Thông tin liên lạc

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Cuốn sách là dưỡng chất kích thích cho việc sống của chúng ta...

 


Đề: “Dù là sách viết về cái chết, dù là sách có nội dung như đi ngược lại cuộc đời, nhưng nếu là cuốn sách hay, nó sẽ trở thành dưỡng chất và chất kích thích cho việc sống của chúng ta” (Shiratori Haruhiko, Lời của Nietzsche cho người trẻ)

 

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.

 

Bài làm

 

         Ngước nhìn bầu trời bao la, tôi tự hỏi rằng cuộc đời vô thường này rồi sẽ còn lại gì: là tiền tài, vật chất, là niềm vui, hạnh phúc hay chỉ kết thúc bằng cái chết khổ đau. Phải chăng, khi thế giới đang phải hứng chịu đại dịch lớn nhất trong lịch sử - Covid 19? Đứng trước nỗi đau ấy, tôi tìm về văn chương, như một sự ủi an cho tâm hồn mình. Kỳ lạ thay, văn chương cũng thể hiện cái chết, nhưng lại làm cho tâm hồn tôi bừng tỉnh sức sống. Đến khi đọc được câu nói của Shiratori Haruhiko, tôi đã nhận ra sức mạnh kì diệu ấy của văn chương; rằng “Dù là sách viết về cái chết, dù là sách có nội dung như đi ngược lại cuộc đời, nhưng nếu là cuốn sách hay, nó sẽ trở thành dưỡng chất và chất kích thích cho việc sống của chúng ta”.

 

         Tựa những phím đàn đen - trắng xen kẽ cất lên bản hòa ca; văn chương cũng tồn tại hai mặt nội dung phản ánh. Nó không chỉ ngợi ca niềm vui mà còn viết về những góc khuất trong bề sâu bản thể người, đặc biệt là nỗi ám ảnh về cái chết. Nội dung ấy có phần hơi tiêu cực, đi ngược lại vẻ đẹp mà văn học thường hướng tới nhưng lại là một phần không thể thiếu. Đó cũng chính là những cuốn sách viết về “cái chết”, “có nội dung như đi ngược lại cuộc đời”. Và, nếu là một “cuốn sách hay”, tức một tác phẩm văn học có giá trị, thì nó cũng sẽ “trở thành dưỡng chất và chất kích thích cho việc sống của chúng ta” - nuôi dưỡng tâm hồn bạn đọc. Như vậy, nhận định của Shiratori Haruhiko đã bàn với bạn đọc về sứ mệnh cao cả của văn chương, khi nó giúp con người tìm thấy sự sống đằng sau những mặt tối của đời.

 

         Một “cuốn sách hay” phải là một cuốn sách viết về cuộc sống đang diễn ra xung quanh. Bởi lẽ, cuộc sống là nơi sản sinh và là nguồn cảm hứng cho văn học. Nếu tác phẩm khước từ việc tái hiện đời sống, đặc biệt là viết về cái chết - một phần của đời sống, hay cái đi ngược lại - một mặt của đời sống; thì văn chương sẽ như thần Ăngtê trong thần thoại Hy Lạp, mất hết sức mạnh khi rời khỏi đất mẹ Gaia. Chính vì thế, trong các tác phẩm, việc thể hiện cái chết của nhân vật như một cách để nhà văn phơi bày thực trạng xã hội như xã hội lễ nghi phong kiến hà khắc đã đẩy Vũ Nương đến cái chết để bảo vệ danh dự (Chuyện người con gái Nam Xương), xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác đã đẩy người nông dân đến bước đường tha hóa trước cái chết “giữa bao nhiêu là máu tươi” của Chí Phèo (Chí Phèo), cuộc chiến tranh phi nghĩa đã khiến ông Sáu mãi không thể đoàn tụ với bé Thu (Chiếc lược ngà),... Chính những khám phá về bản chất của hiện thực thông qua cái chết của nhân vật, nhà văn đã phần nào khẳng định được sự tinh tế, tài năng trong quá trình tái tạo lại thế giới. Dù lặn sâu vào mặt tối của đời, nhưng nhà văn vẫn tìm thấy “những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu). Nếu nhà văn chỉ biết phản ánh những niềm vui, tìm kiếm vẻ đẹp trong ánh sáng thì nỗi niềm trong góc tối và uẩn ức trong những cái chết, ai sẽ là người phản ánh chúng? Bên cạnh đó, việc tái hiện thế giới với đầy đủ những khía cạnh khác nhau cũng giúp cho văn chương nghệ thuật tác động đến quá trình nhận thức của bạn đọc. Người đọc sẽ nhận ra những biến chuyển của thời đại, nắm bắt những vấn đề trong đời sống.  Để từ đó hướng tới việc đồng cảm với số phận của nhân vật. Vậy, nếu một cuốn sách hay không tái hiện lại cuộc sống với toàn bộ sự phong phú vốn có, nhà văn không phải là “người thư kí trung thành của thời đại”, liệu rằng nó có thể trở thành nguồn dưỡng chất nuôi dưỡng cho tâm hồn bạn đọc?

 

Viết về cái chết chính là cách để nhà văn ươm mầm khao khát sống trong trái tim người đọc. Đó cũng chính là tâm tư của đại văn hào Lev Tolstoy khi để cho đứa con tinh thần của mình - nàng Anna Karenina trong tác phẩm cùng tên phải tìm đến cái chết. Sống trong một cuộc hôn nhân giả dối, Anna đã tìm đến một tình yêu chân thành với Vronsky, để rồi nàng tự kết thúc bi kịch đời mình bằng hành động lao vào đoàn tàu xe lửa đang chạy đến. Trong khoảnh khắc ấy, nàng đã nhìn thấy “luồng sáng đã soi rọi cho nàng thấy rõ cuốn sách cuộc đời với bao nhiêu lo âu, phản phúc và đau khổ, lúc này càng bừng lên chói lọi hơn, rọi chiếu vào mọi vật bấy lâu nay vẫn chìm trong bóng tối…”. Ấy có chăng là luồng sáng soi rọi cho những mâu thuẫn nội tâm đang dâng trào trong trái tim nàng? Nó đã làm cho những đối lập trong tâm hồn càng bừng lên chói lọi hơn: khát vọng tình yêu với ham muốn ích kỷ được trả thù người mình yêu, tình yêu và nỗi đau, tính cách cao thượng và sự toan tính tuyệt vọng… Anna đã đối diện với chính mình, với tận cùng thẳm sâu tâm hồn mình trong giây phút cuối cùng ấy. Để rồi, lựa chọn ấy như một sự giải thoát khỏi những dằn xé đến cùng cực. Với Anna, cái chết như một tiếng thét đòi tình yêu, phản ánh sự suy tàn của tầng lớp thượng lưu nước Nga trong những năm bảy mươi. Nàng đã phá vỡ quy tắc của một người phụ nữ chuẩn mực để trở thành “đứa con nổi loạn” của xã hội đương thời. Và, Lev Tolstoy không trách Anna mà còn soi rọi vào nỗi đau của nàng để cảm thông, để thấu hiểu. Qua đó, ta nhận ra khao khát được yêu thương vốn là một nhu cầu chính đáng của nhân loại, và mỗi người phải mang một trái tim yêu và khao khát được yêu như thế. Vậy, qua cái chết đau đớn kia, ta lại một lần nữa được đồng cảm với thân phận người phụ nữ, đồng thời mở lòng để thấu hiểu nỗi đau của tất cả mọi người.

 

Một “cuốn sách hay” còn phải thể hiện được những tư tưởng sâu sắc, tiến bộ của người nghệ sĩ. Thật vậy, dù nội dung tác phẩm có trình bày về vấn đề gì chăng nữa, nhất là về cái chết, thì tác phẩm vẫn sẽ vượt qua sự băng hoại của thời gian nếu nó thể hiện được tư tưởng của thời đại và văn nhân. Một tác phẩm có tầm vóc, nói như nhà văn Nguyễn Khải thì: “Giá trị của một tác phẩm trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó”. Mỗi một thời đại khác nhau sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn, cách cảm của nhà văn về cuộc sống. Chẳng hạn, nếu trong văn học dân gian, các câu chuyện cổ tích xem cái chết như cách để trừng phạt cái ác, phục sinh cái thiện (Dẫu trải qua cay đắng dập vùi/Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu); thì trong văn học kháng chiến, cái chết được xem như sự bất tử hóa khí phách hào hùng của các chiến sĩ như người lính Tây Tiến (Tây Tiến)... Dưới ảnh hưởng của thời đại, người nghệ sĩ đã thể hiện suy nghĩ, tâm tư của mình vào trong tác phẩm. Từ đó, nó trở thành dưỡng chất tác động đến tinh thần bạn đọc. “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự giải bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà). Như thế, với những trăn trở của nhà văn trước “nỗi đau đời”, tác phẩm sẽ có sức tác động mạnh mẽ, làm nên sức sống của văn chương. Nếu tác phẩm chỉ còn là những con chữ xơ xác, vô hồn trên trang giấy mà không ẩn chứa một thông điệp nhân sinh nào, liệu rằng tác phẩm ấy có còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, trước cuộc loại trừ khắc nghiệt của thời gian? Và mỗi người đọc, khi tìm đến văn chương là tìm đến những giây phút “khiến con người tin vào bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở nơi con người khát vọng hướng đến chân lí” (Gorki). Độc giả sẽ không thể bị tác động nếu tác phẩm không giúp họ hiểu được đời sống, nắm bắt sự vận động của thời đại, giúp họ hiểu hơn về con người và chính mình. Văn học không giống như các hình thái ý thức xã hội khác, nó tác động đến bạn đọc thông qua tình cảm để thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Như thế, với sứ mệnh “làm cho người gần người hơn”, một tác phẩm phải thể hiện tư tưởng của người nghệ sĩ. Bởi, nó là một kim chỉ nam giúp tác phẩm sống mãi và người đọc sẽ được thanh lọc khi tiếp xúc với văn chương.

 

Thông qua cái chết của nhân vật, nhà văn đã gián tiếp trình bày những tư tưởng của mình trong tác phẩm. Còn nhớ vào năm lớp tám, tôi đã từng rơi nước mắt trước cái chết đau đớn của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao: “Lão Hạc đang vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc”. Khi ấy, tôi thương cho lão làm sao. Tôi trách nhà văn Nam Cao sao mà lạnh lùng đến thế. Chẳng lẽ, ông không thương nhân vật của mình? Không, ông thương lắm! Nếu không thương, làm sao Nam Cao lại giải thoát cho nhân vật của mình bằng cách tìm đến cái chết để rồi người đọc như chúng ta phải đau đáu trước quyết định ấy. Với Lão Hạc, ấy là tình thương con vô bờ bến của một người cha đôn hậu, là cuộc chiến với xã hội thực dân tàn bạo đã đẩy người nông dân đến tình cảnh phải “trót lừa một con chó”. Đáng thương, đáng trân quý biết bao khi Lão Hạc phải bán cả mạng mình chỉ vì để lại tiền cho con trai lão lấy vợ. Qua cái chết ấy, tác giả đã thể hiện tấm lòng nhân đạo của mình: sự khẳng định cho nhân tính của con người dù “cùng đường tuyệt lộ” nhưng vẫn giữ được sự lương thiện. Và, mỗi người đọc sẽ tự khắc yêu thương cha mẹ của mình nhiều hơn nữa, bởi họ cũng như Lão Hạc, đã dành cả đời mình để chăm sóc cho con. Vậy, nếu Lão Hạc không tìm đến cái chết, liệu ta có nhận ra những vấn đề mà nhà văn Nam Cao gửi gắm?

 

         Cái chết, đôi khi nó không chỉ đến với nhân vật, mà ngay cả người nghệ sĩ cũng viết về chính cái chết của mình. Trước khi từ giã cõi đời, nhà thơ Basho khi lâm bệnh nặng ở Osaka đã gọi học trò đem bút mực lại và viết một bài “Từ thế chi ca”:

“Dang dở cuộc hành trình

chỉ còn mộng tôi phiêu lãng

trên những cánh đồng hoang”

 

Vỏn vẹn trong mười bảy âm tiết, cuộc hành trình dấn thân đi tìm cái đẹp của Matsuo Basho cứ ngỡ như trải dài nay lại bị đứt đoạn. Và mùa thu ấy, qua quý ngữ “cánh đồng hoang”, đã cướp đi cái mộng văn chương của người nghệ sĩ. Giờ đây, chỉ còn linh hồn lang thang trên những cánh đồng mênh mông vô định. Nhà thơ đã đi tìm cái đẹp trong cái đơn sơ, bình dị nhất (cánh đồng hoang) chứ không phải là vườn hoa đầy hương sắc; nhà thơ đã để cho không gian vắng lặng đến tận cùng trước thời khắc từ giã cõi đời để mộng văn chương “phiêu lãng”. Dường như, cuộc đời khôn cùng này đã vội chia tay sự hữu hạn của một kiếp người luôn đi tìm cái đẹp; và dường như, trong cái khoảnh khắc cuộc hành trình bị bỏ dở, ông đã bất tử hóa vai trò thiêng liêng của người nghệ sĩ, như cách “Lorca bơi sang ngang/ trên chiếc ghita màu bạc” (Thanh Thảo)… Có thể thấy, cái chết có thể đến với bất kỳ ai, nhưng với người nghệ sĩ, đó là lúc anh ta sống mãnh liệt nhất, là lúc anh ta “cất lên những tiếng êm dịu để mua vui cho sự cô độc của chính mình” (B.Shelly). Chỉ giây phút đối mặt với cái chết, nhà thơ Basho mới có thể đưa cái mộng văn chương của mình vào cõi vĩnh hằng, vào sự sống khôn cùng của vũ trụ nhân sinh này.

 

         Như vậy, nhận định của Shiratori Haruhiko đã đề ra những yêu cầu cho một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Tác phẩm chỉ thật sự có giá trị khi nó viết về cuộc đời của con người, thể hiện những trăn trở của nhà văn trước thời đại. Điều đó cũng đồng thời đặt ra thử thách cho những vị khách văn chương. Người nghệ sĩ phải “mở hồn ra đón lấy mọi vang động của đời”, sống cùng với nỗi đau của nhân vật và có cái nhìn “trông thấu cả sáu cõi” thì mới có thể tạo nên được những tác phẩm có giá trị. Nhà văn, nhà thơ phải viết nên tác phẩm bằng cả tấm lòng thì nhà văn ấy mới được công chúng đón nhận. Và mỗi người đọc, phải rèn luyện khả năng cảm thụ cái đẹp, đón nhận tác phẩm bằng cả trái tim thì mới có thể hiểu hết những giá trị của một “cuốn sách hay”.

 

         Tuy nhiên, nhà văn cũng cần phải viết về cái tốt, cái đẹp để khích lệ, cổ vũ tinh thần bạn đọc thay vì chỉ viết về cái chết, cái đi ngược lại với cuộc đời. Bởi lẽ, “cái đẹp cứu rỗi nhân loại” (Dostoyevsky). Chính cái đẹp mà văn chương nghệ thuật mang lại đã cảm hóa tâm hồn người đọc. Còn nhớ trong tác phẩm Ba Lê kinh điển của Alicia - Alonso, vẻ đẹp của nàng Vacsava đã khiến Thành Cát Tư Hãn giải vây cho Ba Lan. Cái đẹp ấy đã khiến một thằng giặc trở lại làm một con người! Cái đẹp trong văn chương nghệ thuật được bắt nguồn từ đời sống, nhưng nó lại là sản phẩm của trí tưởng tượng nơi người nghệ sĩ. Bởi thế, nó có thể len lỏi vào bất kỳ tâm hồn nào, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người. Song, nó còn cho ta khả năng cảm nhận cái đẹp, thỏa mãn ước mơ, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ trong đời. Nghệ thuật dù nói về cái chết, nhưng vẫn là cái chết được thể hiện qua lăng kính thẩm mỹ và biến nó thành cái đẹp, cái cao cả vĩnh hằng.

 

         Khép lại những trang sách viết về cái chết khổ đau, tôi nhận ra rằng một tác phẩm dù viết về nội dung gì thì nó vẫn sở hữu những giá trị nhất định. Bước ra ngoài thế giới kia, tôi không còn cảm thấy cô độc, tuyệt vọng trước cái chết khi đối diện với dịch bệnh Covid-19. Bởi, văn học đã dạy tôi rằng cái chết không đáng sợ như thế, và ta phải có niềm tin vào cuộc sống và chính mình. Tôi mong rằng, những ai đang cảm thấy lạc lõng khi bị “giam cầm” trong nhà, hãy cầm lấy một quyển sách và đọc bằng cả trái tim mình. Khi ấy, văn chương sẽ cứu rỗi tâm hồn chúng ta, khỏi sự bao vây của nỗi đau mất mát. Khi ấy, cái chết dường như sẽ hóa thành hư không...

 

NGUYỄN PHÚC DUYỆT

LỚP LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI 12 – TRUNG TÂM DUY THANH

NĂM HỌC 2021 – 2022


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét