Thông tin liên lạc

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

NLXH | ĐI TÌM THIỆN - ÁC

 

 

Đề: Hãy viết bài văn với nhan đề “Đi tìm Thiện Ác”




Đi tìm Thiện Ác

 

Bức tranh “Bữa tiệc ly” đã tưởng chừng vô vọng khi người hoạ sĩ Leonardo không tìm được một gương mặt tàn ác tột cùng để hoạ lại nhân vật Judas. Cho đến khi ông gặp một kẻ tử tù sắp bị xử bắn - kẻ có gương mặt mà ông đang kiếm tìm, ác đến hoàn hảo; thời khắc vẽ xong bức tranh, khi lính lệ lôi kẻ tội đồ lên pháp trường, giọt nước mắt của hắn hoà vào tiếng nói đã nghẹn đắng: “ Ngài Davinci… Hãy nhìn kỹ tôi! Tôi chính là người 7 năm trước ngài chọn làm mẫu vẽ cho Chúa Jesus”. Câu chuyện đánh thức trong tôi một trăn trở về con người, dường như hình mẫu về một con người lý tưởng, cao cả hoàn toàn là không có thật. Hoá ra, đường biên phân định giữa Chúa trời và Quỷ dữ, giữa Thiện và Ác trong căn tính của mỗi chúng ta là vô cùng mỏng manh.

 

Kỳ lạ thay, duy chỉ có con người là phân định Thiện Ác rạch ròi. Bằng sự phát triển về nhận thức và ngôn ngữ, con người đã đặt tên và quy định những hiện tượng trong đời sống. Nếu không có con người hoặc nền văn minh nào phát triển như của con người, như một lẽ tất yếu, cũng sẽ không có Thiện Ác, có chăng chỉ là những quy luật của tự nhiên, của tạo hoá. Con người đã đặt lằn ranh giữa Thiện và Ác để phân biệt và áp dụng vào đời sống. Nói theo Kinh Thánh, trái Tri Thức là căn cớ của mọi sự, khi Adam và Eva đặt môi mình lên thứ trái cấm của Vườn Địa Đàng, con người đã thức tỉnh nhận thức, theo đó việc biết đến Thiện và Ác không là điều ngoại lệ.

 

Đông tây kim cổ, các vị triết gia, các nhà thông thái, từ những suy tư của mình về căn tính con người, họ đặt nền móng những kiến giải của mình về Thiện Ác. Trong triết học Đông phương, Mạnh Tử - người học trò của Khổng Tử đã tìm tòi và đúc kết quan niệm về bản tính con người: “ Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, song người đời sau - Tuân Tử khởi xướng “ Học thuyết về cái Ác” tin rằng: “ Nhân chi sơ tính bản ác”. Triết học Tây Phương không tránh khỏi sự xung đột của những quan niệm tương tự, trong khi Platon, Rousseau tin rằng cái Thiện bị làm cho băng hoại và cái ác được khơi dậy trong mỗi con người bởi tác nhân xã hội thì Socrates, Nietzsche tin rằng bên trong cả con người thánh thiện nhất cũng có một con thú ló đầu ra nhìn họ khi đang ngủ. Thiện và Ác trở thành câu hỏi lớn lên cùng sự phát triển của nhân loại, càng ngày sự xuất hiện của Thiện Ác trong đời sống càng phức tạp, những kiến giải vì thế cũng dày đặc, chất chồng lên nhau.

 

Vậy rốt cuộc con người là gì thế?

 

Chung đúc từ sách vở và sự quan sát, tôi nhận ra không tự nhiên mà trong danh xưng con người, phần con vẫn đặt trước còn phần người ở phía sau. Tính Người là những đặc điểm, những cách sống mà con người đặt ra, nói cách khác đó chính là điều Thiện để giúp phần Người phân định với phần Con bản năng, khắc chế tính ác, tiêu trừ dục vọng, để khát cầu sự tiến lên, ngày càng nhân văn, cao cả hơn. Song trong chính trật tự của danh xưng con người, không biết trùng hợp hay mang ẩn ý, đặt phần con trước phần người cũng biểu đạt được trật tự phát triển của cuộc hành trình đi tìm và bồi đắp thiện căn trong bản tính con người - một hành trình đầy gian khó, con người trên hành trình ấy dễ bị phong toả bởi những cám dỗ, dễ bị vùi lấp trước sự xoay vần của cuộc đời.

 

Cái Ác - một cuộc hành trình của nhân loại.

 

Lịch sử đã chứng minh, không một thời đại nào con người không phải đấu tranh với cái Ác. Từ diệt chủng Holocaust cho đến thảm sát Nam Kinh, Pol Pot hay đoàn quân K.K.K sẵn sàng treo cổ bất kỳ người da đen vô tội nào, cái ác ngự trị trong con người và làm cho con người huỷ diệt nhau, khiến con người cười trên máu tanh và tiếng kêu gào của đồng loại. Sự thù ghét, sự phân biệt cao - thấp giữa người này với người kia, chính sự thiếu lòng trắc ẩn và ích kỷ ấy, nó khởi sinh thành những hành vi nhỏ nhặt trong đời sống cho đến những tội ác lớn lao hoặc cuộc tàn sát với quy mô rộng lớn. Từ một ánh mắt lạnh lùng có thể dẫn đến lời nói mang tính sát thương cao, sự cười cợt trước nỗi đau của người khác có thể là nguồn cơn của những hành vi lạnh lùng, tàn nhẫn của ta trong tương lai. Cái Ác là một căn bệnh nan y, khởi nguồn từ những triệu chứng vặt vãnh và trở thành khối u ác tính từ khi nào không hay biết. Trong thời gian dịch bệnh, con người có thời gian nhiều hơn trên không gian mạng, ta chứng kiến cuộc lưu diễn của những “toà án dư luận”, những lời công kích, sự thoá mạ như những viên đá của pháp trường Trung Cổ, nó ném vào người bị chỉ trích một cú chí mạng thương trong sự hả hê của những “người tốt nổi giận”. Những nhân vật bị hành quyết có thể là những người đã có hành vi trái với tiêu chuẩn cộng đồng, một số khác họ chỉ là những người có sự khác biệt về giới tính, xu hướng tính dục, sắc tộc, tôn giáo hoặc thân hình không vừa mắt người khác. Dù họ có là ai, có sai với ai, thì một cái Ác này cũng không thể chạy chữa, che lấp bằng một cái Ác khác.

 

Sự vô cảm của cái Thiện là lòng dũng cảm của cái Ác

 

Chúng ta thường khẳng định tuyệt đối thế giới quan của chính mình. Do đó khi đứng trước sự khác biệt ở người khác, ta có xu hướng cho rằng đó là điều sai, ta cho rằng họ là tha nhân nên không thể đồng cảm. Khi ta mang tâm lý như thế, khi ta cắt đứt mọi liên hệ giữa ta và người khác và cho rằng dù họ có đau khổ ra sao thì đời ta chẳng mảy may tích sự, chính khi đó ta khước từ khả năng đặt mình vào vị trí người khác, ta chối bỏ tiếng nói của tình thương và lòng bác ái để thoả mãn cái tôi, một cái tôi bất mãn, giận dữ. Giữa mối quan hệ người với người, sự khác biệt (khiến ta thường gọi là “người khác”) miễn nó không vi phạm chuẩn mực đạo đức thì nó không nên là cái cớ tạo dựng cho sự thù ghét. Ta hãy phản tư lại chính mình để tìm ra bản chất, động cơ của những hành vi trong đời sống của ta. Có đôi khi ta nghĩ mình là người tốt, ta lên tiếng chỉ trích một người nhưng đằng sau cái lớp vỏ trượng nghĩa, ta không phải là một Lục Vân Tiên mà ta lại là bà cô Thị Nở. Đôi khi cuộc sống không có đúng và sai, có chăng chỉ là sự khác biệt. Và là một người văn minh, ta cần biết tôn trọng sự khác biệt đó.

 

Song hướng Thiện không phải là sự nhún nhường.

 

Một trong những kết quả của sự phát triển con người đó là lý trí. Nếu ngày xưa người ta quy kết một cá nhân dựa trên những phiếu bầu cảm tính thì ngày nay luật pháp ra đời để đảm bảo sự công bằng, lý tính. Vì vậy, xử lý và diệt trừ cái Ác, chúng ta không nên quy án, kết tội một cách duy ý chí mà hãy căn cứ trên những cơ sở của cả đạo đức và pháp luật. Chính sự dứt khoát trước cái Ác nhưng không vô tình làm vỡ những quy tắc của cái Thiện, nó mới là con đường lâu dài trên hành trình đi đến gần hơn với phần Người bên trong mỗi chúng ta.

 

“Địa giới giữa Thiện và Ác chỉ được phân chia bằng một sợi tóc”

 

Lời thoại của nhân vật Thành trong tác phẩm truyện ngắn của Thạch Lam luôn nhắc nhở tôi về cách sống của chính mình, để tôi phản tỉnh mình trước sự manh nha  của cái thấp hèn, để tôi đủ can đảm phủ định sự giả dối để sống trung thực, để tôi hướng về cái Thiện để cái Ác đổ bóng về sau. Công nhận sự tồn tại của cái Ác nhưng không thoả hiệp với sự thống trị của cái Ác trong tâm hồn mình, đó chính là quan niệm sống của tôi. Ngồi với sự tàn nhẫn đủ lâu, tôi nhận ra tên thật của nó là nỗi đau. Ngồi với cái Ác đủ lâu, tôi nhận ra nó là sự dồn nén của bất hạnh. Mỗi người trong hoàn cảnh khác nhau sẽ dẫn đến những lựa chọn khác nhau song hãy đặt niềm tin vào cái Thiện, hãy lấy những điều tốt đẹp làm giá trị sở cứu đời mình. Đó là cách để ta miễn nhiễm với virus cái Ác và nuôi dưỡng mảnh đất tâm hồn.

 

Nhân sư Sphynx với hình ảnh một con vật khát khao làm người những vẫn còn bị ghì chặt bởi lớp thú khiến cho tôi cảm thấy danh xưng con người, tự thân nó đã là một trọng trách. Sự vắng mặt của cái Thiện khiến con người trở về với bản tính của loài dã thú, thích máu tanh và luôn gầm gừ giận dữ. Nhưng việc triệt tiêu cái Ác hoàn toàn là một điều bất khả, một mơ mộng hão huyền. Không phải là đích đến, dường như quá trình đấu tranh để cán cân cuộc đời dù hiện hữu cái Ác nhưng phần thắng vẫn nghiêng về cái Thiện mới là điều cốt yếu, mới là cứu cánh, là ý nghĩa cuối cùng. Con người chân chính không là thần thánh, cũng không là thú vật, mà là sự kiểm soát, giáo hoá những thuộc tính của “loài bốn cẳng” trong thân xác “hai chân”.

 

 Thế kỷ hai mươi. Ai phiêu bạt trên đường

Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ

Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ

Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu!”

(Vinokurov)

 

TRẦN TRỌNG ĐOÀN

LỚP 12CV1

THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG

(NĂM HỌC 2021 – 2022)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét