Đề
bài:
Phân tích tình huống truyện của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn
Minh Châu)
Bài
làm
Nguyễn Minh Châu là cây bút truyện ngắn xuất
sắc của văn học Việt Nam. Trước 1975, ngòi bút Nguyễn Minh Châu hướng về cảm hứng
lãng mạn với những hình tượng đẹp tráng lệ, tuyệt mỹ. Sau 1975, ngòi bút ấy hòa
cùng dòng chảy của cuộc sống, tìm về với cảm hứng thế sự, phát hiện, tìm tòi bản
chất tốt đẹp của con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong quá trình hoàn
thiện bản thân và tìm kiếm hạnh phúc. “Chiếc thuyền ngoài xa” là kết tinh của tâm
huyết và tấm lòng của nhà văn, là thành quả của một bầu máu nóng luôn hết lòng
vì cuộc đời, với những nỗi đau đời đau người tha thiết. Với “Chiếc thuyền ngoài
xa”, tình huống truyện là một điểm sáng, làm nên sức hấp dẫn và lay động hàng
triệu trái tim bạn đọc của tác phẩm.
Tình huống truyện là gì? Như Nguyễn Minh
Châu từng nói: “Tình huống là một khúc cưa của đời sống mà qua đó ta thấy được
trăm năm đời thảo mộc”. Tình huống truyện là cái hoàn cảnh được tạo thành bởi các
sự kiện đặc biệt mà tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc và tư tưởng, tình cảm của
nhà văn thể hiện đậm nét.
Tình huống truyện của “Chiếc thuyền ngoài
xa” có thể tóm gọn như sau: Phùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh được giao nhiệm vụ chụp
bức ảnh về biển ở vùng biển miền Trung để cho tờ lịch sắp xuất bản. Sau bao công
sức tìm kiếm, cuối cùng anh cũng chụp được bức ảnh tuyệt tác, “giản dị mà toàn
bích”. Thế nhưng, ngay sau đó anh chứng kiến cảnh bạo hành tàn nhẫn, độc ác của
một gia đình hàng chài, và sự việc vẫn tiếp diễn như thế. Mọi việc càng trở nên
khó hiểu khi ở tòa án, người đàn bà hàng chài nhất định không chịu bỏ người chồng
đã đánh đập chị tàn nhẫn. Đến khi người đàn bà đưa ra những lí lẽ giải thích,
thì dường như cả Phùng và Đẩu đều rút ra được cho mình những bài học về nghệ
thuật và cuộc sống.
Như vậy, tình huống ở đây là tình huống
nghịch lý và tình huống nhận thức. Tình huống nghịch lý là tình huống bao hàm
những sự kiện đối lập, thậm chí trái ngược, phi logic mà từ đó tác giả lôi kéo
người đọc vào những câu hỏi, thu hút họ giải đáp những câu hỏi đó để chạm vào
chiều sâu chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Tình huống nghịch lý ở đây là sự đối lập
giữa bức tranh thiên nhiên diễm lệ, toàn bích và cảnh hiện thực cuộc sống thô
nhám, xù xì, tàn nhẫn, mà trong cảnh hiện thực ấy, mỗi số phận, mỗi tính cách
nhân vật cũng đầy những mâu thuẫn, những nghịch lý, những uẩn khúc tưởng như kìm
nén những cơn sóng lòng trong sự im lặng, để rồi những điều không nói ấy ám ảnh
người đọc, thu hút người đọc đi đến tận cùng câu chuyện.
Bức tranh thiên nhiên là bình diện thứ nhất
của tình huống nghịch lý. Đó là một “cảnh đắt trời cho”, là một vẻ đẹp toàn bích:
“Trước mắt tôi là bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một
nét mơ hồ lòe nhòe lên bầu sương mờ trắng như sữa và có pha chút ánh hồng do mặt
trời chiếu vào. Một vài bóng người lớn trẻ em ngồi im phăng phắc như tượng trên
chiếc mui lum khum”. Đó là một cảnh tuyệt mỹ, vừa tĩnh, vừa động, có sự phối màu
độc đáo của hộ họa và có sự phối cảnh xa gần cùng những góc ảnh đặc sắc của nhiếp
ảnh. Chính vì thế nó mang vẻ đẹp “tuyệt đỉnh”, vẻ đẹp “giản dị mà toàn bích”.
Bức tranh thiên nhiên càng đẹp bao nhiêu,
càng lộng lẫy bao nhiêu, thì khi nó đối nghịch với hiện thực cuộc sống, người
nghệ sĩ càng bàng hoàng, choáng váng bấy nhiêu. Và quả thật, nghệ sĩ Phùng chỉ
biết “há mồm ra mà nhìn” khi chứng kiến cảnh bạo hành, một cảnh tượng cũng đầy
nghịch lý. Đầu tiên là người đàn ông, hắn đánh vợ một cách thô bạo, “vung chiếc
thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, vừa đánh, “răn nghiến ken két”, “nguyền
rủa bằng giọng rên rỉ đau đớn: “Chúng mày chết đi cho ông nhờ!”. Đánh vợ! Đánh
một người cùng lão đồng cam cộng khổ, cùng chịu đựng biết bao sóng gió, lại có
với nhau trên dưới chục con, tình cảm sâu đậm, gắn bó vậy mà hắn có thể tàn nhẫn
đánh vợ! Đó là một nghịch lý. Nhưng cái thái độ của người đàn ông lại là một
nghịch lý khác. Khi đánh ai đó để hả giận, ta ắt hẳn phải thấy sung sướng. Hoặc
nếu cái ác thấm vào bản chất, thì việc hành hạ ấy càng hiển nhiên, như không có
gì. Trong “Vợ chồng A Phủ”, A Sử trói Mị và hành hạ Mị mà nó còn thể thể chỉnh
lại dây lưng, đi ra ngoài, tắt đèn, khép cửa, nó coi mọi việc như hiển nhiên phải
thế, đó là bởi vì cái xấu xa, tàn nhẫn đã thành bản chất của nó. So sánh với A
Sử, ta càng thấy người đàn ông này có nhiều điểm khó hiểu. Đánh người khác, nhưng
bản thân mình cũng đau đớn, cực nhọc như chính mình bị đánh. Cái tiếng nguyền rủa,
“mày chết đi” thì là nguyền rủa, nhưng “cho ông nhờ” lại là van xin. Một cảnh
tượng không dễ lí giải. Tại sao như vậy? Phải chăng đó là sự tàn nhẫn hay còn uẩn
khúc nào khác? Phải chăng cái ác đã là bản chất của người đàn ông này, hay còn điều
gì giấu kín bên trong?
Người đàn bà cũng vậy, nhân vật người đàn
bà bị đánh tàn nhẫn, “ba ngày một trận nhẹ năm ngày một trận nặng”, nhưng vẫn “cam
chịu đầy vẻ nhẫn nhục, không kêu lên một tiếng, không phản kháng cũng không tìm
cách chạy trồn”. Bị hành hạ, mà ngay cả phản ứng bản năng nhất là lên tiếng, cũng
không có. Điều cũng thật khó hiểu. Phải chăng bà ta vô học nên không hiểu quyền
của mình? Phải chăng bà ta vô cảm đến tê dại nên không có một chút phản kháng?
Hay, phải chăng, còn một uẩn khúc gì đó?
Người con trai, Phác, cũng đầy mâu thuẫn và
nghịch lý. Trước ông bố, nó như “một viên đạn đang lao vào đích ngắm”, giật chiếc
thắt lưng , “dướn mình quật thẳng chiếc móc sắt vào khuôn ngực trần vạm vỡ cháy
nắng” của cha nó. Đó là hành vi có tính chất côn đồ, chứa đầy căm thú. Nhưng với
mẹ nó thì lại “đưa bàn tay lên mặt mẹ nó như muốn lau đi dòng nước mắt còn đọng
lại những vệt rỗ chằng chịt”. Một cái gì đó yêu thương vô hạn và xót thương vô
hạn, của một trái tim nhân hậu. Vậy Phác là ai? Một “viên đạn lao tới người đàn
ông và xuyên thủng tâm hồn người đàn bà”, như Nguyễn Minh Châu nhận xét? Phác là
một kẻ côn đồ hay người con có hiếu? Hay Phác, thật ra, là một đứa trẻ tội nghiệp,
yêu thương nhưng bất lực? Vẫn là những uẩn khúc không dễ gì giải đáp.
Uẩn khúc và uẩn khúc, câu hỏi này xoáy vào
câu hỏi kia thành những băn khoăn, bất tận, ám ảnh, day dứt, đó là tác động tâm
lý của tình huống nghịch lý lên bạn đọc, và lên cả nhân vật tư tưởng, nghệ sĩ
Phùng. Tình huống kéo người đọc vào trăn trở cùng cuộc sống với những bi kịch
tưởng như nhỏ nhặt mà thật ra đầy rẫy đau đớn, với những tâm trạng phức tạp, đầy
mâu thuẫn của con người. Đó chính là bước thu hút đầy nghệ thuật để hướng mọi sự
tập trung của người đọc vào cốt lõi của vấn đề: Nhận thức được tư tưởng mà nhà
văn gửi gắm, xây dựng, trong tình huống nhận thức.
Tình huống nhận thức là một trong ba loại chính
của tình huống truyện (cùng với tình huống hành động, tình huống tâm trạng), nó
cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lý của nhân vật. Nhân vật của nó, thường là
nhân vật tư tưởng, mà ở đây, là Phùng và Đẩu.
Qua Phùng, nhà văn gửi gắm thông điệp về
nghệ thuật, và trong suốt câu chuyện, đó cũng chính là những gì mà người nghệ sĩ
này nhận thức được. Thứ nhất, nghệ thuật cần tâm huyết, cần sự kiên trì, miệt mài
sáng tạo, Phùng nhận ra điều này khi phải chụp đi chụp lại mới được một tấm hình
đắt giá. Để được tập ảnh có hồn, đó là cả một quá trình miệt mài lao động! Thứ hai,
người làm nghệ thuật cần tỉnh táo trước cái đẹp: Cái đẹp có hoàn mỹ cách mấy,
nhưng bên trong nó chưa chắc đã là cái toàn bích, mà còn có thể là cái vô luận
và tàn nhẫn, là bạo lực, là đau thương, là bất hạnh…, người nghệ sĩ không chỉ dừng
lại ở cái đẹp, mà còn phải đi sâu vào bên trong nó, vượt qua cái thỏa mãn ban đầu
để nhìn sâu vào hiện thực, khám phá nỗi đau con người. Đó là điều Phùng nhận ra
giữa hai bức tranh chiếc thuyền ngoài xa, và chiếc thuyền ở gần – một thứ “nước
rửa ảnh quái đản” làm đảo lộn những gì anh ghi được trên phim. Và bức tranh ấy
cũng đã gợi lên bài học muôn thuở về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật:
Cuộc đời sinh ra nghệ thuật nhưng cuộc đời và nghệ thuật không đồng nhất, người
nghệ sĩ phải biết đi sâu vào hiện thực, vượt qua những hiện tượng nhất thời để
khám phá bản chất, và phải nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều.
Nguyễn Minh Châu quan niệm về vấn đề này: “Cuộc đời và nghệ thuật là hai vòng
tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Nam Cao nói: “Sống đã rồi hãy viết”.
Chế Lan Viên: “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Đó là vấn đề muôn thuở của
nghệ thuật, là trách nhiệm mà cũng là thiên chức cao cả của người nghệ sĩ.
Còn qua Đẩu, nhà văn gửi gắm bức thông điệp
và cuộc sống, đừng nhìn cuộc sống đơn giản, phiến diện, hời hợt. Đó là cái “vỡ
ra” trong đầu vị Bao Công phố huyện, khi những lí lẽ sắc sảo của một người có học,
một chánh án huyện, phải thua lí lẽ của tình mẫu tử, của lòng mẹ: “Đàn bà trên thuyền
chúng tôi phải sống cho con”, “Vui nhất là thấy lũ con tôi chúng nó được ăn no”.
Người đàn bà không thể bỏ người đàn ông vì đàn con, bà cần lão để “chèo chống
khi phong ba”, để nuôi đặng một đàn con “trên dưới chục đứa”. Đó là cái uẩn khúc
của tình người mà Đẩu không thể ngờ trước được, đã đánh tan giải pháp hời hợt,
thiếu thực tế của anh, là khuyên người đàn bà bỏ chồng. Chính điều đó đã làm sáng
lên giây phút nhận thức trong Đẩu. Đằng sau cái đơn giản là cái phức tạp, và để
giải quyết mọi chuyện không chỉ nhìn bằng lý thuyết suông, mà phải biết lắng
nghe, thấu hiểu, nắm rõ hiện thực của cuộc đời, của lòng người để tìm ra nguồn
gốc và giải quyết tận gốc vấn đề. Trong cuộc sống, cần nhìn nhận con người
trong cái nhìn đa diện, nhiều chiều, đặt trong quan hệ hàng ngày để nhìn ra bản
chất đích thực của họ.
Tình huống nghịch lý và tình huống nhận thức
góp một vai trò quan trọng trong việc làm nên thành công của tác phẩm. Về nội
dung, tình huống giúp tác phẩm thực hiện chức năng cao cả của văn chương, trở
thành “cuốn sách giáo khoa của đời sống”, giúp con người khám phá, nhận thức hiện
thực, cuộc đời. Tình huống truyện còn là chìa khóa để khám phá tư tưởng, tình cảm
của nhà văn, đặc biệt là cái nhìn nhân đạo của Nguyễn Minh Châu. Qua tình huống
truyện, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện rõ cái tâm của một nhà văn chân chính, một
“nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp) khi khắc họa nhân vật bằng cái nhìn
khách quan, thấu hiểu, thấp thoáng đâu đó sau vẻ cam chịu của người phụ nữ, trong
cử chỉ vuốt ve gương mặt mẹ của thằng Phác, tiếng nguyền rủa rên rỉ của người đàn
ông, ta bắt gặp một Nguyễn Minh Châu trầm lắng với những nỗi đau nhân thế, ta bắt
gặp những giọt nước mắt xót xa, thương cảm. Phải thấu hiểu, phải yêu thương con
người, Nguyễn Minh Châu mới có thể nhập thân vào nhân vật và diễn đạt những
chuyển biến tâm lý tinh vi, phức tạp, một cách tinh tế, chân thực, xúc cảm. Về
nghệ thuật, tình huống truyện làm nên kịch tính và sức hấp dẫn cho tác phẩm, cuốn
hút người đọc vào mạch diễn biến câu chuyện, kích thích trí tưởng tượng của họ,
thôi thúc họ khám phá những chiều sâu tư tưởng của tác phẩm.
Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống
truyện bằng một nghệ thuật ngôn ngữ độc đáo, ngôn ngữ kể chuyện sinh động, giàu
tính triết lý, ngôn ngữ nhân vật chân thực, phù hợp với tính cách và hoàn cảnh.
Cách lựa chọn chi tiết để xây dựng tình huống cũng rất tinh tế - thể hiện bản lĩnh
nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu – “người mở đường tinh anh và tài hoa” của văn
học thời kì đổi mới.
“Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời
gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sedrin)
Thời gian trôi qua, những gì vô nghĩa sẽ bị
sàng lọc, trôi vào lãng quên, nhưng những giá trị đích thực sẽ còn sống mãi,
qua thời gian sẽ càng chứng minh được sức sống và giá trị của mình. Phải, người
đời nay và người đời sau sẽ mãi không quên một Nguyễn Minh Châu cùng nghệ thuật
xây dựng tình huống truyện đặc sắc trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, đã dẫn dắt người
đọc vào cuộc phiêu lưu kì thú nhưng cũng đãm nước mắt, vào quá trình khám phá tâm
hồn con người và hiện thực cuộc sống. Những bài học về cuộc đời và nghệ thuật mà
Nguyễn Minh Châu gửi ắm sẽ còn sống mãi, như một kim chỉ nam, một ngọn hải đăng
kiêu hãnh và sừng sững, dẫn đường cho những cánh buồm nghệ sĩ trẻ, tiếp thêm
cho những nghệ sĩ đời sau sức mạnh, niềm tin, ý chí và nghị lực để bước tiếp trên
con đường mình đã chọn. Pautopsky từng trăn trở: “Dù ai nói với bạn, thì hãy luôn
tin rằng cuộc sống này tốt đẹp”. Niềm tin vào cuộc sống và con người, phải chăng
đó là món quà kì diệu nhất mà Nguyễn Minh Châu đã để lại?
TRẦN LÊ DUY
Học sinh lớp 12 CV trường THPT Nguyễn
Thượng Hiền
Năm học 2010 - 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét