DẠY
NGỮ VĂN THEO CHƯƠNG TRÌNH MỚI
CHIA
SẺ KINH NGHIỆM DẠY VIẾT THEO QUY TRÌNH
Quý thầy cô thân mến, một
trong những điểm mới nổi bật khi dạy Viết theo chương trình Ngữ văn mới (2018) đó
là dạy viết theo quy trình. Vậy dạy viết theo quy trình là gì? Tại sao ta cần dạy
viết theo quy trình? Những phương pháp và kĩ thuật dạy học nào là hiệu quả, phù
hợp để thầy cô tổ chức giờ dạy viết theo quy trình? Ở bài viết này, thầy Duy sẽ
chia sẻ với thầy cô một số kinh nghiệm dạy viết theo quy trình, từ đó góp phần
giúp thầy cô trả lời những câu hỏi trên.
MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG CHUNG
Dạy viết theo quy trình là gì?
Viết
theo quy trình là một phương pháp dạy kĩ năng viết mà ở đó, người học tập trung
vào quy trình tạo lập văn bản hơn là sản phẩm, và thông qua quy trình tạo lập
văn bản hiểu thêm về bản thân và về cách thức học tập, làm việc qua kĩ năng viết.
Thông qua quy trình viết, người học sẽ được yêu cầu hoàn thành sản phẩm viết,
tuy nhiên, phương pháp dạy viết theo quy trình vẫn nhấn mạnh vào quy trình các
bước tạo lập văn bản hơn là sản phẩm (sản phẩm là một phần trong quy trình).
Đối
với chương trình Ngữ văn 2018, việc dạy viết không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cần
đạt cho từng kiểu bài viết cụ thể, mà còn đáp ứng yêu cầu cần đạt giúp học sinh
biết cách tạo lập văn bản theo quy trình. Một quy trình viết thường có ba giai
đoạn chuẩn bị viết, viết, xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm. Với chương
trình Ngữ văn 2018 và sách Ngữ văn Chân trời sáng tạo, quy trình viết gồm 4 bước:
+
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
Bước
này bao gồm việc xác định đề tài, mục đích, đối tượng người đọc; thu thập tư liệu.
+
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
+
Bước 3: Viết bài
+
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
Điểm khác biệt giữa dạy viết theo quy
trình (CT mới) và cách dạy hiện nay
So với cách dạy hiện nay, cách dạy viết theo quy trình
có nhiều điểm khác biệt.
+ Cách dạy hiện nay coi
trọng sản phẩm (như dàn ý, bài viết); cách dạy theo quy trình viết coi trọng
các bước thực hiện bài viết (sản phẩm là một phần của quy trình).
+ Cách dạy hiện nay không
quan tâm đến các thành tố giao tiếp liên quan đến bài viết (tình huống viết là
thực hiện bài văn trong lớp học, người đọc là giáo viên), cách dạy theo quy
trình viết quan tâm đến các thành tố giao tiếp liên quan đến bài viết, hoạt động
viết gắn với các tình huống trong thực tế (có thể giả định về tình huống viết,
người đọc, mục đích viết để luyện tập cho HS giải quyết các nhiệm vụ thực tế).
+ Theo cách dạy hiện nay,
quá trình thực hiện bài viết kế thúc khi HS hoàn thành bài viết; dạy viết theo
quy trình, quá trình viết không bao giờ kết thúc, người sẽ luôn chỉnh sửa cho đến
khi được bản người viết ưng ý nhất để công bố (tương đồng với quy trình viết
trong thực tế cuộc sống).
+ Theo cách dạy hiện nay,
đề bài viết thường là đề bài đóng; dạy theo quy trình viết, đề bài mở, gắn với
tình huống thực tế.
+ Cách dạy hiện nay coi
trọng việc hướng dẫn HS tìm ý đúng và đủ các yêu cầu của đề bài cụ thể; dạy viết
theo quy trình coi trọng việc huy động ý tưởng, động não, sáng tạo, thể hiện
góc nhìn, ý kiến riêng của người viết.
+Cách dạy hiện nay sẽ trả
bài và sửa bài viết theo hướng dẫn chấm/ đáp án (định hướng nội dung); dạy viết
theo quy trình, giáo viên hướng dẫn HS xem lại và chỉnh sửa theo các tiêu chí
kiểu bài (định hướng năng lực); HS tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng bên cạnh
việc GV đánh giá HS, quá trình xem lại và chỉnh sửa bài viết là quá trình phản
tư của HS.
+ Cách dạy hiện nay không
coi trọng việc công bố sản phẩm; cách dạy theo quy trình viết coi trọng việc công
bố sản phẩm (tương thích với việc viết trong thực tế).
Vì sao cần dạy viết theo quy trình?
+ Giúp HS chuẩn bị
cho các tình huống cần thực hiện kĩ năng viết trong đời sống: trong thực
tế, mỗi chúng ta đều phải thực hiện những nhiệm vụ viết để đáp ứng yêu cầu giao
tiếp nào đó, chẳng hạn viết để đăng trang web của trường, cơ quan, viết để đăng
báo; viết blog; viết bài quảng bá; viết nội dung chuẩn bị cho thuyết trình,… Để
có ý tưởng viết cho những văn bản này, rõ ràng ta không thể ngồi xuống viết
ngay được, mà đó phải là một quá trình từ chuẩn bị viết, tìm ý tưởng, lập dàn
ý, viết bài, sửa đi sửa lại rồi mới công bố. Như vậy, môn Ngữ văn cần trang bị
cho học sinh hiểu biết về quy trình viết để biết cách tạo lập văn bản trong bất
kì tình huống nào trong đời sống.
+ Giúp hình thành kĩ năng viết, học sinh nắm
được thao tác và các lưu ý khi thực hiện thao tác đối với từng bước trong quy
trình: giúp HS hiểu biết về cách thức tạo lập văn bản, chủ
động trong quá trình viết. Nếu chỉ dạy như hiện nay, khi đối diện với một tình
huống viết, HS thường lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu, và các em thường
hay tìm sự trợ giúp ở văn mẫu. Điều này không những không giúp cho học sinh
phát triển về kĩ năng viết, mà còn triệt tiêu sự sáng tạo của các em. Với cách
dạy theo quy trình viết, khi đối diện với một nhiệm vụ viết, một tình huống
giao tiếp cần viết, HS sẽ biết các thao tác cần làm ở từng bước và thuận lợi
trong quá trình viết.
PHƯƠNG PHÁP, KĨ THUẬT DẠY HỌC TÍCH CỰC, HIỆU
QUẢ VỚI HOẠT ĐỘNG DẠY VIẾT THEO QUY TRÌNH
Hướng dẫn HS tìm hiểu lí thuyết quy trình
viết
Khi tham dự các tiết dạy thực nghiệm phần viết cho
SGK, chúng tôi nhận ra rằng sẽ thuận lợi hơn cho giáo viên và học sinh nếu hướng
dẫn trọn vẹn lí thuyết về quy trình viết trước khi cho học sinh thực hành. Bởi
cách dạy này giúp học sinh có cái nhìn trọn vẹn, tổng quan, đầy đủ về các bước
trong quy trình, từ đó khi thực hành các em có thể làm chính xác hơn, và hiểu
được mối tương quan của các bước trong quy trình viết.
Đối với SGK Ngữ văn Chân
trời sáng tạo, quy trình viết đã được biên soạn kĩ lưỡng, với các công cụ như bảng,
sơ đồ,… để HS có thể tự học và làm theo. Thầy cô có thể thiết kế thêm phiếu học
tập để hướng dẫn HS đọc SGK và rút ra thông tin chính, với hai nội dung cần
phân loại và nhấn mạnh đó là thao tác thực hiện và những lưu ý đối với từng
thao tác.
Hướng dẫn HS động não, huy động ý tưởng
cho bài viết
Do đặc thù dạy kĩ năng viết
gắn với tình huống giao tiếp trong thực tế, nên dạy viết theo quy trình thường
có những đề văn mở để học sinh lựa chọn đề tài, mục đích viết cho phù hợp với đối
tượng người đọc của tình huống. Do đó, thầy cô cần hướng dẫn HS những kĩ năng động
não, huy động ý tưởng cho bài viết, thao tác này sẽ giúp tăng cường sự sáng tạo
của HS, giúp các em có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình về đề tài
bài viết.
Ta có thể sử dụng các kĩ
thuật như sơ đồ tư duy, viết tự do (free writing), hoạt động động não bằng từ
khoá, ghi nhanh lên giấy note, … Có thể cho làm theo cá nhân, nhóm đôi, hoặc
làm chung cả lớp. Điểm chung của các hoạt động này đó là huy động nhiều nhất có
thể các ý tưởng liên quan đến đề tài bài viết, trên cơ sở các ý tưởng ấy, HS chọn
lọc, nhấn mạnh vào những ý tưởng tốt nhất. Từ đó, bài viết sẽ có được sự đặc sắc,
mang dấu ấn riêng của người viết.
Phương pháp làm mẫu quy trình viết
Phương pháp làm mẫu luôn
là phương pháp chủ chốt của dạy kĩ năng, phương pháp làm mẫu quy trình viết
cũng vậy. Tuy nhiên, thầy cô lưu ý, ta không chỉ làm mẫu ở khâu lập dàn ý hay
viết, mà ta có thể làm mẫu bất kì thao tác nào mà học sinh chưa nắm rõ, chẳng hạn
như xác định đề tài, mục đích, không gian và thời gian nói; làm mẫu kĩ năng tìm
tư liệu; làm mẫu kĩ năng đánh giá dựa vào bảng kiểm,…
Phương pháp làm mẫu quy
trình viết thường sẽ kết hợp với nói to suy nghĩ (think aloud) để tường minh
hoá quá trình tư duy của giáo viên khi thực hiện quy trình viết, từ đó HS có thể
bắt chước và học theo.
Hướng dẫn học sinh chỉnh sửa, biên tập và
công bố bài viết
Trong thực tế đời sống, mỗi
khi tạo lập văn bản, để ra được bản ưng ý nhất và công bố, chúng ta cần thực hiện
chỉnh sửa nhiều lần, đọc đi đọc lại và tự biên tập bài viết của mình. Các bài
viết của chúng ta thường phụ vụ một mục đích nhất định, gắn với tình huống giao
tiếp và độc giả cụ thể, do vậy sau khi viết ta thường công bố bài viết dưới nhiều
hình thức khác nhau; để mọi người có thể đọc và giúp bài viết thực hiện mục
đích giao tiếp của nó.
Chính vì vậy, khi dạy viết
theo quy trình, giáo viên cũng cần lưu ý hướng dẫn học sinh chỉnh sửa, biên tập
và công bố bài viết.
Thầy cô có thể hướng dẫn
học sinh chỉnh sửa, biên tập bài viết của mình dựa vào công cụ là bảng kiểm và
các câu hỏi có tính chất phản tư (reflection). Học sinh có thể tự đánh giá hoặc
đánh giá đồng đẳng. Trong giờ dạy, ta có thể cho HS hoạt động theo nhóm đôi,
trao đổi bài viết và đánh giá, nhận xét.
Về việc công bố bài viết;
ta có thể tạo những tình huống giả định như xuất bản một tờ báo; tạo trang web
học tập của lớp hay đơn giản là sử dụng kĩ thuật phòng tranh để HS đăng bài.
Sau đó bài viết được công bố sẽ tiếp tục được tập thể lớp nhận xét, đánh giá dựa
trên các tiêu chí trong bảng kiểm và lại tiếp tục được chỉnh sửa cho hoàn thiện
hơn (nếu cần).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét