Đợt này, khi tham gia tập huấn thầy cô về việc dạy kĩ năng nói và nghe cho môn Ngữ văn theo chương trình mới, mình thường nhận được câu hỏi về việc: Làm thế nào để học sinh chịu nói, nhất là với các em sợ nói?
Câu hỏi này gợi cho mình nhiều kí ức và trải nghiệm khi dạy. Ngay cả khi dạy chương trình hiện hành, mình cũng đã cho HS làm thuyết trình và cũng đã gặp nhiều em sợ nói, nhút nhát và hay run khi đứng trước đám đông.
Có một năm, mình cho các em HS chuyên Văn lên thuyết trình trong một chuyên đề về tác giả văn học Việt Nam. Mình quy ước là HS được cầm giấy lên nhưng không được đọc, mà phải nói. Thế là có một nữ sinh lên trình bày, nói một chút lại xem giấy, nói một chút lại cầm giấy, và cuối cùng là đọc.
Mình quạu quá, mới ngắt lời: Đề nghị em không đọc nữa. Trong lớp này ai cũng biết chữ cả, và còn là lớp 11 Chuyên Văn. Mọi người cần em nói, chứ không cần đọc giùm.
Thế là… em nữ sinh ấy đứng khóc ngay tại chỗ.
(Lược qua 1000 đoạn động viên an ủi thầy trò mừng mừng tủi tủi).
Sự việc bi hài vừa khóc vừa cười ăn mười cục kẹo đó đã khiến tui nhận ra: vấn đề học sinh run và ngại lên nói trước các bạn là một vấn đề có thật, và khá phổ biến, và khi dạy kĩ năng nói ít hay nhiều thầy cô cũng sẽ gặp; và người giáo viên cần tinh tế hơn trong giao tiếp với các em để tránh những tiết học thấm đẫm nước mắt.
Từ kinh nghiệm làm nghề nói bao nhiêu năm nay của mình, tui nhận ra: hình như người ta không sợ nói; mà cái người ta sợ là sợ sai; sợ bị phán xét; sợ bị trừng phạt nếu như nói sai và bị người khác phán xét. Cứ suy ra từ chính kinh nghiệm bản thân thôi, tuy rằng mồm năm miệng mười hoạt ngôn, nhưng thực ra tui cũng rất là sợ đứng nói trước đám đông. Tưởng tượng cả trăm đôi mắt dồn về phía mình với biết bao suy nghĩ dò xét ẩn dưới những ánh mẳ ấy, là tim tui lại đập bịch bịch và khó thở kinh khủng. Có những khi phát biểu trong cuộc họp mà hơi căng thẳng và có tính xung đột, mọi người thấy tui nói rất lưu loát và gương mặt bình tĩnh, nhưng có ai biết là tay tui dưới ngăn bàn đang run bần bật và bao tử tui quặn thắt đâu?
Cho nên, nếu học trò của chúng ta sợ nói, ngại nói, thì việc đầu tiên không phải là cứ ép em ấy lên sân khấu và nói đi, mà việc quan trọng trước hết giáo viên cần làm là tạo ra một môi trường mà mỗi học sinh có thể cảm thấy mình an toàn khi nói và được động viên, khích lệ vì nói ra quan điểm của mình.
Mình thường phá tan sự nặng nề của lớp học bằng cách chia sẻ những khó khăn của bản thân khi nói trước đám đông hoặc khi trình bày trước công chúng. Đại loại như:
"Mấy đứa biết không, tuần trước thầy được mời lên radio nói chuyện, mà thầy nghĩ radio chỉ thu tiếng thôi, nhưng ai ngờ tới phòng thu còn có camera để ghi hình… Trời ơi mặt thầy tái me tái mét… Tuy nhiên thầy đã tự trấn an rằng…"
"Các em tin được không, có một lần người ta bắt thầy lên sân khấu hát cho mọi người nghe. Mà mẹ ơi thầy có biết hát đâu? Khỏi nói thầy run muốn xỉu. Nhưng mà thầy đã nhanh trí bảo: “Em mới lên sân khấu lần đầu còn run, cả nhà cho em một tràng pháo tay khích lệ được không ạ”. Thế là trồi ui em ui, người ta vỗ tay cho thầy quá trời, thế là thầy hát như một ca sĩ, hát vẫn dở nhưng mà được khen em ui."
Thế là lớp sẽ oà ra cười. Bầu không khí lớp sẽ dễ chịu trở lại và học sinh sẽ cảm thấy rằng sai là chuyện bình thường, ai cũng sai, ai cũng có những tình huống tò te tẽn tò, nên không có gì phải sợ cả.
Ngoài ra, cũng cần tạo một không khí đầm ấm trong lớp; nhất là giáo viên cần tạo ra văn hoá khen ngợi và khích lệ. Mình rất coi trọng chuyện khen ngợi và khích lệ HS và không bao giờ tiếc lời khen. Qua cách mình động viên, thì mình làm mẫu cho học trò về việc cần khen ngợi và khích lệ bạn của mình. Nếu HS cảm thấy mình đang nói trước một cộng đồng thân thiện, đang khích lệ mình, đang nhìn mình trìu mến và tin tưởng, thì nỗi sợ trình bày trước công chúng sẽ giảm đi phần nào.
Và cuối cùng, rất quan trọng, là tôn trọng vùng an toàn của HS và giao cho em các nhiệm vụ vừa sức. Chẳng hạn nếu em quá sợ hãi đứng trước đám đông, có thể cho em bắt đầu bằng việc lên bảng điều chỉnh slide powerpoint hỗ trợ bạn thuyết trình. Từ một học sinh rụt rè và nhút nhát đã có thể tự tin hơn để đứng trước mọi người và hỗ trợ về kĩ thuật, đó là bước tiến lớn, ta sẽ ngợi khen. Nếu học sinh không tự tin nói một mình, có thể cho em nói cùng với một bạn khác tự tin hơn để hỗ trợ lẫn nhau. Nếu học sinh chưa tự tin nói cả bài, có thể giao cho em nói một phần nhỏ, chẳng hạn như mở đầu và kết thúc. Quan trọng là các nhiêm vụ vừa sức để HS từ từ thích nghi để nới rộng đường biên vùng an toàn của mình ra. Chứ không phải là đột ngột đẩy các em ra khỏi vùng an toàn, như vậy sẽ làm các em bị sốc và càng rụt rè hơn nữa.
Từ phía bản thân, thì tui thấy rằng sự chuẩn bị kĩ lưỡng và thái độ trân trọng và bao dung với bản thân sẽ giúp cho mình tự tin trình bày một vấn đề trước người khác. Tui cũng tự quan sát và để ý các biểu hiện của cơ thể khi mình căng thẳng trước đám đông. Chẳng hạn: tui sẽ nói nhanh hơn và nói nuốt chữ khi căng thẳng; có thể thấy khó thở; có thể thấy tay run. Khi các tín hiệu ét ô ét đó xuất hiện, tui có thể cho lớp giải lao trong vài phút để nghỉ ngơi và trấn tĩnh. Hoặc là xin một sự hỗ trợ thân thiện từ người nghe như một tràng pháo tay. Hoặc là sẽ chia sẻ một câu chuyện hoặc một vài cảm nghĩ ngắn ngay lúc đó, giao lưu với người nghe để làm thân với họ hơn.
Nói chung, việc run và ngại đứng trước một tập thể thì ai cũng có, dù ít hay nhiều. Quan trọng là mỗi người nhận ra được các tín hiệu căng thẳng của bản thân và hỗ trợ mình hợp lí. Nếu thầy cô nhận ra mình đã có tình huống như thế và có những mẹo để bản thân vượt qua, thầy cô sẽ hỗ trợ tốt hơn cho HS trong việc hình thành các kĩ năng.
Điều này dẫn đến một thông điệp mà tôi muốn chia sẻ và luôn nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại: nếu dạy kĩ năng nói, thầy cô vừa là giáo viên hướng dẫn, đồng thời vừa là một người nói; việc kết nối trải nghiệm thực tế của bản thân với nội dung bài dạy; tưởng tượng mình là người thực hiện các nhiệm vụ mà HS sẽ làm sẽ giúp cho chúng ta gia tăng khả năng thấu hiểu và hỗ trợ HS của mình tốt hơn rất nhiều.
T. L. D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét