Thông tin liên lạc

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Dạy văn bản "Chữ người tử tù" (Ngữ văn 11) theo định hướng phát triển năng lực

 



Giáo viên thiết kế: Cô Kiều Mỹ Lan

(Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM)

 

Trong bối cảnh việc dạy – học trực tuyến vẫn gây nhiều cản trở, khiến giáo viên gặp khó khăn khi triển khai các tiết dạy đổi mới, cô Kiều Mỹ Lan (giáo viên trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) đã có một bài dạy thao giảng online thành công, đáp ứng các yêu cầu dạy học phát triển năng lực, tạo được hứng thú, sáng tạo cho học sinh. Bài viết này sẽ giới thiệu đến thầy cô những ý tưởng bài dạy của cô Kiều Mỹ Lan.

 

1. Cấu trúc bài học thành các hoạt động, nhiệm vụ học tập để HS chủ động khám phá kiến thức:




 

Có thể thấy cấu trúc bài dạy rất mạch lạc, xoay quanh bốn hoạt động chính: (1) Hoạt động mở đầu -> (2) Hoạt động hình thành kiến thức mới -> (3) Hoạt động luyện tập -> (4) Hoạt động vận dụng, mở rộng. Trục triển khai này đi theo trình tự dạy học lấy HS làm trung tâm, hướng HS từ việc nhận ra vấn đề trong thực tế cần giải quyết, chủ động lĩnh hội kiến thức để giải quyết nhiệm vụ đã xác định; luyện tập, vận dụng, củng cố để khắc sâu kiến thức.




 

2. Hướng đến dạy kĩ năng đọc truyện ngắn để HS chủ động giải mã văn bản:

 



Ưu điểm lớn nhất trong bài dạy này chính là cách tiếp cận theo định hướng phát triển năng lực, hướng đến dạy kĩ năng đọc truyện ngắn để HS chủ động giải mã văn bản. Khác với cách dạy trước đây, thầy cô là người cảm thụ, “đọc hộ” HS và diễn giảng, thì bài dạy của cô Kiều Mỹ Lan đã hướng cụ thể đến việc dạy kĩ năng đọc truyện ngắn, dạy “cái” (những kiến thức trọng tâm về vb “Chữ người từ tù”) gắn với dạy “cách” (cách đọc truyện ngắn qua một số yếu tố quen thuộc; cách đọc tình huống truyện; cách đọc nhân vật). Cụ thể như sau:

 

- Yêu cầu cần đạt được viết thành các kĩ năng đọc, với các động từ chỉ tư duy có thể định lượng được, giúp HS và GV kiểm soát hiệu quả tiến trình dạy và học.

 




- Hướng dẫn HS kĩ năng đọc theo loại thể, cung cấp cho HS các thuật ngữ công cụ khi đọc truyện ngắn và cách xác định, nhận diện, giải mã những yếu tố này. Khi hết một hoạt động học tập, GV không chỉ kết luận, nhận xét về nội dung, ý nghĩa tác phẩm mà còn kết luận, nhận xét về cách thức HS giải mã các yếu tố trong VB.




 

- Ứng dụng hoạt động vòng tròn văn học (giai đoạn trong khi đọc) để hướng dẫn HS chủ động giải mã văn bản, rèn luyện các kĩ năng đọc.






 

- Sử dụng hiệu quả hệ thống phiếu học tập để hướng dẫn HS giải mã văn bản, tự rút ra các ý nghĩa, chủ đề, thông điệp từ văn bản, đáp ứng yêu cầu đọc hiểu nội dung.




 

- Hoạt động vận dụng, mở rộng: hướng dẫn HS vận dụng các kĩ năng đọc đã học để thực hành đọc một truyện ngắn tương tự (về dung lượng, độ khó,..) của nhà văn Nguyễn Tuân.




 

3. Kết hợp bài dạy với các sản phẩm sáng tạo của học sinh:




 

Điểm làm nên sự hứng thú của tiết dạy và tăng cường sự sáng tạo của học sinh, đó là các nhiệm vụ thiết kế sản phẩm sáng tạo gắn với hoạt động đọc. Ở đây, GV đã có phương án thiết kế hợp lí khi gắn các sản phẩm sáng tạo như infographic, phòng tranh 3D với các hoạt động tìm hiểu tri thức về tác giả, tác phẩm, các hoạt động đọc. Ưu điểm của bài dạy này như sau:




 


- Sản phẩm gắn với các yêu cầu cần đạt, các nhiệm vụ học tập cụ thể và thể hiện được vai trò của nó trong tiến trình dạy học.

 

- Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm minh bạch, rõ ràng, có tính định hướng.

 

- Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR để lưu trữ và tra cứu sản phẩm bất kì lúc nào.



4. Hướng dẫn HS ghi chép hiệu quả bằng kĩ thuật KWL và sketchnote:




 

Một vấn đề khi dạy học theo hướng phát triển năng lực mà nhiều GV quan tâm, đó là: cho HS ghi bài như thế nào? Việc ghi bài của HS cần chủ động, sáng tạo và thể hiện sự hiểu của HS về bài học. Do đó, không có chuyện đọc – chép, hay chiếu – chép, mà HS cần có kĩ năng ghi bài tự chủ, sáng tạo, gắn với kĩ năng lắng nghe tích cực. Ở đây, GV đã ứng dụng hợp lí kĩ thuật KWL để hướng dẫn HS chuẩn bị bài, ghi bài chủ động và tự hệ thống hoá, củng cố kiến thức. Bên cạnh đó, GV khuyến khích HS sử dụng các cách thức ghi chép phát huy tư duy hình ảnh như sketchnote…




 

5. Củng cố, luyện tập các kiến thức bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm:

 



Hoạt động trắc nghiệm củng cố giúp khắc sâu kiến thức và tăng hứng thú cho lớp học, tạo không khí sôi nổi. Hệ thống trắc nghiệm trên kahoot giúp xếp hạng và thống kê câu trả lời của HS để gv kịp thời nắm bắt mức độ hiểu bài và bổ sung kiến thức.

 

 


6. Lập thư mục tài liệu tham khảo hướng dẫn học sinh tự học, chủ động khám phá kiến thức:




 

Hệ thống thư mục tài liệu tham khảo được giáo viên chuẩn bị công phu, đa dạng (bài viết, video clip, tư liệu, bài báo…) trên padlet là một phương tiện hỗ trợ hiệu quả để HS tự học, chủ động khám phá kiến thức.

 




Tóm lại, trong bối cảnh đối mới giáo dục và dạy học trực tuyến, các ý tưởng thiết kế bài dạy của cô Kiều Mỹ Lan là một gợi ý hay để dạy đọc hiểu văn bản trong SGK hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, tiệm cận chương trình mới; cũng như ứng dụng các kĩ thuật, phương tiện dạy học để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến. Chúc các thầy cô có những giờ dạy sáng tạo và hạnh phúc!

 


Tổng hợp và giới thiệu: TRẦN LÊ DUY


#phuongphapdayhoc_blogchuyenvan

#daynguvantheochuongtrinhmoi_blogchuyenvan

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét