Thông tin liên lạc

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

CHIẾC ĐIỆN THOẠI CẢM XÚC


Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Có lẽ bà Mai Kiều Liên là một trong số rất hiếm CEO quyền lực thời nay, không sử dụng điện thoại di động.Với ông Đinh La Thăng thì ngược lại. Điện thoại của ông luôn nóng máy khi nhận hàng chục, hàng trăm tin nhắn phản ánh của mỗi ngày.
Tôi gọi chiếc điện thoại của ông Thăng là “điện thoại cảm xúc”. Ông đã biến những tin nhắn và cuộc gọi từ người dân bình thường, thành cảm xúc xã hội. Cảm xúc đó dần chuyển hóa thành niềm tin, rằng, dù xã hội còn đang ì ạch vô số mặt, nếu có nhiều người như thế, vẫn sẽ có thể tăng tốc.

Đã có rất nhiều số điện thoại quan chức được công bố trên cả nước, nhưng lại rất thiếu những “chiếc điện thoại cảm xúc”. Không ít cuộc gọi đến của người dân mà tiếng vọng lại chỉ là những hồi chuông dài, những tin nhắn được lập trình “xin lỗi, tôi đang họp”. Chấm hết. Những tin nhắn điện thoại, đương nhiên trở thành “vô ảnh” trước những đôi mắt “mù cảm xúc” - vô cảm của quan chức nào đó. Tiếng gọi của người dân cũng sẽ bị ném vào thinh không nếu chiếc điện thoại ấy được đặt cạnh những đôi tai “điếc trách nhiệm”.
Tôi tin rằng, chiếc điện thoại, với ông Đinh La Thăng, chỉ là một kênh rất nhỏ để lắng nghe. Không dùng điện thoại cầm tay, nhưng Putin vẫn có sự thính nhạy hoàn hảo để trở thành người đàn ông quyền lực và sát sao công việc nhất thế giới. Không dùng cell phone, nhưng để trở thành một CEO quyền lực nhất Châu Á, bà Mai Kiều Liên có rất nhiều cách để lắng nghe thuộc cấp.
Ông Đoàn Nguyên Đức, bao nhiêu năm nay vẫn sử dụng một chiếc điện thoại Nokia “cùi bắp”. Chiếc điện thoại “tụt hậu” ấy không ngăn cản ông Đức có nhiều quyết sách thông minh đi trước xã hội vài bước. Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á Thái Hương còn sử dụng một chiếc điện thoại “cục gạch” lâu đời hơn ông Đức, nhưng nó cũng không ngăn cản bà có tư duy vượt trội. Thế nên, một chiếc điện thoại thông minh, được sử dụng bởi một người ngu si, thì cũng trở thành “cùi bắp”.
Không thể có một “chiếc điện thoại cảm xúc” nếu nó được áp vào tai một kẻ vô cảm và “điếc trách nhiệm”.
(Dẫn theo Bùi Hải, Bên cạnh chiếc điện thoại cảm xúc của ông Đinh La Thăng, Báo điện tử Soha, 19/2/2016)
1.      Cụm từ “chiếc điện thoại cảm xúc” trong văn bản trên được hiểu như thế nào? (2 điểm)
2.      Các từ “mù cảm xúc”, “điếc trách nhiệm” là biện pháp tu từ gì? Tác dụng của biện pháp tu từ đó? (2 điểm)
3.      Phong cách ngôn ngữ chính của văn bản trên là gì? (2 điểm)
4.      Viết một đoạn văn (khoảng 7 – 10 câu) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của việc lắng nghe trong đời sống. (4 điểm)
----- Hết ----





HƯỚNG DẪN CHẤM
1.      Cụm từ “Chiếc điện thoại cảm xúc” được hiểu là:
-Chiếc điện thoại mang lại cảm xúc xã hội, mang lại niềm tin cho cộng đồng (1 điểm)
-Chiếc điện thoại được nghe bởi những quan chức có tâm, biết thấu hiểu, chia sẻ (1 điểm)
2.      Biện pháp tu từ ẩn dụ (1 điểm)
- Tác dụng về mặt hình thức: tăng tính biểu cảm, tăng tính sinh động cho câu văn. (0.5 điểm)
-Tác dụng về mặt nội dung: phê phán sự vô cảm, vô trách nhiệm của một số quan chức hiện nay. (0.5 điểm).
3.      Chính luận
4.      Học sinh cần biết cách viết đoạn văn, đoạn văn có cần có câu luận điểm,các ý diễn đạt mạch lạc, có liên kết.
Biểu điểm:
3.5 – 4
-Đoạn văn có luận điểm
-Văn viết mạch lạc rõ ràng, súc tích
- Ý phong phú, có sự kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng
2 – 3
-Đoạn văn có luận điểm
-Mắc không quá 2 lỗi chính tả và diễn đạt.
-Ý phong phú, kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng.
1 – 1.5
Học sinh mắc 2 trong các lỗi sau:
-Đoạn văn không có luận điểm.
-Mắc quá 2 lỗi chính tả và diễn đạt.
-Ý nghèo nàn, thiếu dẫn chứng.
Dưới 1
Học sinh làm lạc đề hoặc không viết theo hình thức đoạn văn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét