Thông tin liên lạc

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

Ngữ văn 10 (CT mới) | Văn bản nghị luận phân tích, đánh giá truyện "Khu vườn bí mật"

 

Đề bài: Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể mà bạn yêu thích.

BÀI VIẾT



Dòng chảy văn chương đầy khắc nghiệt. Chính vì thế, các tác phẩm văn học không đặc sắc và đáng chú ý sẽ bị phủ bụi và lãng quên. Chỉ có những tác phẩm với giá trị vô giá về tinh thần và vật chất mới sống mãi với thời gian. Trong số đó không thể không nhắc đến tiểu thuyết “Khu vườn bí mật” của nhà văn Frances H. Burnett. Một tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi gây xúc động bởi chủ đề về tình yêu thương, “Phép màu”, thiên nhiên – con người và bao tình cảm thuần khiết khác… Truyện được viết bởi những nét nghệ thuật đặc sắc như: Giọng văn hồn nhiên, gần gũi với thiếu nhi và một hình ảnh “Khu vườn bí mật” giàu ý nghĩa. Với tôi, tiểu thuyết “Khu vườn bí mật” thật sự là một kiệt tác và in đậm dấu ấn không bao giờ phai trong thâm tâm tôi.

Đầu tiên, về tác giả Frances Hodgson Burnett. Nữ văn hào Frances Hodgson Burnett là một tiểu thuyết gia và nhà viết kịch người Anh nổi tiếng với những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, gợi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc. “Khu vườn bí mật” là tiểu thuyết tiêu biểu cho tài năng của Frances H. Burnett với một giọng văn ngây thơ, hồn nhiên nhưng cảm động.

Tác phẩm kể về cô bé ngang ngược, hơi ốm yếu và vô cùng ích kỷ -  đó là những ấn tượng đầu tiên của bất kỳ ai về cô chủ nhỏ đến từ một gia đình người Anh giàu có ở đất nước Ấn Độ xa xôi - Mary Lennox. Thế nhưng, khi bệnh dịch tả bất ngờ ập đến, cướp đi sinh mạng của cả bố, mẹ và mọi người bỏ lại Marry chín tuổi cô độc một mình trong ngôi nhà, người ta đã đưa cô bé về Anh, đến trang viên Misselthwaite để sống cùng với người bác gù lưng, khó tính và gắt gỏng của cô - Archibald Craven. Một ngày nọ, trong lần dạo quanh khu vườn, cô tìm thấy lối vào bí ẩn của khu vườn bí mật đã bị đóng cửa mười năm nay sau cái chết của phu nhân Craven. Với quyết tâm hồi sinh khu vườn ấy cô đã gặp những người bạn tốt. Và họ cùng nhau, với niềm hăng say, hy vọng và tình yêu lạ kỳ dành cho những hạt mầm vùi sâu trong đất, những đứa trẻ đã dành hàng giờ để chăm sóc, đào xới để hồi sinh khu vườn. Để rồi sau bao ngày nỗ lực với tình yêu của mình, cả hai đứa trẻ không chỉ đem lại sự hồi sinh cho khu vườn mà còn là sự hồi sinh cho cậu chủ Colin ốm yếu, bác Archibald u sầu và cả trang viên Misselthwaite hoang vu.

Trước hết tiểu thuyết “Khu vườn bí mật” hấp dẫn tôi bởi truyện gợi ra chủ đề về thiên nhiên - con người, mối liên hệ của sự sống. Nhà văn Burnet có một tình yêu thiên nhiên vô cùng sâu sắc, dưới ngòi bút của bà, "cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu", thiên nhiên phản ánh nội tâm con người. Dường như, người ta có thể thấy đằng sau những con chữ là hình ảnh của một liên kết bền chặt, sâu sắc và quan trọng giữa thiên nhiên và con người. Lần đầu tiên khi đến trang viên của ông Craven, khi băng qua vùng đất hoang, Mary không thể yêu một nơi “có cảm tưởng chuyến đi này sẽ không bao giờ kết thúc, và cánh đồng hoang trống trải, mênh mông là cả một đại dương đen ngòm trải rộng đến vô cùng mà nó đang phải vượt qua". Sự bỡ ngỡ trước một khung cảnh xa lạ khiến cô bé nhìn thấy cánh đồng hoang là một thứ gì đó mà nó không thích. Dần dần, trái tim nhỏ bé ấy bắt đầu biết yêu thương ai đó thì cánh đồng cũng dần thay đổi theo. Và khi tình yêu thương lớn dần, Mary hy vọng “Khu vườn bí mật” sẽ tái sinh một lần nữa. Khu vườn ấy với sự chăm sóc của Mary và Dickon đã đáp lại họ bằng một khung cảnh “Khu vườn là một vùng hoang dã, toàn sắc vàng của mùa thu xen lẫn màu tía, màu tím phớt xanh và cả đỏ tươi chói lọi. Khắp mọi nơi là những vạt ly ly nở muộn mọc sát bên nhau: ly ly có hai màu, trắng và trắng pha đỏ sẫm”. Ngoài ra, trong tác phẩm của Frances H. Burnett thiên nhiên như sống dậy, có khả năng giao tiếp với các nhân vật. Chú chim ức đỏ như một người chỉ đường đến với bí mật của khu vườn. Tác giả đã thể hiện một cách lãng mạn nhất tình yêu với thiên nhiên. Đưa thiên nhiên như trở thành một người bạn của con người. Vậy thiên nhiên đâu chỉ là những cảnh vật, sinh vật chỉ tồn tại mà thực ra thiên nhiên luôn sống, luôn biết cách yêu thương những ai yêu chúng. Và ta còn thấy thiên nhiên trong “khu vườn bí mật" sống động và đa dạng với nhiều khía cạnh. Từ biết bao nhiêu tên các loại hoa, cây cỏ tác giả đã liệt kê làm trí tưởng tượng của chúng ta hiện lên những hình dạng, màu sắc. Và khi nhìn lại chúng ta của hiện tại, liệu chúng ta có thật sự yêu quý và bảo vệ thiên nhiên? Nhưng tiếc rằng khi xã hội càng ngày phát triển, nhịp sống hối hả và bận rộn, thiên nhiên dần rơi vào lãng quên, con người chưa kịp nhận ra đã gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và chúng ta đã phải chịu một số những sự trừng phạt từ thiên nhiên như: thiên tai, bệnh dịch liên tiếp xảy ra,… Qua đó, ta thấy được bài học rằng phải biết yêu thương và quý trọng thiên nhiên.

 Tiểu thuyết “Khu vườn bí mật” còn khiến người đọc rung động bởi chủ đề về “Phép màu đến từ tình yêu thương”. Tuyến nhân vật của Khu Vườn Bí Mật là một điểm sáng khi Frances Hodgson Burnett đã thành công trong việc hình thành và phát triển nên tính cách của họ. Có thể nhận ra Mary Lennox từ một con bé cứng đầu khó ưa, coi mình là trung tâm vũ trụ đã được thay thế bởi một Mary biết điều hơn, mở lòng hơn và sống hòa nhã hơn với mọi người. Từ một cậu bé Colin gào thét bệnh hoạn, lúc nào cũng bủa vây bởi sự tiêu cực, nay vết thương tâm lý ấy cũng dần được chữa lành. Vốn dĩ hai đứa trẻ này có sự tương đồng rõ rệt về hoàn cảnh, từ bé không được sống trong sự đùm bọc yêu thương của cha mẹ, bị đối xử thờ ơ và đó chính là nguyên nhân gây ra sự tổn thương tâm lý của cả Mary và Colin. Nhưng những màu sắc trong trẻo, đẹp đẽ và dịu dàng của thế giới sống động ngoài kia đã dần dần hàn gắn những vết thương ấy lại, trao cho chúng “Phép màu” kì diệu và thổi một luồng sinh khí tươi mát làm dịu tâm hồn chúng, khiến cho hai đứa trẻ đã tái sinh sau những tháng ngày ủ rũ. Cuộc sống được hoà mình vào thiên nhiên, muông thú, cây cỏ và có người bạn tốt để chia sẻ, hướng dẫn… tất cả đã dần dần thổi lên trong Mary và Colin ấy những cảm xúc tốt lành. Khơi gợi trong Mary và Colin tình yêu thiên nhiên, yêu mọi người. Và “Phép màu” đã thực sự xảy ra cho cả Mary, Colin cho cả khu vườn bị bỏ hoang và lan toả cả đến những người lớn trong câu chuyện. Qua đó ch thấy sự kì diệu của tình bạn, của tình yêu cuộc sống chính là điều gắn kết những đứa trẻ, đưa mọi người đến gần nhau hơn và hồi sinh từ con người đến cảnh vật tại trang viên. Từ cô bé Mary Lennox cáu kỉnh trở nên đáng yêu đến Colin một đứa trẻ ốm yếu không đứng vững nổi lại có thể bước đi những bước chân mạnh mẽ và vững chãi như bất kỳ thằng bé nào khác. Ông lão làm vườn gù lưng Ben hay ông chủ trang viên - bác Craven đã tìm lại được niềm vui, niềm hi vọng vào cuộc sống. “Khu Vườn Bí Mật” là câu chuyện về “Phép màu”. “Phép màu” ấy không xuất phát từ bà tiên mà “Phép màu” lại luôn tồn tại trong chính chúng ta. “Phép màu” ấy là những suy nghĩ tích cực, là những ý chí tinh thần, là tình yêu khu vườn, là sự sẻ chia an ủi, tất cả những điều ấy đã làm tươi mới, giúp chúng ta có khả năng làm được những điều tốt đẹp mà tưởng như chúng ta không thể làm. Và chúng ta lại chính là những người tạo ra và lan toả “Phép màu” ấy đến cho mọi người. Frances Burnett đã cho độc giả thấy hạnh phúc chẳng nằm đâu xa, nó ở quanh ta, trong từng hơi thở, từng ngọn cỏ, trong nụ cười của những người ta yêu thương, như Henri Einstein từng nói: “Hạnh phúc ở đâu xa, chính ở ngay trong bản thân mình, nơi mình, xung quanh mình và ngay dưới chân mình.” Phép màu của Khu vườn bí mật” chính là những điều giản dị hay những niềm vui nho nhỏ như vậy.

Tiểu thuyết “Khu vườn bí mật” được viết bởi một hình thức nghệ thuật đặc sắc, thân thuộc với thiếu nhi và cũng không kém phần lôi cuốn, thu hút được sự chú ý của trẻ em xuyên suốt tác phẩm. Có thể kể đến trước tiên là giọng văn hồn nhiên, trong sáng thể hiện qua ngôn từ giản dị, súc tích. Xuyên suốt truyện là những hình ảnh, chi tiết nhẹ nhàng, phù hợp cho trẻ em, không có tình tiết bạo lực. Bên cạnh đó, vì tác giả cũng là một người mẹ, bà thấu hiểu tâm tư trẻ nhỏ nên đã thể hiện lối suy nghĩ của các đứa trẻ trong trong truyện rất chân thực, đáng yêu, đơn giản. Từ đó tác phẩm dễ tiếp cận với độc giả là thiếu nhi, qua đó những đứa trẻ vừa được đọc truyện gần gũi với chúng vừa học được những bài học quý giá thông qua truyện. Thậm chí, truyện còn truyền cảm hứng cho trẻ em bước vào hành trình đọc sách của chúng.

Nhân vật trẻ em với những tính cách đặc trưng và sự thay đổi tính cách của chúng, giàu ý nghĩa giáo dục. Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật chính là ba đứa trẻ: Mary, Dickon và Colin. Từ những đứa trẻ xấu tính: Mary - cô bé có tính cách bướng bỉnh, ích kỷ; Colin - sợ hãi, nhát gan, yếu đuối, cáu bẳn chỉ biết rên khóc trong phòng vì không thể đi lại với cơ thể yếu ớt. Nhưng những tình yêu thương mà cả Mary và Colin có với khu vườn và những tình cảm thương yêu mà chúng nhận được thông qua khu vườn (từ cậu bạn Colin lương thiện, từ chị hầu gái Martha có phần thẳng tính nhưng tốt bụng,...), đã khiến cả hai thay đổi trở nên tích cực, rộng rãi và tốt đẹp hơn. Cuối cùng là Dickon. Dickon là một cậu bé yêu thiên nhiên, là bạn của mọi loài động vật và được mọi người yêu quý mặc dù cậu có một cuộc sống rất khó khăn, túng quẫn ở túp lều gianh của cậu. Dickon trong truyện hiện lên là một cậu bé luôn trần đầy nhiệt huyết và bừng bừng sức sống, luôn nghĩ tới và giúp đỡ người khác. Từ hình ảnh của cô bé Mary và cậu bé Colin, độc giả trẻ em học được bài học đó là không nên xấu tính như hai cô cậu ở đầu truyện mà phải noi theo tính tình của cô cậu ở cuối truyện. Hay là cậu bé Dickon là một tấm gương tốt mà trẻ em nên học theo.

Hình ảnh “Khu vườn bí mật” là một ẩn dụ đẹp, giàu ý nghĩa. Mười năm về trước, “Khu vườn bí mật” đầy sức sống. Trong mười năm sau đó, do bị lãng quên, “Khu vườn bí mật” trở nên một nơi hoang phế. Mười năm sau, nhờ sự hợp sức và tình yêu của Mary, Dickon và Colin, “Khu vườn bí mật” đã hồi sinh. “Khu vườn bí mật” như một ẩn dụ cho niềm hy vọng, tình yêu luôn tồn tại bên trong mỗi chúng ta, dẫu vật đổi sao dời, trải bao dâu bể, thì tình yêu và niềm hy vọng trong ta vẫn luôn còn đó. Nếu mệt mỏi quá, mỗi người hãy tự trở về với “Khu vườn bí mật” của riêng mình, hãy chăm sóc nó và một ngày nào đó, chắc chắn một hương thơm đầy bình yên sẽ tràn ngập trong bạn.

“Khu vườn bí mật” như một ẩn dụ cho Mary. Thoạt đầu, “Khu vườn” hoang tàn, xơ xác, héo úa vô cùng, muôn hoa ngả vàng, các khóm hồng xám xịt, không sức sống, bầu không khí toát ra thật khô khốc, thê lương và đượm buồn. Phải chăng đó cũng chính là tính khí của cô bé Mary lúc ban đầu? Đầu truyện, Mary hiện lên với độc giả là một cô chủ tính khí ngang ngạnh, khó ưa, cộc cằn và rất tiêu cực trong cả suy nghĩ, lời nói và hành động. Với “Phép màu”, “Khu vườn” sống lại, rực rỡ, xinh đẹp hơn bao giờ hết trong vòng mười năm trở lại đây. “Phép màu” đó không từ đâu khác mà từ chính lòng yêu thiên nhiên của Mary, Dickon và Colin. Sự chăm sóc cần cù và quan trọng nhất là tình cảm mà những đứa trẻ dành cho cho “Khu vườn”, niềm hạnh phúc khi chúng nhận thức được ý nghĩa của cuộc đời là hồi sinh khu vườn này đã cho chúng một ý nghĩa sống thực thụ và chính niềm hạnh phúc ấy là nhân duyên quan trọng nhất làm nên sự tươi mát của “Khu vườn”. Và cũng chính trong quá trình thay đổi, cải tạo “Khu vườn”. Mary cũng đang thay đổi, cải tạo chính mình. Cô bé Mary trở nên một thiếu nữ trần đầy sức sống với đôi má đỏ hồng hào do làm việc mệt nhọc nhưng luôn nở nụ cười trên môi và tích cực hơn trước rất nhiều. Ta có thể thấy thực tại của “Khu vườn” như thế nào thì cô bé Mary cũng như thế ấy và ngược lại. Ẩn dụ này thực sự rất hay và đẹp! Và còn một điều mà có thể bạn đã quên. Đó chính là nguồn gốc thực sự của “Khu vườn” mười năm về trước là một “Khu vườn” ngập trong ánh nắng, những khóm hồng đua nhau khoe sắc, sắc hồng thật rực rỡ, chiếm lĩnh toàn bộ khu vườn, đó là “Khu vườn” tuyệt đẹp do chính tay bà Craven đã trồng và chăm sóc. Ông Craven và vợ thường bên nhau hàng giờ đồng hồ trong “Khu vườn” này. Họ, đặc biệt là bà Craven, rất yêu quý nó. Đáng tiếc thay, bà Craven qua đời. Từ đó, ông Craven đã quyết định khóa chặt “Khu vườn” lại, chôn giấu chìa khóa, và từ đó “Khu vườn bí mật” chính thức bị bỏ hoang mười năm trời. Mười năm ấy, sự bỏ hoang ấy liệu có giống với sự bỏ mặc Mary một mình của cha mẹ cô bé? Cô bé cô đơn khi không có người bầu bạn, “Khu vườn bí mật” cũng như thế. Nhưng nguồn gốc thực sự của “Khu vườn” là cái đẹp, cũng như bản chất thật sự của Mary là tính thiện. Tóm lại, cả hai – “Khu vườn bí mật” lẫn Mary, đều trải qua quá trình như sau: Đẹp – Thiện; bị bỏ rơi nên dần trở nên xấu xí, tiêu cực, nhưng lại được một bàn tay nào đó của Tạo hóa đã tạo ra “Phép màu” cho hai linh hồn ấy được gặp những con người tốt đẹp và giúp họ thay đổi, cởi bỏ vỏ bọc gai góc, xù xì của mình để hé lộ cho đời cái chân tâm thật sự của hai linh hồn cô độc nhưng đầy đẹp đẽ ấy.

Là một truyện thiếu nhi kinh điển, những chủ đề về thiên nhiên, tình yêu thương – những phẩm chất cần thiết cho mỗi đứa trẻ và những nét đặc sắc nghệ thuật như chất văn giản dị, trong sáng của tiểu thuyết “Khu vườn bí mật” khiến truyện, mặc dù đã ra đời cách đây hơn một thế kỉ vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc trên khắp thế giới, khẳng định sự tồn tại vô giá của tác phẩm trên dòng chảy thời gian của văn chương. “Khu vườn bí mật” trong truyện nhắc nhở tôi về “Khu vườn tâm hồn” của chính bản thân mình. Bao lâu nay, tôi chạy theo dòng đời mà đã bỏ mặc nó héo úa qua từng ngày. Ngay bây giờ, tôi sẽ trở về và chăm sóc “Khu vườn” của riêng tôi. Trong mỗi người chúng ta đều có một “Khu vườn bí mật” đang chờ các bạn về chăm sóc và tận hưởng. Còn bạn thì sao? Bạn có nghe thấy tiếng vẫy gọi từ “Khu vườn bí mật” của chính bạn?

 

TRẦN HUỲNH VIỆT CƯỜNG

LỚP VĂN 10 (CHƯƠNG TRÌNH MỚI) TRUNG TÂM DUY THANH

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét