Thông tin liên lạc

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH


Anh/chị hãy đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng”, nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal đã nói vậy vào giữa thế kỉ 17. Căn nguyên của rắc rối, theo ông, là chúng ta luôn tìm cách chạy trốn bản thân. Không muốn đối diện với chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích tiếp theo, như một con khỉ không thể ngừng văng mình tới cành cây trước mặt.

Nếu sống ở đầu thế kỉ 21, chắc hẳn Pascal đã diễn tả khác đi một chút: “Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời smartphone để ngồi yên một mình”. Chưa bao giờ người ta lại dễ dàng chạy trốn bản thân như bây giờ. Không cần phải đợi về tới nhà để bật ti vi nữa, bất cứ lúc nào và ở đâu, chỉ cần một cái gõ lên điện thoại là người ta sẽ được cuốn trong cái biển âm thanh hỗn độn của mạng xã hội. […]
Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Mê man với nhau trên mạng, chúng ta có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái to lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới. Thay vì bình tâm ngắm một hoàng hôn lộng lẫy, chúng ta điên cuồng tìm những cái lọc khác nhau để chụp mấy chục cái ảnh, rồi bận rộn tìm một cái “đạt” nhất để post lên, băn khoăn nghĩ một lời tựa hấp dẫn.
Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo một quá trình tự diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn, với mục tiêu tối đa tạo sự chú ý cho người khác. Sự chú ý là ôxy và mỗi post là một cố gắng để người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newfeed tràn qua nhấn chìm. Mỗi lần ngoi lên là một lần chống lại cảm giác bị bỏ rơi, nằm ngoài cuộc.
(Theo Đặng Hoàng Giang, Vẻ đẹp của người đứng một mình, trích “Bức xúc không làm ta vô can”, NXB Hội nhà văn, 2015)
1.      Xác định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản. (0.5 điểm)
2.      Qua nhan đề “Vẻ đẹp của người đứng một mình”, tác giả muốn truyền tới người đọc thông điệp gì? (1 điểm)
3.   Theo anh/chị, lối sống dùng mạng xã hội để “chạy trốn bản thân” có những tác hại gì tới giới trẻ? Làm thế nào để khắc phục hiện tượng đó? Hãy viết một đoạn văn khoảng 10 câu để trả lời các câu hỏi trên. (1.5 điểm)

ĐÁP ÁN
Câu 1:
1.      Phong cách ngôn ngữ chính luận (0.5 điểm)
2.      Thông điệp được tác giả gửi gắm trong nhan đề “Vẻ đẹp của người đứng một mình”:
-          Để có được “vẻ đẹp của người đứng một mình”, con người cần phải biết thoát khỏi sự cám dỗ của đám đông trên mạng xã hội. (0.5 điểm)
-          Mỗi người cần dành cho mình không gian riêng để “đứng một mình”, đối diện với chính mình để khám phá ra những vẻ đẹp của bản thân. (0.5 điểm)
Chấp nhận những cách diễn đạt khác nhưng cần đảm bảo đủ hai ý nêu trên.
3.      Đoạn văn:
a.       Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh cần đảm bảo hình thức đoạn văn, đoạn văn cần có câu luận điểm, các câu trong đoạn liên kết mạch lạc, biết kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng.
b.      Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trả lời các ý sau:
-          Việc giới trẻ dùng mạng xã hội để “chạy trốn bản thân” có những tác hại sau:
o   Người trẻ càng lúc càng cô đơn do mải mê chăm chút cho những giao tiếp hời hợt trên mạng xã hội.
o   Họ bỏ lỡ những vẻ đẹp của cuộc sống bởi vì chỉ chăm chăm cập nhật thông tin lên mạng xã hội thay vì cảm nhận chúng.
o   Họ chỉ lo chăm sóc hình ảnh trên mạng xã hội mà không chăm sóc tới bản thân, dẫn tới sức khỏe và tinh thần sa sút.
o   Họ có thể dần tha hóa, vô cảm và có những hành động ảnh hưởng xấu đến mọi người…
-          Cách khắc phục:
o   Mỗi người cần rèn luyện lối sống tích cực, tập thể theo rèn luyện sức khỏe, giao lưu cùng mọi người và cần biết tự chủ, không để bị phụ thuộc vào smartphone.
o   Các thành viên trên mạng xã hội tổ chức các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, các hoạt động từ thiện giúp ích cộng đồng.
o   Gia đình quan tâm bảo ban, giúp người trẻ nhận thức được những tác hại của việc “chạy trốn chính mình trên mạng xã hội”.
Nhà trường và các tổ chức xã hội tổ chức các hoạt động bổ ích, thiết thực để người trẻ có cơ hội đối diện với chính mình, dần thấu hiểu và nhận ra những vẻ đẹp của bản thân…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét