Xuyên xuốt vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng
đã xây dựng nên một Vũ Như Tô. Một con người như là hiện thân của cái đẹp - một
vẻ đẹp lí tưởng. Vũ Như Tô được tác giả khắc họa như một tính cách bi kịch, vừa
bướng bỉnh vừa mềm yếu vừa kiên định vừa dễ hoang mang. Nhân vật bi kịch thường
mang trong mình không chỉ những say mê khát vọng lớn lao mà còn mang cả những
lầm lạc trong hành động và tư duy của chính nó. Nhưng, không bao giờ khuất phục
hoàn cảnh, nhân vật bi kịch bướng bỉnh vùng lên chống lại và thách thức số
phận.
Và có thể thấy rằng tính cách nổi bật
nhất của Vũ Như Tô chính là tính cách của một người nghệ sĩ tài ba, là hiện
thân cho niềm khát khao và đam mê sáng tạo cái đẹp. Nhưng trong một hoàn cảnh
cụ thể cái đẹp ấy thành ra phù phiếm, nó sang trọng, siêu đẳng, thậm chí, “cao cả và đẫm máu” như một “bông hoa ác”. Vì thế, khi đi đến tận
cùng niềm đam mê khao khát ấy Vũ Như Tô tất yếu phải đối mặt với bi kịch đau
đớn của đời mình. Ông trở thành kẻ thù của dân chúng, thợ thuyền mà không hay
biết. Cái tài ba của Vũ Như Tô được nói đến chủ yếu ở các hồi, lớp trước thông
qua hành động của anh và nhất là lời của các nhân vật khác nói về anh: thiên
tài “ngàn năm chưa dễ có một”. Nghệ
sĩ ấy có thể “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây những
lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”. Ông “chỉ
vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa thần tình biến hóa như cảnh hóa công”.
Nhưng chính vì quá đam mê khao khát đắm chìm trong sáng tạo mà Vũ Như Tô càng
dễ xa rời thực tế đời sống, càng sáng suốt trong sáng tạo nghệ thuật thì càng
mê muội trong những toan tính âu lo đời thường. Ở hồi thứ V, không nói nhiều
đến tài năng của nhân vật mà đặt Vũ Như Tô vào việc tìm kiếm một câu trả lời: xây
Đài Cửu Trùng là đúng hay sai? có công hay có tội? Nhưng cuối cùng Vũ Như Tô đã
không trả lời được thỏa đáng câu hỏi đó bởi ông chỉ đứng trên lập trường của
người nghệ sĩ mà không đứng trên lập trường của nhân dân, trên lập trường cái đẹp
mà không đứng trên lập trường cái thiện. Cũng chính vì thế mà ông phải đối diện
với một sự thật vô cùng phũ phàng mà đến chính ông cũng xem đó là “vô lí”, ông trở thành kẻ thù của nhân
dân, mộng tưởng cao vời của ông về Cửu trùng đài tan vỡ khi nó bị người dân
thiêu đốt thành tro tàn. Đáng thương hơn là kết quả ông nhận được chính là một
cái chết bi thảm.
Sáng tạo Cửu Trùng đài không phải là
tội lỗi, nhưng là một quá trình xây cất tốn kém: mười mấy vạn thợ, tiền nhiều
như nước song, gỗ chất cao như núi, trong cảnh đói kém triền miên, việc “xây
đài cao mộng lớn” càng gây bất bình sâu sắc trong dân chúng. Xây đài
trong một quan điểm cứng rắn: “công việc tôi làm là quang minh chính đại”,
Vũ Như Tô thất bại vì đòi hỏi dân chúng hy sinh quá nhiều, mà họ lại không cần
thứ nghệ thuật: “cho vua chơi“. Nghệ thuật thật khó tồn tại, khi không
đi cùng quyền lợi dân chúng. Dù rất ưu ái nghệ sĩ, thì việc dân chúng giết Vũ
Như Tô là một điều bất khả kháng.
Bi kịch của Vũ Như Tô có ý nghĩa nhân
sâu sắc ở chỗ bằng khát vọng sáng tạo nghệ thuật để vươn đến cái đẹp toàn
bích, muốn mang tài năng tạo nên giá trị tinh thần vĩnh cửu. Nhưng khát vọng
đẹp đẽ của nghệ sĩ không được hiểu đúng, đã bị nhân dân hủy diệt. Đây là
bài học đau đớn về số phận của nghệ sĩ và nghệ thuật, mà không ít lần lịch sử
đã phải trả giá.
Đồng thời qua tấn bi kịch của Vũ Như
Tô, tác giả cũng đã đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc về cuộc đời. Bi kịch ấy đã thức
tỉnh ý thức của mỗi chúng ta về ý nghĩa của một vấn đề muôn thuở. Đó là mối
quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần
túy muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân…Ở đây, có ý nghĩa
là “nghệ thuật phải vị nhân sinh”,
như vậy nghệ thuật mới có thể tồn tại và được nhân dân tôn trọng, bảo vệ và
nâng niu đúng mực bằng không cũng chỉ quẩn quanh là bi kịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét