Nhà văn Tô
Hoài là nhà văn hiện thực nổi tiếng trước Cách Mạng Tháng Tám. Ông là người có
vốn hiểu biết phong phú vê phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất
nước ta, trong đó Tây Bắc là một điển hình sâu sắc nhất. Trong tác phẩm Vợ Chồng
A Phủ, Tô Hoài đã làm nên bức tranh hai màu sáng tối, mà đứng đầu hai thái cực ấy
chính là cha con thống lý Pá Tra và vợ chồng A Phủ.
Dựa trên
hình ảnh của một nhân vật có thật trong Mùa Chống Lâu, một tên độc ác, chuyên
chống phá cách mạng, Tô Hoài đã xây dựng nên hình tượng thống lý Pá tra thật đặc
sắc.
a. Điểm đầu tiên mà Tô Hoài Khắc hoạ chính
là một thống lí Pá Tra giàu có
“Người ta thường nói: nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của
dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán,
giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng”
“Cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng
ma, xung quanh chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên nhảy xuống, run
bần bật. Vừa hết bữa cơm lại tiếp ngay đến bữa rượu bên bếp lửa”.
Cách mở đầu giới thiệu
câu chuyện mờ nhòe như cách mào đầu của cổ tích, sơ lược giới thiệu chân dung
thống lí qua lời đồn. Tuy vậy phần nào khái quát được bản chất gian hùng của hắn:
“ăn của dân nhiều” – một mặt hà hiếp, bóc lột người dân, “Tây lại cho muối về
bán, giàu lắm”, mặt khác lại làm tay sai cho thực dân, bán đứng dân tộc. Cho thấy
Pá Tra là một kẻ độc ác, tàn nhẫn, tham lam. Việc khắc họa thống lí qua cảnh
giàu sang của hắn càng góp phần bộc lỗ rõ bản chất xấu xa của hắn. Bởi một lẽ:
của cải công sức đó làm ra toàn bằng xương máu, nước mắt nhân dân. Đã bao nhiêu
người phải chết, đã bao nhiêu cuộc đời bị hủy hoại để làm nên đống gia sản ấy.
b. Điểm nổi bậc thứ hai chính là một thống lý Pá Tra
chìm đắm trong nghiện ngập, sa đọa
Tô Hoài miêu tả “Trong nhà ông thống lí bày ra năm cái bàn
đèn. Khối thuốc phiện tuôn ra các lỗ cửa sổ tun hút xanh như khói bếp”, “trên
nhất là thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra hút xong một lượt năm điếu, đến người
khác hút, lại người khác hút, cứ thế lần lượt xuống tới bọn đi gọi người về kiện”.
Cho thấy lối sống truỵ lạc của một gia đình giàu có quyền lực nhất Hồng Ngài, được Tô Hoài Khắc hoạ trong sự
tương phản với cuộc sống cực khổ lam lũ của người dân Hồng Ngài. Sau khi “phiên
xử” A Phủ kết thúc, trong nhà “thuốc phiện
vẫn hút rào rào”.
c. Nhưng điển hình nhất vẫn là tính cách độc ác, tàn
nhẫn, bạo ngược
Cha con thống lý Pá
Tra đã bắt Mị về trả nợ thay cha, hành hạ đày đọa Mị. Lời A Sử nói với bố Mị: “ Tôi đã cướp con gái bố làm vợ, tôi đem về
cúng trình ma nhà tôi rồi, bây giờ đến trình cho bố biết.Tiền bạc để cưới thì bố
tôi bảo đã đưa cho bố cả rồi”. A Sử
dùng Mị để gán nợ, và việc A Sử dùng từ “cướp” một cách ngang nhiên cho thấy
quyền lực, và vị trí của hắn ở Hồng Ngài này như thế nào. Để từ đó hắn cho mình
cái quyền chà đạp nhân phẩm con người, xem họ như một món hàng không
hơn không kém, muốn bắt là bắt, muốn hành hạ thì hành hạ.
Suốt quá trình Mị ở
nhà thống lí đã chịu sự giày vò cả về thể xác lẫn tâm hồn, trên danh nghĩa là
con dâu nhà Pá Tra- Vợ của A sử nhưng Mị cũng như bao người phụ nữ trong ngôi
nhà này, không hơn một kẻ nô lệ hạng bét, bị cha con Pá tra đánh đập, sỉ vả, tước
đi mọi quyền sống mà đáng ra nếu không vì món nợ của cha thì cô không vào cảnh
này. Chính món nợ ấy đã khiến cô sống cũng không được mà chết cũng không xong,
đã bao lần tính sử dụng lá ngón để tự vẫn nhưng vì cha “thế là Mị không đành lòng chết”. Tất cả chính là do
bàn tay độc
ác, bạo ngược của thống lí.
Thủ đoạn dùng thần quyền để giam hãm tâm hồn con người
Cha con Pá tra ngang
nhiên bắt Mị về nhà, không những thế hắn còn dùng cả thần quyền để giam Mị,
giam giữ cái thể xác luôn gắn liền với một đức tin bao lâu nay của những người ở
đây. Ngay sau khi Mị bị bắt
về nhà thống lí thì “ngoài vách kia, tiếng
nhạc sinh tiền cúng ma đương rập rờn nhảy múa”.
Giống như
Mị, A Phủ cũng bị cái gọi là thần quyền “ghi nợ” với A Phủ: “A Phủ cúi sờ lên đồng
bạc trên tráp, trong khi Pá Tra đốt hương, lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người
vay nợ”.
Đức tin về
thần quyền là một nét đặc trưng về tín ngượng của người miền núi, có phần mê
tín dị đoan, và chính đức tin này đã trở thành thứ công cụ để bọn địa chủ miền
núi dùng để đàn áp tinh thần người dân và giam hãm họ như một thứ vũ khí ghê rợn,
không tốn sức, thứ thủ đoạn tinh vi, độc ác, giày vò tinh thần con người.
Với những
chi tiết miêu tả phong tục không khỏi khiến người đọc rùng mình: tiến nhạc sinh
tiền, mùi hương khói, những buổi lễ âm u, những nghi thức cầu ma… đã thể hiện sự
am hiểu về phong tục của tác giả, đồng thời cũng phác vào bức tranh thiên nhiên
phong tục Tây Bắc nhiều màu sắc, một gam màu u ám, ma mị, đậm chất hiện thực.
Thống lí Pá tra lộ rõ sự tàn nhẫn, độc ác
thể hiện trong “phiên tòa” xử A Phủ. Đó là một “Phiên tòa”
tàn nhẫn, vô nhân tính khi người bị xử chưa được tuyên án đã phải chịu tra tấn,
đòn roi dã man.“Cứ mỗi đợt bọn chức việc
hút thuốc phiện xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến
đánh.” “Xong một lượt đánh, chửi, kể, lại hút”. “Càng hút, càng tỉnh, càng
đánh, càng chửi, càng hút”. A Phủ bị đánh tới mức “hai đầu gối bạnh lên như hai mặt hổ phù”, “chân đau bước tập tễnh”.
Cái quyền lực trong tay cha con hắn, khiến hắn có thể làm mọi thứ mà hắn muốn. Ở
Hồng Ngài cha con Pá Tra là vua, hắn muốn ai chết, thì người đó khó sống, bằng
quyền lực hắn cũng biến A Phủ thành kẻ nô lệ không công của mình, mặc hắn sai
khiến, trách phạt. Cụm từ “Chửi, đánh,
hút” lặp đi lặp lại trong mối quan hệ tăng tiếng làm nổi bậc lên sự nghiện
ngập sa đọa của bọn thống trị miền núi và sự tàn nhẫn dã man của chúng. Bên cạnh
đó là giọng văn gọn, ngắn, câu văn khuyết chủ ngữ, nhịp cắt nhỏ; giọng điệu
khách quan, lạnh lùng của ngòi bút hiện thực nhưng lại phảng phất đâu đó cái
khinh thường, nhạo báng của nhà văn.
“Phiên
tòa” khôi hài, dị hợm khi hội đồng xét xử từ cao nhất là thống lí đến đứa thấp
nhất là bọn chức việc đều là những con nghiện, ngập ngụa trong khói thuốc phiện.
Những kẻ đứng đầu ở đây toàn là những con quỷ dữ, những kẻ cậy quyền, tàn ác, độc
địa, sống trên những đồng tiền của Pá Tra, và bị Pá Tra biến thành một công cụ
hữu hiệu để hắn thống trị Hồng Ngài một cách dễ dàng. Vì thế mà không ngạc
nhiên khi bản án đưa ra bởi thống lý Pá Tra cũng rất vô lí: Đánh người làng thì
phải “Nộp cho thống quán năm đồng, mỗi
xéo phải hai đồng, mỗi người đi gọi các quan làng về năm hào. Mày phải mất tiền
mời các quan hút thuốc từ hôm qua đến hôm nay”
Bản chất
cường hào ác bá, bóc lột vơ vét của bọn địa chủ phong kiến và tay sai của chúng
bộc lộ rõ nét. Càng nực cười hơn là A Phủ phải bỏ tiền “mời các quan hút thuốc” để các quan đánh đập, hành hạ mình.
Đánh con
quan làng thì “phải xử tội chết, nhưng
làng cho mày được sống mà nộp phạt”. Một bản án bất công khác mà A Sử mới
chính là kẻ gây tội, mới là kẻ quấy rối, gây sự. Thật ra đây chính là phần mở đầu
của thứ thủ đoạn tinh vi hơn: Dùng món nợ để nô lệ hóa con người, không chỉ một
thế hệ, mà nhiều thế hệ. “Cả tiền phạt,
tiền thuốc, tiền lợn mày phải chịu một trăm bạc rtắng. Mày không có trăm bạc
thì tao cho mày vay để ở nợ. Bao giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền
giả thì tao bắt mày ở làm con trâu, con ngựa nhà tao. Đời mày, đời con, đời
cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Đây chính là thủ
đoạn tinh vi để nô lệ hóa con người của thống lí. Bắt bớ một kẻ tội nghiệp, tra
tấn đánh đập anh ta, kết tội anh ta, gán anh ta vào một món nợ, cho anh ta vay
nợ và biến anh ta thành nô bộc để trả nợ dần. Thủ đoạn này làm ta nhớ đến một
bá Kiến “đẩy nó xuống nước rồi lại cứu nó
lên cho nó trả ơn”. Nó thâm độc ở chỗ một người như A Phủ làm lụng bao đời
mới trả hết được món nợ ấy, một con số ngẫu nhiên người ta tuyên phạt vào anh?
Và như vậy A Phủ trở thành nô lệ suốt đời cho thống lí mà không có cơ hội
thoát.
Không phải
ngẫu nhiên mà nhà văn miêu tả chi tiết: A Phủ “nhặt bạc, nhưng nhặt xong lại để ngay xuống mặt tráp. Rồi Pá Tra lại
trút cả vào trong tráp”. Chi tiết này đã tố cáo thủ đoạn thâm độc của Pá
Tra, đồng thời bật lên tiếng cười mỉa mai của tác giả. Tiền trong tráp Pá Tra lại
trở lại tráp Pá Tra, chỉ trong khoảng tích tắc ấy mà một con người tự do đã trở
thành nô lệ. Quá trình vay tiền, đóng phạt diễn ra trong tích tắc, người thu tiền
phạt cũng là Pá Tra, người cho vay cũng lại là Pá Tra, đầy mỉa mai, chua chát.
Thủ đoạn này còn thâm độc hơn nữa khi không chỉ nô lệ một người, mà còn nô lệ
nhiều thế hệ “đời mày, đời con, đời cháu
mày cũng thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Đây cũng chính là cách Mị bị biến
thành nô lệ nhà thống lí và phải chăng còn nhiều nữa những nạn nhân của
chúng? Của cải nhà thống lí có được đều
từ xương máu của những người này mà ra, những nạn nhân của thứ thủ đoạn thâm độc
của thống lí.
Cha con thống
lý Pá Tra coi rẻ mạng sống con người, chà đạp nhân phẩm con người một cách
không thương tiếc, cuộc sống trong gia đình Pá Tra không khác gì từ thời chiếm
hữu nô lệ, thậm chí nó còn tệ hơn. Cha con Pá Tra tự trao cho mình cái quyền
sinh sát khi trong tay mình là những con nợ hắn dùng thủ đoạn cướp về. A Sử đánh
Mị không thương tiếc, A Phủ bị hành hạ dã man, và bao người đã đang và sẽ tiếp
tục bị hành hạ như vậy. “Người đàn bà lấy
chồng ở Hồng Ngài thì một đời con người chỉ biết đi theo đuôi ngựa của chồng.”
“Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lí Pá Tra
có một người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết
rồi”. “A phủ bị trói chờ chết”, Cái lo lắng của Mị: “Biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là
mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc
ấy”. Những chi tiết này đã cho thấy bản chất độc ác, tàn nhẫn coi rẻ mạng
người của thống lí Pá Tra. Một mạng người trong tay thống lí có thể bị cướp đi
bất kì lúc nào, cho thấy sự gian hùng,
tàn nhẫn của giai cấp thống trị, sự độc ác vô nhân tính của chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét