mình – một cái tôi thống nhất nhưng không đồng nhất với cái tôi trong đời sống. Mặt khác, “làm lại cuộc đời” cũng chính là quá trình người nghệ sĩ kiến tạo chính mình trong quá trình sáng tác văn học.

- “Đối thoại”: quá trình sáng tạo và đồng sáng tạo, nhà văn đặt câu hỏi và người đọc cùng trả lời. Ở đây, “đối thoại cùng trận đánh, màu hoa” chính là quá trình nhà văn đối thoại với hiện thực để chiếm lĩnh, kiến giải thiện thực cuộc sống. “Đối thoại cùng nhân loại” là quá trình trao đổi với bạn đọc về những vấn đề nhân sinh.

Tóm lại, đoạn thơ của Chế Lan Viên đề cập đến hai yêu cầu quan trọng đối với người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác văn học:

++ Sáng tác văn học là quá trình người nghệ sĩ quên đi con người đời tư để sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật, qua đó kiến tạo để phát triển tài năng, nhân cách của chính bản thân mình.

++ Sáng tác văn học về bản chất là một quá trình đối thoại, qua đó người nghệ sĩ đối thoại với hiện thực và bạn đọc để tác phẩm thực sự chạm đến những chân lý sâu xa của đời sống.
2. Bàn luận
1. Sáng tác văn học là quá trình người nghệ sĩ quên đi con người đời tư để sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật, qua đó kiến tạo để phát triển tài năng, nhân cách của chính bản thân mình.

+ Văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, cuộc đời cung cấp nguồn chất liệu và nguồn cảm hứng dồi dào cho tác phẩm văn học. Tuy vậy, cuộc đời và văn học là hai vòng tròn đồng tâm nhưng không đồng nhất, văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan chứ không phải sự sao chép nguyên si hiện thực cuộc sống. Chân lý nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với chân lý đời sống, do đó tác phẩm nghệ thuật có thể coi là “cái chết của tác giả” -  là lúc người nghệ sĩ quên đi con người đời tư với bao lo toan vụn vặt để sống trọn vẹn một con người nghệ thuật trong sáng tác của mình.

+Sáng tác văn học là một quá trình kép: người nghệ sĩ kiến tạo nên thế giới nghệ thuật và đồng thời cũng kiến tạo chính mình. Trong quá trình trải nghiệm, trăn trở, suy tư, đau đớn cùng hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ mài dũa kinh nghiệm sống, truy vấn về ý nghĩa cuộc sống và tự chất vấn chính mình. Quá trình thai nghén tác phẩm cũng là quá trình tác giả trưởng thành hơn về nhân cách, tư tưởng, tình cảm và tài năng nghệ thuật.

2.Sáng tác văn học về bản chất là một quá trình đối thoại, qua đó người nghệ sĩ đối thoại với hiện thực và bạn đọc để tác phẩm thực sự chạm đến những chân lý sâu xa của đời sống.

++ Quá trình sáng tác là quá trình nhà văn đối thoại với hiện thực cuộc sống. “Cuộc đời thì đa sự, con người thì đa đoan” (Nguyễn Minh Châu), không thể nhìn thấy bản chất của hiện thực nếu người nghệ sĩ chỉ đứng ngoài quan sát hiện thực đó bằng cái nhìn chủ quan, phiến diện. Để hiểu được bản chất của cuộc sống, người nghệ sĩ phải sống, trải nghiệm hiện thực, phải không ngừng đặt ra những câu hỏi về bản chất của hiện thực cuộc sống và tìm cách trả lời những câu hỏi đó. Nói cách khác, anh ta phải biết “đối thoại cùng trận đánh”, “màu hoa”.

++Vì tác phẩm nghệ thuật là một cấu trúc gọi mời, cho nên thế giới nghệ thuật ở “bờ bên kia trang giấy” cũng là một diễn đàn dân chủ nơi nhà văn và bạn đọc đối thoại về các vấn đề nhân sinh, hoặc phản biện các luồng tư tưởng để tiệm cận chân lý, hoặc tìm thấy tiếng nói tri âm è Cái bóng của độc giả luôn hằn in trên trang viết của nhà văn trong quá trình sáng tạo, và sự tiếp nhận của họ sẽ quyết định số phận của tác phẩm.
Chứng minh
Học sinh chọn phân tích dẫn chứng tiêu biểu để làm bật lên các luận điểm nêu ở trên
Tổng kết
-Khẳng định lại vấn đề

-Bên cạnh những điều nêu trên, người nghệ sĩ cũng cần rèn luyện tài năng để tạo ra hình thức nghệ thuật phù hợp, độc đáo, đặc sắc làm nên hình hài sắc vóc cho tác phẩm.

Liên hệ
Bài học cho nhà văn trong quá trình sáng tác và bạn đọc trong quá trình tiếp nhận

SOẠN ĐỀ VÀ LÀM ĐÁP ÁN: THẦY TRẦN LÊ DUY


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét