Thông tin liên lạc

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

TÌNH HUỐNG NGHỊCH LÝ TRONG TRUYỆN NGẮN "BẾN QUÊ"


Đề bài: Phân tích các nghịch lý thể hiện qua trình huống truyện trong truyện ngắn “Bến quê” (Nguyễn Minh Châu).



Bài làm

“Tình huống là một lát cắt của sự sống, là một sự kiện diễn ra có phần bất ngờ nhưng cái quan trọng là sẽ chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người” (Nguyễn Minh Châu). Và phải chăng, đối với một người đã từng đi khắp chân trời cuối bể như nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn “Bến quê”, thì tình huống anh ngã bệnh và nằm liệt trên chiếc giường bên gian cửa sổ nhu thu hẹp, cũng đủ để anh kịp nhận ra cái thế giới rộng lớn ngoài kia, nơi bãi bồi bên kia con sông Hồng quen thuộc, lại gần gũi biết nhường nào. Những nghịch lý tưởng như khó hiểu ấy thật sự “chi phối nhiều điều trong cuộc sống” của chính Nhĩ.

Cuộc sống thì có bao giờ bằng phẳng? Mà văn chương – lạ thay, lại là hạt giống được ươm mầm từ chính cuộc sống gồ ghề, nhiều điều trái ngược ấy. Bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, văn chương phải thể hiện cả những màu đen tối ấy, những nốt nhạc chói tai ấy trong hiện thực không toàn là màu hồng, trên một bản nhạc không toàn cất lên những nốt trầm êm ái… Thế nên, văn chương, đặc biệt là truyện ngắn, cũng không có phép mình bỏ sót những điều không bằng phẳng ấy, để rồi nảy sinh ra những nghịch lý. Nghịch lý trong truyện ngắn có thể xem là luồng gió thoảng trước ngọn lửa của tư tưởng, tình cảm của tác phẩm. Ngọn gió ấy những tưởng muốn thổi tắt đi ánh lửa của logic, tạo ra những điều được xem là bất hợp lý, thậm chí dập tắt đi những bài học, cảm xúc mà nhà văn gửi gắm… Nhưng không. Có ai để ý rằng, khi luồng gió ấy lùa tới, ngọn lửa kia lại càng bùng cháy mãnh liệt hơn không? Chính những nghịch lý đã dẫn dắt người đọc rơi vào những cung bậc cảm xúc khó giải tỏa, những nhận thức đầy mâu thuẫn, những suy nghĩ phi logic, để rồi nhận ra chính những nghịch lý ấy lại càng giúp bạn đọc đi sâu vào tác phẩm hơn và tự giải đáp, suy ngẫm, khơi gợi chính những tư tưởng, tình cảm sâu sắc của ác phẩm.

Nhưng yếu tố nào đã tạo nên những mâu thuẫn ấy? Đó chính là tình huống truyện. Tình huống truyện là một hoàn cảnh đặc biệt mà con người ta phải bộc lộ bản lĩnh, tính cách của mình. Nhưng đôi khi, chính bản lĩnh, tính cách ấy lại đầy mâu thuẫn, xung đột, tạo nên ở nhân vật những suy nghĩ và hành động trái chiều, tạo ra những nghịch lý trong tác phẩm. Trong truyện ngắn “Bến quê”, Nguyễn Minh Châu đã vô cùng tài tình và tinh tế khi đặt nhân vật Nhĩ của mình rơi vào một tình huống đặc biệt: không bế tắc, không éo le,… nhưng cũng đủ để thể hiện những suy nghĩ, hành động nghịch lý của anh: Nhĩ là một người đã từng đi tới không sót một xỏ xỉnh nào trên Trái Đất, nhưng giờ đây anh lại bị liệt nửa người, chỉ nằm một chỗ mà nhìn ra bãi bồi ngay trước mặt với ánh mắt đau đớn và tiếc nuối.

Nghịch lý đầu tiên là niềm khao khát được sống của Nhĩ trong chuỗi ngày chờ chết. Khác với motif văn học cũ, một khi đã cận kề cái chết, ai ai cũng buông xuôi thả lỏng, để mất đi như một hạt bụi bay vào quên lãng, một hạt cát lạc vào hư vô… Có ai còn nhớ Giôn-xi trong câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng”? Giôn-xi đang mắc chứng bệnh lao phổi đau đớn, cô gái trẻ chỉ biết nhìn ra ngoài ngắm cây thường xuân qua khung cửa sổ nhỏ hẹp và tự cho rằng mỗi chiếc lá thường xuân là một tiếng đếm ngược đến ngày mình đi xa. Chiếc lá cuối cùng rơi xuống, Giôn-xi sẽ ra đi trong nỗi tuyệt vọng và đau đớn. Nhưng có ai để ý rằng, đến tận những ngày cận kề mưa bão, những chiếc lá thường xuân vẫn cố níu mình trên cây như đang níu giữ chính mình?

Nhưng đối với “Bến quê”, Nhĩ nằm liệt giường, khao khát và thèm muốn được sống lại những thàng ngày còn khỏe mạnh, còn sức lực để ngao du đây đỏ, chỉ để thực hiện một ước nguyện: đặt chân lên “bãi bồi ngay trước khuôn cửa sổ nhà mình”. Chỉ ước nguyện nhỏ nhoi, đơn giản đến thế nhưng suốt đời vè sau anh mãi mãi chẳng bao giờ thực hiện được. Ấy là lúc anh khao khát được sống nhất, dẫu cho những “tàn lực còn sót lại cuối cùng” chỉ đủ để anh nâng bàn chân mình đặt lên bãi bồi bấy, anh chắc chắn cũng mãn nguyện.

Nhưng số phận không cho phép, vạn vật thiên nhiên trù phú và đầy sức sống ngoài kia không cho phép. Vì “cái màu tím thẫm như bóng tối của bông hoa bằng lăng” đã ám ảnh trong tâm trí anh: “những bông hoa bằng lăng đã dần thưa thớt”. Cái giống hoa ngay từ khi mới nở màu sắc đã nhợt nhạt, khác hẳn với chiếc lá thường xuân khát khao sự sống ngoài kia luôn níu giữ lại từng nhịp đếm ngược đến cái ngày định mệnh của Giôn-xi. Hoa bằng lăng – một loại hoa tượng trưng cho cả sức sống yếu ớt còn lại của Nhĩ, cũng đã thưa thớt dần, trở về với đất mẹ rồi biến vào hư vô… Nhưng khi càng về cuối đời, cánh hoa bằng lăng ấy “trở nên đậm sắc hơn”, như báo trước cái ngày đau đớn của Nhĩ và gia đình đang ngày càng đến gấn. Không chỉ có Nhĩ mới để ý các hình ảnh biểu trưng cho dấu chân tử thần, mà ngay cả Liên cũng cảm nhậnn được sự tiên đoán của thiên nhiên đất trời, khi đứng trước một cuộc đời sắp sửa úa tàn: “một cái bờ đất lở dốc”, “lũ nguồn bắt đầu dồn về”, “những tảng đất đá đổ òa vào giấc ngủ”. Đau đớn làm sao khi vạn vật cũng tạo ra nghịch lý: Thiên nhiên không níu kéo sự sống con người. Gần như thiên nhiên trong câu chuyện này có hồn, nhưng dửng dưng lạnh lùng, không quyến luyến sự sống của con người. Hay chính thiên nhiên cũng hiểu, chỉ khi con người bị đốc thúc bởi thời gian, thì họ mới có cơ hội để chiêm nghiệm lại những gì xay ra trong cuộc đời này? Nhĩ đã cảm nhận được sự đốc thúc của thời gian qua các biến đổi của thiên nhiên, cuối đời, anh đã có những tâm sự riêng tư, những suy nghĩ và chiêm nghiệm để rốt cuộc đau đớt và xót xa khi mình không thể đặt chân đến bãi bồi bên kia sông. Đó là lúc, thiên nhiên trong “bên quê”, dù không lưu luyến con người như chiếc lá thường xuân trong “Chiếc lá cuối cùng”, là trở nên dữ dội, hối thúc con người đến lạ lùng. Cảnh vật ập xuống trong vô tình, con người rướn lên trong vô vọng, đó chẳng phải là nghịch lý của một kiếp nhân sinh hay sao?

Không những vậy, những bước chân của Nhĩ cũng là một nghịch lý đáng để suy ngẫm. :Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái Đất”. Phải, bước chân ấy đã chạm đến rất nhiều vùng đất, bôn ba khắp năm châu bốn bể. Mà sao vẫn chưa lần nào chạm vào mảnh đất bồi bãi sụt lở bên kia sông Hồng. Vì sao vậy? Vì “đây là một chân trời gần gũi mà lại xa lắc”. Gần gũi vì nó hiện diện và ngày đêm phô ra vẻ đẹp trù phú, giàu có ngay trước cửa sổ của gian nhà Nhĩ: “con sông Hồng màu đỏ nhạt”, “vòm trời như cao hơn”, “những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoẳng bờ bãi bên kia sông”. Gần gũi quá! Ngay cả một người thường không để tâm như Nhĩ, cũng có thể nhận ra đúng chính xác từ hình ảnh của quê hương thân thuộc, từ gam màu của thiên nhiên đến đất trời… Nhưng từ lâu, “sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia” cũng là chỉ là những “chân trời” “xa lắc”. Vì hồi còn in gót lên khắp khoảng trời gần xa, Nhĩ có bao giờ để ý đến chân trời thân thuộc ấy dù chỉ một lần? Đến bây giờ nằm trên giường bệnh, anh mơ ước còn được thấy và đặt chân lên mảnh đất “gần gũi mà xa lắc” này. Thế nên, lòng ham muốn và cảnh ngộ đau đớn, bàng hoàng của Nhĩ đã giúp anh thay đổi cách quan sát, khơi dậy cảm xúc trân trọng, nâng niu và ước mong được thưởng thức mãi vẻ đẹp trù phú của làng quê. Nhưng liệu lòng ham muốn ấy có thành sự thực? Bồi bãi chỉ là bồi bãi, chân trời chỉ là chân trời, nhưng lòng ham muốn, tiếc nuối khi không phát hiện ra vẻ đẹp bồi bãi và chân trời ấy, đã thật sự là một nghịch lý đáng để suy ngẫm.

Hơn nữa, nghịch lý của “Bến quê” còn được thể hiện của hành động của đứa con trai: Một người có khả năng dầy đủ nhưng không thể đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của người sắp đi xa “sắp từ giã cõi đời”. Nhĩ “đang giấu một tâm sự bí mật gì đó trong cái vẻ lúng túng”. Anh muốn con – Tuấn, sang bên kia bãi bồi sông Hồng thay cho anh.Vẻ lúng túng áy của anh như nói lên nỗi khát khao được đặt chân lên bờ bên kia. Vẻ lúng túng ấy như chứng tỏ rằng anh đang sợ. Sợ rằng con mình đã đi qua bên kia sông, đặt chân lênh mảnh đất ấy – cái mảnh đất “gần gũi mà xa lắc”, để rồi kể cho anh nghe, làm cho khát khao của anh càng bị giày vò. Hay vẻ lúng túng ấy đã lộ rõ nhưng suy nghĩ trong đầu anh: hoặc có, hoặc không, hay có thể là không bao giờ, Tuấn đi đến bờ bên kia, sẽ trượt dài trên vết xe đổ của Nhĩ, sẽ mù lòa đối với những chân trời hiển hiện trước mắt, để rồi cảm thấy “chân trời ấy vừa gần gũi mà lại xa lắc” trong những tháng ngày cuối cùng như cha anh. Nhĩ “tập trung hết sức còn lại để nói ra cái điều ham muốn cuối cùng của đời mình”. Một điều ước nhỏ nhoi, một nguyện vọng dễ dàng thực hiện: “Con hãy đi qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh rồi ngồi xuống nghỉ chân ở đâu đó một lát, rồi về”. Nhưng anh con trai có hiểu chăng? Phải rồi, Tuấn chưa “đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái Đất”, chưa từng “in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ” như cha mình nên chưa hiểu hết “sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sống Hồng ngay bờ bên kia”. Nên anh “miễn cưỡng” mặc quần áo và thực hiện ước nguyện của cha mình. Nhĩ hy vọng rất nhiều, bao nhiêu ham muốn được nhìn thấy gót chân của con đặt lên mảnh đất ấy thay cho mình, anh dồn vào chút tàn lực cuối cùng để “lết dần”, “lết dần trên chiếc phản gỗ”, dù “mệt lử” hay “đau nhức”. Trước mắt anh, vẻ đẹp gần gũi ấy lại phô ra trước gian cửa sổ. Tại tầm nhìn này, anh có thể thấy rõ “một cánh buồm bắt gió vừa căng phồng lên”. Con đò – cơ hội duy nhất để con trai Nhĩ thực hiện ước nguyện cho cha – chỉ qua lại một chuyến giữa hai bờ. Cơ hội chỉ còn đúng một lần trước khi Nhĩ từ giã cõi đời này bên khung cửa sổ. Nhưng sao Nhĩ nhìn mãi đám khách vẫn không tìm thấy cái mũ cói rộng vành và chiếc sơ mi màu trứng sáo của con? Tuấn không lên đò, anh không thể giúp cha thực hiện ước nguyện ấy, và vẫn không hề hay biết vì anh đang “sà vào một đám người chơi phá cờ thế”. Đau đớn, buồn bã, tuyệt vọng. Trong nỗi khổ tâm đang giày vò ấy, Nhĩ đã vô tình nhận ra chân lý đời người: “Con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”. Chính anh con trai đã không nắm bắt được cơ hội cho cha, phải chăng vì anh bị  cuốn vào chính những điều “vòng vèo hoặc chùng chình”, như thú vui phù phiếm của bàn cờ thế trước mắt? Còn đúng một cơ hội, nhưng đã lỡ rồi, Nhĩ có thể sẽ không bao giờ thực hiện được ước nguyện giản đơn, dễ dàng ấy. Điều đó không phải là nghịch lý sao?

Thường, con người ta chỉ nhận ra vẻ đẹp đáng quý khi nó được phô bày ra trước mắt, lộng lẫy nhưng phù phiếm. Còn Nhĩ, thì ngược lại. Anh chỉ nhận ra vẻ đẹp của người vợ vào chính những lúc vẻ đẹp ấy đã dần tàn phai. Liên – từng là một người phụ nữ “thị thành”, luôn ở bên anh những ngày tháng mà anh chỉ mải mê đi khắp phương trời xa lạ. Chỉ đến lúc cuối đời, chôn mình trong đau đớn của bệnh tật và sự nuối tiếc khôn nguồi, anh mới nhận ra “những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời xưa” nơi Liên. Trong suốt những ngày tháng “in gót khắp chân trời xa lạ”, Nhĩ vẫn bôn ba kiếm tìm những gì cao xa, phù phiếm mà bỏ quên những hạnh phúc âm áp, bỏ quên điểm tựa vững chắc nơi gia đình. Đau không chứ khi một người đến lúc cuối cuộc đời không còn chút sức lực để bước đi, huống hồ chi là để bù đắp cho những vô tâm của mình với gia đình và những người thân yêu. Có thể đây là lần đầu tiên và lần cuối cùng Nhĩ cảm nhận được sự ấm áp từ “những ngón tay gầy guộc âu yếm, vuốt ve trên vai” (dẫu rằng những ngón tay ấy luôn sẵn sàng trao cho anh trong suốt cuộc đời). Và có lẽ, đây là lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá (dẫu cho suốt một đời Liên vẫn tảo tần giản dị bên anh). Chỉ những ngày tháng cuối đời Nhĩ mới bàng hoàng nhận ra bấy lâu nay mình đã “suốt đời làm Liên khổ tâm”. Nhưng tâm hồn Liên vốn “như cảnh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia” – âm thầm, gần gũi hy sinh, chịu đựng mà vẫn nín thinh, để khi Nhĩ bàng hoàng nhận ra thì quá muộn. Tình yêu và sự che chở thầm lặng của Liên và sự hờ hững lãng quên của Nhĩ, thật sự là một nghịch lý đau đớn. Để rồi cả anh và bạn đọc nhận ra rằng mình đã tìm kiếp ở khắp phương trời xa lạ những gì phù phiếm xa hoa, mà bỏ lại sau lưng những tình cảm gần gũi, những hạnh phúc dễ kiếm tìm. Nghịch lý ấy thực sự là một hồi chuông thức tỉnh những ai đang lãng quên những giá trị vẹn toàn và đích thực, gần gũi mà quý giá quanh ta.

Đúng vậy, “tình huống là một lát cắt của sự sống”, cắt ngang những mảnh đời thèm khát kiếm tìm khắp năm châu bốn bể, là một sự kiện diễn ra có phần bất ngờ, bởi những nghịch lý mâu thuẫn xoay quanh những suy nghĩ, chiêm nghiệm của cuộc đời, “chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người”. Và phải chăng những nghịch lý ấy đã chi phối những giá trị gần gũi, mà lại gợi lên những chiều sâu tâm hồn và cả những tình cảm đang mắc vào những mâu thuẫn trong truyện ngắn “Bến quê”?

VŨ MINH PHƯƠNG
(NĂM HỌC 2015-2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét