Thông tin liên lạc

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Bài viết | Văn chương là sự cất lời của lòng hiếu sinh...

 


Bàn về văn học, nhà phê bình Chu Văn Sơn từng quan niệm:

“Văn chương xét đến cùng là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh” (Dẫn theo: Nguyễn Thanh Tâm, “Văn chương là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh”, báo văn nghệ Thái Nguyên, 1 – 5 – 2020)

Bằng hiểu biết văn học của mình, anh (chị) hãy bình luận về ý kiến trên.

 

Bài làm

                            “Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy

                            Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều

                            Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy...

                            Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu.”

Những dòng tâm sự của Chế Lan Viên trong bài thơ “Gởi” đã nhắn nhủ đến người cầm bút: một trong những yếu tố quan trọng đối với người nghệ sĩ chân chính là “tin yêu”. Bởi lẽ nhắc đến nghệ thuật, nhắc đến văn chương là nhắc đến quy luật tình cảm, cảm xúc. Nhà văn, ngay cả những người bình thường nhất, cũng phải mang trong mình một tình yêu tha thiết với cuộc đời và con người. Vì thế mà nhà phê bình Chu Văn Sơn khẳng định: “Văn chương xét đến cùng là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh”. Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là trân trọng sinh mệnh, tình yêu thương, đặc biệt là yêu thương con người - lòng nhân ái. Văn chương chỉ có thể sinh ra bằng “lòng hiếu sinh” và sống trong lòng người đọc cũng bằng “lòng hiếu sinh”.

 

Vì đâu mà văn chương có thể “nằm ngoài quy luật của sự băng hoại”, “không thừa nhận cái chết” (Saltykov Shchedrin) ? Điều gì khiến tác phẩm văn học bất hủ trước bao nhiêu cuộc biến thiên thời đại, trước bao lần lịch sử sang trang ? Những câu từ lấp lánh hay cảm xúc mãnh liệt của người nghệ sĩ ? Nhận định của Chu Văn Sơn đã khẳng định điều cốt lõi của văn chương là lòng yêu thương con người, trân trọng giá trị sinh mệnh. Chỉ những tác phẩm cất lên tiếng nói của tình yêu, tình thương, sự trân trọng hướng con người đến bến bờ chân - thiện - mỹ mới neo đậu trong lòng người đọc vượt thời gian.

 

Văn học phản ánh các khía cạnh của thế giới khách quan và thế giới tâm hồn con người. Nhưng thế giới trong văn học phải là “hiện thực thứ hai” (Goethe) - thế giới được lắng lọc bằng đôi mắt và xúc cảm của nhà văn. Văn học phản ánh hiện thực đời sống qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ, vì vậy mỗi tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân bởi cái tình cảm nồng nàn. Muốn trở thành nhà văn chân chính, người cầm bút phải in dấu cái tôi xúc cảm vào trang viết của mình. Lev Tolstoy khẳng định: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bác ái luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”. Nhà văn không thể viết nên trang tuyệt bút nếu đứng trước hiện thực, anh không rung cảm mãnh liệt, không yêu thiết tha, say đắm. Chính tình yêu nảy sinh trong tâm hồn văn sĩ là động lực thôi thúc anh ta cầm bút. “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên). Khi tấm lòng nhà văn đã thờ ơ, nguội lạnh, tâm hồn khép kín trước cuộc đời thì khi ấy tài năng nghệ thuật cũng chấm dứt.

 

“Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà). Sinh ra trong thời loạn, khi trật tự giai cấp phong kiến lung lay dữ dội, xã hội ngột ngạt chà đạp khát khao chính đáng của con người, Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ đầu tiên cất tiếng than thở về cuộc đời, lớn tiếng bênh vực số phận người phụ nữ. Thơ Xuân Hương là “tiếng nói của tình cảm”, là “sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư” của chính Xuân Hương. Nữ sĩ họ Hồ cảm thương nỗi sầu nhân thế bằng chính nỗi lòng riêng của mình để viết nên những câu thơ “tiêu tao, nói ra tự đáy lòng của một người phụ nữ” (lời Xuân Diệu). Bằng kinh nghiệm một cuộc đời dang dở của mình, nhà thơ thấm thía, bày tỏ nỗi khổ đau riêng cũng là lời chung của biết bao số phận người phụ nữ thời ấy. Lấy chén rượu riêng mà hoà cùng nỗi say chung, âm vang trong “Tự tình II” là lòng thương, sự cảm thông sâu sắc với những bất hạnh và sự khẳng định sức sống, trân trọng khát vọng chân chính của người phụ nữ. Bằng tâm tình chân thành nhất khi viết về người phụ nữ, thơ Xuân Hương mang phong cách rất “Xuân Hương”, để lại dấu ấn không thể phai trong lòng người đọc. Xuân Hương đau trước cảnh ngộ “Trơ cái hồng nhan với nước non”, Xuân Hương day dứt, xót xa khi “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”, Xuân Hương ngậm ngùi vì ân tình nhận được đã chia năm xẻ bảy, chỉ còn “tí con con”. Nữ sĩ luôn có một trái tim cháy bỏng, nói đến cái gì là nói với tất cả sự xúc động chân thành của mình. “Tự tình” là nỗi tự thương mình, ngậm ngùi với nỗi khổ đau của kiếp mình dâng lên thành câu, thành chữ. Hơn nữa, hình ảnh vầng trăng “khuyết chưa tròn” thể hiện niềm hy vọng được hạnh phúc của thi sĩ giữa bi kịch cuộc đời, dẫu chỉ là hy vọng nhỏ nhoi nhưng phải chăng cũng là điều người phụ nữ ngày xưa trông đợi ? Tác phẩm còn bộc lộ nỗi niềm phẫn uất dẫn đến phản kháng của một sức sống mạnh mẽ và bền bỉ:

 

                                “Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám

                                Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”

 

Sức sống mãnh liệt, khát vọng sống, khao khát hạnh phúc dâng trào đến đỉnh điểm, quẫy đạp xô lệch con chữ. Cách dùng đảo ngữ hết sức táo bạo thể hiện cá tính mạnh, không dễ chấp nhận, buông xuôi trước hoàn cảnh bi thương - một phong cách rất Xuân Hương. “Xiên”, “đâm” kết hợp với phụ từ “ngang”, “toạc” đã đẩy lên đến tận cùng của sự phá phách, vượt qua mọi giới hạn. Nữ sĩ muốn phá đi tất cả những lề thói và ràng buộc đó, muốn đập tan cái vòng kim cô đã trói buộc chính bà và biết bao người phụ nữ khác. Sức sống mãnh liệt ấy đâu chỉ của Xuân Hương mà đại diện cho thân phận phụ nữ thời phong kiến. Vậy là qua “Tự tình II”, Xuân Hương “cất tiếng của lòng hiếu sinh”, tiếng nói đầy yêu thương, thông cảm, là sự trân trọng dành cho sức sống và niềm hy vọng của những người phụ nữ.

 

Trong Giăng sáng, Nam Cao khẳng định: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than”. Suốt một đời cầm bút, nhà văn làng Đại Hoàng luôn trung thành với quan niệm nghệ thuật của mình, tác phẩm của ông đã trở thành “tiếng đau khổ” sống mãi với thời gian. Không thương yêu, không gắn bó sâu sắc, không trân trọng những người nông dân nghèo khổ, làm sao Nam Cao phát hiện phần người quý giá giữa ngổn ngang những xấu xa của kiếp người cùng quẫn. Với “Chí Phèo”, chính bằng tình yêu, Nam Cao phát hiện sự thèm khát lương thiện, nỗi căm hờn uất ức trong con quỷ dữ Chí Phèo, Nam Cao tìm thấy sự nồng ấm tình người trong một kẻ xấu “ma chê quỷ hờn” như Thị Nở. Nhà văn Tô Hoài từng nhận xét về Nam Cao: “thật ra mặt anh ta lạnh nhưng lòng anh ta sôi nổi”. Đằng sau giọng văn lạnh lùng, khách quan, đằng sau “cái mặt không chơi được”, người đọc cảm nhận được một trái tim ấm nóng tình người, tình thương. Nam Cao thấu cảm cho nỗi bi kịch của Chí: là bi kịch của một kẻ bất hạnh, những gì Chí có chỉ là số 0 tròn trĩnh, là bi kịch của một kẻ vừa đánh mất tất cả vừa bị tước đoạt đi tất cả - con người khốn cùng về nhân thân, nhân hình, thậm chí đánh mất cả ý thức về thời gian. Và cũng chính Nam Cao là người phát hiện, đánh thức bản chất lương thiện bên trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Cũng chính Nam Cao đã nhận ra tình người cao quý, thiêng liêng sau vẻ ngoài xấu hiếm thấy trên đời của thị Nở. Nam Cao gắn bó như máu thịt, mang tấm lòng tri kỉ với người nông dân nên trên trang viết của ông cũng là ánh mắt yêu thương, tri ngộ. Ngôn ngữ đa thanh phức điệu trong “Chí Phèo” cũng thể hiện niềm thương cảm của Nam Cao. Có lúc giọng Nam Cao là người kể chuyện: “Hắn vừa đi vừa chửi”, có lúc lại là tiếng nói chung của Chí Phèo và Nam Cao: “Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật!” - cũng là tiếng lòng người nghệ sĩ. Nam Cao thật sự là một nhà văn chân chính, bởi ông là “nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ” (Chekhov), bởi tác phẩm của ông là “sự cất tiếng của lòng hiếu sinh”. [t1] 

 

“Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật” (Nguyễn Khải). Tình yêu thương không chỉ là yếu tố quan trọng đối với nhà văn trong quá trình sáng tác mà còn giúp níu giữ tâm hồn bạn đọc. Văn học chạm đến người đọc thông qua trái tim, neo đậu trong lòng người đọc, kết nối con người với nhau. Và qua việc tác động đến tình cảm, văn học làm lòng người phong phú hơn. Nhờ văn chương, con người thoát khỏi những ràng buộc của đời sống lầm than, để đồng cảm với nỗi niềm chung nhất của phận người, để sống bằng tình cảm và mơ ước của nhiều đời, nhiều người. Nhà văn đâu chỉ là “người thư kí trung thành của thời đại” (Balzac) mà còn “phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn” (Aitmatov). Để nuôi dưỡng và kiến tạo phần hồn con người, văn chương phải chạm được vào phần hồn ấy. Theo Bạch Cư Dị: “Cảm động lòng người trước hết không gì bằng tình cảm”. Vậy không “cảm động lòng người”, không rung lên những tiếng tơ lòng trong tâm hồn người đọc, văn học sẽ không thể “làm người gần người hơn” (Nam Cao).

 

Thơ ca Nguyễn Trãi là nơi soi bóng tâm hồn, là nơi chuyên chở tâm tư thi sĩ trên mọi cung bậc tình cảm. Đọc thơ Nguyễn Trãi, ta gặp gỡ một tâm hồn lớn, khối tâm tình sâu sắc và tinh tế. Từ đó, ta đồng cảm với tấm lòng yêu nước thương dân sâu nặng, ta cũng rung cảm trước sức sống của thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi. Tình nhà - nợ nước là mối bận tâm xuyên suốt cả đời thi nhân nên thơ ca Nguyễn Trãi bao giờ cũng ăm ắp tình nước tình dân. Ta thấm thía nỗi đau đớn của Nguyễn Trãi trước cảnh nhân dân khốn khổ:

                      “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

                      Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”

(“Bình Ngô đại cáo”)

 Với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, Nguyễn Trãi vừa tức giận, căm phẫn lũ quân thù tàn bạo, vừa xót xa “con đen”, “dân đỏ” bị đối xử tàn bạo. Đọc hai câu thơ, ta cũng phẫn nộ trước tội ác trời đất không dung tha của giặc Minh, cũng xót thương cho những thân phận bi thảm trong chiến tranh. Tiếng thơ Nguyễn Trãi không chỉ là tiếng lòng yêu nước thương dân mà còn là tâm hồn nghệ sĩ hoà quyện với vẻ đẹp thiên nhiên. Nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu viết về thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi: “Nhà thơ và cảnh vật tự nguyện hoà quyện với nhau như bầu bạn, như anh em, tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”. Là chồi xanh nảy nở từ mảnh đất trù phú của thế giới tinh thần Nguyễn Trãi, “Cảnh ngày hè” là bức tranh thiên nhiên sinh động, đặc biệt là dồi dào sức sống vẽ ra bằng tấm lòng rất mực yêu thương:

 

                                “Hoè lục đùn đùn tán rợp giương

                                Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

                                Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

 

Ta cảm nhận sức sống nội tại từ trong gốc rễ của cành lá cây hòe như đang chen nhau vươn ra, nối tiếp và mạnh mẽ. Sắc đỏ rực “phun” ra trên từng thân cành không tĩnh tại mà chúng động. Sắc đỏ ấy là kết quả của sức sống dạt dào phun ra mạnh mẽ từ tận sâu trong gốc rễ của cây, vẫn tiếp tục viên mãn hơn nữa. Bên dưới bức tranh cảnh vật tưởng như tĩnh lặng lại chứa đựng mạch sống tràn trề mà chỉ với tâm hồn tinh tế, trái tim yêu thiên nhiên mới có thể cảm nhận được, mới truyền tải được. Vậy nên khi khám phá thơ thiên nhiên của Nguyễn Trãi, tâm hồn ta cũng thấm tình yêu thiên nhiên, trân quý của nhựa sống bên trong cảnh vật thiên nhiên.

 

Không cất lên từ “lòng hiếu sinh”, làm sao văn học làm rung động cảm xúc người đọc, làm sao văn học tác động trực tiếp đến tư tưởng và tình cảm người đọc ? Muốn văn chương nghệ thuật nâng tầm suy nghĩ, hướng nhận thức con người đến chân trời tươi sáng hơn thì văn chương phải khởi nguồn từ tình yêu thương và lòng trân trọng. Đọc “Hai đứa trẻ” là gặp gỡ nỗi niềm thương cảm của Thạch Lam dành cho những kiếp người tàn nơi phố huyện, đồng thời là niềm tin, sự trân trọng vào mơ ước của Liên. Ông dành tình thương cho chị Tí ngày “đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước” và cũng “chả kiếm được bao nhiêu”. Nhà văn thương xót bà cụ Thi loạng choạng bước trong đêm như bóng ma với “tiếng cười khanh khách” và hành động ngửa cổ ra đằng sau uống một hơi cạn sạch, rồi chép miệng, một kiếp người chẳng ra người mà chỉ là kiếp phù du. Ông thương bác Siêu bán phở gánh chẳng đắt hàng vì ở nơi phố huyện, “quà bác Siêu là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền”. Thạch Lam cũng xót xa nhìn gia đình bác xẩm vì cuộc sống gia đình bác lay lắt như ngọn đèn trước gió. Gia tài của bác là chiếc đàn bầu và chiếc thau để xin tiền. Và ông thương chị em Liên cũng chẳng khá khẩm hơn là bao với “cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu”, hàng hóa lèo tèo với những khách hàng cũng là người nghèo khó. Đặc biệt hơn, văn nhân trân trọng ước mơ của Liên, ước mơ về “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Con tàu đã đem một chút thế giới khác đi ngang qua và biến mất trong bóng tối. Sự tương phản giữa ước mơ và thực tế đã làm rung cảm trái tim biết bao thế hệ đọc giả và khiến người ta ám ảnh về mơ ước chập chờn ấy. Vậy là gấp lại “Hai đứa trẻ”, ta biết yêu thêm những số phận bất hạnh ngoài kia, ta biết trân trọng cuộc sống ấm êm của chính mình, ta ý thức đấu tranh cho cái đẹp trong tâm hồn những đứa trẻ. Một mai khi nhìn thấy những đứa trẻ lam lũ ngoài xã hội, ta biết thêm thương xót chúng giống như ta đã từng xót xa “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ”. Bằng bút pháp miêu tả êm ả và đượm buồn, “Hai đứa trẻ” là “sự cất tiếng của lòng hiếu sinh”, là tiếng nói của tình yêu thương, trân quý số phận con người. Chính sự cất tiếng ấy, tiếng nói ấy đã làm rung lên biết bao trái tim người đọc, đã làm “lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn” theo chính lời Thạch Lam.

 

“Văn chương xét đến cùng là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh” (Chu Văn Sơn). Nói đến cốt lõi của văn chương là nói đến tình yêu, không chỉ là lòng nhân ái mà rộng ra là tình thương muôn vật muôn loài. “Xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người”. Để cất được tiếng nói của lòng hiếu sinh, người nghệ sĩ không thể dửng dưng, vô cảm, thờ ơ trước biến động cuộc đời. Người cầm bút nhất thiết phải “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời” (Nam Cao), phải sống sâu với đời, phải nhạy cảm trước mọi chuyển động của đời sống. Nếu muốn bạn đọc đồng cảm, anh phải là người rung cảm mãnh liệt trước đã. Bên cạnh đó, để truyền tải được “lòng hiếu sinh”, nhà văn lấy “ngôn ngữ làm cứu cánh” (Jakobson). Tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ đến đâu cũng không thể truyền đến người đọc nếu thiếu lớp vỏ ngôn từ bởi “Một câu thơ tràn đầy ý tứ và tình cảm cao thượng cũng sẽ không nghe được, nếu nó làm chói tai bằng sự méo mó” (Boileau).

 

Nguyễn Minh Châu từng chia sẻ: “Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. [..] Cầm giữ cái tình yêu ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống”. “Yêu thương con người” trở thành tình cảm không thể thiếu nếu anh muốn trở thành nhà văn chân chính. Bởi đúng như nhà phê bình Chu Văn Sơn nhận định “Văn chương xét đến cùng là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh”. Rời xa “lòng hiếu sinh”, văn chương sẽ còn gì ngoài những chữ nằm cứng đơ trên trang giấy. Tình yêu và trân trọng con người không chỉ là nguồn gốc của văn chương, mà còn là mục tiêu văn chương tồn tại: hướng con người đến tình yêu và sự trân trọng.

NGUYỄN TRẦN PHƯƠNG NGHI
11 CHUYÊN VĂN
TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐHSP TP HCM
NĂM HỌC 2021 - 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét