Thông tin liên lạc

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

QUẲNG GÁNH LO ĐI MÀ XEM TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ


Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Truyền hình thực tế tạo ra sự đói khát nổi tiếng. Điều quan trọng trong cuộc sống, nó dạy ta, đó là hào quang trên sân khấu và sự chú ý của đám đông. Theo một khảo sát ở Anh, cứ 10 thiếu niên thì có một người sẵn sàng bỏ học để xuất hiện trên TV. 16% tin rằng rồi chúng sẽ nổi tiếng.[…]
Truyền hình thực tế đã trở thành thuốc phiện mới của quần chúng. 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể bị nhấn chìm bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ư? Mỗi năm hàng nghìn ha rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá và lấn chiếm ư? Hãy để những chuyện đó sang một bên, đừng làm tớ mất tập trung, cuộc đua giữa “hoàng tử tóc xoăn” và “cô bé khiếm thị” đang gay cấn.

“Khi dân chúng bị sao nhãng bởi những điều tầm phào, khi đời sống văn hóa được tái định nghĩa thành một cuộc giải trí vĩnh cửu, khi những hội thoại nghiêm túc trở thành cái bập bẹ của trẻ nhỏ”, nhà phê bình Neil Postman viết trong cuốn “Tiêu khiển cho tới chết: Diễn ngôn công trong thời đại showbiz” của ông, “tóm lại, khi người dân trở thành khán giả, những quan tâm của họ trở thành tạp kĩ, thì một dân tộc đang gặp hiểm nguy; cái chết về văn hóa là một khả năng rõ ràng”.
Các tác giả Đức Georg Seeßlen và Markus Metz gọi ngành công nghiệp truyền thông, quảng cáo, showbiz, thời trang hiện đại là những cỗ máy làm cho người ta trở nên đần độn. Trong cuốn “Những cỗ máy làm đần: quá trình sản xuất ra sự ngớ ngẩn”, họ cảnh báo là quá trình đần độn hóa này sẽ luôn tiếp diễn. “Một đặc điểm cơ bản của cỗ máy làm đần này là nó muốn tạo ra giải trí bằng mọi giá. Mục tiêu của nó là tăng trưởng vô độ, và do đó, sự sản xuất ra tiêu khiển liên miên một mặt gây cảm giác thừa mứa, mặt khác tạo ra mong muốn có thêm tiêu khiển nữa, mới hơn, đần độn hơn”. Nói nôm na, giống như với bất cứ thói nghiện nào, càng ngày người ta càng cần liều nặng đô hơn. Họ thèm khát cái khoái cảm chốc lát mà không biết mình đi vào bần cùng, ở đây là bần cùng về tinh thần. […]
Chúng ta đã trở thành những con bò ngoan ngoãn ăn cỏ trong chuồng của những tập đoàn truyền thông. Trong cơn đói tiêu khiển vô độ, chúng ta đã quên rằng mình không còn tự do.
(Đặng Hoàng Giang, Quảng gánh lo đi mà xem truyền hình thực tế, trích “Bức xúc không làm ta vô can”, NXB Hội nhà văn, 2015)
1.      Xác định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản trên. (1 điểm)
2.      Xác định các thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản trên. (2 điểm)
3.      Ảnh hưởng của truyền hình thực tế đến công chúng được tác giả so sánh với điều gì? Những cơ sở nào dẫn đến sự so sánh đó? (3 điểm)
4.      Theo anh/chị, việc bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế như hiện nay có tác hại gì đến giới trẻ và có những giải pháp nào cho tình trạng đó? Hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang tập học sinh) trình bày suy nghĩ của mình.









ĐÁP ÁN
1.      Phong cách ngôn ngữ chính luận
2.      Thao tác lập luận: Bình luận, phân tích, chứng minh.
3.      Ảnh hưởng của truyền hình thực tế đến cuộc sống được so sánh với thuốc phiện.
-          Cơ sở của so sánh:
o   Giống như thuốc phiện quyến rũ con người, truyền hình thực tế khiến công chúng không thể chú tâm vào việc gì khác ngoài nó.
o   Truyền hình thực tế có tác hại chết người giống như thuốc phiện, ở đây là cái chết về văn hóa.
o   Nhu cầu về truyền hình thực tế càng lúc càng tăng lên cũng giống như cơn nghiện càng lúc càng nặng.
4.      Học sinh có thể trả lời một số ý sau:
-          Tác hại:
o   Khiến giới trẻ mải mê theo dõi mà quên đi việc học tập, chăm sóc bản thân.
o   Khiến giới trẻ ảo tưởng về sự nổi tiếng và sẵn sàng bất chấp tất cả để nổi tiếng.
o   Nhiều chương trình truyền hình thực tế gây ra tiếng cười bằng cách chế giễu khiếm khuyết của người khác è khiến giới trẻ trở nên vô tâm và tàn nhẫn.
o   Nhiều chương trình thực tế dạng các cuộc thi có dàn xếp kết quả trước è Làm giới trẻ mất niềm tin vào sự công bằng…
-          Giải pháp:
o   Tuyên truyền giúp giới trẻ hiểu rõ bản chất của chương trình truyền hình thực tế.
o   Gia đình, nhà trường cần định hướng giới trẻ cách sống tích cực, có mục đích sống rõ ràng, biết rèn luyện bản thân để khẳng định mình, cần hiểu rằng việc nổi tiếng có được là do cả một quá trình rèn luyện và cần tài năng chứ không phải chỉ là một phút tỏa sáng trên truyền hình thực tế.
Cần giáo dục để giới trẻ biết chọn lọc thông tin giữa sự bùng nổ chương trình truyền hình thực tế như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét