Thông tin liên lạc

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Bài viết | Số phận và vẻ đẹp người phụ nữ trong Bánh trôi nước, Chuyện người con gái Nam Xương, Truyện Kiều

 



Đề bài: Từ nội dung ý nghĩa bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, em hãy liên hệ đến nhân vật Vũ Nương (Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ) và nhân vật Thuý Kiều (trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du) để phát biểu suy nghĩ của em về nhân cách và số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.

Bài làm

Tất cả những gì thuộc về quá khứ, về dĩ vãng rồi sẽ chìm vào quên lãng. Tất cả những gì làm rung động lòng người cũng có lúc bị phai nhoà nhưng trường hợp thơ Hồ Xuân Hương và tài năng của bà thì vẫn còn đọng mãi trong lòng muôn người. Nếu như những nhà thơ thời bấy giờ khi cầm bút thường ca ngợi cuộc sống phong lưu của vua quan thống trị mà không thấy được mặt trái xã hội thì Hồ Xuân Hương với tài năng tuyệt vời, cách dùng từ ngữ táo bạo, sắc bén, đã vạch trần bộ mặt xấu xa đầy bất công của xã hội phong kiến qua lời lẽ châm biếm, sâu cay, sắc sảo của mình. Là một phụ nữ, lại chịu nhiều bất công do xã hội phong kiến gây ra nên Hồ Xuân Hương rất hiểu người phụ nữ. Nhà thơ nữ đấy tài năng ấy đã dùng ngòi bút làm phương tiện để tố cáo sự bất công của xã hội và đề cao người phụ nữ. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho đề tài ấy của bà là “Bánh trôi nước”:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Bài thơ súc tích ấy ca ngợi những cô gái dù phải sống trong hoàn cảnh đen tối, rối ren, bị áp bức, vẫn quyết vươn lên giữ lấy sự trong trắng trong tâm hồn.

Tác giả Hồ Xuân Hương đã khéo léo dùng những từ ngữ luôn luôn có hai nghĩa. Đọc câu thơ thoạt đầu ta cứ nghĩ nhà thơ tả bánh trôi nước. Đây là loại bánh làm từ bột nếp trắng tinh, nhân là mẩu đường thẻ, một món ăn ngon và phổ biến ở miền Bắc. Chiếc bánh hình tròn tròn và khi thả vào nồi đun chín thì nó nổi lên, chưa chín thì còn chìm. Trong bài thơ, Hồ Xuân Hương đâu chỉ tả chiếc bánh trôi, nhà thơ đầu chỉ nói về chiếc bánh mà bà đã miêu tả người đấy. Hơn nữa đây lại là người phụ nữ có vẻ đẹp rất khoẻ khoắn:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Điệp từ “vừa” ở dây như muốn nhấn mạnh sự tự hào, kiêu hãnh của cô gái về mình: “vừa trắng lại vừa tròn”. Đây là một cô gái xinh đẹp, đầy đặn, nở nang.

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Ta bắt gặp ở câu thơ này một số phận “bảy nổi ba chìm” kia mà. Rõ ràng người phụ nữ này, cô gái này phải sống chìm nổi lênh đên, có cuộc đời không êm ả chút nào.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.

Câu thơ tả hình dạng của chiếc bánh trôi tuỳ thuộc vào người nặn thế nào thì phải chịu thế ấy. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng thế, được may mắn hay bất hạnh, sung sướng hay đau khổ là do những kẻ có quyền thế trong xã hội, những kẻ nắm chế độ nam quyền “chồng chúa vợ tôi”, những kẻ gây áp lực và góp phần quan trọng vào cuộc đời người phụ nữ. Thế nhưng trong câu “Rắn nạt mặc dầu tay kẻ nặn” là một sự mâu thuẫn rất lớn, nó bộc lộ qua từ “mặc dầu”. Mặc dầu phải chịu sự bất công ngang trái đấy nhưng tôi không buông xuôi đâu. Chữ “mặc dầu” có nghĩa như vậy.

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Đến đây thì khẳng định được rằng đây là một cô gái có phẩm chất cao quý, đáng trọng. “Mà em vẫn giữ tấm lòng son” tiếp sau “mặc dầu” và bổ nghĩa cho từ ấy. Người phụ nữ này kiên quyết giữ “tấm lòng son” dù hoàn cảnh có thể nào chăng nữa. Cái nổi bật đáng quý ở đây là chữ “Mà”. Chữ “Mà” như một lời khẳng định. Vừa dõng dạc vừa cương quyết. “Mà em vẫn giữ tấm lòng son” cũng mâu thuẫn với những câu đầu: dù xã hội đè nén, dù sống trong cảnh ngang trái, cô gái ấy vẫn “giữ tấm lòng son”. Người phụ nữ này vô cùng đáng phục vì những đức tính phẩm chất cao cả của mình: bất chấp hoàn cảnh, bất chấp mọi điều, bất chấp tất cả, vẫn cố vươn lên để chiến thắng.

Qua bài thơ ca ngợi người phụ nữ, nhà thơ Hồ Xuân Hương còn tố cáo xã hội phong kiến đầy bất công gây bao đau khổ oan khuất cho những cô gái lương thiện, tốt đẹp. Nhà thơ còn lên án chế độ nam quyền độc đoán làm cho cuộc sống của những người phụ nữ thành chuỗi ngày đau khổ. Hơn thsế nữa có người đã phải nhảy xuống sông tự tử để dùng cái chết tự giải oan cho mình. Đó là nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Đây là câu chuyện kể về nàng Vũ Thị Thiết nết na, đức hạnh, hiếu thảo và chung thuỷ sắt son. Chồng nàng Trương Sinh, vốn đa nghi. Khi chồng đi lính, Vũ Nương ở nhà nuôi mẹ chồng, nuôi con, đảm đang, tiết hạnh, ai cũng khen. Thế mà khi Trương Sinh về nhà, nghe bé Đản là con bảo: “Thế ông cũng là cha tôi à! Trước đây cố một người ngày nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng không bao giờ bế Đản cả!”. Chàng Trương nổi cơn ghen “giận mất khôn” đã tra hỏi nàng Vũ nhưng không bảo ai nói. Nàng hết lời phân trần nhưng vô hiệu quả. Hơn nữa, Trương Sinh không cho nàng thanh minh. Chế độ nam quyền bất công đã cho Trương Sinh cái quyền không nghe vợ và đã gây ra hậu quả khủng khiếp: Vũ Nương tự vẫn trên dòng Hoàng Giang. Nàng Vũ đã dùng cái chết minh oan cho bản thân. Trước khi chết nàng đã thề nếu thật lòng chung thuỷ thì chết xin làm cỏ ngu mĩ, nhược bằng “lòng chim dạ cá” thì thịt da xin làm mồi cho thú dữ. Lời thống thiết của nàng làm em xúc động. Một con người hiền thục nết na, phẩm hạnh như Vũ Nương mà không may phải chịu số phận đắng cay chỉ vì cái thuýet “chồng chúa vợ tôi”, “trọng nam khinh nữ” độc đoán, phải hi sinh của sống của mình để chứng minh sự trong trắng, tiết hạnh. Cuộc đời ở trần thế ngắn ngủi của Vũ Nương đủ tố cáo sự bất công của xã hội và khẳng định nhân cách cao cả của nàng. Đoạn truyện kể Vũ Thị Thiết ở dưới thuỷ cung cũng mang ý nghĩa tố cáo sâu sắc xã hội. Tuy nhớ nhà, nhớ quê song nàng Vũ không muốn trở về dương trần vì sự thật chua xót: Ở trên ấy quá nhiều bất công, còn ở thuy cung, một người như nàng có thể có hạnh phúc. Nhà văn Nguyễn Dũ đã nêu bật được những tính cách nết na đức hạnh của nàng Vũ cùng số phận của nàng, đồng thời tố cáo xã hội bất công, tàn nhẫn. Vũ Nương là tấm gương trong sáng về nhân cách cao đẹp có số phận bi thảm đắng cay của người phụ nữ trước đây.

Không những câu chuyện đau lòng của nàng Vũ để lại sự suy nghĩ trong lòng mọi người mà cuộc đời Thuý Kiều cũng là hình ảnh người con gái sống trong cảnh truân chuyên, cay đắng mà vẫn giữ “tấm lòng son”. Thuý Kiều được Nguyễn Du miêu tả trong truyện Kiều thật là đẹp:

“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

Sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của nàng Kiều đã trở thành tai hoạ cho cuộc đời Kiều. Đang sống yên bình “êm đềm trướng rủ màn che” thì tai hoạ ập đến: sai nha vu oan, Kiều phải bán mình cứu gia đình:

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha

Nếu như trong đời Vũ Nương phải gánh chịu bất công của chế độ nam quyền thì Thuý Kiều phải chịu sự bất công của cả xã hội, những cặn bã của xã hội ấy: Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh và bọn vua quan có quyền có tước: Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến. Tất cả những con người ấy đã xô đẩy cuộc đời Kiều đến bùn đen của xã hội, nhưng Thuý Kiều cũng như nàng Vũ, dù có số phận không may mắn vẫn giữ được mình trong sạch cao quý, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

“Bụi nào cho đục được mình ấy vay”

Khi lỡ sa cahan vào chốn lầu xanh, đầu tiên Kiều chọn con đường tự tử. Hành động ấy đã nói thay nàng là con người trong trắng. Rồi khi bị Sở Khanh gạt gẫm, bị Tú Bà bắt tiếp khách, Kiều luôn tìm mọi cách để thoát ra khỏi chốn ô danh ấy. Nàng không chấp nhận cuộc sống hiện tại. Trong những “Trận cười thâu đêm suốt sáng” phải quên mình đi, song tâm hồn Kiều vẫn cất lên nỗi niềm chua xót. Gặp Thúc Sinh, những tưởng mãi mãi rời xa chốn lầu xanh được yên ổn thì Kiều lại chịu ự hành hạ của Hoạn Bà, Hoạn Thư, nào đánh đập thể xác, nào chà đạp tinh thần. Nàng có cuộc đời bất hạnh vô cùng, con người, xã hội luôn đưa đẩy và đem lại cho Kiều hết đau khổ này đến đau khổ khác. Muốn thoát ra lầu xanh Kiều phải chịu trận đòn “gương lờ nước thuỷ, mai gầy vóc xương”, muốn thoát khỏi kiếp đoạn trường Kiều phải hai lần tự tử. Nàng những muốn sống yên nhưng đời nào có cho. Khi trốn khỏi nhà Hoạn Thư bị rơi vào chốn lầu xanh lần thứ hai, Kiều không hề buông thả. Nàng luôn lựa cách sống sao trong sạch nhất.

Bấy lâu nghe tiếng má đào

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

Sự trong trắng của Kiều vang xa đến tai từ Hải. Điều ấy cũng chứng tỏ được rằng nàng trong hoàn cảnh nào cxung không sa ngã dù cho số phận có nghiệt ngã đến thế nào. Thuý Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến, gián tiếp góp phần giết chết Từ Hải là đau khổ cuối cùng cũng như đau khổ tột đỉnh của nàng. Kiều đã chọn con đường cho đời mình:

Thôi thì một thác cho rồi.

Nàng phó mặt thân mình cho sóng nước. Cuộc đời Thuý Kiều là hình ảnh rất tiêu biểu cho người phụ nữ chịu bất công của xã hội mà vẫn vươn lên, như Hồ Xuân Hương đã khẳng định “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Qua bài “Bánh trôi nước” và cuộc đời bi thảm của Vũ Nương, nàng Kiều, em thấy được những sự bất công, oan khuất mà họ phải dịu đựng do con người, hoàn cảnh, nhưng bất công mà người ta bảo “do số phận” dù có vui dập đời họ, gây ra biết bao đau khổ khôn lường nhưng vẫn không làm mất đi được phẩm chất cao đẹp nơi họ. Cuộc sống dù có tàn nhẫn đến đâu vẫn không làm thay đổi những tính cách cao đẹp nơi con người như Thuý Kiều, nàng Vũ. Họ là hình ảnh đậm nét tiêu biểu cho những người phụ nữ sống dưới chế độ phong kiến, phải chịu số phận chua xót, đắng cay nhưng vẫn giữ vẹn nhân cách của mình một cách đáng trọng. Những người phụ nữ ấy luôn chủ động xây dựng cuộc đời mình không sa ngã.

Tóm lại, dưới chế độ phong kiến đầy rẫy những bất công ngang trái, có không ít những cô gái phải gánh chịu sự cay nghiệt nhưng bản thân họ không bao giờ buông xuôi theo hoàn cảnh mà không ngừng vươn lên giữ lấy phẩm chất cao đẹp, đáng kính trọng của mình. Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã nêu bật được điều ấy, tố cáo bất công xã hội, ca ngợi người phụ nữ có nhân cách cao cả. Bài thơ cho em hiểu thêm về cuộc sống của người phụ nữ dưới thời phong kiến. Em có ước mơ tha thiết rằng sẽ không còn cô gái, người phụ nữ nào trên trái đất này phải chịu sự bất công hay oan ức dù nhỏ đến đâu đi nữa. Bài thơ sẽ mãi mãi không phai nhoà trong tâm trí em.

MAI THỊ QUỲNH TRANG

(Nguồn đề và bài viết: Tuyển tập những bài văn hay lớp 9, NXB Trẻ, TP HCM, 1997)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét