Làm thế nào để tăng
tính chủ động, tích cực của học sinh trong hoạt động đọc? Làm thế nào để với các
văn bản lạ, học sinh vẫn có kĩ năng để đọc hiểu văn bản, kết nối văn bản với trải
nghiệm của bản thân và ứng dụng vào đời sống?
Đó là những câu hỏi
mà môn Ngữ văn trong chương trình mới quan tâm, trong bối cảnh cần chú trọng dạy
kĩ năng để HS tự đọc (chứ không còn là giáo viên đọc hộ, cảm hộ và áp đặt cho
HS nữa). Để đạt được điều đó, hoạt động vòng tròn văn học (literature circles)
là một gợi ý vô cùng hiệu quả. Bài viết này sẽ giới thiệu đến thầy cô hoạt động
này.
1. Vòng tròn văn học
là gì?
Harvey
Daniels trong “Literature
circles: voice and choice in the student centered classroom”
đã định nghĩa vòng tròn văn học là những nhóm
thảo luận nhỏ, tạm thời, để đọc cùng một cuốn sách. Trong khi đọc, các thành
viên phân công các nhiệm vụ đọc, mang theo ghi chú về việc đọc của họ và thảo
luận về văn bản theo các vai trò được phân công. Các vòng kết nối gặp nhau thường
xuyên, với các vai trò thảo luận luân phiên nhau. Khi hoàn thành một cuốn sách,
các nhóm chia sẻ cách đọc của họ với các bạn khác trong lớp. Sau đó, các nhóm
chọn đọc cuốn sách khác để đọc và tiếp tục vòng đọc mới.
2.
Vòng tròn văn học có đặc điểm gì?
Daniels
cũng đã khái quát 12 đặc điểm của hoạt động vòn tròn văn học như sau:
1)
Học sinh được chọn văn bản để đọc
2)
Học sinh tạo thành những nhóm nhỏ, tạm thời dựa trên cuốn sách được lựa chọn để
đọc (các học sinh chọn đọc cùng một cuốn sách sẽ tạo thành một nhóm)
3)
Các nhóm khác nhau đọc những cuốn sách khác nhau
4)
Các nhóm học sinh lên một lịch trình họp mặt ổn định để thảo luận về văn bản đã
đọc.
5)
Những ghi chú (dạng chữ, dạng hình ảnh) được sử dụng để định hướng quá trình đọc
và thảo luận về văn bản.
6)
Học sinh tự tạo ra các chủ đề thảo luận.
7)
Các buổi họp nhóm là những buổi thảo luận cởi mở, tự nhiên về các cuốn sách, do
đó các ý kiến cá nhân đều được khuyến khích.
8)
Các vai thảo luận sẽ được thực hiện luân phiên.
9)
Giáo viên là người hỗ trợ, không phải thành viên nhóm hay người hướng dẫn.
10)
Đánh giá được thực hiện bằng quan sát của giáo viên và đánh giá của học sinh.
11)
Sự vui tươi và thú vị được duy trì trong lớp học
12)
Sau khi hoàn thành cuốn sách, các HS chia sẻ với những người khác về kết quả đọc
và các nhóm mới hình thành xung quanh lựa chọn đọc mới.
3. Có những hoạt động
đọc phân vai nào?
Trong
cuốn “Creating an Integrated Approach to Literacy Instruction”, hai tác giả
Taffy E. Raphael và Elfrieda H. Hiebert đã đề xuất mười loại bài tập để học
sinh thực hiện viết nhật ký đọc sách như sau:
1) Những hình ảnh: Khi đọc một văn bản,
trong tâm trí tôi sẽ hiện ra những hình ảnh. Tôi sẽ vẽ lại những hình ảnh ấy và
lí giải.
2) Quan điểm: Khi đọc về một nhân vật, tôi
cho rằng tác giả đã không nhìn nhân vật trong những góc nhìn khác, ý tưởng
khác. Tôi sẽ viết về những góc nhìn mà tác giả chưa đề cập đến.
3) Từ đặc sắc: Tìm những từ đặc sắc. Những
từ đặc sắc là những từ ấn tượng, hài hước, sâu sắc, những từ tôi sẽ sử dụng
trong bài viết của mình, những từ tôi chưa hiểu rõ nghĩa… Tôi sẽ lập một bảng từ,
chú giải trang tôi tìm thấy từ ấy và giải nghĩa những từ tôi tìm được.
4) Hồ sơ nhân vật: Lập hồ sơ nhân vật mà
tôi ấn tượng, chú ý đến các phương diện xây dựng chân dung nhân vật như ngoại
hình, ngôn ngữ, hành động, suy nghĩ…
5) Tác phẩm và tôi: Khi đọc, tác phẩm gợi
cho tôi liên tưởng đến đời sống thực của mình. Tôi sẽ ghi lại những liên tưởng ấy.
6) Phê bình: Khi đọc, có khi tôi cảm thấy
tâm đắc với những gì tác giả viết, có khi tôi lại nghĩ nếu là mình, mình có thể
viết khác đi. Tôi sẽ viết ra những điều tác giả đã làm xuất sắc và những điều
tác giả có thể làm tốt hơn.
7) Trình tự: Thỉnh thoảng các sự kiện
trong tác phẩm sẽ được sắp xếp theo trình tự đặc biệt. Tôi sẽ vẽ một sơ đồ
trình tự sự kiện và ghi nhận những sự đặc biệt trong cách sắp xếp của tác giả.
8) Diễn giải: Khi đọc, tôi nghĩ rằng có những
điều tác giả muốn gửi gắm đến tôi. Tôi sẽ ghi lại những điều ấy và chia sẻ suy
nghĩ của mình với các bạn.
9) Phần đặc sắc: Tôi sẽ đánh dấu những
chương, phần, đoạn trong cuốn sách mà tôi ấn tượng, ghi lại đánh giá, cảm nhận
của tôi và chia sẻ với các bạn.
10) Thủ pháp nghệ thuật của các giả: Tôi sẽ
ghi lại những cách diễn đạt đặc sắc, những thủ pháp nghệ thuật độc đáo v.v và
lí giải tác dụng của các thủ pháp nghệ thuật ấy. Trong nhật ký đọc sách, tôi có
thể tự viết một số ví dụ ứng dung những thủ pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng.
Mười
bài tập trên có thể được sử dụng để tạo thành những vai trong vòng tròn văn học,
chẳng hạn vai “Nhà thám hiểm ngôn từ” (bài tập tìm từ đặc sắc); “Hoạ sĩ minh hoạ”
(bài tập những hình ảnh…) tuỳ vào sáng tạo của giáo viên.
Như
vậy có thể thấy, cốt lõi của hoạt động vòng tròn văn học chính là các hoạt động
đọc phân vai, mà thực chất mỗi vai là một kĩ năng đọc HS cần hình thành để có
thể giải mã văn bản. Việc thực hiện vòng tròn văn học, do vậy, không phải là tập
trung vào các vai, mà là làm sao để thông qua các vai đó, HS hình thành được
các kĩ năng đọc và có thể tự chủ động trong việc lựa chọn kĩ năng đọc và chiến
thuật đọc phù hợp với từng loại văn bản và phù hợp với các mục đích đọc khác
nhau. Khi thực hiện, giáo viên dần dần sẽ hướng học sinh đến việc thoát li khỏi
các vai mà chú ý vào các kĩ năng đọc, và dần dần học cách lựa chọn phối hợp các
kĩ năng đọc phù hợp để đạt được mục đích đọc.
4. Dạy Ngữ văn
theo chương trình mới, vận dụng vòng tròn văn học như thế nào?
Không
có một cách cố định để thực hiện vòng tròn văn học, giáo viên có thể vận dụng
linh hoạt tuỳ tình hình lớp học và ý đồ dạy học của bản thân. Tuy vậy, khi triển
khai hoạt động vòng tròn văn học, GV cần lưu ý đến bản chất của hoạt động đó là
thông qua các bài tập đọc phân vai để giúp học sinh hình thành các kĩ năng đọc
cần thiết để giải mã văn bản, giúp học sinh có sự chủ động khi tiếp xúc với bất
kì văn bản nào và chọn được chiến lược đọc phù hợp để đạt được mục đích đọc.
Với
chương trình Ngữ văn mới, sau đây là một số gợi ý để thực hiện vòng tròn văn học:
4.1.
Tổ chức câu lạc bộ đọc sách và viết nhật kí đọc sách:
Chương
trình Ngữ văn mới (2018) có yêu cầu về việc đọc mở rộng với quy định số lượng
và thể loại văn bản HS cần đọc trong mỗi năm (ngoài các văn bản chính trong
SGK). Để đáp ứng yêu cầu này, GV có thể tổ chức hoạt động câu lạc bộ đọc sách với
các bài tập đọc phân vai để HS viết nhật kí đọc sách và thảo luận về cuốn sách
đã đọc. Có thể thực hiện như sau:
1)
HS đề xuất những cuốn sách muốn đọc (dựa trên yêu cầu của chương trình về số lượng
và thể loại cần đọc), tiến hành chia nhóm theo cuốn sách cần đọc.
2) Lập
kế hoạch câu lạc bộ đọc sách.
3)
Các nhóm phân công vai đọc cho từng buổi, các vai này sẽ luân phiên sau mỗi buổi
họp nhóm sao cho các thành viên đề thực hiện đủ các vai.
4)
Sau khi hoàn thành cuốn sách, các nhóm chia sẻ sản phẩm đọc của mình với cả lớp
(GV có thể lựa chọn nhiều hình thức như triển lãm, toạ đàm, cuộc thi giới thiệu
sách…)
5)
Tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thực hiện kĩ năng đọc, kĩ năng thảo
luận nhóm và các kĩ năng liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm.
4.2.
Phiếu học tập đọc phân vai:
GV cũng
có thể dựa vào ý tưởng mười bài tập đọc phân vai để thiết kế các mẫu phiếu học
tập đọc phân vai, như một hình thức giao nhiệm vụ chuẩn bị đọc cho HS thực hiện
tại nhà.
Có
thể lấy ví dụ đề tài “Thử nghiệm sử dụng phiếu học tập phân vai trong dạy học
tác phẩm văn chương” do tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam và Dương Công đời thực hiện,
thực nghiệm tại trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ). Trong quá trình thực
nghiệm, giáo viên thực nghiệm là cô Huỳnh Thị Kim Hoa đã thiết kế 14 mẫu phiếu
học tập khác nhau, trong đó các mẫu phiếu được sử dụng phổ biến là “Từ ngữ,
hình ảnh tiêu biểu”, “Biện pháp tu từ”, “Ý chính và chủ đề tác phẩm”, “Sự biến
đổi trạng thái tình cảm và hành động nhân vật”, “Tóm tắt tác phẩm”. Giáo
viên thiết kế các phiếu học tập phân vai căn cứ vào đặc trưng thể loại văn bản,
mục tiêu bài học, năng lực thực tế của học sinh. Các phiếu học tập phân vai này
sẽ được chuẩn bị ở nhà và sau đó chia sẻ kết quả thực hiện tại lớp. Đây cũng là
một cách hiệu quả để giúp cho hoạt động đọc – hiểu văn bản của HS được tốt hơn.
4.1. Tổ chức hoạt
động trong khi đọc:
Theo chương trình
mới, HS sẽ được dạy kĩ năng đọc hiểu văn bản theo quy trình đọc ba bước gồm:
(1) Trước khi đọc
(chuẩn bị đọc): kích hoạt kiến thức nền về chủ đề, đề tài, thể loại, kiến thức đời
sống… để HS có thể đọc hiểu văn bản.
(2) Trong khi đọc
(trải nghiệm cùng văn bản): HS trực tiếp tiếp xúc với văn bản và vận dụng các kĩ
năng đọc (như dự đoán, suy luận, hình dung, theo dõi…) để kiến tạo nghĩa và kiểm
soát tiến trình đọc.
(3) Sau khi đọc
(Suy ngẫm và phản hồi): HS một lần nữa đọc sâu văn bản, thâm nhập vào các tầng
nghĩa văn bản và suy ngẫm, phản hồi về các tầng nghĩa trong văn bản, liên hệ, kết
nối văn bản với trải nghiệm của bản thân; hình thành kĩ năng đọc hiểu văn bản
theo đặc trưng loại thể.
Hiện
nay, bước trong khi đọc chủ yếu GV thực hiện cho HS đọc diễn cảm văn bản và lưu
ý đến giọng điệu, nhấn nhá. Điều đó là cần thiết nhưng chưa đủ. Thực chất hoạt động
“Đọc văn bản” còn nhiều hơn thế, đó là lúc bản thân HS tiếp xúc với văn bản và
vận dụng các kĩ năng đọc để hiểu văn bản. Vì vậy, GV có thể làm cho hoạt động đọc
văn bản có hiệu quả hơn bằng cách tổ chức vòng tròn văn học, giao cho HS các
nhiệm vụ đọc phân vai và thực hiện tại nhà, đến lớp chia sẻ kết quả thực hiện các
nhiệm vụ đọc phân vai. Đối chiếu theo tiến trình đọc, hoạt động này sẽ tương ứng
với quá trình Trong khi đọc.
TRẦN LÊ DUY
(Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét