Thông tin liên lạc

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Sức sống tiềm tàng của Mị và A Phủ



Có thể nói Tô Hoài là một nhà văn không “nuông chiều” “những đứa con tinh thần” của mình , bằng chứng là từ đầu đến giờ chúng ta đã thấy rõ số phận khổ đau, bất hạnh và buồn tủi đến cùng cực của các nhân vật . Đó là nỗi đau của cô gái trẻ không được lấy người mình yêu , vì chữ hiếu phải nuốt nước mắt về làm dâu trừ nợ . “Cơm nhà giàu khó nuốt” , cuộc đời và tuổi xuân của nàng phải chôn vùi trong cái nơi mà nàng gọi là “nhà chồng” với biết bao cơ cực trong những việc làm nặng nhọc hằng ngày và những nỗi đau về tinh thần không gì bù đắp nổi . Đó là thân phận mồ côi không nơi nương tựa , bị hắt hủi và coi thường của một chàng trai chất phác , hiền lành , giỏi việc phút chốc cũng phải chịu cảnh đọa đày , nhọc thân dưới bàn tay tàc ác của bọn cường hào ác bá lúc bấy giờ .
Nhưng “ở đâu có áp bức , ở đó có đấu tranh” , nhân vật của Tô Hoài không phải là những con người chỉ biết sống mòn mỏi cho qua những chuỗi ngày lầm than . Tận sâu bên trong tâm hồn họ luôn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng mà hễ có cơ hội là được thể hiện rất rõ nét . Trên nền tăm tối của số phận , sức sống ấy càng nổi bật , chói lòa và mãnh liệt hơn bao giờ hết .Ta có thể thấy rõ điều này qua nhân vật chính của chúng ta – Mị.
1.Sức sống tiềm tàng của Mị .
Chúng ta hãy thử nhìn lại xem , phản ứng của nhân vật này với số phận bất hạnh thế nào . Mở đầu chỉ là tiếng khóc “có đến hàng mấy tháng , đêm nào Mị cũng khóc”.Tiếng khóc ấy là biểu hiện của trạng thái tâm lí bị ức chế, không cam chịu, không chấp nhận cái sự thật nghiệt ngã . Tiếng khóc kết thúc cuộc đời tuổi trẻ đầy sức sống , yêu đời , yêu người của một cô gái và cũng chính tiếng khóc ấy , mở ra một cuộc đời mới đầy khổ đau và bi kịch . Cuộc đời cực nhục làm Mị mất hết cảm giác , mất hẳn ý thức về đời sống . Khi mới về làm dâu , Mị đã định ăn lá ngón tự tử . Song vì cha , Mị đã chấp nhận cuộc sống trâu ngựa . Có thể nói , chính chữ hiếu đã cho Mị động lực sống qua những thời khắc cùng cực đầu tiên của cuộc đời.
a) Đêm tình mùa xuân
Sức sống mãnh liệt của Mị được thể hiện rõ nèt nhất trong đêm tình mùa xuân . Mùa xuân , mùa của những mầm sống mới , mùa của sự tươi trẻ , mùa của tình yêu và cũng làm thức dậy cả một kí ức tươi đẹp, lòng ham sống đến cuồng nhiệt của một cô gái bị giam hảm quá lâu về thể xác lẫn tinh thần . Mùa xuân đến với bản Mèo bằng Những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ” , bằng “đám trẻ đợi Tết , chơi quay , cười ầm trên sân chơi trước nhà” , bằng “tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi” nơi đầu núi . Và cũng chính tiếng sáo này đã thức tỉnh Mị . Tiêng sáo mở đầu cho chuỗi hành động bộc phát dẫn đến bi kịch của Mị . Phản ứng đầu tiên là “Mị nhẩm  thầm bài hát của người đang thổi” , bao nhiêu năm tù túng , bao nhiêu năm cực nhọc , bao nhiêu năm bị chà đạp thua con trâu , con ngực trong nhà thống lí Pá Tra không dập tắt được những kí ức về tuổi trẻ của Mị . Chỉ cần một tiếng sáo nhẹ nhàng , tất cả ùa về không có gì cản nổi . “Mị cũng uống rượu . Mị lén lấy hũ rượu , cứ uống ừng ực từng bát”. Tại sao , tại sao một người con gái lại có thể có hành động mạnh mẽ và dữ dội đến như thế ? Vì mùa xuân làm cho tâm hồn người ta nôn nao , rạo rực ,vì tiếng sáo gợi nhắc lại tuổi thanh xuân đẹp đẽ , vì cảnh đời tủi nhục quá lâu hay vì buồn , vì cảm thấy trong lòng trống rỗng . Thiết nghĩ , vì lí do gì thì lần đầu tiên trong suốt tác phẩm từ đầu đến giờ , Mị cũng đã làm một việc bốc đồng một cách tự nhiên và thoải mái nhất , sống chân thật với bản thân mình nhất . “Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo . Mị uốn chiếc lá trên môi , thổi lá cũng hay như thổi sáo”.
Nhưng điều làm Mị khổ tâm nhất là khi rượu tan , tiếng sáo ngừng , Mị lại phải đối mặt với thực tại khắc nghiệt . Người đọc hẳn sẽ cảm nhận được cái hụt hẫng , cái đau đớn qua những dòng văn khắc khoải tâm trạng “Mị ngồi trơ một mình giữa nhà” , “Mị từ từ bước vào buồng” , “Mị ngồi xuống giường , trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng” ,hình ảnh đối lập hoàn toàn với cái “phơi phới trở lại , trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước” . Thường thì khi ta ao ước một điều gì giản đơn mà không thực hiện được bởi thực tại không cho phép , ta thường dễ rơi vào tâm trạng chán nản , buồn bực . Mị cũng không ngoại lệ . Tất cả ước mơ , khát vọng một thời tuổi trẻ bị bó gọn trong cái “lỗ vuông mờ mờ trăng trắng’ kia quả là một đòn tra tấn đau đớn hơn bất cứ sự hành hạ về thể xác nào . Sự thất vọng não nề ấy đeo bám Mị dẫn đến một loạt các hành động bộc phát “Mị đến góc nhà , lấy ống mỡ , xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng” , hành động này tưởng chừng như vô thưởng vô phạt , nhưng thật chất là có lí do , hình ảnh ngọn đèn sáng có thể ví như một chút niềm vui , một chút hi vọng le lói trong cuộc đời tối tăm của Mị ; thắp lên ngọn đèn cũng là khát vọng được sống lại một lần nữa thật trọn vẹn cuộc đời mà nàng đã bỏ quên ngày trước , dù chỉ là trong một khoảnh khắc rất nhỏ . Không biết là do hơi men trong rượu , do quá chán nản cuộc sống hiện tại hay do quá khát khao được thoát khỏi sự tù túng mà Mị lại lẳng lặng “quấn lại tóc”,”với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”,sửa soạn đi chơi , thậm chí không buồn trả lời câu hỏi của chồng nàng . Có thể biện minh cho hành động này là một khi con người ta không còn gì để mất , người ta sẽ bất cần và không còn biết sợ là gi nữa .
Nhưng cũng vì những hành động nhất thời này mà nàng phải trả giá . Đó là việc bị trói đứng trên cây cột bởi chính người chồng của nàng . Nỗi đau về thể xác không lấn át được nỗi đau về tinh thần . Mặc dù bị trói , Mị vẫn “đứng im lặng , như không biết mình đang bị trói”, “hơi rượu còn nồng nàn , Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi , những đám chơi” , “Mị vùng bước đi”,”Mị nín khóc , Mị lại bồi hồi”, “nồng nàn da diết nhớ”. Mị đâu còn sống bằng thể xác nữa mà Mị đang thực sự đang sống bằng tâm hồn. A Sử trói được thể xác của Mị nhưng không thể nào trói được tâm hồn của Mị. Bởi tâm hồn Mị đã vượt ra khỏi cái lỗ vuông bằng bàn tay kia để sống cùng đêm tình của tuổi trẻ. Có một chi tiết rất đắt khi nhà văn kết thúc diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân. Đó là chi tiết: Mị tỉnh dậy và nhớ lại câu chuyện người đàn bà bị chồng trói chết trong căn nhà này. Và Mị đã sợ, sợ chết "Mị cựa quậy xem thử mình còn sống hay đã chết". Sợ chết là biểu hiện của lòng ham sống. Sức sống trong con người khốn khổ ấy đã không lụi tàn mà ngược lại vẫn mãnh liệt , như tự dặn lòng mình không được bỏ cuộc, phải tiếp tục đấu tranh .
b)Đêm mùa đông
Sức sống tiềm tàng của Mị không chỉ dừng lại ở đó . Nó còn được bộc lộ rõ nét trong đêm mùa đông . “Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn” , người bạn mỗi đêm của Mị chính là bếp lửa đỏ . Hơi ấm từ bếp lửa giữ cho Mị khỏi chết rét và chết héo . Ánh sáng từ ngọn lửa ấy đã soi rõ khuôn mặt của A Phủ , để cho Mị bừng tỉnh, lòng thương người trỗi dậy trong trái tim đã quá đỗi khô cằn cho cái gọi là cảm xúc yêu thương . Lúc này đây, Mị mới thấm thía được nỗi cùng cực của kiếp người . Mị thấy đồng cảm với A Phủ , thấy A phủ sao mà giống mình đến thế . Mị giằng xé dữ dội giữa mạng sống của mình và người đồng cảnh ngộ “Mị phải trói thay vào đấy , Mị phải chết trên cái cọc ấy  . Thế nhưng “làm sao Mị cũng không thấy sợ” .
Hành động Mị cắt dây trói , giải thoát cho A Phủ không phải là hành động bản năng . Đúng hơn, cùng với sự trỗi dậy của ký ức, khát vọng sống tự do, đã khiến Mị chạy theo người mà mình vừa cứu. Mị giải thoát cho A Phủ và giải thoát cho cả bản thân mình! Hành động táo bạo và bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái yếu ớt dám chống lại cả cường quyền và thần quyền.
2.Sức sống tiềm tàng của A Phủ

Cũng là nạn nhân của chính sách cho vay nặng lãi, A Phủ trở thành trâu ngựa trong nhà Pá Tra. Từ một chàng trai khỏe mạnh “chạy nhanh như ngựa , con gái trong làng nhiều người mê”,”công việc làm hay đi săn , cái gì cũng làm phăng  phăng” , “A Phủ phải đi ở trừ nợ cho nhà quan thống lí Pá Tra” . Tuổi thơ bất hạnh cũng như cảnh đời cơ cực đã trói buộc con người này, nhưng không làm mất đi sức sống tiềm tàng vốn dĩ đã có sẵn trong máu từ khi chàng còn là một cậu trai trẻ  “mới mười tuổi đã gan bướng , không chịu ở dưới cánh đồng thấp”, “trốn lên núi, lưu lạc đến Hồng Ngài”và sau khi đã thành một chàng thanh niên “chỉ có độc một chiếc vòng vía lằn trên cổ , A Phủ cũng cứ cùng trai làng đem sáo , khèn , đem con quay và quả pao , quả yến đi tìm người yêu ở các làng trong vùng” . Không chỉ khỏe mạnh về thể chất , A Phủ còn là một chàng trai mạnh mẽ về tinh thần , dám trừng trị cả con nhà quan , đến khi bị bắt vẫn “quỳ chịu đòn , im như cai tượng đá” và mặc dù đi ở trừ nợ  , chàng vẫn “đốt rừng , cày nương , cuốc nương , săn bò tót , bẫy hổ , chăn bò, chăn ngựa , quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ở ngoài rừng”. Có thể nói , Tô Hoài đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật này , đặc biệt là hành động cuối đoạn trích “trước khi cái chết có thể đến nơi ngay , A Phủ lại quật sức vùng lên , chạy” và câu nói “đi với tôi” là minh chứng rõ nét nhất về sức sống mãnh liệt của nhân vật này .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét