🌿 BÌNH AN NGAY ĐÊM NAY...
Alexander là một người thông minh theo học
với hiền triết Aristotle. Khi lên ngôi hoàng đế, ông đã tâm sự với thầy:
– Con sẽ chiến thắng Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì.
Aristotle hỏi:
– Rồi sao nữa?
Alexander suy nghĩ:
– Sau đó, con có thể ngủ một cách bình an.
Aristotle mỉm cười:
– Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an
ngay đêm nay có hơn không?
(Theo Hành trình về phương Đông – Blair T.
Spalding)
Câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ
gì về cuộc sống?
BÀI
LÀM
Một sự thật khi ta nhìn lại lịch sử thời kì vua chúa,
khi lên ngôi các vị vua luôn mang nặng suy nghĩ rằng vương quốc của mình sẽ phải
thật cường tráng và hưng thịnh. Alexander cũng thế. Ông vốn dĩ là một người rất
thông minh và tài giỏi nhưng ông cũng thể nào thoát được “ách tử tưởng” này. Nó
thể hiện rõ ràng nhất đó là khi ông trò chuyện với người thầy Aristotle về việc
chiến thắng Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì. Ta có thể hiểu việc “chiến thắng” chỉ dừng lại
là một ước mơ, mà dĩ nhiên là Alexander chưa thể thực hiện được. Nghĩ về vấn đề
đó, ông luôn trăn trở và tự xác định rằng khi nào thắng được Ai Cập và Thổ Nhĩ
Kì thì khi đó ông mới có thể ngủ bình an. Nhưng đối với Aristotle – một nhà hiền
triết nhanh nhạy và sâu sắc – ông luôn nhìn nhận được ngay vấn đề để rồi hỏi dồn
Alexander một câu: “Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có hơn
không?”. Trái ngược với suy nghĩ của Alexander, nhà hiền triết ấy luôn mong muốn
người học trò của mình xem trọng thực tại và hướng đến những việc có thể làm
ngay thời điểm lúc bấy giờ - cụ thể là việc “ngủ bình an ngay đêm nay”. Như vậy,
mượn lời Aristotle, Blair T.Spalding muốn nhắc nhở cho ta nhớ, rằng: Chớ có lo
lắng cho tương lai, hãy tận hưởng, sống hết mình và đừng bỏ quên hiện tại.
Những người biết sống tận hưởng luôn là những người rất
khôn ngoan. Họ nhìn ra được giá trị của thời gian và cuộc sống. Bởi lẽ đó họ
luôn có nếp sống chậm rãi để từng bước cảm nhận nhịp thở của mình mà không phải
lãng phí đi bất cứ một giờ phút nào cả. Nhờ vậy nên những người sống thanh thơi
luôn có tinh thần thoải mái và vô cùng hưởng lạc. Bên cạnh đó thái độ ôn hòa,
niềm nở với mọi người luôn là thứ để ta có thể đánh giá cách họ đối xử với bản
thân. Vì không ai có thể mang lại năng lượng tích cực cho người khác trong khi
lương tâm mình chỉ toàn là những tảng đá tiêu cực chất thành đống. Không dừng lại
ở đó, họ còn dạy cho những người xung quanh cách để tận hưởng những niềm vui
trong cuộc sống nữa.
Như vậy, tư tưởng của Blair T.Spalding là vô cùng đúng
đắn. Vì thứ nhất, cốt lõi của việc tận hưởng cuộc sống chính là nhận ra giá trị
và ý nghĩa của cuộc sống ở hiện tại. Cả nhân loại này đang sống ở hiện tại chứ
không phải tương lai. Nếu ta luôn áp đặt bản thân mình vào một cuộc sống hoàn hảo
ở tương lai, gánh cho mình nhiều suy tư và lo lắng, vậy chẳng phải chúng ta
đang dần bỏ quên hiện tại này hay sao? Một khi ta quên lãng thực tại, khi đó
giá trị sống không còn tồn tại nữa thay vào đó là chuỗi những ngày vô nghĩa và
“nhợt màu” đến nỗi ta không thể nhìn thấy chính mình trong bức tranh muôn sắc của
tạo hóa. Đáng thương như Nick Vujicic – sinh ra đã là một cậu bé mang dị tật bẩm
sinh hiếm gặp – thời còn nhỏ ông luôn phải đấu tranh tinh thần lẫn thể xác và nếu
như ông không nhận ra giá trị ông trời đã ban cho ông khi mười bảy tuổi thì có
lẽ cái vị trí nhà diễn thuyết lừng lẫy ấy không hề tồn tại. Ông đã nhận ra bản
thân mình – một đóa hoa thật đẹp để trao hương cho người, cho đời – và nhận ra
sứ mệnh ý nghĩa nhất của đời ông, đó là trở thành người truyền cảm hứng. Trong
quá trình thực thi sứ mệnh ấy, chẳng phải ông đã sống hết mình, đã tận hưởng cuộc
sống của mình đó sao? Ông không cần biết ngày mai sẽ có bao nhiêu người dị nghị
ông, ông không cần phải lo toan rằng ngày mai sẽ như thế nào nhưng ông chỉ biết
sống trọn vẹn cho hiện tại, làm nhiều điều nhất có thể và tận hưởng nó. Từ đó,
ta thấy được tầm quan trọng của việc tận hưởng cuộc sống – đó luôn là gốc rễ để
con người ta sống đời ý nghĩa.
Thứ hai, không ai trong ta có thể biết chắc chắn được
tương lai sẽ có gì. Mọi rủi ro đều có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Vậy bây
giờ ta chăm chăm lo toan nhìn vào một tương lai mơ hồ và xa tầm với như thế thì
chắc gì điều đó lại thành sự thật? Chưa kể đến việc nếu như bao kế hoạch này vỡ
tan ra ta sẽ có chiều hướng thất vọng về cuộc sống, về tất cả mọi thứ và nhất
là đánh mất chính bản thân mình. Nhưng nếu ở hiện tại đây ta sống thoải mái, thả
cho con người xuôi theo dòng chảy tự nhiên nhất và nhẹ nhàng nhất thì chắc chắn
khi gặp khó khăn ta cảm thấy những ngày êm ả này là vô cùng đáng giá. Và ta
cũng không thể trách bản thân của mình được mà ngược lại ta còn cảm thấy biết
ơn và trân trọng bản thân hơn. Ở một trường hợp khác, nếu ta thật sự thành công
ở tương lai vậy khi ngoảnh đầu nhìn lại, ta thấy gì? Ta thấy những ngày êm ả đó
thật ý nghĩ và nhờ những ngày ấy, ta được là chính bản mình, được làm những điều
mình có thể làm và nhất là tôi luyện bản thân thành một con người biết sống cho
hiện tại, cống hiến cho hiện tại và trân trọng hiện tại. Như vậy, chi bằng sống
hết mình cho hôm nay, tận hưởng hôm nay, ngừng lo âu và toan tính để ta không
phải hối tiếc bất cứ một giây phút nào ở quá khứ cả.
Cuối cùng, một khía cạnh mà Blair T.Spalding hướng đến
khi kêu gọi mọi người sống an lòng chính là để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều này ta có thể nhận ra quá dễ dàng khi chất lượng cuộc sống hiện nay không
còn được đảm bảo nữa. Giữa vòng xoáy công việc, dường như con người ta quên đi
họ là ai, họ đang ở đâu và họ cần gì. Họ thương công tiếc việc, họ luôn hướng đến
những tương lai tốt đẹp trong khi đó hiện tại họ không hề tốt. Ví dụ điển hình
nhất đó là: Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổ chứ Y tế Thế giới
con số những người mắc bệch tim mạch khi làm việc quá năm mươi lăm giờ mỗi tuần
chiếm 9% dân số thế giới, tương đương với bốn trăm bảy mươi chín triệu người.Nhưng
có một sự thật là giá trị cuộc đời mỗi người không nằm ở số tiền họ kiếm được
trong mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm; mà nằm ở chất lượng cuộc sống của họ trong
mỗi ngày. Chỉ vì muốn tạo ra một tương lai xa vời kia mà họ đánh đuổi cả sức khỏe
của mình thì quả là đáng buồn. Như vậy tư tưởng của Blair T.Spalding là vô cùng
chính xác, có thể nói đó như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người – tiếng
chuông vượt qua thời gian, đi thẳng vào hiện tại mà gióng vào tai con người có
nhận thức về việc sống cho hiện tại cũng như là mưu cầu hạnh phúc và an nhiên ở
hiện tại.
Nhưng nhìn chung, không phải lúc nào chúng ta cũng có
thể sống tận hưởng cuộc sống và và không lo toan. Vì trong một số giai đoạn
quan trọng, chúng ta cần phải có sự linh hoạt và nhạy bén đối với việc tận hưởng
cuộc sống. Như việc xảy ra tai nạn giao thông, chúng ta phải nhanh nhạy xử lí vấn
đề chứ không thờ ơ và chậm chạp. Như việc định hướng tương lai chẳng hạn, chúng
ta phải thật nghiêm túc và tính toán có chọn lọc để xác định con đường phía trước
để không phải hối hận vì một phút lơ là trước những thời khắc quan trọng. Như vậy
ta phải định nghĩa được rõ ràng thế nào là không toan tính, thế nào là sống vô
tư, bất định. Thế nào là tận hưởng và thế nào là buông thả cuộc sống.
Nhìn lại vào cuộc sống thường ngày có một số bạn trẻ
vì không muốn áp lực mà không tính toán và tránh né va chạm cuộc sống nên thành
ra là buông xuôi bỏ lỏng cuộc sống. Tương tự như vậy, cũng có một số người lại
trong trạng thái quá tận hưởng làm cho họ trở nên lười biếng và nhác việc. Đó
là một thực trạng đang xảy ra theo chiều hướng đáng báo động và cần sự tác động
mạnh mẽ bởi gia đình , xã hội và nhất là sự nhận thức từ trong bản thân mỗi người.
Như vậy ta có thể thấy được giữa tận hưởng và lười
nhác, giữa không lo lắng và sống vô tư dù chỉ là một ranh giới rất mong nhưng
chỉ cần ra hiểu sai thì con đường tương lai sẽ lệch đường ngay. Do đó, chúng ta
cần nhận thức được từng vấn đề trong cuộc sống để có được cách hành xử và thái
độ đúng đắn. Thực hiện được điều đó chắc chắn cuộc đời ta sẽ ý nghĩa và hạnh
phúc hơn vạn lần.
Tóm lại, đoạn trích trên cho ta thấy được góc nhìn của
tác giả đã vượt qua thời gian và không gian để khi con người đọc nó ở bất cứ thời
đại nào họ cũng có thể tự tìm ra giá trị cuộc đời qua việc tận hưởng cuộc sống
mỗi ngày. Cho nên ta hãy sống thật hết mình, thật thảnh thơi và thật êm dịu cho
hôm nay bạn nhé!
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
CHU
NGUYỄN QUỲNH ANH
HỌC
SINH LỚP 9A4
TRƯỜNG
THCS HỒNG BÀNG
#baiviethocsinh_blogchuyenvan
#liluanvanhoc_blogchuyenvan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét