Mỗi
ngôi sao có hai con người, con người riêng tư và con người công cộng, và giữa
chúng thường có một khoảng cách khổng lồ. Bộ mặt công cộng của các ngôi sao
không thuộc về họ, mà được cấu thành với sự tham gia của công chúng. Mặt khác,
công chúng lại khước từ quyền được là con người riêng tư của các sao, trong khi
vẫn tìm tới các chi tiết đời tư của họ như một cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa
mình và thần tượng.
Công
chúng vô thức hiểu được rằng mình sở hữu các ngôi sao, không có công chúng thì
không có ngôi sao. Chính vì thế, đám đông có thể thất vọng mà nổi giận khi phát
hiện ra ngôi sao không sống đúng với kì vọng của mình. Trong con mắt các “mẹ bỉm
sữa”, Hồ Ngọc Hà đã phản bội. Họ không cho phép cô tụt xuống khỏi cái bệ mà họ
đã đặt cô lên.
Danh
vọng luôn quyến rũ, như ánh sáng quyến rũ thiêu thân. Nổi danh làm cho con người
ảo giác rằng họ bất tử. “Danh tiếng cầm tù Thánh thần và con người”, sử gia Hy
Lạp Heraclitus viết. Ba ngày trước khi nghệ sĩ Andy Warhol chết, ông ta còn hỏi
tiếp tân để được khẳng định là không có ai nổi tiếng khác đang nằm cùng viện.
Trong
cuốn “Những kẻ nghiện danh”, tác giả Jake Halpern để một diễn viên già sống
trong trại dưỡng lão của Hollywood kể lại: “Sự nổi tiếng giống như một người
tình. Anh cô gắng bỏ đi, nhưng người tình luôn nói: ‘Hãy quay lại đi, hãy thử một
lần nữa’. Anh thề thốt dứt áo ra đi nhưng sự cám dỗ của người tình luôn ở đó”.
Hơn
ai hết, các ngôi sao hiểu rằng họ cũng chỉ là vật tế lễ cho thị trường. Nếu họ
được coi là thần thánh thì tôn giáo mà họ đại diện là chủ nghĩa tiêu dùng, và bản
thân họ là những mặt hàng có hạn sử dụng. Ngọc Trinh thể hiện bi kịch này rõ nhất
qua tâm sự: “Tôi chỉ sợ mình xấu đi”. Thị trường luôn tái tạo các ngôi sao để
thổi gió vào ngọn lửa khao khát tuổi trẻ, sắc đẹp và sự hào nhoáng của đám
đông. Và đám đông sẽ vô tư quên họ đi khi họ già, yếu, cô đơn và hết thiêng như
những đạo cụ ảo thuật nằm dưới ánh nắng ban ngày.
(Đặng Hoàng Giang, “Bi kịch của sự hào
nhoáng”, trích “Bức xúc không làm ta vô can”, NXB Hội nhà văn, 2015)
1. Xác
định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản trên (1 điểm).
2. Chỉ
ra 3 biện pháp tu từ so sánh trong văn bản trên và nêu tác dụng của chúng. (3
điểm)
3. Chỉ
ra 3 nguyên nhân dẫn tới “Bi kịch của sự hào nhoáng” mà tác giả trình bày trong
văn bản trên. (2 điểm)
4. Từ
văn bản trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng nửa trang tập học sinh) trình
bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng một số bạn trẻ ngày nay bất chấp tất cả
để trở nên nổi tiếng. (4 điểm)
ĐÁP ÁN
1.
Phong cách ngôn ngữ chính luận.
2.
Học sinh cần trả lời được 3 trong các biện
pháp so sánh sau:
-
Danh vọng luôn quyến rũ, như ánh sáng quyến rũ
thiêu thân
ð
Nhấn mạnh vào sức hút khó cưỡng và nguy hại của
danh vọng.
-
Sự nổi tiếng giống như một người tình
ð
Nhấn mạnh
vào sức hút không thế cưỡng lại và không thể từ bỏ của danh vọng.
-
Họ cũng chỉ là vật thế lễ cho thị trường.
-
Họ là những mặt hàng có hạn sử dụng.
-
khi họ già, yếu, cô đơn và hết thiêng như những
đạo cụ ảo thuật nằm dưới ánh nắng ban ngày
ð
Nhấn mạnh vào sự hữu hạn của danh vọng và bi kịch
bị quên lãng của các ngôi sao khi họ đã già và xấu xí.
ð
Tác dụng về mặt hình thức của tất cả các biện
pháp trên: khiến cho câu văn sinh động, tăng sức gợi hình, tăng sức biểu cảm.
3.
Ba nguyên nhân dẫn đến bi kịch của sự hào
nhoáng:
-
Công chúng sở hữu các ngôi sao và khước từ quyền
riêng tư của các ngôi sao.
-
Danh vọng có sức cám dỗ con người và khiến con
người ảo tưởng rằng họ bất tử.
-
Những ngôi sao chỉ là vật tế lễ cho thị trường.
Họ sẽ bị lãng quên và thay thế ngay khi trở nên già và xấu xí.
4.
Học sinh có thể trình bày một vài ý như sau:
-
Thực trạng: Nhiều bạn trẻ bỏ học để chạy theo
các chương trình truyền hình thực tế; họ làm những trò lố bịch trên mạng xã hội
để thu hút sự chú ý, họ phát ngôn gây sốc, phản ảnh… nhằm đạt được sự nổi tiếng.
-
Tác hại: Muốn nổi tiếng bằng mọi giá khiến giới
trẻ lầm đường lạc lối, dễ đánh mất tương lai; các hành động của họ có thể gây tổn
hại cho người khác; làm mất trật tự an ninh xã hội; làm xấu đi hình ảnh người
Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế…
-
Nguyên nhân: Do các bạn trẻ không phân biệt được
giữa nổi tiếng và tai tiếng; do sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực
tế khiến các bạn trẻ ảo tưởng về danh vọng, do gia đình thiếu định hướng quan
tâm…
-
Giải pháp: Gia đình và nhà trường cần hướng dẫn,
định hướng rõ ràng qua công tác hướng nghiệp, để bạn trẻ thấy rằng danh vọng thật
sự bền vững khi có sự kết hợp giữa tài năng và sự nỗ lực của bản thân, và cái
giá phải trả của danh vọng là không hề rẻ; nhà nước cần có các biện pháp quản
lý thích hợp để hạn chế những chương trình truyền tải những thông điệp sai lầm
về sự nổi tiếng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét