Thông tin liên lạc

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

MỘT SỐ ĐỀ PHÂN TÍCH ĐỊNH HƯỚNG VỀ XUÂN DIỆU

Đề 1: Phân tích đoạn thơ từ “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua… Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”(Vội vàng – Xuân Diệu) để làm rõ hình thức nghệ thuật điêu luyện của đoạn thơ.


GỢI  Ý THÂN BÀI
I.                   Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích.
II.                Phân tích đoạn thơ (Đề cương)
III.             Làm rõ hình thức điêu luyện của bài thơ
-          Kết cấu triết luận – trữ tình, có sự kết hợp hài hòa giữa mạch luận lý và mạch cảm xúc, trong đó mạch cảm xúc nổi lên trên tác động vào tâm hồn bạn đọc, mạch luận lý chìm xuống dưới trở thành cấu cứ bài thơ. Đoạn thơ trên chính là phần mở đầu của mạch luận lý, nêu lên lí do thứ nhất con người phải sống vội vàng: Cuộc đời là một thiên đường nơi trần thế. Đoạn thơ trên kết hợp với quan niệm của thi sĩ về thời gian tuyến tính chính là những lập luận chặt chẽ, thuyết phục để kêu gọi, giục giã mọi người sống theo cách sống “Vội vàng”.
-          Giọng điệu say mê, sôi nổi với một loạt các điệp ngữ “này đây” cùng phép liệt kê các hình ảnh đậm nét xuân sắc, thanh tân cho thấy một tâm trạng hăm hở, ráo riết, tham lam như muốn chiếm lĩnh lấy tất cả vẻ đẹp của cuộc đời này. Giọng điệu ấy bắt nguồn từ chính quan niệm về thời gian của Xuân Diệu, mỗi phút giây trôi qua là biến mất mãi mãi nên cần trân trọng từng khoảnh khắc, phải sống vội vàng hơn, trọn vẹn hơn.
-          Ngôn từ độc đáo: Với các cách diễn đạt có vẻ riêng Tây mà gợi cảm: tuần tháng mật, vội vàng một nửa, thần Vui…
-          Hình ảnh thơ sáng tạo, tác động mạnh vào giác quan: đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi…
-          Sự tương giao về cảm giác, thức nhọn giác quan để cảm nhận mọi vẻ đẹp của trần thế này: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
-          Nhịp điệu: Bài thơ có nhịp điệu dồn đẩy tạo cao trào, kịch tính, cuối mỗi phần sẽ là những câu thơ báo hiệu cảm xúc chủ đạo của phần sau, giống như những cơn sóng gối lên nhau tạo nên một cao trào cảm xúc mạnh mẽ, xô đẩy tâm trí và cảm xúc người đọc đến với luận đề của tác phẩm: Cách sống “Vội vàng”.
ð NHẬN XÉT: Có thể thấy, Xuân Diệu là bậc thầy về ngôn ngữ, đã sử dụng một cách điêu luyện, mang đến sinh khí mới cho ngôn từ tiếng Việt, sử dụng các cấu trúc diễn đạt mới để làm giàu thêm cho tiếng Việt. Tình yêu tiếng Việt chính là biểu hiện sâu sắc của tình yêu nước thầm kín trong các nhà Thơ mới, như Hoài Thanh nhận xét: “Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ đã qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng”.
***
Đề 2: Phân tích đoạn thơ từ “Ta muốn ôm… Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!” để cho thấy niềm khao khát sống mãnh liệt, sống hết mình của nhân vật trữ tình.
GỢI Ý THÂN BÀI
I.                   Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích
II.                Phân tích (Xem đề cương)
III.             Niềm khao khát sống mãnh liệt, sống hết mình của nhân vật trữ tình
-          Niềm khao khát sống mãnh liệt khiến cho nhân vật trữ tình “thức nhọn giác quan”, mở rộng tâm hồn mình để đón nhận tất cả các vẻ đẹp của cuộc đời, với những vẻ đẹp xuân sắc nhất, thanh tân nhất: sự sống mới bắt đầu mơn mớn, mây đưa và gió lượn, cánh bướm với tình yêu… è Các hình ảnh thơ bật lên những cảm hứng mãnh liệt mà Xuân Diệu luôn khao khát: mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu.
-          NVTT khao khát sống hết mình,  nên cường độ và chất lượng sống cũng đẩy lên đến tận cùng, thể hiện qua các động từ mạnh, như muốn chiếm lĩnh trọn vẹn cuộc sống: riết, say, thâu, cắn…
-          Sống hết mình chính là sống tận hưởng, tận hiến.  Nếu ở bốn câu thơ đầu nhân vật trữ tình muốn “tắt nắng đi”, “muốn buộc gió lại”, một ước muốn ngông cuồng mang dự cảm lo âu, chia lìa, muốn tranh quyền tạo hóa để lưu giữ lại những vẻ đẹp xuân thì mà mong manh của trần gian. Thì đến phần sau, nhân vật trữ tình lại muốn “Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng” è Nhận ra việc lưu giữ tất cả là không thể, nên thuận theo quy luật của thời gian, chấp nhận đối mặt với sự hữu hạn của cuộc đời và vượt thoát khỏi bi kịch nhân sinh bằng cách sống “Vội vàng” èCảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản, sống trọn vẹn, ý nghĩa.
***
Đề 3: Trong “Nhà văn hiện đại”, nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đã viết: “Với những nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía”. Qua việc phân tích đoạn thơ từ “Tôi muốn… tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
GỢI Ý THÂN BÀI
I.                   Giải thích
+Cảm hứng: Cảm xúc mãnh liệt, mãnh mẽ; trạng thái cảm xúc tích cực kích thích sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
+Giọng điệu: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm.” (Theo Từ điển thuật ngữ văn học)
èQua nhận định của mình, Vũ Ngọc Phan đề cập đến hai vấn đề:
Thứ nhất, cảm hứng chi phối sáng tác của Xuân Diệu chính là yêu đương và tuổi xuân. Cảm hứng này ảnh hưởng đến cách thi sĩ xây dựng hình ảnh thơ, kết cấu bố cục thơ.
Thứ hai, Dù là giọng điệu vui hay buồn, thì cuối cùng thơ Xuân Diệu cũng luôn mang giọng yêu đời thấm thía è Đây chính là biểu hiện của một cái tôi tích cực, yêu đời ham sống mãnh liệt, truyền thông điệp sống tốt đẹp đến thanh niên nói riêng và độc giả nói chung.
II.                Phân tích (Đề cương)
III.             Làm sáng tỏ nhận định
1.      Hai cảm hứng chi phối sáng tác của Xuân Diệu chính là yêu đương và tuổi xuân
-          Ở đoạn thơ trên, có thể nhận ra các sự vật, hiện tượng đã được nhà thơ quan sát dưới lăng kính của tình yêu. Thiên nhiên đều có đôi, có cặp (yến anh, tuần tháng mật). Hình ảnh thơ mang sắc thái ngọt ngào, bay bổng: tuần tháng mật, khúc tình si…Con người trở thành thước đo của thiên nhiên và vũ trụ hiện ra như một thiếu nữ xuân tình “ánh sáng chớp hàng mi”,  thời gian “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” trở thành một người tình sẵn sàng dâng hiến…
-          Ở đoạn thơ đầu, cảm hứng về tuổi xuân thể hiện qua cái hình sự vật, hiện tượng trong thời kì tươi mới nhất, xuân sắc nhất của nó. Nói đến một năm phải nói đến mùa xuân, Nói đến một ngày phải nói đến buổi sớm, và nói đến con người phải nói đến tuổi trẻ.
2.      Giọng điệu yêu đời thấm thía trong bài thơ “Vội vàng”
-          Tình yêu đời thấm thía thể hiện qua giọng điệu lo âu, buồn bã, đầy dự cảm chia ly. Điều đó thể hiện qua những ước vọng ngông cuồng đoạt quyền tạo hóa “Tôi muốn tắt nắng đi…”, “Tôi muốn buộc gió lại…”. Thể hiện ở câu thơ đứt đoạn cảm xúc như bước chân ở vườn xuân đang hăm hở bỗng khựng lại: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”. è Nỗi buồn sâu sắc ấy khởi phát từ chính quan niệm về thời gian của Xuân Diệu, từng khoảnh khắc cuộc đời trôi qua đều là biến mất mãi mãi, trên từng giây phút cuộc đời đều diễn ra cuộc chia lìa giữa con người với cuộc đời, giữa con người với không gian và với chính thời gian è Càng yêu cuộc đời bao nhiêu thì nỗi buồn ấy trong thi nhân càng thấm thía, đau đớn bấy nhiêu bởi đó chính là bi kịch hữu hạn đậm chất bi của kiếp nhân sinh.
 -   Tình yêu đời thấm thía thể hiện qua giọng điệu hăm sở, say mê, khát khao của thi sĩ trước thiên đường nơi trần thế. Đó là cái tham lam của một thi sĩ “uống hàm hồ vào dòng suối của tuổi trẻ, cắn hàm hồ vào trái tim của mùa xuân”, của kẻ “cắn tình yêu đến dập môi” muốn chiếm lĩnh trọn vẹn mọi vẻ đẹp xuân sắc và thanh tân của cuộc đời này. Mỗi lần “Này đây” vang lên như một tiếng reo vui hăm hở của một đứa trẻ trong vườn xuân với biết bao vẻ đẹp tuyệt bích như mời gọi con người è Cho thấy quan niệm sống tích cực của Xuân Diệu: Khi các nhà Thơ mới khác tìm đường thoát ly trốn chạy cuộc sống vào cõi khác, Xuân Diệu đóng lại mọi cách cửa trốn chạy, và đã xây một lầu thơ ngay trên trần thế nơi mặt đất – cuộc sống mến thương này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét