Nói về việc sáng tác “Truyện
Tây Bắc”, Tô Hoài cho biết, “ngoài
tài liệu và trên cả sáng tạo”, ông đã đưa vào trong tác phẩm của mình “những
ý thơ”: “Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không
khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám
ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh
đi”. Thật vậy, cụ thể trong “Vợ
chồng A Phủ”, ta bắt gặp một trong những nét đặc sắc nhất của Tô Hoài là biệt
tài phát hiện và chuyển tải chất thơ trong cuộc sống bình dị vào trang viết. Chất
thơ man mác bao phủ bầu không khí của tác phẩm là sự cộng hưởng hiệu ứng của
nhiều thủ pháp nghệ thuật, ánh lên từ tình huống truyện đầy nhân văn, từ ngôn
ngữ hàm súc và giọng điệu trần thuật giàu tính nhạc. Để rồi từ đó, hiện lên
trong tác phẩm bàng bạc chất thơ này là thiên nhiên, là
lối sống, là phong tục và tâm hồn con người không lẫn vào đâu được.
CHẤT THƠ TRONG VĂN
XUÔI
Theo lí luận văn học Mác – xít, một
tác phẩm văn học bất kỳ không nằm ngoài ba phương thức – thể loại: trữ tình, tự
sự và kịch. Tác phẩm văn học nếu không là thơ thì sẽ là văn xuôi (văn xuôi nghệ
thuật – phân biệt với văn xuôi chính luận và các dạng văn xuôi khác không cùng
khái niệm “văn học”) hoặc kịch. Cái nhìn phân xuất của lí luận là như vậy. Nhưng
trên thực tế, đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành những tác phẩm mà ở đó có sự
kết hợp, trộn lẫn, xuyên thấm giữa những yếu tố hình thức và “cái nhìn bên
trong” của các thể loại khác nhau, ở những mức độ đậm nhạt nhất định, và cho ra
đời những sản phẩm “là nó, nhưng đồng thời không chỉ là nó” khá đặc sắc. Ở đây,
ta xét tới khía cạnh hiện tượng thâm nhập của thơ đến lãnh địa của văn xuôi,
hay nói một cách cụ thể là khảo sát chất thơ trong tác phẩm văn xuôi.
Pha-đê-ép từng nói: “Văn xuôi cần phải có cánh. Đôi cánh ấy
chính là thơ”. Tolstoy từng thốt lên: “Tôi không bao giờ hiểu đâu là ranh giới giữa văn xuôi và thi ca”.
Paustovsky, trong “Truyện cuộc đời”, từng
bộc bạch: “Tôi đã nhìn thế giới xung
quanh qua tấm lăng kính trong suốt của thơ” và với ông, “văn xuôi là sợi cốt còn thơ là sợi ngang.
Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không đựng chất thơ sẽ trở thành thô
thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn
dắt ta đi đâu cả”. Còn Puskin hay nhắc tới khái niệm “văn xuôi chân chính”, đó là thứ văn
chương “bao giờ cũng có tiết tấu của
nó”, “bao giờ cũng thấm đượm chất thơ như chất nước ngọt ngào thấm trong trái
táo”. Như vậy, trong quan niệm sáng tác của các nhà văn, chất thơ không
đơn giản chỉ là sự trang trí, một thứ trang sức làm lộng lẫy cho văn xuôi mà
chính nó là một phẩm chất bắt buộc của văn xuôi. Bởi đó, chất thơ trở thành
chiếc cầu nối mềm mại đưa văn xuôi thấm vào hồn người êm ái và dịu dàng hơn bao
giờ hết.
Hiểu theo nghĩa rộng, chất
thơ phải gắn với cái đẹp. Nói như giáo sư Đỗ Lai Thúy, đó có thể là cái đẹp tự
nhiên “như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh thẳm” hay chất
thơ được tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người “như sự nhớ
nhung, sự uyển chuyển của các điệu múa”… Khi nói đến chất thơ, người ta
cũng thường có thói quen nghĩ ngay đến những cái gì đẹp, thơ mộng, lý tưởng và
bay bổng như một phong cảnh nên thơ, một tâm hồn thơ mộng. Người ta ít nghĩ hơn
đến chất thơ trong những cảnh đời lam lũ, mệt nhọc hay những cảnh tưởng bề bộn,
tăm tối. Quan niệm ấy tuy có phần đúng nhưng không đủ và có tính chất hẹp hòi.
Trong cuộc sống, không phải mọi đối tượng, mọi cảnh ngộ và sự việc đều nên thơ
như nhau nhưng cũng không thể xác định rằng có đối tượng nên thơ và đối tượng
không nên thơ. Vấn đề là ở mức độ và phân lượng khác nhau, và quan trọng chính
là ở sự phát hiện. Biết phát hiện ở đối tượng khách quan phần nên thơ của nó,
cung cấp cho nó một hình dáng, một cách giải thích, một lý tưởng đẹp, đó chính
là nhiệm vụ của văn chương nghệ thuật. Chính vì vậy, chất thơ trong nghệ thuật
bao gồm sự thống nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm
hứng sáng tạo chủ quan của nhà thơ. Thực tế khách quan được chọn lọc ở những
mặt kết tinh tiêu biểu, ở những chi tiết và hình ảnh chân thực là tiền đề trực
tiếp nhất để tạo nên chất thơ trong tác phẩm.
CHẤT THƠ TRONG TÁC PHẨM
Chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài hiện lên trước hết qua hình ảnh thiên nhiên
vời vợi với những núi non, nương rẫy, sương giăng… không thể lẫn được với một
nơi nào trên đất nước ta. Những chi tiết miêu tả thiên nhiên đan xen, hoà quyện
trong lời kể của câu chuyện. Có khi, chỉ một vài điểm nhấn, tác giả đã phác ra
được cái nét rất riêng của đối tượng. Những ngày sống trong căn phòng ngột ngạt,
tù túng của mình ở nhà thống lí Pá Tra, Mị nhìn ra trời qua khung cửa sổ bé bằng
bàn tay, lúc nào Mị cũng “chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương
hay là nắng”. Không gian ấy chỉ có thể tìm được ở Tây Bắc bởi núi rừng
trùng điệp. Ban ngày, ánh mặt trời cũng khó có thể xua tan những màn sương
giăng trắng làng bản. Đêm xuống, sương đêm hoà với ánh trăng tạo nên thứ không
gian huyền ảo như trong ảo mộng. Đặc biệt, nhà văn đã có những câu văn thật hay
nêu bật được hình ảnh đặc trưng về thiên nhiên Tây Bắc những ngày giáp Tết: “Trên
đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà
kho”, “trẻ con đốt những lều canh nương”, “gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, những
chiếc váy hoa đã đem phơi trên những mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ, gió và rét
rất dữ dội”. Những câu văn mang đầy “ý thơ” đã lột tả được hồn cốt
thiên nhiên Tây Bắc với núi rừng trùng điệp, cao rộng vời vợi. Điểm vào cái nền
thiên nhiên xanh mướt ấy là những dấu ấn của con người: những nương lúa, nương
ngô uốn lượn trên sườn đồi sườn núi; những đống lửa bốc lên từ các lều canh
nương; những đám cỏ gianh vàng ửng; những chiếc váy hoa xoè rực rỡ nhiều màu sắc
của những cô gái H’mông là điểm nhấn đầy thi vị cho bức tranh thiên nhiên ấy.
Chất thơ còn được nhận
ra bởi đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của con người nơi đây. Đọc truyện, ta rất dễ bắt gặp
những hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong đời sống hằng ngày của đồng bào Tây
Bắc. Đó là ngôi nhà gỗ với bếp lửa đặt trong nhà suốt mùa đông không tắt hòn
than, là những công việc hằng ngày như cõng nước, cắt cỏ cho ngựa ăn, quay sợi,…
Trang phục đặc trưng của người phụ nữ H’mông vùng cao này là váy xoè sặc sỡ đi
kèm với những chiếc vòng bạc lấp lánh.
Truyện cũng miêu tả rất tinh tế một phong tục rất đẹp, rất
thơ của đồng bào vùng cao là lễ hội mùa xuân. Tết của người vùng cao không giống tết ở
miền xuôi. Người vùng cao có cách tính ngày Tết rất độc đáo thể hiện thuần
túy tư duy nông nghiệp. Họ ăn tết
khi ngô lúa đã gặt xong, mùa xuân có niềm vui thu hoạch mùa màng. Và dù cái Tết
năm ấy đến Hồng Ngài “giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng,
gió và rét rất dữ dội” cũng không ngăn được niềm vui đang trỗi dậy trong tâm hồn những người
dân ở đây, đặc biệt là ở những đôi trai gái yêu nhau. Không khí ngày
xuân của Hồng Ngài mang những dấu ấn đặc trưng đậm hương vị núi rừng Tây Bắc:
Mùa xuân đến, trai gái tìm đến nhau để tỏ tình. Họ bận những bộ quần áo đẹp nhất.
Họ chơi ném còn, chơi quay, thổi sáo, đàn môi, uống rượu,… Tất cả đều mê mải,
say sưa trong tiếng sáo dìu dặt, tình tứ.
Tô Hoài đã
đặc tả không khí ngày tết với những từ ngữ giàu chất tạo hình, qua đó hiện lên
bức tranh ngày tết miền núi tràn ngập màu sắc và âm thanh: “Trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc
váy hoa đã đem ra phơi trên những mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ [...] Đám trẻ
đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà”. Ông cũng đặc biệt
chú trọng đến phong tục của họ qua con mắt tò mò, hóm hỉnh của mình: “Trai
gái kéo nhau lên núi chơi. Đi chơi trên núi từng đoàn”, “Các chị Mèo đỏ, váy
thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các chị Mèo trắng chít khăn xếp phẳng lì,
tóc mai cạo xanh nhẵn”.
Khi viết về
những ngày tết ở Hồng Ngài, nhà văn Tô Hoài cũng rất chú ý miêu tả tiếng sáo.
Sáo H’Mông có khả năng diễn tả ngôn ngữ của người H’Mông, thay họ nói lên tình
cảm trong lòng: “Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi”. Đó
là phương tiện giao duyên hữu hiệu của các chàng trai đối với con gái trong bản
làng. Trong “Vợ chồng A Phủ”, ngòi
bút Tô Hoài cũng tỏ ra rất thành công khi lột tả được nét đặc trưng, lột tả được
“cái hồn” của tiếng sáo: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi
sao rủ bạn đi chơi”, “Tiếng sáo réo rắt suốt đêm ngoài đầu núi tranh”.
Tiếng sáo còn là cách tỏ tình đặc biệt của người con trai miền núi: “Suốt
đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách”. Thời
gian cứ tiếp nối, những ngày tết vùng cao và đêm tình mùa xuân của ngày xưa và
ngày sau dường như vẫn thế. Tiếng sáo gọi bạn tình vượt qua thời gian, tồn tại
vĩnh hằng trong trái tim biết bao chàng trai cô gái miền sơn cước.
Bên cạnh những phong tục đẹp đẽ thể hiện tâm hồn thuần phác,
nồng hậu của đồng bào Tây Bắc là những phong tục còn mông muội, chứa nhiều điều
bất công vẫn còn tồn tại ở Tây Bắc những năm trước Cách mạng. Đó là sự phân
chia đẳng cấp giàu – nghèo rất rõ. Trang phục của con nhà giàu cũng có những dấu
hiệu khác: “Rủ xuống những tua chỉ xanh đỏ mà chỉ riêng con cái nhà quan trong
làng mới được đeo”. Đó là tục bắt vợ, cúng ma trình vợ đầy mê tín. Cái
hủ tục lạc hậu ấy đã trở thành một thứ thần quyền ghê gớm án ngữ tư tưởng của
người lao động nơi này, khiến họ luôn bị bóng đêm của sự mông muội đè nén, giày
xéo không sao ngẩng đầu lên được. Đó là cái lệ đi ở trừ nợ: “bao
giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền giả thì tao bắt mày làm con
trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế,
bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Đặc biệt, hình ảnh ngôi nhà gỗ nghi ngút
khói thuốc phiện với bữa tiệc phạt vạ được miêu tả trong câu chuyện không thể
tìm thấy được ở vùng đất nào khác. Tài năng của nhà văn tập trung trong việc
quan sát, dựng cảnh sắc sảo cảnh xử kiện nhà thống lí Pá Tra. Dưới ngòi bút
miêu tả của nhà văn, hủ tục, lề lối, sự tàn bạo, dã man của thế lực phong kiến
miền núi đã được lột tả hết sức sinh động: “Cứ mỗi đợt bọn chức việc hút thuốc phiện
xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến đánh. Mặt A Phủ sưng
lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. Người thì đánh, người thì quỳ lạy, kể lể, chửi
bới. Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút. Khói thuốc phiện ngào ngạt tuôn qua
các lỗ cửa sổ. Rồi Pá Tra lại ngóc cổ lên, vuốt tóc, gọi A Phủ… Cứ như thế, suốt
chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút. […] Ngoài
nhà vẫn rên lên từng cơn kéo thuốc phiện, như những con mọt nghiến gỗ kéo dài,
giữa tiếng người khóc, tiếng người kể lào xào, và tiếng đấm đánh huỳnh huỵch”.
Phải thấm thía cảnh sống đau đớn, tủi nhục như thế, ta mới cảm nhận được hết sức
mạnh “cởi trói” tựa như bản năng sinh tồn mãnh liệt của những thân phận bị chà
đạp.
Tóm lại, nghệ thuật miêu tả
sinh hoạt và phong tục của nhà văn đã giúp người đọc có thêm nhiều hiểu biết
phong phú về đời sống của đồng bào Tây Bắc. Trong truyện ngắn này, bằng vốn hiểu
biết phong phú và khả năng quan sát tinh tế, tác giả đã khắc hoạ lại được những
bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng, thể hiện được nhiều phong tục
độc đáo và miêu tả sinh động những người H’mông hồn nhiên, ngay thẳng. Từ cảnh
xuân trên bản đến cảnh vui chơi trong ngày Tết, cảnh xô xát giữa hai đám thanh
niên đến cảnh xử kiện,… tất cả đều được phác hoạ sống động, tài tình, tạo nên
phong vị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc cụ thể, xác thực.
Nét đặc sắc nhất của
chất thơ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”
biểu hiện ở tâm hồn nhân vật Mị. Ẩn sâu trong tâm hồn Mị, một cô gái tưởng
chừng như héo hắt, sống một cuộc đời lầm lũi “đến bao giờ chết thì thôi”
ấy, có ai ngờ, vẫn le lói những đốm lửa của khát vọng tự do, của tình yêu cuộc
sống. Ở nhà thống lí Pá Tra, Mị có cái vẻ ngoài âm thầm chịu đựng nhưng bên
trong, kỳ thực, đó lại là một sức sống tiềm tàng, rạo rực. Đúng như Tô Hoài đã
nói: “Ở
nơi rừng núi mơ màng ấy, các dân tộc đã không lặng lẽ chịu đựng”. Tính
nhân văn trong câu chuyện là đây. Chất thơ đặc biệt được tác giả tạo nên là
đây. Đó là khi nghe tiếng sáo gọi bạn trong những đêm tình mùa xuân vọng về,
lòng Mị lại “thiết tha bổi hổi”. Tiếng sáo giao duyên ấy chạm vào phần sâu
kín nhất của tâm hồn Mị, phần tâm hồn rạo rực của cô gái trẻ ngỡ như đã chết đi
khi cô mang thân phận con dâu trừ nợ nhà thống lí Pá Tra. Tiếng sáo giao duyên ấy
đã dẫn lối tâm hồn Mị trở về với ký ức của những ngày tự do xưa: “Ngày
trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn
chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê,
ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Và tiếng sáo giao duyên ấy thức tỉnh tâm
hồn Mị: “Mị thấy phơi phói trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những
đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…”. Đến
đây, ta chợt nhớ lại một câu châm ngôn rằng: “Cái chết không phải là mất mát lớn nhất trong cuộc sống. Mất mát lớn
nhất chính là ta để tâm hồn mình lụi tàn ngay cả khi còn sống.” Mị, từ một
nhân vật sống không bằng chết, nay đã sống lại trong tâm hồn. Và khi tâm hồn Mị
không lụi tàn chính là khi sức sống tiềm tàng, rạo rực trong Mị chỉ chờ cơ hội
đến là trỗi dậy mạnh mẽ. Như vậy, trong quá trình xây dựng nhân vật Mị với một
cuộc đời đầy bi kịch, nhà văn Tô Hoài đã thật khéo léo thêm vào nhân vật mình một
nét tâm hồn rất “thơ” và giàu tính nhân văn. Dù viết về mảng đề tài bi kịch trong cuộc sống của con
người, những trang văn của Tô Hoài vẫn thấm đượm chất thơ. Chất thơ ấy chứa đựng
trong nỗi khát khao mãnh liệt về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng cho mỗi con
người.
Làm nên chất thơ của “Vợ chồng A Phủ” không thể không nhắc
đến ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn với hàng loạt các âm thanh, các hình ảnh
gợi hình, gợi cảm rất nên thơ và đậm màu sắc. Ngôn ngữ văn xuôi của Tô Hoài
ngoài cái ý nghĩa cụ thể trong từng câu chữ còn có một cái vô hình khó chỉ ra
nhưng hoàn toàn có thể cảm thấy, đó chính là giọng điệu, là âm điệu câu văn
cùng tiết tấu nhịp nhàng của nó. Tiết tấu đó chính là sự thể hiện những điệu
tâm hồn, những cung bậc khác nhau trong tình cảm của nhà văn. Những điều này sẽ
được trình bày cụ thể ở phần sau, khi phân tích về nghệ thuật trần thuật của
tác phẩm.
Tóm
lại, chất thơ trong văn xuôi của Tô Hoài được tạo nên bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn
cái khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn
phong điêu luyện. Đó là kết quả từ việc nhà văn vận dụng các loại hình nghệ thuật
như hội hoạ, âm nhạc vào nghệ thuật viết văn; là kết quả của sự cộng hưởng giữa
thơ ca và văn xuôi. Chất thơ say đắm lòng người không chỉ ở vẻ đẹp huyền
diệu của thiên nhiên mà còn ở những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người.
Bên cạnh nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, Tô Hoài còn để lại ấn tượng sâu
đậm trong lòng người đọc bởi khả năng diễn đạt tài tình những rung động sâu xa,
tinh tế trong thế giới đa cung bậc và muôn vàn sắc thái của tình cảm. Cảm thức
tinh tế của Tô Hoài trong việc nắm bắt và tái hiện sự biến chuyển của màu sắc,
âm thanh, ánh sáng, mùi vị trong thiên nhiên là một trong những yếu tố tạo nên
bầu không khí trữ tình, trong trẻo, đẹp đẽ bao quanh thế giới nghệ thuật truyện
ngắn Tô Hoài. Nhịp điệu, chất nhạc trong văn xuôi Tô Hoài bắt rễ từ vốn hiểu biết
tinh tường về ngôn ngữ mẹ đẻ, những trực cảm tinh tế về ngôn ngữ.
(Trần Thị Nhàn Thanh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét