Thông tin liên lạc

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Thơ ca bắt đầu khi một người dạo bước trên đồng cỏ...

 


NLVH | Bàn về đặt trưng của thơ…

 

Đề bài: Bàn về thơ ca, Lucille Clifton – nhà thơ người Mĩ từng nói: “Thơ ca bắt đầu khi một người dạo bước trên đồng cỏ hay ra ngoài cửa hang, ngước lên trời với niềm kinh ngạc và thốt lên. “Ôi!” – Đó là bài thơ đầu tiên.”
(Dẫn theo Susan Zimmermann, Viết để hàn gắn tâm hồn, NXB Hồng Đức, 2020)
Ý kiến trên gợi cho em suy nghĩ gì về đặc trưng của thơ? Bằng trải nghiệm đọc thơ của bản thân, em hãy làm sáng tỏ những suy nghĩ của mình.

 

BÀI LÀM:

 

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa để mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa thu”

(Chế Lan Viên)

 

          Thơ ca được nảy nở từ những hạt mầm của tương tư. Mỗi bài thơ là một thế giới riêng, mỗi trang thơ là biết bao dòng cảm xúc ngưng đọng, ấp ủ bên trong. Chúng chỉ chờ đến khi đủ đầy, đến khi “xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá” mà chảy thành sông suối, thành tâm tình của con người hay đôi khi là cả những giọt nước mắt - “tiếng lòng rơi”… Quả thật, thế giới văn học đã có vô vàn bài thơ khiến ta không thể chiêm ngưỡng hết. Do đó, cá nhân trong chúng chính là một tinh linh riêng, một sứ giả cao cả - muôn hình vạn trạng. Một bài thơ, một trải nghiệm, một sự bắt đầu mới. Như  Lucille Clifton – nhà thơ người Mĩ đã bàn về thơ ca rằng:  “Thơ ca bắt đầu khi một người dạo bước trên đồng cỏ hay ra ngoài cửa hang, ngước lên trời với niềm kinh ngạc và thốt lên. “Ôi!” – Đó là bài thơ đầu tiên.”

 

          Nghệ thuật luôn là lĩnh vực chính của sự sáng tạo trong văn học. Sáng tạo luôn đòi hỏi những người thợ khéo tay phải thật sự tỉ mỉ, kì công, cũng như là đặt trọn cái “tâm”, cái “tình” của mình vào đấy. Để người đọc thấu những cảm xúc mãnh liệt, thiết tha nhất của mình thì thi sĩ phải là người thực sự thành công trong việc chinh phục tâm khảm độc giả bằng những dòng thơ chất chứa đầy xúc cảm. Vậy như thế nào là thơ? Thơ ca là thể loại văn học được xây dựng nên từ hình thức ngôn từ xúc tích, ngắn gọn, theo những quy tắc về ngữ âm nhất định để nhằm tôn lên tâm trạng, phản ánh cuộc đời, thể hiện thái độ của tác giả trước những diễn biến khó lường của xã hội. Có thể nói cách đơn giản hơn thơ là sợi dây liên kết nối tâm hồn người với người. Ta cũng có thể nói rằng thơ như là “dây tơ hồng” nối trái tim người này với trái tim người nọ, làm cho họ hòa chung một nhịp thở, một nghĩ suy, một trái tim. Để có một “bài thơ đầu tiên” hay nhất, đẹp nhất, thì thi sĩ phải có cách nhìn mới, sâu, xa bằng con mắt tinh anh của mình về hiện thực cuộc sống; không những thế, anh cũng phải có cái thấu cảm của mình về vạn vật, mọi sự thay đổi của dòng chảy lịch sử, anh phải là người thấy rõ nhất những thăng trầm, biến cố của xã hội, những hỉ nộ ái ố của loài người thì mới làm nên một “bài thơ đầu tiên” đầy ấn tượng. Dù không được đề cập tới, nhưng thi sĩ cũng phải là người có lối suy nghĩ phong phú, táo bạo, khác lạ thì mới xây dựng nên những vần thơ hay... Nhà phê bình Hoài Thanh: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế.” Thơ ca luôn là như thế, nó được tạo ra bởi loài người và cũng sẽ chết vì loài người, nó luôn giữ sứ mệnh của mình là mang tới những cảm xúc, tình cảm, tâm tư, nỗi niềm sâu sắc, chân thành nhất đến với người đọc. Nhưng không chỉ làm thơ bằng cái tài năng của mình là đủ, thi nhân cũng nên gửi vào đó một tấm lòng chân thành. Đó là một tấm lòng bao dung, cao cả, luôn dang rộng để đón mọi vang âm của cuộc đời, biến thiên của kiếp nhân sinh. Và khi có những cảm nhận về cuộc sống, chỉ khi nhìn thấu những vẻ đẹp trong bóng tối, khi đã thấu thị được sự đa đoan, khôn lường, cuộc sống đầy thủ đoạn thì khi ấy họ mới có trái tim chân thành nhất, cũng như đã sinh lòng trắc ẩn. Từ ấy, những bài thơ đầu tiên mới được sinh ra và nảy nở như những đóa hướng dương dưới ánh mặt trời, bởi "thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã tràn đầy” (Tố Hữu). Như vậy, quan niệm về thi ca của Lucille Clifton đã nói lên giá trị của những vần thơ được chắt chiu chọn lọc từ hiện thực. Nó không cần là những thứ xa xỉ, lộng lẫy, mà nó chỉ cần là những thứ bình dị, tạo ra từ tạo hóa ngàn đời xưa. Từ trải nghiệm trong quá trình đi săn tìm những từ ngữ hay nhất cho bài thơ, thi sĩ cũng đã được hòa mình vào cuộc sống của xã hội, sống trong cảnh cơ hàn, thiếu thốn nhất, cũng đã trải qua những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Để rồi đúc kết ra vài câu chữ rằng: Thơ ca bắt đầu khi một người dạo bước trên đồng cỏ hay ra ngoài cửa hang, ngước lên trời với niềm kinh ngạc và thốt lên. “Ôi!” – Đó là bài thơ đầu tiên.”

 

 “Thơ là thơ, đồng thời là họa là, nhạc” (Sóng Hồng) vì vậy mà thơ có sức hấp dẫn đến lạ kì, nó thu hút hồn người đắm chìm vào nó bằng những đặc trưng cơ bản của mình. Trước hết, thơ được xây dựng bằng những ngôn từ hàm xúc, ngắn gọn nhưng lại toát lên nhiều điều nhưng lại ẩn sâu trong bài thơ, không hiện ra bên ngoài mà để cho độc giả phải tìm kiếm để suy tư, bình phẩm. Nhà thơ cũng phải có một trái tim thực sự sống, chứ không phải tồn tại để hòa mình vào cuộc sống nhân dân, đồng cảm với những kiếp đời lận đận, hay là để xoa dịu đi những nỗi đau, mất mác mà chiến tranh mang lại. Từ ngôn ngữ hàm xúc, ngắn gọn thôi là chưa đủ, thơ cũng mang tính nhịp điệu, tạo ra những khúc lên xuống, làm âm điệu bài thơ nổi bật hơn. Qua cách phân dòng của lời thơ, cuối mỗi dòng thơ đều có sự ngắt nhịp, đó không chỉ tạo ra sức lôi cuốn cho thơ mà nó còn là ẩn ý về cảm xúc của thi sĩ.

 

Một người yêu hoa tiếc ngọc lần đầu thấy những đóa hoa màu sắc rực rỡ, phản phất hương thơm, thì sinh lòng yêu ngay. Đối với nhà thơ, khi họ thấy như vậy, cảm xúc sẽ dâng trào, thơ sẽ bắt đầu tuôn ra vì những cái đẹp đẽ của cuộc sống.  Đó chính là những đặc trưng về nội dung trong thơ. Thơ ca luôn bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, qua những hình ảnh hết sức mộc mạc, giản dị, nhưng đượm chất thơ, có thể là những lúc ”dạo bước trên đồng cỏ” hay “ra ngoài cửa hang, ngước lên trời” với một vẻ ngạc nhiên đến rất lạ. Nếu đã có trong mình tâm hồn thi sĩ, thì khi bắt gặp như vậy, cái máu của thi ca bỗng dưng dâng lên, chiếm trọn đi dòng máu nóng đang chảy, biến ta thành một người biết hòa mình với thiên nhiên và cuộc sống. Và bài thơ đầu tiên cũng được sinh ra qua sự ngắm nhìn hiện thực khách quan, qua lăng kính chủ quan của thi sĩ, để rồi họ ghi ra những dòng thơ đầu tiên ẩn ý đầy sâu xa.

 

Thơ ca luôn bắt nguồn từ hiện thực khách quan của cuộc sống, nếu cuộc sống tốt đẹp thì thơ ca tốt đẹp, nếu cuộc sống đầy ái ố thì thơ ca sẽ ái ố, nhưng nói như vậy không phải là thơ ca sẽ đẹp hơn , hay xấu đi. Mà nó là đang phản ánh chân thật cuộc sống, không che giấu một điều gì xấu xa, ô uế. Sau khi có được chất liệu từ hiện thực cuộc sống, thì thơ lại khơi gợi cho nhà thơ những cảm xúc, rung động bất ngờ, khó tả trước lẽ đời: “ÔI”.  Và khi nếu “không có rung động thì không có thơ. Nhưng nếu có rung động mà không có chất liệu hiện thực làm điểm tựa thì cảm xúc ấy cũng giống như cánh chim trời không có chỗ đậu mà bay đi mất tăm.” (Xuân Diệu), những cánh tim ấy bay mãi sẽ chẳng tìm được chốn về, nơi đậu. Như thế, ta khẳng định rằng, thơ được mượn chất liệu từ hiện thực mà xây nên, mới tạo cho độc giả những cảm xúc chân thật, sâu lắng nhất.

 

Nếu để nói đến bài thơ mà khiến cả tác giả, lẫn độc giả phải ngươc lên và thốt rằng “ôi” thì có lẽ tác phẩm đó phải là một sáng tạo độc đáo, mới lạ trong cách cảm nhận, nhìn nhận bằng lăng kính của nhà thơ. Khi sáng tạo ra tác phẩm ấy, “người cầm bút” phải nhặt nhạnh những cái đẹp, cái hay ở đời mà mang vào, làm cho thơ thêm sâu sắc, ý nghĩa. Và Hữu Thỉnh đã làm rất tốt việc tìm tòi cái mới lạ ấy qua khúc chuyển giao mùa trong tác phẩm “Sang thu”:

 

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

 

Chỉ mới mở đầu bài thơ, mà sao Hữu Thỉnh đã tạo ra sự bất ngờ đến lạ lùng. Vào một ngày đẹp của năm 1977, nhà thơ bất giác cảm nhận được mùi hương phảng phất thơm của ổi, phả nhè nhẹ vào gió se, làm tỏa hương thơm ấy cả một vùng trời gió lộng. Một cảm xúc mãnh liệt, nhưng nhẹ nhàng, điềm thắm như cách mà nhưng giọt sương “chùng chình” đi qua ngõ xóm. Tác giả miêu tả cảm giác chân thực của cảnh sắp chuyển sang thu ở làng quê mình, và khi đọc vào những dòng thơ ấy thì trong tâm trí người đọc sẽ xuất hiện ra những hình ảnh, mùi hương, cảm giác của khung cảnh ấy. Bằng động từ “ bỗng”, tạo ra cảm giác bất ngờ, nhạc nhiên chỉ khi mới vào thơ, cách sáng tạo mới lạ trong cách sử dụng từ ngữ và hình ảnh của Hữu Thỉnh là vô cùng đặc biệt. Biện pháp tình thái “hình như” cũng tỏ vẻ chưa chắc chắn, vẫn hoài nghi, và có sự mờ vực nào ở đây. Nhưng chắc chắn rằng, mùa thu sẽ về, bởi những dấu hiệu từ hương ổi, làn gió se, hay giọt sương chùng chùng qua ngõ cũng đá khái quát hóa điều đó. Sang thu là một tác phẩm có ngôn ngữ xúc tích, ngắn gọn, qua thể thơ 5 chữ hàm xúc nhưng mang ý nghĩa sâu và rộng, làm cho độc giả phải liên tưởng và tưởng tượng liên tục, cũng như sử dụng những giác quang của mình để có thể cảm nhận rõ hơn bài thơ. Thi phẩm này cũng có một xíu tính họa khi “họa sĩ” Hữu Thỉnh đã vẽ được một phần nào của cảnh sắp chuyển sang thu. Bằng những áng thơ hình thành từ sự cảm nhận sâu sắc nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh về bức tranh giao mùa từ hạ sang thu, ta thấy rằng, thi sĩ có những rung động mãnh liệt, những cảm xúc trào dâng khi chứng kiến sự vật chuyển động thanh thoát. Với hồn thơ chân thật, giản dị và mộc mạc, càng làm cho thơ ông thêm sinh động, càng chiếm thêm phần đọng sâu trong trí óc và con tim của độc giả về bức tranh được vẽ nên từ chất liệu của hiện thực cuộc sống muôn màu.

 

Bên cạnh khung cảnh sắp chuyển giao mùa trong thơ Hữu Thỉnh thì vẫn còn biết bao nhiêu là tác phẩm làm trái tim của người đọc rung động đến thế, vẫn mượn chất liệu của thực tại để xây dựng nên bài thơ hoàn hảo nhất. Tự xa xưa, thân phận người phụ nữ luôn bị kiềm hãm, áp bức, bốc lột đến nặng nề. Họ được ví như kiếp “tằm tơ”, chỉ biết tạo ra những sợi tơ tốt nhất rồi cứ làm tiếp tục như thế đến hết cuộc đời mình, chẳng được một ích lời gì cả. Cũng từ đó mà người phụ nữ lại là chủ đề sáng tạo trong thơ cũng những thi sĩ thơ nôm ngày ấy, đặc sắc nhất đó có lẽ là Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Tác phẩm như một tiếng than cho số phận của tất cả người phụ nữ, nói lên bộ mặt thật của xã hội phong kiến đầy tàn bạo, nhẫn tâm đến khó lường:

 

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặng
Mà em vẫn giữ tâm lòng son.”

 

“Bà chúa thơ Nôm” đã tinh tế khi mượn hình ảnh của bánh trôi nước mà ví như thân phận người phụ nữ lênh đênh, nổi chìm trong xã hội cũ. Một người phụ nữ đẹp, công dung ngôn hạnh nhưng lại chịu cảnh áp bức như vậy thì liệu có xứng đáng hay không? Tất cả phải được bình đẳng hóa. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã dám đứng lên mạnh mẽ, hùng hồn bằng “Bánh trôi nước” của mình. Người phụ nữ sống trong cảnh xã hội phong kiến thì thân phận họ trôi nổi làm sao chẳng ai quan tâm, bảy nổi ba chìm cũng chẳng ai biết. Nhưng, dù có bị áp bức, ghét bỏ, người phụ nữ ngày ấy vẫn trông trắng như bánh trôi nước thuở nào, vẫn chịu đựng những sự tác động từ người khác. Họ không một tiếng than, vẫn giữ tấm lòng thủy chung, trọn tình trọn nghĩa, mãi mãi một lòng. Ấy mới thấy được, sự khổ đau mà người phụ nữ phải chịu đựng là to lớn biết nhường nào... Sáng tác của Hồ Xuân Hương đã mượn ngay chính thân phận người phụ nữ từ chính hiện thực xã hội phong kiến làm đề tài cho sự sáng tạo nghệ thuật. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã mạnh mẽ đứng lên đòi quyền được hưởng hạnh phúc chính đáng; được trân trọng những giá trị nội tại, những khuôn vàng thước ngọc “tứ đức” của người phụ nữ; đề cao việc nhận thức sâu sắc về giá trị bản thân, trân trọng chính mình và đề cao người phụ nữ là một nét mới trong chủ nghĩa nhân đạo trong những áng thơ thanh thanh tục tục của bà. Nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để, vẫn còn đâu đó trong xã hội thực tại những cảnh lầm than như tơ tằm của người phụ nữ. Thi phẩm này sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, phải tuân thủ theo những quy tắc cứng rắn của thơ Đường mới có được một thi phẩm đi cùng theo năm tháng lịch sử. Qua tác phẩm này của thi sĩ Hồ Xuân Hương, ta đã thấy nhà thơ đã nhìn đời bằng một con mắt mới, một con mắt nhìn thấu tâm can của con người trong xã hội đương thời. Đồng thời Bánh trôi nước cũng có một sự sáng tạo tân tiến trong cách suy nghĩ bằng trí óc, cảm nhận bằng con tim của nhà thơ, nó đã để lại những ấn tượng sâu sắc, và thấm thía trong từng câu từng chữ, làm tâm hồn người đọc hòa lẫn với nội dung bài thơ một cách chân thật nhất.

 

Như nhà thơ Ôgiêrốp: “Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn ngữ nhỏ nhất”. Bởi những sự ràng buộc về số câu, số chữ buộc người nghệ sĩ phải sáng tạo bằng cách tư duy ngôn ngữ cho tác phẩm. Bởi thế, Maiacôpxki gọi lao động nghệ thuật ngôn từ của nhà thơ là “trả chữ với với giá cắt cổ”:

 

“Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm radium
Lấy một gam phải mất hàng bao công lực
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ.”

 

Ngôn từ trong thơ ca phải đảm bảo nhiều yếu tố, về nhiều mặt nghĩa, nhiều tầng ý. Người nghệ sĩ phải chắt lọc những từ ngữ phù hợp nhất với chất liệu cuộc sống mà đã nhặt từ hiện thực, để tạo nên một bài thơ “đầu tiên” có nhiều xúc cảm mãnh liệt, to lớn. Cũng làm cho độc giả liên tiếp liên tưởng, tưởng tưởng những hình ảnh mang chất thơ trong tâm trí.

 

Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin cuộc đời luôn có những mẩu chuyện giống nhau, cùng mượn chất liệu hiện thực cuộc sống nhưng mỗi nhà thơ sẽ có cách khắc chạm đời sống tinh tế, đa dạng. Bởi mỗi người có cái “tạng tâm hồn” riêng và hiện thực thông qua đó được tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn, và tinh tế. Đó là căn nguyên để sinh thời Chế Lan Viên đề cao: ''Thơ của chúng ta đáng yêu ở chỗ nó làm giàu thêm cho chúng ta thực tế, tình cảm, tư tưởng, nhưng nó cũng đáng yêu là nó cũng làm giàu thêm cho chúng ta nhiều phong cách riêng để đi đến tiếp thu, yêu mến cái kho tàng chung ấy''. Mỗi khởi sự từ tâm hồn cũng đồng thời là nơi soi chiếu và phản ánh tâm hồn nghệ sĩ đến với người đọc, thơ ca đòi hỏi một nền tảng vững chắc bắt rễ từ cảm xúc chân thực, khách quan nhất của người làm thơ. Lao động của người cầm bút là hoạt động tinh thần đầy khổ luyện, bởi nói như Nam Cao “Hãy sống đã rồi mới viết” còn “Người mở đường cho phong trào thơ Mới” bộc bạch: “Hãy biết ơn vị muối của đời để thơ có thêm chất mặn”…

 

Quá trình thi nhân tạo nên thi phẩm là hoạt động tuần hoàn khép kín từ khối óc tới trái tim. Nguồn gốc, tình tự và ý thơ là những rung động nội tâm của chủ thể sáng tạo. Nhưng chỉ “ngắn ở câu chữ” mà không “dài ở sự ngân vang” thì tác phẩm ấy có thể ở lại với đời? Chính vì thế mà thi nhân “nổi loạn” – Hàn Mặc Tử mới đúc kết nên những “lời chân chính” với câu nguyện:

 

“Xin dâng này máu đang tươi
Này đây nước mắt, giọng cười theo nhau”

 

Mỗi dòng, mỗi tiếng phải là kết quả của mối quan hoài thường trực và tình yêu thiết tha... Cùng với đó, nhà văn Nguyễn Tuân trong "Võng ngô đồng" thổ lộ: “Tưởng như mình có thể chết ngay nếu mất đi quyền viết”. Bởi sáng tạo nghệ thuật là giây phút thi nhân "trút linh hồn" và được sống với tất cả thiết tha khát vọng. Mỗi tác phẩm muốn chống lại quy định băng hoại thì nhà thơ nhất thiết phải gửi gắm tâm hồn, tình cảm qua từng dòng, từng chữ...

 

“Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Hàng triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”

(Maiakopsky)

 

Người nghệ sĩ phải tốn tới hàng nghìn cân quặng chữ mà chỉ muốn mang lại một chữ hay nhất trong đứa con tinh thần của mình mà thôi, nhưng chữ ấy làm cho hàng triệu trái tim phải rung động sâu sắc trong triệu năm dài đằng đẵng. Quãng thời gian mà anh đi tìm chất liệu của cuộc sống để mang vào trong thơ cũng rất gầy công và khổ nhọc. Không phải những thứ gì anh cũng mang vào thơ được, mà anh phải lựa chọn thật tinh tế, kĩ càng để có thể làm cho độc giả đọc xong “ngước lên trời với niềm kinh ngạc và thốt lên. “Ôi!” – Đó là bài thơ đầu tiên.”

 

Tấn Thành

HS đạt Giải Nhất HSG Thành phố môn Ngữ văn 9

Năm học 2021 - 2022

 

#baiviethocsinh_blogchuyenvan

#liluanvanhoc_blogchuyenvan

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét