Đề bài:
“Đọc
thơ, có người đọc như nhà thực vật
Đọc
mùa quả, hoa chói mắt
Có
người như nhà địa chất
Đọc
cái mạch ngầm văn bản phía sau”
(Chế Lan Viên, “Đọc thơ mạch ngầm văn
bản”)
Từ trải nghiệm đọc một bài thơ của
mình, anh (chị) hãy bình luận về vấn đề được gợi ra từ đoạn thơ của Chế Lan Viên.
BÀI
LÀM
“Và những
giọt lệ rưng rưng trên mi người đọc
Ngọc
của người còn trong gấp giấy
Ngọc
thơ anh”
(“Lệ ngọc”, Chế Lan Viên)
Độc giả chính là những người quyết định số
phận của thơ ca. Tiếp nhận văn học là giai đoạn hoàn tất quá trình sáng tác –
giao tiếp của văn học. Phụ thuộc vào mỗi người đọc khác nhau mà tác phẩm sẽ được
nhìn nhận qua những lăng kính khác nhau, từ đó tạo nên nhiều ý nghĩa mới. Trong
“Đọc thơ mạch ngầm văn bản”, Chế Lan Viên viết:
“Đọc
thơ, có người đọc như nhà thực vật
Đọc
mùa quả, hoa chói mắt
Có
người như nhà địa chất
Đọc
cái mạch ngầm văn bản phía sau”
Tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn
Mặc Tử sẽ làm rõ hơn nhận định trên.
“Đọc” là quá trình tiếp nhận tác phẩm để lĩnh
hội và chiếm lĩnh tác phẩm. Thông qua đặc điểm cá nhân của từng chủ thể tiếp nhận
mà người đọc sẽ có những cách hiểu, cấp độ tiếp nhận văn học khác nhau. Đọc “như
nhà thực vật”, “đọc mùa quả, hoa chói mắt” là đọc những cái hoa mỹ, hào nhoáng
bên ngoài còn “đọc như nhà địa chất”, “đọc cái mạch ngầm văn bản phía sau” là đọc
cái tầng sâu những ý nghĩa, những bài học sâu sắc có giá trị tư tưởng. Vậy theo
Chế Lan Viên, đọc một tác phẩm không chỉ là đơn thuần đọc từng con chữ, tìm cái
hay, cái đẹp của vẻ ngoài, mà còn phải tìm tòi, khám phá những tầng nghĩa, “mạch
ngầm” của tác phẩm.
Những câu thơ của Chế Lan Viên mang đầy ý
nghĩa. Maxim Gorki có câu: “Người sáng tác là nhà văn và người tạo nên số phận
cho tác phẩm là độc giả”. Nếu ví tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần được
nhà văn thai nghén thì số phận của đứa con ấy lại phụ thuộc và chính nó và người
tiếp nhận nó. Chỉ đến khi người đọc tiếp nhận thì hoạt động sáng tạo nghệ thuật
mới hoàn tất. Văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải sao chép hiện thực một
cách hời hợt, nông cạn. Nhà văn cũng không đưa các sự kiện, con người vào tác
phẩm một cách thụ động, giản đơn mà hiện thực trong tác phẩm chính là hiện thực
cuộc sống được nhà văn suy tư, trăn trở để rồi thai nghén và tái hiện lại dưới
ngòi bút, bằng chất liệu ngôn từ. Nhà thơ Đức H. Heiner từng viết: “Thế giới chẻ
làm đôi, vết nứt xuyên qua trái tim nhà thơ” là vì vậy. Tác phẩm văn học mang đậm
dấu ấn chủ quan của nhà văn, mang những nét đặc trưng về nhân sinh quan, thế giới
quan, về nhân cách, tấm lòng của nhà văn. Nhưng khi đến với người đọc, thì hiện
thực trong tác phẩm sẽ trở thành hiện thực khác trong thế giới tinh thần của họ.
Tùy thuộc vào năng lực, thị hiếu, vào kinh nghiệm, trình độhọc vấn mà người đọc
sẽ ở những cấp độ tiếp nhận khác nhau. Cấp độ đầu tiên là cấp độ ngôn ngữ. Đây
là quá trình người đọc giải mã các kĩ hiệu ngôn ngữ, từ ngữ, câu, đoạn để hiểu được
lớp lời văn của tác phẩm. Cấp độ tiếp theo là cấp độ hình tượng. Sau khi hiểu được
ngôn ngữ tác phẩm, người đọc sẽ sống và trải nghiệm thế giới nghệ thuật của tác
phẩm thông qua hệ thống các nhân vật, cốt truyện, bối cảnh… Người đọc tiếp nhận
tác phẩm văn học ở hai cấp độ này sẽ “đọc như nhà thực vật”, “đọc mùa quả, hoa
chói mắt”. Tức là đọc tầng nghĩa bên ngoài tác phẩm. Cấp độ cao hơn là cấp độ kết
cấu và chỉnh thể. Người đọc sẽ thâm nhập vào thế giới hình tượng để khám phá ra
những tầng nghĩa ẩn sâu trong tascp hẩm, để hiệu nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Và cấp độ cao nhất của quá trình tiếp nhận là cấp độ sáng tạo. Ở cập độ này, người
đọc sẽ sáng tạo lại tác phẩm, lấp đầy những “khoảng trống” mà nhà văn tạo nên,
phát hiện ra những ý nghĩa mới của tác phẩm. Đây là then chốt tạo nên sự bất tử
của văn chương, như Saltykov Sedrin từng viết: “Văn học nằm ngoài những định luật
của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Người đọc ở hai cấp độ
cao nhất này sẽ như “nhà địa chất”, họ lần được đến cái “mạch ngầm” sâu trong tác
phẩm và chiếm lĩnh được tác phẩm ấy.
Charles Dubos từng nói: “Văn học, đó là tư
tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”. Quả thật là vậy. Nói đến văn chương là nói
đến cái đẹp. Đó là cái đẹp vốn có trong đời sống hiện thực như vẻ đẹp thiên nhiên,
các nét đẹp phong tục tập quán. Đó cũng là vẻ đẹp con người mà nhất là vẻ đẹp tâm
hồn. Hơn hết, khi đến với văn chương, người đọc sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của
nghệ thuật. Vẻ đẹp ấy là tinh hoa trong thơ ca. “Thơ là một bức họa để cảm nhận
thay vì để ngắm” (Leonardo da Vinci). Vẻ đẹp đó cũng là tính nhạc trong thơ, là
những vần thơ du dương ngân nga mãi trong tâm hồn đọc giả. “Thơ là âm nhạc của
tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm” (Voltaire). Vì lẽ đó, khi đọc thơ,
cần “đọc như nhà thực vật” để cảm nhận hết vẻ đẹp của sức sống trong ngôn từ, vẻ
đẹp của “mùa quả, hoa” chói mắt.
Nhà phê bình người Nga Bielinkxky từng viết:
“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không
phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những
câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Thơ ca nói riêng và các tác phẩm nghệ
thuật nói chung đều chứa đựng những chiều sâu, những tầng nghĩa mà chỉ khi độc
giả đặt mình vào tác phẩm tìm hiểu, rung cảm với tác phẩm, với nhà văn thì mới
có thể chạm đến, thấu hiểu những tầng nghĩa đó. Chỉ khi lần sâu vào “mạch ngầm”
văn bản, người đọc mới thực sự chiếm lĩnh được tác phảm, mới không bỏ sót những
ý nghĩa sâu sắc bên trong và chậm chí, từ những ý nghĩa đó, có thể sáng tạo,
soi rọi lại chính bản thân mình. Trong tiếp nhận văn học, quá trình đồng sáng tạo
của độc giả là một quy luật tất yếu. Giáo sư Huỳnh Như Phương từng viết: “Không
nên quan niệm tác phẩm như một cá gì cố định, bất biến, trái lại về hình thức cũng
như về nội dung, nó mang ý nghĩa của một cuộc đối thoại”. Đó là cuộc đối thoại
giữa độc giả và nhà văn. Người đọc là niềm khắc khoải tri âm của nhà thơ: “Xưa
nay, nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng
gặp gỡ” (Cao Bá Quát), hay như Lưu Hiệp viết: “Tri âm thực khó thay cái âm thực
khó biết, người biết thực khó gặp. Gặp được người tri âm, nghìn năm có một”. Người
đọc đến với thơ ca cũng là để tìm sự đồng điệu, sự tri âm nhất định. “Thơ là
chuyện đồng điệu. Nó là tiếng nói của người nào đó đến với những người nào đó có
sự cảm thông chung dựa trên cơ sở đồng ý, đồng tình” (Tố Hữu). Khi tìm đến được
“mạch ngầm văn bản”, người đọc không chỉ hiểu thêm về tâm tư, tình cảm tác giả
mà còn đúc kết được nhiều kinh nghiệm, mở rộng vốn hiểu biết để từ đó “sáng tạo
lại chính bản thân mình” (Huỳnh Như Phương). Vậy người đọc khi tiếp nhận văn học,
không chỉ đọc “mùa quả hoa, chói mắt” bên ngoài, mà còn phải đào sâu vào “mạch
ngầm văn bản phía sau”.
Điều này thể hiện rõ qua bài thơ “Đây thôn
Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Mở đầu bài thơ là bức tranh thôn Vĩ đẹp đẽ, bừng
sáng như cảnh “nước non thanh tú”, khiến người đọc nhận ra tấm lòng yêu cuộc sống
đến tha thiết của nhà thơ dù sống trong bóng tối của sự đau đớn tột cùng, thấp
thoáng sau cảnh đẹp thôn Vĩ là bóng dáng con người:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
Câu thơ này gợi cho người đọc nhiều cách
hiểu. “Mặt chữ điền” ấy có thể là khuôn mặt của một bóng hình xưa, một cô gái ê
lệ nép mình sau khóm trúc. Hình arnht hơ chứa đầy hoài niệm về một thời quá khứ
đã qua. Thế nhưng, ở một cách hiểu khác, đây có thể là hình bóng của chính thi
nahan, là chính tác giả đang giấu mình để quan sát bức tranh thôn Vĩ. Qua một câu
thơ thôi mà ta thấy được cả một tình yêu đời tha thiết mãnh liệt của thi nhân.
Hàn Mặc Tử yêu cuộc đời đấy, một tình yêu lớn lao nhưng lại không thể bước ra hòa
mình vào cuộc sống, tận hưởng mọi vẻ đẹp, mọi hương sắc cuộc đời như nhà thơ Xuân
Diệu. Bởi lẽ ông mang nỗi mặc cảm to lớn về thân phận của chính mình, và ông cũng
mang dự cảm về sự chia lìa. Những cảm xúc ấy hiện ra rõ nét nhất ở khổ thơ cuối
của bài:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Nếu ở đoạn đầu là bức tranh thôn Vĩ với ánh
sáng lan tỏa khắp không gian, với những sắc màu tươi mới đầy sức sống, thì đến
khổ cuối chỉ còn lại một bức tranh trắng. Từ “mơ” như cánh cửa chuyển tiếp giữa
cõi thực và cõi mộng, giữa ý thức và vô thức, giữa cảm giác và ảo giác. Các hình
ảnh thơ “khách đường xa”, “áo em”, “ở đây”, “ai” đều nhạt nhòa, hư hư ảo ảo. Hình
ảnh “sương khói”, “nhân ảnh” lan tỏa khắp không gian càng tăng thêm phần huyền
bí, khiến tất cả trở thành ảo giác mong manh. Điệp ngữ “khách đường xa, khách đường
xa” làm nhấn mạnh giọng khắc khoải, khẩn khoản. “Khách đường xa” ấy phải chăng
là chuyến ghé thăm “ngục tù” tăm tối của nhà thơ, phải chăng là một tia sáng từ
thế giới bên ngoài mà nhà thơ luôn mong ngóng, đợi chờ. Hay phải chăng “khách đường
xa” ấy chính là bản thân tác giả trong hành trình tìm về chốn cũ, cảnh xưa, trở
về với kí ức thôn Vĩ, trở về với cuộc sống ngoài kia.
“Áo em trắng quá nhìn không ra”
Câu thơ mang lý tưởng thẩm mỹ của Hàn Mặc
Tử: sự thanh khiết. Nếu ở khổ đầu, sự thanh khiết hiện lên qua vẻ đẹp thanh tú
của vườn tược thôn Vĩ, thì đến đấy, vẻ đẹp ấy lại hiện lên qua sự trinh khiết của
nhân vật “em”. Sắc trắng tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khôi của cuộc sống mà nhà
thơ luôn ngưỡng vọng, kết hợp cùng từ “quá” có tính chất cực tả đã đẩy sắc trắng
lên đến tột độ. Hình ảnh thơ không chỉ đơn thuần là tình yêu đắm say với vẻ đẹp
của nhân vật “em”, trung tâm thế giới ngoài kia, mà còn mang nỗi đau chia lìa,
mặc cảm số phận. Đọc thơ ta tưởng như nhà thơ đưa tay nắm lấy chút hương sắc cuộc
đời để rồi mở tay ra chỉ còn lại một chút hư không. Kết thúc bài thơ là một câu
hỏi tu từ:
“Ai biết tình ai có đậm đà?”
Câu hỏi ấy vừa như một sự hoài nghi, tuyệt
vọng, vừa như sự hy vọng. “Ai” là ai? Là em hay là tôi? “Ai biết tình ai có đậm
đà?”: Không biết tình em với tôi có đậm đà? Không biết em có biết tình tôi đậm đà?
Những câu hỏi ấy càng lúc càng xoáy sâu vào tâm can nhà thơ, day dứt khôn nguôi.
Nếu độc giả tiếp nhận “Đây thôn Vĩ Dạ” chỉ
trên bề mặt con chữ, tầng nghĩa bên ngoài mà không đào sâu vào “mạch ngầm” tác
phẩm thì mãi không hiểu được bi kịch thân phận đau thương đến tột cùng của tác
giả - một chàng trai đang tuổi thanh xuân với biết bao ước mơ, hoài bão, lại bị
“vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi xa hết thảy mọi người thân thích”,
bao nhiêu năm “bó tay nhìn cả thế phách lẫn linh hồn cùng tan rã” (“Thi nhân Việt
Nam”, Hoài Thanh – Hoài Chân). Qua những vần thơ ứa máu ứa lệ ấy, người đọc nhận
ra một tấm lòng , sự gắn bó tha thiết yếu cuộc đời. Và người đọc cũng nhận ra được
rằng, cuộc sống này vô cùng ngắn ngủi, rằng thời gian trôi qua sẽ mãi không quay
trở lại. Để từ đó, con người thêm trân trọng cuộc sống này hơn, trân trọng những
phút giây mình còn được sống:
“Cuộc đời đã ngắn ngủi như vậy mà chúng ta
vẫn rút ngắn nó thêm khi bất cẩn lãng phí thời gian” (Victor Hugo)
“Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử đã làm rõ
hơn quan niệm của Chế Lan Viên. Khi đến với một tác phẩm , người đọc sẽ có những
cách tiếp nhận khác nhau, nhưng nếu chỉ đọc “mùa quả, hoa chói mắt” mà bỏ qua những
ý nghĩa sâu sắc bên trong thì sẽ không hiểu hết được cái hay, cái đẹp của văn
chương, cũng sẽ không có được sự đồng điệu, tri âm nhất định của tác giả, cũng
sẽ không thể soi chiếu lại chính bản thân mình. Còn nếu chỉ đào sâu vào “mạch
ngầm” văn bản mà bỏ qua vẻ đẹp bên ngoài, thì sẽ không cảm thụ hết được sức sống
ngôn từ. Chính vì lẽ đó, nhà văn Nga Leonit Leonop đã viết: “Mỗi tác phẩm là một
phát minh về hình thức và là một khám phá về nội dung”
VÕ
NGUYỄN NHẬT MINH
LỚP
11 CV – TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH – ĐHSP
NĂM
HỌC 2018 - 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét