MỘT SỐ KINH NGHIỆM DẠY TIẾNG VIỆT
THEO CHƯƠNG TRÌNH MỚI
Trong bối cảnh dạy Ngữ văn theo chương trình mới, nhiều giáo viên trong đó
có bản thân tôi đã gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn khi dạy phần tiếng Việt. Làm thế
nào để dạy phần Tri thức tiếng Việt và Thực hành tiếng Việt hiệu
quả, tạo được hứng thú với học sinh? Cần làm gì để trợ giúp học sinh gặp khó
khăn khi học kiến thức tiếng Việt? Bài viết này sẽ góp phần giải đáp những câu
hỏi ấy.
1.
Định hướng chung về việc dạy tiếng Việt theo chương trình mới
Trong chương
trình mới, Tiếng Việt không phải là đơn vị kiến thức riêng lẻ mà là kiến thức
nền bổ trợ giúp học sinh hình thành kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Vậy nên các
bài tập thực hành tiếng Việt gắn với các văn bản văn bản đọc, nhằm giúp HS nhận
ra các hiện tượng tiếng Việt trong văn bản và nhờ đó hiểu và tạo lập văn bản
tốt hơn.
Nội dung dạy học
tiếng Việt được thể hiện qua mục Tri thức tiếng Việt và Thực hành
Tiếng Việt. Yêu cầu cần đạt phần tiếng Việt trong SGK Ngữ văn 6 (bộ Chân
trời sáng tạo) đa phần ở mức “nhận biết”, tức là không quá đặt nặng về lí
thuyết, mà chủ yếu hướng tới thực hành để nhận ra các hiện tượng tiếng Việt
nhằm hỗ trợ cho các hoạt động đọc, viết, nói và nghe.
Từ đó, khi thiết kế kế hoạch bài dạy tiếng Việt theo chương trình mới, tôi
thực hiện theo những định hướng sau:
Thứ nhất, bám sát yêu cầu cần đạt về tiếng Việt của từng
chủ điểm, đặc biệt lưu ý yêu cầu về mức độ tư duy (chủ yếu là nhận biết) để tổ
chức các hoạt động học tập phù hợp, vừa sức với học sinh.
Thứ hai, dạy phần Tri thức tiếng Việt và Thực
hành tiếng Việt trong mối tương quan với nhau. Ở phần Tri thức Tiếng
Việt có thể sử dụng các phương pháp thuyết trình, phân tích mẫu, đàm thoại
gợi mở, dạy học hợp tác… để giúp học sinh khám phá lí thuyết. Ở phần Thực
hành tiếng Việt, học sinh làm bài tập thực hành để hiểu rõ hơn lí thuyết.
Hai quá trình tìm hiểu lí thuyết và thực hành xuyên thấm vào nhau, bổ trợ cho
nhau, các lỗi sai của học sinh khi làm bài tập thực hành tiếng Việt sẽ là cơ
hội để học sinh nhìn lại lí thuyết, từ đó hiểu bài tốt hơn.
Thứ ba, khi dạy kiến thức tiếng Việt, chú ý đến việc tích
hợp với đọc và viết (nếu thuận lợi). Chẳng hạn, sau khi học sinh làm bài tập
thực hành tiếng Việt với ngữ liệu từ các văn bản đã đọc, giáo viên có thể lưu ý
việc nhận ra hiện tượng tiếng Việt sẽ giúp cho việc đọc hiểu được thuận lợi hơn
như thế nào. Cũng tương tự như vậy khi hướng dẫn học sinh thực hiện bài tập
Viết ngắn, có tích hợp yêu cầu về tiếng Việt.
2. Một số kinh nghiệm dạy phần Tri thức tiếng Việt
Khi tiếp cận phần
Tri thức tiếng Việt, giáo viên cần lưu ý yêu cầu cần đạt để thiết kế các hoạt
động học tập, hướng dẫn HS tiếp cận tri thức một cách nhẹ nhàng, tránh vượt
khung, tạo cảm giác nặng nề, quá tải trong tiết học. Để dạy hiệu quả phần này,
tôi căn cứ vào tính chất của đơn vị Tiếng Việt cần truyền tải để thiết kế
các hoạt động tương tác. Thường thì tôi sẽ thiết kế các trò chơi để
kích hoạt kiến thức nền, rồi từ đó hướng dẫn HS hệ thống lại kiến thức cũ song
song với việc nhận diện những kiến thức mới.
Nếu tri thức tiếng Việt là một hiện tượng tiếng Việt học sinh đã được gặp
trước đây, tôi thường tổ chức hoạt động khởi động để kích hoạt kiến thức nền,
nhắc lại những điều học sinh đã biết để làm cơ sở hình thành kiến thức mới. Ví dụ như khi dạy bài Trạng ngữ: Ở Tiểu học, học
sinh đã làm quen với trạng ngữ và các loại trạng ngữ. Vậy nên tôi sẽ kích hoạt
kiến thức nền của học sinh bằng cách cho chơi trò chơi nhận diện rồi từ đó chốt
lại tri thức về đặc điểm và chức năng của trạng ngữ bằng trò chơi “Những chú
ong chăm chỉ”. Luậ chơi như sau:
GV sẽ lần lượt
đưa ra các câu văn miêu tả những hình ảnh tương ứng. HS sẽ huy động những hiểu
biết của mình về trạng ngữ, giúp chú ong tìm đúng trạng ngữ bổ sung thông tin
cần biết cho các câu văn được dẫn. Và sau khi hs tìm được đáp án, GV sẽ chốt
lại phần tri thức về trạng ngữ có trong câu, đặc biệt là nhấn mạnh đến
chức năng liên kết câu, dựng đoạn của trạng ngữ.
Nếu tri thức Tiếng Việt là kiến thức hoàn toàn mới, tôi sẽ tổ chức các
hoạt động khởi động giúp học sinh chuẩn bị tâm thế để làm quen với kiến thức
mới.
Chẳn hạn với đơn vị kiến thức “Mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ”:
Tôi đặt sẽ tình huống, cho học sinh lựa chọn đáp án và giải thích lựa chọn của
mình. Trong hoạt động đó, tôi sẽ nhận xét quá trình học sinh thực hiện hoạt
động học tập và đi đến hình thành tri thức tiếng Việt. Mở đầu bài học, tôi tạo
tình huống “bạn Thỏ con cần chọn một câu miêu tả bức ảnh mà mình nhận được” rồi
cho học sinh tìm đáp án đúng nhất, tiếp đó là các em sẽ giải thích lựa chọn của
mình. Kết thúc hoạt động, tôi nhận xét và lí giải cho các em hiện tượng tiếng
Việt xuất hiện trong trò chơi, rồi từ đó dẫn dắt các em tìm hiểu phần tri thức
tiếng Việt.
3. Một số kinh nghiệm dạy phần Thực hành tiếng Việt và
củng cố kiến thức tiếng Việt
Khi dạy phần Thực
hành TV, kinh nghiệm của tôi là linh hoạt thiết kế các hoạt động sao cho phù
hợp với tình hình lớp học. Bởi vì theo chương trình mới, số tiết không phân cố
định cho từng phần kiến thức cụ thể mà trao quyền cho giáo viên. Tôi tâm niệm, GV
sẽ là người hiểu năng lực học sinh của mình nhất nên thầy cô có thể co giãn
tiết học, linh hoạt tổ chức giờ học sao học sinh có thể đạt được các mục tiêu
cần đạt. Và cần lưu ý điều chỉnh các kì vọng ở HS sao cho phù hợp với yêu cầu
của chương trình. Hoạt động mà tôi thiết kế cho phần này thường là: tạo nhóm
cho HS làm bài tập, sau đó HS sẽ trình bày kết quả của nhóm mình trước lớp;
thiết kế các bài thực hành tiếng Việt thành các trò chơi đố vui hoặc thành
những trò thi đấu giữa các nhóm.
Để học sinh thực
hành tri thức về cấu tạo từ, tôi tổ chức cho lớp chơi trò “Đi tìm từ vựng”
với nhiều vòng chơi thú vị. Ví dụ như vòng 1 – khởi động, các đội chơi sẽ vận
dụng tri thức về “từ ghép”, huy động vốn từ để có thể tìm nhiều từ ghép theo
yêu cầu, hoàn thành phần chơi của nhóm mình.
Các phiếu học tập
cũng là một công cụ hiệu quả để hỗ trợ học sinh thực hiện các bài tập thực hành
tiếng Việt, bởi các mẫu phiếu học tập bao giờ cũng thể hiện phần gợi ý, dẫn dắt
của GV để HS thuận lợi hơn trong việc làm bài tập.
Trong lớp học
luôn có sự chênh lệch về năng lực giữa các học sinh, vậy nên tình trạng có học
sinh làm bài tập sai hoặc gặp khó khăn khó khăn khi thực hiện bài tập là điều
không tránh khỏi. Vì thế giáo viên cần có các giải pháp dự phòng để hỗ trợ các em. Giải pháp
của tôi là quay video bài
giảng, hỗ trợ quá trình ôn tập cho HS. Bên cạnh đó, tôi cũng tạo không
gian tương tác sau giờ học cho các em đặt câu hỏi, thảo luận và giải đáp thắc
mắc. Ví dụ như không gian trên Google classroom của lớp, việc học sinh đặt câu hỏi và để lại
những bình luận giải đáp câu hỏi cho các bạn khác không chỉ giúp các bạn hiểu
bài mà còn giúp các em kết nối, quan tâm tới nhau hơn.
Theo tôi, giáo viên không nên kì vọng chỉ cần dạy một lần học sinh sẽ nắm
chắc bài, mà các đơn vị kiến thức tiếng Việt trọng tâm cần được nhắc đi nhắc
lại để học sinh có thể khắc sâu kiến thức. Do vậy, cuối mỗi bài dạy thực hành
tiếng Việt, tôi đều tổ chức
hoạt động củng cố kiến thức. Một số cách thức hiệu quả bản thân đã
thực hiện để củng cố tiếng Việt đó là tạo quiz (trắc nghiệm) trên các nền tảng trực
tuyến, tăng tính tương tác của học sinh trong tiết ôn tập; nhắc lại hiện tượng TV đã học
khi bắt gặp nó trong các văn bản đọc ở các bài tiếp theo (thực hiện ở
giai đoạn trong khi đọc).
Tóm lại, từ kinh nghiệm giảng dạy Ngữ văn 6 theo chương trình mới trong
thời gian vừa qua, tôi nhận ra rằng việc chuẩn bị một tâm thế cởi mở với cái
mới, tìm hiểu đặc thù đơn vị kiến thức tiếng Việt trong chương trình mới, ứng
dụng các phương pháp dạy học tích cực và chuẩn bị các phương án hỗ trợ học sinh
là vô cùng cần thiết. Trong bối cảnh năm học đầu tiên dạy Ngữ văn theo chương
tình mới, việc chủ động tìm hiểu và thử nghiệm các phương pháp dạy học mới sẽ
giúp giáo viên dần thích nghi, có được những tiết học hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét