[1] Klanarong Srisakul là một cái tên xa lạ và khó đọc với ai
không phải là cư dân Thái. Nhưng tên của chàng thanh niên này đã được hàng
triệu người trên thế giới biết đến khi trong lễ tốt nghiệp, anh bận lễ phục của
Đại học Chualongkorn danh tiếng nhất nước Thái, tìm người cha của mình và quỳ
rạp xuống để lạy ông bên chiếc xe tải chở đầy rác bẩn. Anh bày tỏ lòng biết ơn
với người cha mới chỉ học qua lớp 4 đã dành cả cuộc đời để nuôi dạy mình. Lòng
biết ơn của chàng trai người Thái với người cha của mình thật đẹp. Nó như một
món quà làm cho tôi và những ai biết đến câu chuyện này thêm những khoảng khắc
tin tưởng vào cuộc sống.
[2] Tuy nhiên, tôi cũng suy nghĩ nhiều về thực tế trong khi ở
nhiều quốc gia trên thế giới, “cảm ơn” là khái niệm được dạy để trở thành bản
năng trong hành xử hàng ngày của mọi người, thì ở Việt Nam không dễ để nghe mọi
người nói lời này. Trong công sở, học đường, thậm chí trong cả bệnh viện, nơi
kinh doanh khi kết thúc một công việc, nhiều khi tôi cảm thấy hẫng hụt vì thấy
thiếu vắng lời cảm ơn…
[3] Ở một khía cạnh khác, lòng biết ơn nhiều khi lại trở thành
công thức. Đó là khi nó được viết thành câu chữ trong các bài phát biểu theo
mẫu mà dễ dàng tìm thấy trong nhiều sự kiện hàng ngày kiểu như: “Để có được
ngày hôm nay, chúng em xin tỏ lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, các đoàn thể đã tạo
điều kiện”. Những công thức này đã làm mất đi cốt lõi quan trọng của việc bày
tỏ lòng biết ơn, đó là lời nói đi đôi với sự chân thành và khả năng thể hiện
cảm xúc của bản thân với người khác. Khi nói lời cảm ơn, ta có thể diễn tả một
mối chân tình đơn sơ rằng ta biết mình là một phần của cộng đồng của những
người liên kết với nhau. Và ta cảm thấy an bình, chan hòa và ấm áp vì không đơn
độc trong cuộc sống.
[4] Bởi thế nên tôi luôn mong ước rằng mỗi gia đình hay các thầy
cô sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc dạy trẻ lòng biết ơn mỗi ngày. Một điều
tưởng như rất cũ nhưng lại luôn cần thiết. Hãy nhìn sang một quốc gia tiên tiến
như nước Anh, ta có thể học tập điều này. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho
thấy, 80% các bậc cha mẹ tại Anh vẫn coi “cảm ơn” là bài học quan trọng nhất mà
họ dạy dỗ cho trẻ em.
(Dẫn theo Nguyễn Anh Thi, “Lòng biết ơn”, báo
Vnexpress, ngày 17/10/2015)
1.
Xác định các phương thức biểu đạt trong đoạn văn [1], [2]. (2
điểm)
2.
Ở đoạn [2], [3], [4], tác giả đã sử dụng những thao tác lập luận
nào? (2 điểm)
3.
Văn bản trên đề cập đến những nội dung nào? (2 điểm)
4.
Viết một đoạn văn (khoảng 7 – 10) câu trình bày suy nghĩ của
anh/chị về vai trò của lòng biết ơn trong đời sống. (4 điểm)
----- Hết -----
HƯỚNG DẪN CHẤM
1.
Tự sự, biểu cảm, nghị luận
-
Học sinh nêu được 3 ý: 2 điểm.
-
Học sinh nêu được 2 ý: 1,5 điểm
-
Học sinh nêu được 1 ý: 0.5 điểm
-
Học sinh không nêu được ý nào: 0 điểm
2.
Thao tác lập luận: so sánh, bình luận, phân tích, chứng minh
-
Học sinh nêu được 4 ý: 2 điểm
-
Học sinh nêu được 3 ý: 1.5 điểm
-
Học sinh nêu được 2 ý: 1 điểm
-
Học sinh nêu được 1 ý: 0.5 điểm
-
Học sinh không nêu được ý nào: 0 điểm
3.
Các nội dung trình bày trong văn bản
-
Câu chuyện về chàng trai hiếu thảo người Thái.
-
Thực trạng thiếu vắng lời cảm ơn trong xã hội hiện nay.
-
Thực trạng mọi người cảm ơn một cách công thức.
-
Nhấn mạnh tầm quan trọng của lời cảm ơn là sự chân thành.
-
Kêu gọi mọi người giáo dục con cái cần biết nói lời cảm ơn.
-
Thái độ của tác giả: sự cảm phục trước tấm gương hiếu thảo, thái
độ bất bình trước thực trạng thiếu vắng lời cảm ơn hoặc cảm ơn thiếu chân
thành, lời tha thiết kêu gọi…
·
Biểu điểm:
-
Học sinh nêu được 4 ý: 2 điểm
-
Học sinh nêu được 3 ý: 1.5 điểm
-
Học sinh nêu được 2 ý: 1 điểm
-
Học sinh nêu được 1 ý: 0.5 điểm
-
Học sinh không nêu được ý nào: 0 điểm
4. Học sinh cần biết cách viết đoạn văn,
đoạn văn có cần có câu luận điểm,các ý diễn đạt mạch lạc, có liên kết.
Biểu điểm:
3.5 – 4
|
-Đoạn văn có luận điểm
-Văn viết mạch lạc rõ ràng, súc tích
- Ý phong phú, có sự kết hợp giữa lí
lẽ và dẫn chứng
|
2 – 3
|
-Đoạn văn có luận điểm
-Mắc không quá 2 lỗi chính tả và diễn
đạt.
-Ý phong phú, kết hợp giữa lí lẽ và
dẫn chứng.
|
1 – 1.5
|
Học sinh mắc 2 trong các lỗi sau:
-Đoạn văn không có luận điểm.
-Mắc quá 2 lỗi chính tả và diễn đạt.
-Ý nghèo nàn, thiếu dẫn chứng.
|
Dưới 1
|
Học sinh làm lạc đề hoặc không viết
theo hình thức đoạn văn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét