Thông tin liên lạc

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

[BÀI VIẾT] CẢM NHẬN VỀ CẢNH CHO CHỮ ("CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ" - NGUYỄN TUÂN)

 



Trong tác phẩm “Theo giòng”, nhà văn Thạch Lam có viết: “Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Cái đẹp trong văn chương thường được khắc họa từ cái đẹp của đời sống, cái đẹp của sự vật hiện hữu trực tiếp. Nhưng không chỉ có vậy, đối với văn chương chân chính, người nghệ sĩ chân chính còn cần phát hiện cái đẹp kín đáo, những cái đẹp ẩn sâu sau những nơi tưởng chừng xấu xa, dơ bẩn và không có gì đẹp đẽ. Có lẽ, nhà văn Nguyễn Tuân – người dành cả đời mình với sứ mệnh đi tìm cái đẹp đã hoàn thành sứ mệnh “phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới” một cách toàn vẹn. Với tác phẩm “Chữ người tử tù” và phân đoạn miêu tả cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân đã dẫn dắt người đọc thấy được vẻ đẹp và sự chiến thắng của cái thiện ở nơi ngục tù tăm tối nhất, cho người đọc thấy được một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”.

 

          Tác giả Nguyễn Tuân là một người theo chủ nghĩa “xê dịch” và là người suốt đời đi tìm cái đẹp. Các sáng tác trước cách mạng của nhà văn thường chú tâm đi tìm vẻ đẹp vang bóng. Nguyễn Tuân thường nhìn các sự vật dưới góc độ thẩm mỹ, văn hóa; đồng thời nhìn con người dưới góc độ người nghệ sĩ. Ông là người am hiểu nhiều về các phương diện như văn hóa, nghệ thuật sân khấu, ẩm thực,… và rất biết cách vận dụng chúng để làm nổi bật các đối tượng mà ông xây dựng. Các so sánh và liên tưởng của Nguyễn Tuân phóng túng nhưng kì thực lại thích hợp, bất ngờ, chính xác. Tất cả đặc điểm sáng tác nghệ thuật của ông ta có thể dễ dàng bắt gặp trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

 

          “Chữ người tử tù” được xem là vầng sáng lung linh, chói lọi nhất trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Một cuộc hội ngộ giữa người tạo ra cái đẹp (Huấn Cao) và người say mê cái đẹp (viên quản ngục) được nhà văn mang đến cho độc giả. Câu chuyện xoay quanh về những ngày cuối cùng trong đời của Huấn Cao tại trại giam tỉnh Sơn và thời khắc ông Huấn để lại bức thư pháp – hạt giống nghệ thuật ở đời cho “người tri kỉ muộn màng” tiếp tục sứ mệnh cao cả của cái đẹp. Tác phẩm đã thành công xây dựng những nhân vật điển hình như Huấn Cao với tài viết chữ và thiên lương cao cả, với viên quản ngục là người “biệt nhỡn liên tài”, biết giữ thiên lương trong sáng. Cảnh cho chữ ở phần cuối tác phẩm là một lời khẳng định: dẫu ở đâu, dẫu là một nơi dơ bẩn và tù tội, cái đẹp vẫn sẽ hiện hữu và chiến thắng cái ác, cứu rỗi con người khởi những xấu xa, đê hèn. Đây cũng là tình tiết đặc sắc nhất trong “Chữ người tử tù”, góp phần phát triển mạch truyện và bộc lộ vẻ đẹp của các nhân vật.

 

          Được xem như cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” bởi lẽ cảnh cho chữ diễn ra trong một không gian đặc biệt: “buồng tối chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián”. “Trong không khí khói tỏa ra như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên lần hồ. Khói bốc tỏa ra cay mắt làm họ dụi mắt lia lịa”. Nghệ thuật cho chữ là một môn nghệ thuật cao quý, đáng lẽ việc cho chữ phải diễn ra ở một nơi trang trọng và tao nhã như thư phòng hay thư sảnh. Thế mà, ở đây, viên thơ lại, viên quản ngục lại tập trung ở một nơi ngục tù đầy rẫy tội ác mà xin chữ của ông Huấn Cao. Công việc cho chữ đáng lẽ nên diễn ra ở nơi “thanh thiên bạch nhật”, diễn ra một cách đường hoàng nhưng trong “Chữ người tử tù” lại xảy ra vào lúc “đêm khuya trong trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng lại tiếng mõ trên vọng canh”. Một thời điểm u tối, tịch mịch, đêm khuya bao trùm và đặc biệt hơn đây còn là đêm cuối cùng của Huấn Cao trước khi bị áp giải về kinh. Khi cho chữ, cả người cho và người đi xin chữ đều nên ở một trạng thái an nhiên, bình tĩnh nhất nhưng đối với Huấn Cao, viên quản ngục và viên thơ lại đây lại như giờ phút “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong thời khắc lâm chung của cuộc đời, đáng lẽ Huấn Cao nên để lại di nguyện của mình; vậy mà, ông lại dùng đêm cuối ngày để đáp lại một tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, để khỏi “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”.

 

          Tại nơi trại giam tỉnh Sơn ngay phút giây này là sự hội ngộ “xưa nay chưa từng có”. Đó là cuộc gặp gỡ của những con người trên hai bờ chiến chuyến, một là quan lại triều đình, một là tử tù sắp về kinh thụ án. Dù trên phương diện xã hội, họ là kẻ thù, nhưng trong nghệ thuật, họ lại là tri kỉ, là kẻ “đồng bệnh tương liên”. Ba con người, với niềm say mê và kính trọng cái đẹp, hội ngộ trong không khí “khói tỏa ra như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu” rọi lên họ. Dường như, ánh sáng của bó đuốc chính là thứ ánh sáng đại diện cho cái đẹp, cái thiện, soi sáng, chỉ dẫn cho con người thoát khỏi nơi tối tăm và tù tội. Bó đuốc sáng rực giữ ngục thất như cái đẹp chân chính soi rọi, lấn át cái đen tối của tội ác đê hèn. Cả ba người đang chăm chú lên “tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, ông Huấn thì tập trung viết chữ, dồn hết sức lực đem hạt giống cuối cùng của nghệ thuật để lại chốn trần gian. Hai người viên quản ngục và thầy thơ lại vì trông đợi giây phút mà cái đẹp, cái tài được xuất hiện trên mặt lụa trắng. “Tấm lụa trắng” có thể nói là biểu hiện của tấm lòng cao cả, thiên lương trong sáng của ba tâm hồn. “Ba người nhìn bức châm rồi lại nhìn nhau” – ánh nhìn của những người tri âm tri kỉ. Khoảng cách xã hội được xóa nhòa đi, giữa họ bây giờ chỉ còn lại niềm đam mê nghệ thuật, sự đồng điệu trong tâm hồn. Tất cả mọi xiềng xích đều bị tháo dở, nhường chỗ cho cuộc hội ngộ của những con người tri kỉ với nhau.

 

          Nguyễn Tuân tái hiện cảnh cho chữ với sự đảo lộn tư thế của các nhân vật. Viên quản ngục vốn là người cai quản tù nhân – công cụ đàn áp của thế lực phong kiến giờ đây lại “khúm núm” trước một người tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng”. Tù nhân thường vái lạy và van xin cai ngục nhưng lại hiện lên với tư thế hiên ngang, ngạo nghễ, “đang đậm tô nét trên chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Cái đẹp về tài hoa và nhân cách con người xuất hiện khiến cục diện bị đảo lộn, kẻ thường tỏ vẹ thị uy phải khiếp sợ, người đáng lẽ phải khúm núm thì hiên ngang. Vị thế của Huấn Cao và viên quản ngục cũng được Nguyễn Tuân đảo lộn khiến người đọc bất ngờ. Huấn Cao đã ở vào vị trí cao hơn của người cho chữ, còn viên quản ngục vào vị trí thấp hơn – người nhận chữ. Sau khi trao đi cái đẹp, Huấn Cao còn ân cần nhắc nhở: “Ở đây lẫn lộn, ta khuyên thầy Quản hãy thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời người.” “Tôi bảo thực thầy Quản nên tìm về quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc cả cái đời lương thiện đi.” Đến những giờ phút cuối cùng, con người với thiên lương cao cả ấy vẫn không quên nghĩ đến người khác. Còn ngục quan sau khi nghe xong thời dạy thì “cảm động, chấp tay vái người tù một vái, nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẻ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Cái cúi đầu bái lạy của ngục quan như cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai. “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” – một đời chỉ bái lạy trước những điều cao quý, trước cái đẹp. Cái cúi đầu tỉnh ngộ không làm tư thế của con người hèn mọn đi mà càng tôn lên tầm vóc của họ - tầm vóc của những người cao cả, biết giữ thiên lương, giữ lấy cái tâm trong sạch.

 

          Như đã nói, tài năng, phong cách của Nguyễn Tuân được bộc lộ rõ ràng thông qua phân đoạn miêu tả cảnh cho chữ. Nhưng không chỉ có vậy, cảnh cho chữ chính bản thân nó cũng mang lấy cho mình ý nghĩa riêng, ý nghĩa đối với toàn bộ tác phẩm và đối với từng nhân vật. Cảnh cho chữ tạo ra những tình huống đảo ngược lạ lùng và chính những kì lạ đó lại tạo nên sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp. Nhà tù tăm tối, đầy rẫy những cái bất công nay lại được soi sáng bởi cái thiện, cái trong sáng. Nhà thù thực dân – nơi chôn vùi xác người, nơi kết thúc sự sống của ai dám chống lại cường quyền phong kiến lại trở thành nơi ươm mầm cho cái đẹp sinh sôi, nảy nở. Có thể Huấn Cao không còn nữa, nhưng cái đẹp được gieo trồng ở nơi đây sẽ bất diệt. Ngục thất ảm đạm và đen tối được thiên lương, cái thiện soi sáng; không hẳn trở thành thiên đàng nhưng đã không còn lạnh lùng, tàn nhẫn. Cái đẹp đã lên ngôi, soán quyền cái ác, trở thành người làm chủ. Biểu tượng chữ xuất hiện trong cảnh cho chữ đối với Huấn Cao như một di nguyện cuối để lại cho đời. Chữ là kết tinh cái tài, tâm hồn cao cả của ông và nó được tiếp nối bởi viên quản ngục. Với viên quản ngục, chữ là biểu tượng cho sự say mê cái tài, đại diện cho tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của ông. Chính chữ cũng là liều thuốc tinh thần khiến ông thức tỉnh khỏi giấc mộng dài, đưa ông về với thiện lương. Biểu tượng chữ chính là sự thăng hoa của cái đẹp, thiện thân cho cái thiện và sức mạnh cảm hóa của cái thiện. Người cho chữ không chỉ cho tài hoa và còn cho tấm lòng, người nhận không chỉ nhận một tờ giấy ghi chữ vô tri vô giác mà nhận cả một sứ mệnh bảo toàn cái đẹp. Trong cảnh cho chữ, các phẩm chất của nhân vật cũng được khắc họa rõ nét và toàn vẹn nhất: Huấn Cao là vẻ đẹp anh hùng khí phách “chọc trời khuấy nước”, đại diện cho cái đẹp, hội tụ của tài hoa và những gì cao quý nhất trong cuộc đời. Ông đã để lại bức thi pháp một như di nguyện thiêng liêng của mình. Còn ở viên quan ngục, ta nhìn thấy rằng cảnh cho chữ đã mở ra con đường mới cho ông, mở ra hướng giải quyết cho bi kịch “xanh vỏ đỏ lòng” đau khổ. Với lời khuyên của Huấn Cao, ta có quyền tin rằng trong tương lai không xa, viên quản ngục có thể sẽ rời bỏ công việc quản ngục, trở về quê sống quãng đời còn lại với thiên lương chân chính. Nhà văn Nguyễn Tuân thông qua cảnh cho chữ, ông đã bày tỏ quan điểm về cái đẹp của mình. Cái đẹp không bao giờ bị cái ác lấn át, không bao giờ bị cái xấu làm nhiễm bùn nhơ. Chính trong cái chết, cái thiện sẽ tái sinh; cái thiện tồn tại song song với cái ác nhưng tất nhiên không thể ở chung một chỗ với cái ác. Con người chỉ xứng đáng có được cái đẹp khi con người ấy biết giữ gìn cái tâm lương thiện. Tác giả thể hiện một tinh thần dân tộc sâu sắc, bộc lộ một lòng yêu nước kín đáo và tinh tế gửi gắm nơi thú chơi chữ tao nhã, truyền thống, đầy vẻ mỹ học; gửi gắm trong lòng bất mãn với chế độ đương thời và lòng kính trọng, mến mộ những người sống khí phách, mạnh mẽ, tài hoa và thiên lương.

 

          Tất cả các yếu tố trong cảnh cho chữ được kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thủ pháp nghệ thuật độc đáo như tương phản, đảo ngược, đặc tả; khả năng dựng cảnh và dựng, truyện tả người sinh động và nghệ thuật điêu khắc, điện ảnh. Ở phân cảnh này, có biết bao sự dồn nén cảm xúc đã được hóa giải, những xung đột, mâu thuẫn cuối cùng đã có lời giải đáp. Dẫu sau này Huấn Cao không còn trên đời nhưng ông đã để lại cho đời những hạt giống của cái đẹp, nghệ thuật chân chính cũng như tìm được người kế thừa, phát huy những giá trị bền vững đó.

 

           Nhà văn Nguyễn Tuân đã thành công trong việc phát hiện “vẻ đẹp kín đáo” (Thạch Lam) tại nơi ngục thất tưởng chừng đã mất hết tình người, mất hết sự lương thiện, đồng thời cho người đọc “một bài học trông nhìn và thưởng thức” về sức mạnh của cái đẹp, cái thiện. Cảnh cho chữ trong tác phẩm “Chữ người tử tù” đã chứng minh được tài năng của ông. Phân cảnh đúng như lời nhận xét là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”!

 

CHÂU NGUYỄN ÁI MY

         

#baiviethocsinh_blogchuyenvan

#diemsangvanchuong_blogchuyenvan

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét