Thông tin liên lạc

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Thuyết minh về cái quạt

I.                   Mở bài
Bé Na nằm yên ả trong lòng bà, bầu trời đêm đầy những vì sao, ông trăng vàng dịu dàng tỏa ánh sáng xuống khoảng sân nhà bà, dịu dịu mùi hương thiên lý. Tay bà quạt nhè nhẹ, đưa em vào giấc ngủ:
Thằng Bờm có cái quạt mo 
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu 
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu 
Phú ông xin đổi một xâu cá mè…
Na bay bổng trong giấc mơ, một người bạn hiện ra từ những ánh sao, cười hiền với Na, và giới thiệu:
-Chào Na, tôi là quạt mo của anh Bờm đây, sau đây, xin mời bạn cùng đến với câu chuyện về họ nhà quạt chúng tôi!



II.                Thân bài
1.Nguồn gốc
Họ nhà quạt chúng tôi ra đời khi nào, không ai biết chắc. Có lẽ kể từ khi con người sinh ra, cảm nhận được nhiệt độ, cái nóng, thì gia đình quạt chúng tôi đã ra đời rồi. Di tích khảo cổ học và các văn bản cổ cho thấy rằng quạt tay đã được sử dụng thời Hy Lạp cổ đại ít nhất từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên và dưới tên Rhipis. Những chiếc quạt giấy cổ nhất xuất hiện ở Ai Cập cách đây hơn 5.000 năm.
Chủ yếu, gia đình quạt của chúng tôi chia làm hai nhánh: quạt tay và quạt điện.


2.Quạt tay
a.Lịch sử
Quạt tay chúng tôi có mặt từ rất lâu rồi, ở Việt Nam có thể kể đến các làng nghề làm quạt truyền thống nổi tiếng như: Làng Chàng Sơn (Hà Nội), làng Canh Hoạch nổi tiếng với quạt sừng (Hà Nội), ở thủ đô cũng có phố Hàng Quạt, trước đây chuyên bán các loại quạt tay.
b.Phân loại

Quạt tay chúng tôi được chia làm hai loại:

+Quạt dạng phẳng, chính là gia đình của tôi: Bao gồm tôi, quạt mo, và các anh, chị quạt nan được  đan bằng lá cọ, lá buông, bằng rơm, bằng tre, giang, các cô quạt lông và bây giờ có  cả các bạn quạt được làm bằng nhựa. Ngày xưa có các cô, chú quạt rất lớn, được treo trên mái cao, người ta dùng dây để kéo, thường thấy trong cung điện, phía sau ngai vua. Qua hình ảnh tư liệu, các bạn cũng có thể thấy họ hàng chúng tôi có các thành viên rất to lớn, phải cầm bằng hai tay, đi theo hầu các vua chúa, quan lớn...
Quạt xếp là phổ biến nhất, có thể được mở ra, xếp lại cho gọn: là các thành viên làm bằng giấy dán lên nan bằng tre, gỗ, sừng, ngà, quạt làm bằng vải lụa, vải the. Quạt làm bằng gỗ, nhựa, kim loại, quạt bằng giấy gấp v.v...
c.Cấu tạo – chủng  loại
Sau đây, tôi xin giới thiệu với Na những thành viên trong gia đình tôi:

- Giản dị nhất trong gia đình quạt có lẽ là tôi, quạt mo. Tôi được làm từ mo cau. Khi cây cau ra hoa và kết buồng, phần bao bọc bên ngoài là bẹ cau. Cây cau cao chót vót nên bẹ cau thường tự rơi xuống đất, có màu vàng ngà rất đẹp. Vậy là mọi người chỉ nhặt đem vào, hơ lửa cho tai tái, deo dẻo là được, rồi đem ép cho phẳng. Ở nhà quê, cách dễ nhất là lót dưới chỗ nằm, đợi phẳng đem ra cắt gọt thành hình quạt có tay cầm. Tôi ra đời như vậy đó. Có thể nhúng tôi vào nước rồi quạt, có hơi nước quạt lại còn mát hơn.

- Còn kia, được làm từ nhiều nan kết thành, chính là anh trai tôi, quạt nan. Không chỉ bằng tre, những anh quạt nan khác còn có thể được làm bằng nứa, giang, lá buông, lá cọ...Do đan kết vật liệu nên có thể tạo ra nhiều hình dáng khác nhau, như hình lá đề, lá vả, hình thang, hình quạt ba tiêu... 

-Cuối cùng, duyên dáng nhất gia đình, đó là các chị quạt giấy. Quạt giấy chủ yếu được làm bằng các nan tre và dán giấy bề mặt. Quạt giấy tiện lợi ở chỗ có thể xếp gọn, mang đi dễ dàng.Làm được một quạt cho đẹp phải mất nhiều công đoạn, tre phải dẻo, già có độ tuổi từ ba năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Tre được lấy ở nhiều nơi, nhưng tốt nhất vẫn là tre được trồng ở Lương Sơn. Việc đầu tiên là chẻ tre và ngâm tẩm thuốc cho tre cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh bị mốc, mối mọt. Ngày xưa, các cụ quy định một chiếc quạt gồm 17 hoặc 18 chiếc nan, nhưng bây giờ hầu hết đều làm theo yêu cầu của khách, họ đặt bao nhiều nan thì làm bấy nhiêu. Giấy làm quạt là loại giấy dó, giấy điệp mua tận Đông Hồ (Bắc Ninh) đem về, có độ bền và dai. 

c.Trang trí
-Để chúng tôi thêm duyên dáng, ưa nhìn, tô điểm thêm cho chủ nhân, con người có nhiều cách trang trí chúng tôi.
-Thông thường, các chị quạt giấy được nhuộm bằng các màu như tím, đen, hồng, nhiều nhất là tím. Các thợ thủ công Việt Nam đã khéo léo, sáng tạo những hoa văn duyên dáng bằng cách dùng những chiếc kim để chấm lên.
-Kì công hơn, các họa sĩ vẽ lên chúng tôi những bức tranh đầy ý nghĩa với các chủ đề tốt lành như “Vinh hoa phú quý”, “Lưỡng Ngư Vọng Nguyệt”, “Long Lân Quy Phụng”… Những nhà thư pháp cũng dụng công viết nên những dòng chữ “như phượng múa rồng bay” để truyền tải những thông điệp ý nghĩa cho đời.
3.Quạt máy
a.Lịch sử hình thành
-Các anh chàng quạt máy chính là những người họ hàng xa của chúng tôi, đến từ phương Tây.
- Quạt máy ra đời vào năm 1882, phát minh bởi người Mỹ. Một trong những người tạo ra quạt máy đầu tiên là Omar-Rajeen Jumala vào năm 1832. Ông gọi phát  minh của mình là máy quạt ly tâm, hoạt động giống như máy bơm không khí. Thomas Alva Edison và Nikola Tesla phát hiện ra nguồn năng lượng điện cho toàn thế giới vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, và từ đó các loại quạt chạy bằng cơ học đã cải tiến thành quạt điện.Chiếc quạt điện đầu tiên 2 cánh được sản xuất bởi Công ty Động cơ điện Croker and Curtis.
b.Cấu tạo
-Quạt máy gồm các phần chính: thân quạt có gắn bộ công tắc chỉnh tốc độ, lồng quạt, cánh quat, mô-tơ quạt và bộ chuyển hướng. Một số quạt có thêm đèn trang trí,đồng hồ....
-Mô-tơ quạt gồm:
      +Cuộn dây đồng quấn trên lõi sắt từ (stator).
      +Rotor được làm bằng nhiều lá thép mỏng ghép lại, và có phần nhôm đúc nối với cốt thép để gắn cánh quạt và phần đuôi nhằm tạo chuyển động cho bộ chuyển hướng.
       +Tụ điện.
       +Vỏ nhôm để ghép giữa rotor và stator.
       +Bạc thau có ổ giữ dầu bôi trơn để giảm lực ma sát.

c. Chủng loại
Các thành viên trong gia đình quạt máy cũng rất đa dạng:

+Quạt trần: Gắn trên trần nhà để làm mát cả căn phòng, với  ba cánh quạt dài. Quạt được cố định trên trần nhà bởi một ống treo, mô tơ nằm ở phần bầu quạt, có phễu trên để che móc treo và hộp điện, đảm bảo mỹ quan, và móc dưới để tránh dầu chảy xuống.

+Quạt để bàn, quạt treo tường:  Có phần bầu quạt gắn mô tơ, cánh quạt để làm mát được gắn trong lồng nhằm đảo bảo an toàn cho người sử dụng. Quạt có chân đế (để lên bàn hay gắn lên tường) và các công tắc điều chỉnh nhiệt độ.

+Quạt tạo hiệu ứng trong phim trường: Những chiếc quạt khổng lồ với công suất lớn, tạo ra những cơn bão nhân tạo để làm phim…

Với công nghệ hiện đại, hiện nay các bạn quạt máy được tích hợp thêm chức năng phun sương, có thêm bộ phận chứa nước, giúp nhanh chóng xua tan cơn nóng ngày hè.
4. Công dụng
Quạt máy và quạt tay, chúng tôi tuy khác biệt, mỗi bên đều có điểm mạnh, yếu khác nhau, nhưng đều có một mục đích, đó là phục vụ cho đời sống con người:

-Công dụng chính của gia đình quạt chúng tôi là để làm mát. Chúng tôi giúp xua đi cái nóng, khiến mọi người dễ chịu hơn, nghỉ ngơi, thư giãn, hồi phục sức khỏe sau một ngày làm việc mệt mỏi.

-Ngoài ra, chúng tôi còn là một vật trang trí đẹp mắt trong mỗi căn phòng: Các anh chị quạt giấy duyên dáng, với những bức tranh nhiều màu sắc,giàu cảm xúc, hay các bác quạt trần gắn thêm những đồ vật trang trí như đồng hồ, đèn chùm… Chúng tôi mang lại vẻ đẹp cho đời sống mỗi con người.

-Các bạn có tin không, một vài thành viên trong gia đình chúng tôi rất giỏi võ, và được sử dụng như những binh khí chiến đấu, các anh chị ấy được gọi chung là thiết phiến, được sử dụng bởi các võ sư hay các samurai xưa.

-Trong đời sống con người, gia đình quạt chúng tôi cũng có ý nghĩa tinh thần to lớn: người xưa có thể viết thư lên chúng tôi để bày tỏ tâm tình, chúng tôi xuất hiện trong thi ca (nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ rất hay về quạt giấy), nghệ thuật hội  họa, thư pháp cũng cần chúng tôi giúp sức để tôn vinh những vẻ đẹp tinh hoa của người nghệ sĩ.

III.             Kết bài

Na say sưa lắng nghe câu chuyện của bạn quạt mo, say giấc ngủ yên lành, gương mặt tươi tắn, khuôn miệng như mỉm cười. Trời đã về khuya, không gian tĩnh lặng, bà ngắm nhìn em ngủ mà trong lòng hạnh phúc. Tay bà vẫn đều đều quạt thổi cơn gió mát lành vỗ về giấc ngủ của cháu. Đến đây, chúng ta bỗng khám phá ra ý nghĩa của chiếc quạt vốn gần gũi, bình dị bên ta hằng ngày: Sứ giả của tình yêu thương!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét