Giáo viên thiết kế: cô Trần Thị Thu Sương
(THCS Ngô Quyền, Tân Bình, TP HCM)
Khác với trước đây,
chương trình mới coi tri thức tiếng Việt không phải đơn vị kiến thức độc lập,
riêng lẻ mà là một công cụ cần thiết giúp hình thành các kĩ năng nghe – nói – đọc
– viết (vốn là trục chính của chương trình Ngữ văn 2018). Trước cách tiếp cận mới
này, nhiều GV không khỏi lúng túng khi dạy phần tri thức tiếng Việt. Bài viết
này sẽ chia sẻ đến thầy cô ý tưởng dạy tri thức tiếng Việt của cô Trần Thị Thu
Sương (THCS Ngô Quyền, Tân Bình), đúc kết từ bài dạy thực tế của cô Thu Sương
trong giai đoạn học trực tuyến vừa qua.
CÁCH TIẾP CẬN DIỄN DỊCH
Cách triển khai phần tri
thức tiếng Việt trong các bộ SGK mới đều theo hướng diễn dịch, đi từ lí thuyết
tiếng Việt trước đến phần thực hành tiếng Việt sau. GV có thể triển khai cách dạy
theo trình tự này, hướng dẫn HS đọc, chú ý những thông tin quan trọng trong phần
Tri thức tiếng Việt, GV phân tích ví dụ sau đó khắc sâu kiến thức bằng các hoạt
động như trò chơi, câu đố, trắc nghiệm… Cụ thể như sau:
Bước 1: GV cho HS đọc nội dung phần Tri thức tiếng Việt
trong SGK, đánh dấu những từ khóa quan trọng, yêu câu HS xem kĩ những ví dụ
minh họa và diễn giảng ví dụ để HS hiểu rõ hơn vấn đề.
Bước 2: Để
kiểm tra học sinh có hiểu rõ được bài học hay chưa, GV có thể cho HS làm bài tập
trắc nghiệm, bài tập nhanh, trò chơi... Bài tập trắc nghiệm có thể thiết kế
thành các trò chơi nhằm tăng hứng thú cho các em ví dụ như: Trò chơi Rung
chuông vàng, trò chơi hộp quà may mắn, vòng quay kì diệu,… Hoặc các em có thể thi đua với nhau qua trò chơi
trên kahoot hoặc quizizz , GV có hình thức khuyến khích với HS trả lời tốt như điểm
cộng, phần thưởng nhỏ...
Bước 3: Dựa trên phản hồi
của HS sau hoạt động ở bước 2, GV có cách thức hỗ trợ ở những điểm HS chưa nắm
rõ: giảng lại; nêu ví dụ; mời HS đã nắm bài trình bày lại; tổ chức nhóm học tập…
CÁCH TIẾP CẬN QUY NẠP
GV cũng có thể lựa chọn cách tiếp cận quy nạp, đi từ hiện
tượng tiếng Việt trong thực tế, hướng dẫn HS nhận biết hiện tượng tiếng Việt,
trên cơ sở đó GV khái quát kiến thức dưới dạng sơ đồ, bảng biểu hình ảnh… Cụ thể
như sau:
Bước 1: GV
chọn ngữ liệu để giúp HS phân tích hiện tượng tiếng Việt sẽ học, ngữ liệu có thể
lấy từ SGK hoặc gv tự chuẩn bị.
Bước 2: Sau khi HS nhận ra
hiện tượng TV, giáo viên khái quát hoá kiến thức bằng sơ đồ, bảng biểu…
Bước 3: GV tổ chức hoạt động
trò chơi, trắc nghiệm, bài tập ngắn để khắc sâu kiến thức và định lượng mức độ
hiểu bài của HS.
KÍCH HOẠT KIẾN THỨC NỀN BẰNG KĨ THUẬT KWL
Với những kiến thức tiếng Việt HS đã được gặp ở lớp
trước, GV có thể sử dụng kĩ thuật KWL để giúp học sinh nhắc lại những gì đã biết,
từ đó là cơ sở “bắc giàn” để hình thành kiến thức mới. Cụ thể, GV có thể thiết
kế phiếu học tập K – W – L để HS chuẩn bị bài.
K – Know: GV hướng dẫn HS xem lại kiến thức đã học,
ghi những hiểu biết của mình về bài học (dựa trên các câu hỏi định hướng của
GV).
W – Want to know: GV yêu cầu HS xem trước SGK phần Tri
thức tiếng Việt và Thực hành tiếng Việt để ghi lại những câu hỏi HS quan tâm,
muốn tìm hiểu trong bài học. Việc ghi lại những câu hỏi này sẽ giúp HS có một tâm
thế chủ động khi tìm hiểu tri thức.
L – Learned: sau khi GV giới thiệu tri thức tiếng Việt và thực hành tiếng Việt, GV chốt lại những kiến thức trọng tâm để HS ghi vào cột Learned (đã học). Như vậy kiến thức hình thành cho HS sẽ có tính hệ thống, giúp thầy – trò chủ động trong quá trình dạy – học.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ gợi ra những ý tưởng
hay cho các bài dạy Ngữ văn theo chương trình mới. Chúc thầy cô tiết học thật hạnh
phúc!
TỔNG HỢP VÀ GIỚI THIỆU: TRẦN LÊ DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét