Nhà văn Nga
Pautovski nói: “Chi tiết làm nên hạt bụi vàng của tác phẩm”. Chi tiết trong tác
phẩm chỉ như một hạt bụi, chỉ là một yếu tố nhỏ làm nên thiên truyện lớn. Tuy
nhiên chi tiết đó lại đắt đỏ và quý giá như vàng. Bởi lẽ, chính chi những chi
tiết nhỏ này làm nên sự khác biệt giữa các nhà văn, tạo nên sự độc đáo, phong
phú của nghệ thuật. Nếu chi tiết cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” khiến bạn
đọc hình dung rõ ràng nhất về phong cách Nguyễn Tuân, chi tiết cảnh chờ tàu
trong “Hai đứa trẻ” giúp bạn đọc nhớ mãi về lối viết nhẹ nhàng của Thạch Lam,…
thì chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” khiến cho bạn đọc ấn tượng
với phong cách Nam Cao.
Các tác phẩm của
Nam Cao thường độc đáo, đa dạng nhưng không kém phần chân thành, có ý nghĩa và
khái quát được những triết lý sâu xa. Ngòi bút hiện thực tỉnh táo, nghiêm ngặt,
vừa sắc lạnh mà lại thắm thiết trữ tình. Nam Cao khai thác hai đề tài chính là
người nông dân và người trí thức nghèo trước Cách mạng. Ông có xu hướng viết về
cái nghèo, cái đói, vấn nạn “áo cơm ghì sát đất” nặng nề của những con người khổ
cực đương thời. Nhà văn cũng có sở trường trong việc miêu tả tâm lí, do vậy, dù
khai thác các đề tài đã cũ nhưng Nam Cao vẫn làm nên được chất riêng của mình
giữa một khu vườn văn học đã nhiều hoa đủ quả. Để hình dung phong cách của Nam
Cao, Giáo sư Hà Minh Đức đã nhận xét rằng: “Nam Cao đã đi theo một lối riêng, tức
là không đếm xỉa gì đến sở thích của độc giả. Nhưng chính tài năng của ông đã
mang đến cho văn chương một lối mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn…”
Tác phẩm “Chí
Phèo”, sáng tác năm 1941, có thể coi là tác phẩm nổi bật nhất của Nam Cao bên cạnh
truyện ngắn Lão Hạc. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của “con quỷ dữ làng Vũ Đại”
- Chí Phèo, khắc họa hoàn cảnh tối tăm của người nông dân trước Cách mạng. Chí
từ một con người lương thiện nhưng bị bá Kiến gian ác đẩy vào tù rồi biến hắn
trở thành tay sai đi rạch mặt ăn vạ. Kể từ lúc ra tù, Chí dường như chưa bao giờ
tỉnh ngộ, chỉ khi gặp được Thị Nở, với bát cháo hành “còn nóng nguyên” Chí mới thức
tỉnh trở về với bản nguyên lương thiện của mình. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc kéo
dài không lâu, Chí Phèo lại rơi vào bi kịch bị Thị Nở từ chối; hắn đến nhà Bá
Kiến đòi lương thiện rồi chết trong vũng máu tươi, kết thúc cuộc đời bi kịch của
mình. Hắn sinh ra trong cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Những con người
lương thiện như Chí bị ép vào đường cùng, không thể nào phản kháng trước thế lực
thực dân – phong kiến. Họ rơi vào thế “một cổ hai tròng”, bị tha hóa đến mất cả
nhân hình lẫn nhân tính, rơi vào những bi kịch kinh hoàng nhất của một con người.
Tuy nhiên, dẫu rơi vào tình cảnh bế tắc, trong họ vẫn còn sót lại tính người, vẫn
còn hiện diện khao khát làm người lương thiện. “Chí Phèo” tuy “sinh sau đẻ muộn”
nhưng vẫn giữ được chỗ đứng trước các liền anh liền chị như “Bước đường cùng”
(Nguyễn Công Hoan) hay “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố).
Chi tiết bát
cháo hành xuất hiện ở phần giữa của truyện ngắn “Chí Phèo”. Sau khi Chí đã thấm
hơi men từ chỗ Tự Lãng, hắn không về túp lều của mình mà đi ra phìa bờ sông.
Chí bắt gặp Thị Nở - một người đàn bà ngớ ngẩn, xâu “ma chê quỷ hờn” đang ngủ
quên ở đó. Thị hấp dẫn Chí chỉ vì thị là đàn bà còn hắn là một kẻ say, “ngứa
ngáy thịt da”; vậy là Chí với thị cùng nhau hòa làm một trong đêm hôm ấy. Khung
cảnh hữu tình “rười rượi những trăng, có những tàu lá chuối nằm ngửa ưỡn cong
lên hứng lấy ánh trăng xanh như là giọt nước ướt; thỉnh thoảng bị gió lay lại
giãy lên đành đạch như hứng tình” cùng hơi men đã đưa Chí và thị đến với nhau.
Sau cái đêm trăng gió với thị, Chí bị cảm và chính thị đã chủ động nấu cháo
mang sang cho hắn ăn. Khi Chí hãy còn mãi suy nghĩ về cuộc đời đã sang bên kia
dốc của mình, chăm chú vào hiện tại và tương lai chưa biết đi đâu về đâu của
mình, Thị Nở vào “cắp một cái rổ, trong đó có một nồi gì đậy những vung. Đó là
một nồi cháo hành còn nóng nguyên”.
Bát cháo hành
dường như là đại diện duy nhất cho tình người còn sót lại tại làng Vũ Đại đã
khô héo những cảm xúc. Bất ngờ là tình người không xuất hiện ở ai khác mà lại
xuất hiện ở một người đàn bà được coi là dở hơi và xấu xí ma chê quỷ hờn. Bát
cháo đối với chúng ta mà nói chỉ là thứ nhỏ nhặt và vặt vãnh, nhưng tại thời điểm
đó bát cháo lại chan chứa tình người. Lần đầu tiên, Chí được người khác thật
lòng cho một thứ gì, lạ kì hơn còn là một người đàn bà. Có một tình người rất
thật mà Chí nhận được từ thị, không vụ lợi, không trơ tráo cũng chẳng tính
toán; chỉ đơn giản là cho đi vì thị thương Chí. Lần đầu tiên hắn có được một điều
gì đó mà không cần phải đi trộm cướp hay rạch mặt ăn vạ. Bát cháo khiến “mắt
Chí ươn ướt”, “nhìn bát cháo hành bốc khói mà lòng bâng khuâng”. Lòng tốt của
thị, “lòng yêu của một người hàm ơn… của một người chịu ơn” khiến hắn ân hận,
“vừa vui vừa buồn”, có thêm “một cái gì nữa giống như là ăn năn”. Kề bát cháo
lên môi, cái Chí cảm nhận đâu chỉ là vị cháo mà còn là hương vị của tình người:
“Trời ơi! Cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ
nhõm”. Cùng với hương vị của yêu thương, trong cháo còn chứa đựng hương vị của
hạnh phúc: “cười rồi lại ăn”, “Hắn thấy lòng thành trẻ con”, “Hắn muốn làm nũng
với thị như với mẹ”. Khi trong lòng người tràn ngập hạnh phúc, tâm hồn con người
lại hóa lương thiện, hóa thành trẻ thơ, thoát khỏi những khổ đau. Chí Phèo cũng
vậy, bát cháo mang đến cho hắn niềm hạnh phúc, khiến hắn tháo bỏ được lớp vỏ bọc
đáng sợ của “con quỷ dữ làng Vũ Đại” và hắn phải thốt lên: “Trời ơi! Hắn thèm
lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”. Chí khát khao trở về bản
nguyên lương thiện của mình. Chí không muốn mãi phụ thuộc vào công việc “đâm
thuê chém mướn” làm khổ người khác nữa, chí “muốn làm hòa” với người dân làng
Vũ Đại. “Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”, Chí tin rằng thị sẽ giúp hắn, mở đường
cho hắn trở về với anh canh điền như lúc xưa. Khát khao lương thiện bùng dậy
mãnh liệt đã khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở - cầu nối cho hắn về thế giới
bình thường. Bát cháo hành đã hoàn thành thiên chức gọi chất người, nó đưa Chí
qua một cuộc lột xác để về với sự lương thiện.
Bát cháo hành
được Nam Cao xây dựng với ý nghĩa sâu sắc, giàu tính biểu tượng. Bát cháo là kết
tinh cho tình yêu bình dị, cao cả của Thị Nở, một vẻ đẹp hiếm có được tìm thấy ở
người phụ nữ “xấu ma chê quỷ hờn” bị làng Vũ Đại xa lánh. Nó còn thể hiện một thông
điệp nhân văn rằng: Lòng thương yêu chân thành sẽ cứu rỗi được những ai đang lầm
đường lạc lối. Tình yêu sẽ như ngọn đèn soi sáng cho con người, hướng con người
trở về bản nguyên lương thiện vốn có. Tuy nhiên, bát cháo còn để lại trong lòng
người đọc một hiện thực chua chát, xót xa: Chỉ một tình yêu, một hành động quan
tâm nhỏ nhoi mà đến hơn 40 năm cuộc đời Chí Phèo mới cảm nhận được. Khi “cơ thể
đã hư hỏng nhiều”, khi đã ở con dốc bên kia của cuộc đời, hắn lần đầu mới hiểu
thế nào là ấm áp tình thương. Napoleon từng nói: “Thế giới phải chìm đắm trong
đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người
tốt”. Trong xã hội khô héo tình người của làng Vũ Đại, chúng ta không tìm lấy
được một mầm mống nào của tình cảm, dường như tất cả mọi người đều vô cảm, dửng
dưng trước sự đau khổ của người khác. Không biết vì họ đã quá khổ cực, hay thực
ra xã hội đó vốn chỉ toàn sự vô tâm. Bát cháo hành góp phần thể hiện niềm tin của
nhà văn Nam Cao: Dẫu con người bị tha hóa đến mất cả nhân hình lẫn nhân tính nhưng ẩn sâu bên trong lớp vỏ bọc dữ tợn được
khoác lên vẫn là tính người còn sót lại. bản chất của con người luôn là lương
thiện và con người sẽ không bao giờ đánh mất nó. Bát cháo là vị thuốc giải độc
cho Chí, ngoài giải cảm sau khi “thổ một trận nặng”, nó còn là phép màu giải độc
cho tâm hồn của hắn. Nó thức tỉnh phần lương tri đã ngủ quên, bị vùi lấp sau lớp
bụi của nhà tù thực dân – phong kiến, đưa Chí từ kiếp sống như một loài thú vật
trở về kiếp sống của con người biết yêu thương, lương thiện, biết khao khát hạnh
phúc!
Có thể nói chi
tiết bát cháo mang đầy công dụng nghệ thuật cho nhà văn Nam Cao. Nó giúp cho sự
phát triển của mạch truyện, giúp cho Chí Phèo thức tỉnh. Bên cạnh đó, nó cũng
góp phần cho việc thể hiện tư tưởng, quan điểm của Nam Cao: Lòng tốt cứu rỗi
con người. Dẫu con người bị bầm dập về thể xác, không thể nhìn rõ nhân dạng
nhưng nhân tính chẳng bao giờ bị mất đi. Qua đó, nhà văn cũng gióng lên hồi
chuông cảnh cáo về thực trạng bi đát của người nông dân trước Cách mạng tháng
Tám, mong muốn “thay máu” cho xã hội để con người có thể sống một cuộc đời tốt
đẹp hơn. Bát cháo hành – “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” (M. Gorki).
CHÂU NGUYỄN ÁI MY
LỚP 12 CV TRƯỜNG THTH. ĐHSP TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét