Thông tin liên lạc

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

"HÀ NỘI TRONG MẮT TÔI": Bài học về cách ứng xử với đồng tiền


Năm 1986, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa ra đười lối đổi mới toàn diện trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Theo đó: Trong đổi mới về kinh tế, Việt Nam khẳng định sự nhất quán phải đổi mới cơ bản về chính sách và cơ chế quản lý kinh tế, từng bước tạo lập trật tự và cơ chế kinh tế mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước”.[1] Kinh tế nước ta chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 20 năm, từ 1986 đến 2005, chính sách kinh tế mới có những thành tựu nhất định[2]: tạo được sự ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng của từng ngành, từng vùng, từng thành phần kinh tế; kinh tế đối ngoại phát triển khá, tiềm năng và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao; giáo dục và khoa học công nghệ có nhiều bước phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo, tăng việc làm đạt nhiều thành tựu và được quốc tế thừa nhận; các lĩnh vực văn hóa thông tin, y tế sức khỏe, chăm sóc người có công với cách mạng đạt nhiều thành tựu…

Như một quy luật tất yếu, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, sự thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế dẫn đến sự thay đổi mọi lĩnh vực khác trong xã hội, trong đó có văn hóa. Sự biến đổi ấy thể hiện rõ nét ở Hà Nội, thủ đô và cũng là trung tâm kinh tế của cả nước. Nguyễn Khải nhận xét, đó là “một vận hội mới, một thời buổi mới, thời mở cửa, thời làm giàu, làm giàu cho mình và làu giàu cho đất nước”[3], là “thời mà các giá trị cũ mất đi tính tuyệt đối. Còn những giá trị mới thì lòe nhòe, bảo là phải cũng được, bảo là trái cũng được”11. Trước những cách làm ăn mới xuất hiện của buổi giao thời, tác giả cũng bối rối:“Bảo là phải ư? Hình như là không phải, lắm trò quỷ quái quá. Bảo là trái ư? Cũng chưa hẳn, nó nộp thuế đầy đủ, buôn bán lương thiện, đúng với pháp luật hiện hành. Thế là gì? Chịu! Nó chỉ là một cách làm ăn của lúc giao thời”. Bằng sự quán sát tinh tế và sắc bén của mình, Nguyễn Khải đã nhận biết được sự tác động của kinh tế lên đời sống con người, khi các giá trị sống trở nên nhòa nhạt con người thiếu kim chỉ nam cho cuộc sống, thì dường như họ lạc lối. Cuối truyện ngắn “Nếp nhà”, tác giá kết thúc bằng chi tiết một thanh niên trên đường Phan Đình Phùng hét lên trêu ghẹo mình: “Chạy lộn đường rồi! Văn Điển đi lối kia cụ ơi!”. Tác giả gọi cảnh tượng đó là “rác của Hà Nội”,  “hàng hóa nhiều tất nhiên rác rưởi phải nhiều, chứ nghèo quá, đói quá lấy đâu ra rác”. Câu chuyện ấy một lần nữa xuất hiện trong truyện ngắn Một người Hà Nội, và ở đây tác giả đã lí giải sâu hơn về hiện tượng đó, đó là do con người ứng xử trong đời sống dựa vào các giá trị vật chất chứ không phải là các giá trị văn hóa, điều này thể hiện qua lời cô con gái vợ chồng bạn nhân vật Khải: “Ông mặc tẩm như thế này đi xe đạp họ khinh là phải, thử đội mũ dạ, áo ba đờ xuy, cưỡi cái Cúp xem, thưa gửi tử tế ngay”. Như vậy, khi các giá trị sống còn đang lòe nhòe dần định hình, thì trong xã hội xuất hiện một thang giá trị rõ ràng, hiển hiện, đầy sức cám dỗ: tiền. Con người trong bối cảnh đổi mới đó cảm thấy ứng xử theo quy luật của tiền, tất nhiên dễ dàng hơn ứng xử theo những giá trị sống chưa hình thành, đang lờ mờ và khó nhận biết. Thị trường trở thành ông chủ, với quy luật bất biến, dễ ứng xử. Các giá trị văn hóa, cách ứng xử của con người xuống cấp, mối quan hệ giữa người với người, tình yêu thương, sự thủy chung và các giá trị sống khác đang đứng trước nhiều thử thách và nguy cơ.

Xã hội gặp nhiều biến động, tất nhiên gia đình không thể thoát khỏi làn sóng đó. Nếp nhà trong bối cảnh kinh tế thị trường phải đối mặt với sự đe dọa lớn từ những ngụy giá trị, khi chúng tác động vào tư duy, hành động, và nếp ứng xử của các thành viên trong gia đình. Trong Hà Nội trong mắt tôi xuất hiện không ít câu chuyện éo le, trái ngang về cách ứng xử với nhau giữa các thành viên trong gia đình. Trong Chúng tôi và bọn hắn, tác giả kể về người vợ của một người bạn của mình (anh bạn tên Phúc), một người phụ nữ tảo tần, đảm đang, giàu đức hy sinh đúng như hình mẫu truyền thống. Tác giả nhận xét về người phụ nữ ấy: “Chị là vàng mười, là kim cương, là báu vật, là sự may mắn lớn nhất mà chồng con chị có được ở cõi đời này”. Quả vậy, năm con gái chị sinh con rồi băng huyết, tưởng như hấp hối, một mình chị đơn độc giành giật lại con khỏi bàn tay thần chết, bằng sự quyết tâm sắt đá của mình. Ấy thế mà cuộc đời người phụ nữ ấy gặp quá nhiều bất hạnh. Chồng chị thì ngoại tình, tác giả nhận xét rất cay đắng: “Ông đã ngoài sáu mươi thì tình nhân của ông là 50 hay 20. Chịu!”[4]. Cả một đời người mẹ ấy lo cho con, cho cháu, nhưng con dâu thì đối xử với chị rất bạc. Lời chị tâm sự thật tủi: “Tôi biết phận tôi lắm ạ, bảo gì làm nấy, trung thành tận tụy, tuyệt đối không cãi một lời mà vẫn bị nó ghét. Trông con nó đã được gần một năm bỗng dưng một hôm nó thuê đâu một con bé đem về, bảo bà đưa cháu cho con bé kia bế, rồi tự nó đi làm cơm, cho bà ngồi chơi, hỏi không nói, gọi không thưa”[5].  Những phẩm chất đức hạnh của người phụ nữ truyền thống không làm cho họ hạnh phúc, mà khiến họ trở nên cực khổ, tủi nhục, khiến họ vất vả lao tâm khổ tứ nhưng lại không được coi trọng. Tình cảnh ấy càng đáng thương hơn khi con người xem trọng giá trị vật chất, tiền bạc hơn tình cảm.

Cũng trong Chúng tôi và bọn hắn, có một tình huống rất nghịch ngạo, hài hước xảy ra. Nhân vật tôi đến thăm gia đình một người bạn tình thân như người nhà, hai vợ chồng ấy rất muốn mời cơm nhân vật tôi, nhưng lại không dám, hai vợ chồng nhìn nhau ái ngại. Hóa ra, anh con trai của họ không thích bố mẹ tiếp đãi bạn bè, nếu chưa có sự đồng ý của anh.  Thời thế rõ ràng đã thay đổi, quyền hành gia đình không còn hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ già, mà ở những người con, đặc biệt khi những người con là những doanh nhân thành đạt, nắm “quyền lực kinh tế” trong gia đình.

Khi con người ứng xử với nhau dựa trên giá trị vật chất, các tình cảm thân ái, chan hòa, các mối ràng buộc thiêng  liêng truyền thống đứng trước nguy cơ bị đạp đổ. Trong truyện ngắn Tiền, một cuộc chiến giữa các thành viên trong gia đình đã diễn ra, các anh em trong một gia đình đòi bán nhà, hương hỏa dòng họ, chia tiền đều làm bốn phần để mỗi gia đình có nhà riêng mà ở. Gia đình nhân vật chính, cô em họ Hiền của nhân vật tôi, không đồng ý, quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Thậm chí đến nỗi: “Em là người nặng tình cảm họ hàng lắm. May sao lần này em không anh em lằng nhằng gì cả. Đã đụng vào quyền lợi của nhau tức là kẻ thù rồi. Có phải dùng dao mà xử em cũng dám”.[6]

“Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc của đời sống” (Nguyễn Minh Châu), quả đúng như vậy, những câu chuyện Nguyễn Khải kể trên là những sự việc mắt thấy tai nghe, của những con người cụ thể, những số phận cụ thể, nhưng qua các chi tiết được tác giả chọn lọc bằng trực giác nhạy bén và khả năng quan sát tinh tường, những sự việc ấy lại có sức khái quát nghệ thuật rộng lớn. Những câu chuyện về gia đình tác giả kể ở trên không phải xa lạ hay cá biệt, mà dường như có thể gặp ở bất kì gia đình nào, với các mức độ khác nhau. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, con người có thể đánh mất chính mình, và khi đánh mất chính mình, họ cũng không còn khả năng bảo vệ, gìn giữ nếp nhà nữa.

Quá trình con người sống trong cuộc đời, xét cho cùng là một quá trình không ngừng nhận thức bản thân, để định vị vị trí của bản thân trong xã hội, trong vũ trụ, giữa đồng loại. Đó là quá trình tìm kiếm chân lý, tìm kiếm một lẽ sống, để trả lời cho các câu hỏi: Ta là ai, ta từ đâu tới, vì sao ta sống, ta sẽ đi về đâu. Con người tìm kiếm câu trả lời ấy từ thực tiễn, từ những phản hồi của hiện thực va đập với họ, thông qua ứng xử của họ với hiện thực. TrongHà Nội trong mắt tôi, vấn đề ứng xử với tiền được tác giả đặt ra, như một luận điểm quan trọng để giải quyết vấn đề làm thế nào để giữ gìn văn hóa, làm thế nào để con người sống đẹp, làm thế nào để bảo vệ nếp nhà.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Khải xây dựng nhân vật cô em họ Hiền trong Tiền như một đối cực với bà cụ trong Nếp nhà và cô Hiền trong Một người Hà Nội. Cả ba nhân vật này đều là những nhân vật nữ với vẻ đẹp trí tuệ sắc sảo, giàu bản lĩnh sống. Cả ba cũng đều phải đưa ra những sự lựa chọn trong cuộc sống, đánh cuộc với cuộc sống để tìm kiếm chân giá trị. Sự khác biệt duy nhất giữa họ, là thái độ của họ trước thời cuộc, biểu  hiện cụ thể là cách ứng xử của họ với tiền.

Có thể thấy hai xu hướng rõ ràng. Một là dè dặt, giữ một khoảng cách với tiền, đó là cách ứng xử của bà cụ trong Nếp nhà và cô Hiền trong Một người Hà Nội. Họ khước từ mọi nguồn lợi vật chất có thể mang đến cho họ. Bà cụ trong Nếp nhà từ chối bán hay cho thuê căn nhà triệu đô. Cô Hiền chọn làm nghề hoa giấy, một nghề chỉ đủ nuôi sống gia đình. Tuy vậy, không phải họ cực đoan phủ nhận giá trị đồng tiền. Bà cụ trong Nếp nhà tự nhận mình là người biết quý trọng đồng tiền, từ trẻ đến già. Cô Hiền trong Một người Hà Nội luôn muốn những người thân trong gia đình mình có thể độc lập mà sống, “không phải ăn bám” (do hoàn cảnh thời cuộc). Vấn đề ở chỗ, cả bà cụ trong Nếp nhà và cô Hiền trong Một người Hà Nội, đã nhận thấy sự biến tướng của sức mạnh đồng tiền trong bối cảnh mới. Khi các giá trị nền tảng sụp đổ, con người chao đảo trước cuộc sống, đồng tiền hiện lên như một nhân tố mới đầy hấp dẫn. Thời bao cấp, người ta quy mọi thứ ra gạo. Thời đổi mới, người ta quy mọi thứ ra tiền. Khi ấy con người dễ bị đồng tiền cám dỗ, không đến với tiền bằng lí trí, mà bằng cảm tính, và vì thế, họ dễ bị đánh mất chính mình. Nguyên nhân là do con người chưa được giáo dục để ứng xử với tiền. Bà cụ trong Nếp nhà đã đúc kết rất chính xác: “Bây giờ các con anh đều lao vào kiếm tiền, đều nuôi mộng làm triệu phú tỷ phú trong chớp mắt. Khốn một nỗi chúng lại chưa từng được ai dạy bảo cách ăn ở với đồng tiền. Đồng tiền vừa là đầy tớ, vừa là ông chủ, vừa là bạn đường, vừa là giặc cướp, các con anh biết chọn cách nào? Chúng chỉ biết lựa chọn theo trực giác, theo kinh nghiệm tức thì, theo lợi ích trước mắt”[7]. Theo bà, “Bàn tay thương vợ, bàn tay yêu con, bàn tay nắm tay bạn bè đếm mãi tiền nhiễm độc lúc nào không hay, sẽ không còn là bàn tay người nữa”[8]. Bà cụ đã thể hiện một niềm lo âu về nguy cơ đánh mất chính mình và làm tan rã các mối quan hệ xã hội, của xu hướng chạy theo đồng tiền trong thời buổi kinh tế thị trường.

Xu hướng chạy theo đồng tiền, nắm bắt mọi cơ hội kiếm tiền mà cánh cửa cơ chế thị trường mở ra, chính là xu hướng thứ hai trong lẽ ứng xử với tiền, xu hướng mà cô em họ Hiền trong Tiền lựa chọn. Có thể thấy, toàn bộ lo âu của bà cụ trong Nếp nhà đều ứng nghiệm vào nhân vật cô em họ Hiền này. Ở nhân vật này diễn ra một sự đánh mất chính mình mà bản thân cũng không nhận thấy, đến khi nhận ra thì đã quá muộn.

Lựa chọn của Hiền khi chạy theo cơ chế thị trường, khởi điểm rất chính đáng. Có tiền, để xây dựng gia đình hạnh phúc. “Hiền mong muốn cái trẻ trung của mình, cái tháo vát của mình sẽ làm cho ngôi nhà vui hơn lên, ồn ào hơn lên, là một cái nhà đang sống, đang phát đạt. Cô ao ước hy sinh để vun vén, để hàn gắn một cái gì đang vỡ ra. Tất nhiên là phải có tiền, có rất nhiều tiền.”[9] Mặt khác, Hiền cũng đã quá thấm thía cái cay đắng khi thiếu tiền, sau cảnh vượt cạn thập tử nhất sinh, nhìn cuộc sống tiêu điều, thiếu thốn, phải bán tài sản để trả nợ, Hiền đã cay đắng biết bao: “Chó ơi là chó! Người ơi là người! Người không có tiền cái chân không bằng con chó!"[10] Và đồng tiền kiếm được, rõ ràng đâu phải là một sự vun vén hạnh phúc cá nhân, khi có thể lo cho gia đình bữa ăn no đủ, sung túc, thì “Hiền chỉ ăn rất ít, cô xới cơm cho chồng, gắp thêm cho bố và cho cô, thưởng thức cái ngon của bữa cơm qua cái mãn nguyện, hả hê của người khác với đôi chút hãnh diện”[11].

Tuy vậy, mục đích không thể biện minh cho phương tiện, Hiền đã tận dụng mọi cách thức để kiếm tiền, bao gồm cả việc ăn cắp, bán hàng lậu, cho nên mọi việc đều không như ý muốn. Mục đích ban đầu của Hiền là vun vén gia đình, mang lại hạnh phúc cho mọi người, để không phải chịu cảnh tủi nhục đau đớn nữa; nghịch lý là khi mọi người no đủ, hạnh phúc, gia đình lại bất hòa tan rã vì đòi chia tài sản, Hiền lao vào anh chị chồng vì “động đến quyền lợi tức là kẻ thù”. Hiền tâm nguyện khôi phục nghề làm bánh kẹo truyền thống của bố chồng, một tâm nguyện rất cao cả; nhưng rồi cuối cùng mải mê kiếm tiền mà không thành được. Mọi dự định tốt đẹp không biết khi nào rơi vào quên lãng, bởi vì tiền, “tiền nhiều quá, tiền vào như nước lụt, cứ mê đi vì tiền”. Tiền làm cho người ta mê muội. Tiền làm cho con người ta không biết sợ bất kì điều gì, dám đạp lên mọi ranh giới và chuẩn mực. Từ việc xem tiền là một công cụ mang lại hạnh phúc, Hiền đã xem tiền chính là hạnh phúc. Từ việc dùng tiền như một phương cách để bảo vệ các giá trị quan trọng, Hiền đã xem tiền là giá trị quan trọng duy nhất. Nói ngắn gọn: Cô đánh mất mình vì tiền. Để đến khi ở bên kia con dốc cuộc đời, mới thấy hối hận, nhận ra rằng lựa chọn của mình, trong canh bạc với cuộc đời là thua trắng tay: “Vẫn thua anh ạ, rút cuộc về già là thua. Luật đời mà”.

Trong văn học Việt Nam giai đoạn sau 1975, kiểu nhân vật nữ đánh mất chính mình như Hiền (Tiền) không phải là hiếm gặp. Đó là một Lý của Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng) ăn cắp quỹ cơ quan, ngoại tình bỏ trốn. Đó là cô con dâu của ông tướng Thuấn trong Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp) dùng nhau thai người để nuôi lợn. Dường như họ đều có một lí do chính đáng để chạy theo tiền. Một Lý rất mực khôn ngoai mà cũng đầy nông nổi, khéo léo chạy vạy cũng lo cho gia đình chồng, thậm chí nuôi em trai chồng ăn học, sống bên một người chồng dửng dưng suốt ngày hoài tưởng quá khứ và không thấu hiểu nỗi niềm của vợ, dường như khát vọng bứt ra để tìm một hạnh phúc không phải là không thể thông cảm. Cô con dâu của ông Thuấn, tuy không thể biện minh được, nhưng vẫn làm tròn nghĩa vụ với gia đình chồng. Nguyên nhân sâu, có lẽ Nguyễn Khải đã đúc kết rồi, đó là do con người chưa được giáo dục để ứng xử với đồng tiền, họ chạy theo vật chất bằng cảm tính, bằng cái lợi tức thời. Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến một nguyên nhân rất khách quan: thời kì chuyển giao giá trị đang tác động không ngừng đến từng con người sống trong thời đại đó. Nguyễn Khải cũng đã khái quát hơn luận điểm của mình: “Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những "giá trị tức thời". Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những "giá trị bền vững". Vấn đề sau chót, có lẽ, đó là cần phải xác định một ranh giới trong cuộc sống, tìm kiếm một ranh giới sao cho không giới hạn và bó hẹp quyền tự do của mỗi người, nhưng đủ để giữ họ không đánh mất chính mình, không quay trở về trạng thái bản năng. Ma Văn Kháng nhận xét rất đúng đắn: “Cuộc sống bao giờ cũng có những ranh giới. Ai không phân biệt nổi ranh giới thì kẻ đó chỉ còn trong trạng thái bản năng”.[12] 

Vì lẽ đó, trong quá trình đánh giá tác phẩm, không nên nhìn nhận kiểu nhân vật đánh mất chính mình dưới đôi mắt của đạo đức truyền thống. Bởi vì rất hiển nhiên: Đó không phải là những con người sống trong bối cảnh có một hệ thống giá trị ổn định và bất biến làm quy chuẩn để mọi người noi theo. Những Hiền (Tiền), những Lý (Mùa lá rụng trong vườn), khi đặt trong đối sánh như những đối cực với bà cụ trong Nếp nhà hay cô Hiền (Một người Hà Nội), cũng hoàn toàn không có ý nghĩa phân loại nhân vật theo chính diện, phản diện. Họ đối lập nhau trong cách ứng xử, trong giá trị sống họ lựa chọn, nhưng họ tương đồng với nhau về bản chất: Họ đều là những con người tìm đường, xác định một chân giá trị trong cuộc sống, bằng cách đưa ra sự lựa chọn, và nhận về một kết quả sau cùng khi bài toán cuộc đời gần kết thúc. Cho nên, về bản chất, họ chỉ là một kiểu nhân vật: Kiểu nhân vật tư tưởng, kiểu nhân vật xác định giá trị. Những nhân vật này xuất hiện trong văn học thời kì sau 1975, chính là những phép thử để xác định một “ranh giới” (theo cách nói của Ma Văn Kháng) cho xã hội. Đó là quá trình đi tìm chân lý, đưa ra lựa chọn và liên tục chấp nhận sự phản hồi từ cuộc sống, để rút ra giá trị sau cùng. Nếu đúng, họ đóng góp một chân lý. Nếu kết quả sai, họ rút ra được một sự cảm nhận sâu sắc về chân lý, khi cái chân va đập mạnh mẽ với cái ngụy. Bởi vì cuộc sống vốn phức tạp, cuộc đời đa sự, con người đa doan, nên những hình mẫu con người được khái quát nên từ cuộc sống đó, cũng không thể rạch ròi đen – trắng. Đúng như Ma Văn Kháng viết: “Không phức tạp, không gọi là cuộc sống. Bản chất con người là vậy. Suốt đời con người chuyển động. Ai cũng có một cái đích lựa chọn để đi tới.Đích đúng, thì hạnh phúc cho mọi người. Còn đích sai, thì tai họa, chí ít cũng làm phiền xung quanh.”[13]

Tóm lại, từ những mẩu chuyện trong Chúng tôi và bọn hắn, trong Tiền, và đặc biệt là qua nhân vật cô em họ Hiền trong Tiền, Nguyễn Khải đã gióng một hồi chuông cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của nếp nhà trước bối cảnh xã hội mới. Việc cần làm là giáo dục mỗi con người, trang bị cho họ kĩ năng sống cần thiết để ứng xử và thích nghi trước mọi sự thay đổi của xã hội. Trong quá trình giáo dục ấy, nếu nếp nhà được gìn giữ tốt (như trường hợp cô Hiền trong Một người Hà Nội, bà cụ trong Nếp nhà), thì đó sẽ là một điểm tựa vững chắc để con người giữ mình và ứng xử trong đời sống. Ngược lại, nếu nếp nhà lung lay, thì nó sẽ hoàn toàn sụp đổ.




[1] Nguồn: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchinhsachthanhtuu?categoryId=799&articleId=2957

[2] Nguồn: http://dpi.danang.gov.vn/chi-tiet?articleId=5517

[3] Nguyễn Khải, Hà Nội trong mắt tôi, NXB Trẻ, trang 21

[4] Nguyễn Khải, sđd, trang 19

[5] Nguyễn Khải, sđd, trang 20

[6] Nguyễn Khải, sđd, trang 78

[7] Nguyễn Khải, sđd, trang 13

[8] Nguyễn Khải, sđd, trang 11

[9] Nguyễn Khải, sđd, trang 72

[10] Nguyễn Khải, sđd, trang 73

[11] Nguyễn Khải, sđd, trang 75

[12] Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn, NXB Trẻ, trang 259

[13] Ma Văn Kháng, sđd, trang 324

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét