Thông tin liên lạc

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Bài viết | Khi tôi nhỏ thơ giống như bà mẹ...

 



Đề bài:

 

"Khi tôi nhỏ thơ giống như bà mẹ

Khi lớn lên thơ lại giống người yêu

Chăm sóc tuổi già thơ sẽ làm con gái

Lúc từ giã cõi đời kỉ niệm hoá thơ lưu"

Raxun Gamzatop

Nếu suy nghĩ của em vấn đề gợi ra từ đoạn thơ trên.

 

Bài làm

 

Bàn về thơ nhà phê bình Hoài Thanh từng khẳng định thơ ca "ra đời giữa những buồn vui của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế". Thật vậy, thơ đến với loài người như cách mà thần Promethee mang lửa thắp sáng cho nhân loại, thơ đến và sưởi ấm tâm hồn, bầu bạn với con người. Cùng bàn về vai trò của thơ ca, nhà thơ Raxun Gamzatop đã chiêm nghiệm:

"Khi tôi nhỏ thơ giống như bà mẹ

Khi lớn lên thơ lại giống người yêu

Chăm sóc tuổi già thơ sẽ làm con gái

Lúc từ giã cõi đời kỉ niệm hoá thơ lưu"

 

Sóng Hồng từng cho rằng: " Thơ là thơ, đồng thời là nhạc, là hoạ, là chạm khắc theo một cách riêng". Thơ dù mang một màu sắc của loại hình nghệ thuật nào đi chăng nữa thì trước tiên thơ vẫn là thơ. Thơ thuộc phương thức trữ tình, là hình thức sáng tác phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng cảm xúc một cách mãnh liệt đặc biệt là có nhịp điệu. Thơ với Raxun Gamzatop còn là người thân, là "bà mẹ" dạy dỗ, khuyên răn, là " người yêu" san sẻ những vui buồn, là " con gái" chăm sóc, yêu thương. Thơ luôn là người đồng hành cùng con người kể cả khi "từ giã cõi đời" thơ cũng lưu lại "kỉ niệm" trên những trang giấy. Quan niệm trên của Raxun Gamzatop muốn đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa thơ ca và cuộc đời của mỗi con người, đó là mối quan hệ gắn bó tri âm, san sẻ vui buồn, giúp con người nhận thức được những vấn đề trong đời sống hướng con người tìm đến một chân trời của Chân-Thiện-Mỹ.

 

Quan niệm trên của Raxun Gamzatop thật chí lí chí tình. Có thể xem thơ là một trong những thể loại ra đời từ rất lâu, thơ đã xuất hiện trong những câu hò điệu lí, những câu ca dao, thơ có trong những bài vè, thơ đã đi cùng với đời sống sinh hoạt của con người, hoà nhập với con người. Chắc hẳn không một ai mà chưa nghe qua câu ca dao đã gắn bó máu thịt với người nông dân:

 

"Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thoát như mưa ruộng cày"

 

Ca dao còn đồng hành với con người trong xuyên suốt bề dày lịch sử: " Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về". Câu ca dao gợi đến niềm vui mừng của dân chúng khi Chúa Nguyễn còn ở trong Nam, tổ chức cuộc Nam tiến vào đất Gia Ðịnh, khẩn hoang lập ấp.

 

Thơ thâm nhập vào đời sống nhân dân và tồn tại như một nét đẹp văn hoá không thể thiếu. Thơ là tri kỉ của con người, con người cũng chính là tri kỉ của thơ. Mỗi vần thơ đều phản ánh chân thực đời sống mà người tri kỉ của mình đã trải qua. Bạn đọc tìm đến thơ như là tìm cho mình một điểm tựa tinh thần, hay chính là tìm một lối thoát khỏi guồng quay của những tham vọng, của những hỉ-nộ-ái-ố tồn tại trong đời. Hướng đi trong trang sách được sinh ra từ những trăn trở của thi nhân, của những người đã sống hết mình với đời sống, đã chiêm nghiệm bao vẻ đẹp của cuộc đời. Thi nhân, với vai trò đi tìm "hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tầm hồn con người" (cách dùng của Nguyễn Minh Châu), anh am hiểu hơn ai hết về quá trình tiếp nhận. Bởi vì sao? Vì nếu anh không lấy hồn anh để hiểu hồn người thì làm sao tác phẩm của anh có thể rung động trái tim người đọc? Thế nên bằng tài năng thiên phú cùng một trái tim yêu người, yêu nghề người cầm bút đã khái quát hoá câu chuyện của cá nhân, của những chiêm nghiệm đã đúc kết rồi nhào nặn những nguyên liệu ấy trở thành câu chuyện kể với muôn người. Chính sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại ấy đã chắp cánh cho những câu thơ vượt lên trên sự băng hoại của thời gian.

 

Đọc những vần thơ của Bằng Việt trong "Bếp lửa" ta vẫn không khỏi ngậm ngùi trước những năm tháng chiến tranh đau thương, nhưng với người cháu đó là một kỉ niệm không thể nào quên bởi những năm tháng đó có bà cạnh bên:

 

''Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ? "

 

Khi viết bài thơ này Bằng Việt đang là một sinh viên du học ở Liên Xô, nỗi nhớ quê hương cùng hình bóng người bà đã sống dậy trong ông một cảm xúc mãnh liệt. Dấu chấm ở câu thơ đầu đã khiến câu thơ ấy như bị cắt đôi. Là vô tình hay hữu ý? Phải chăng ấy chính là dòng cảm xúc bị đứt đoạn khi nghĩ về thực tại đau buồn khiến người cháu phải nghẹn ngào. Cảm xúc như bị đứt đoạn nhưng nỗi nhớ lại ngày một trào dâng, điệp từ "có" cùng những biện pháp liệt kê "khói trăm tàu", "lửa trăm nhà", "niềm vui trăm ngả". Người cháu phương xa sống trong ấm no, niềm vui đủ đầy thế nhưng cái thiếu thốn duy nhất mà cháu vẫn canh cánh trong lòng ấy là hình ảnh người bà bên bếp lửa năm xưa. Những vần thơ sinh ra an ủi tâm hồn người cháu, khiến người cháu cảm thấy như được nói hộ lòng mình. Thơ thay bà vỗ về cháu, thơ gợi nhớ cho cháu về một tuổi thơ lam lũ cùng bà và thơ cũng thay bà nhắc nhở cháu chớ quên nguồn cội của mình.

 

Cảm hứng về nỗi nhớ quê hương tha thiết ấy cũng được "thi tiên" Lí Bạch thể hiện trong "Tĩnh dạ tứ":

 

"Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương"

 

Với Hồ Chí Minh ánh trăng chính là tri kỉ, là biểu tượng của sự tự do, là ước muốn thoát khỏi chốn ngục tù, với Nguyễn Duy ánh trăng là sự thức tỉnh lương tri, là bài học gợi nhắc về lối sống ân tình thủy chung với quá khứ. Còn với Lí Bạch ánh trăng ở đây là "cố hương". Trong đêm khuya thanh tĩnh nửa tỉnh nửa mơ ánh trăng đánh thức "thi tiên", không gian ngập tràn là trăng khiến cả mặt đất "phủ sương". Trăng trên cao ấy đẹp làm sao khiến một "Thi thánh" như Lí Bạch cũng chẳng thể phớt lờ. Hành động đối lập ở hai câu thơ cuối "ngẩng đầu", "cúi đầu" cùng với hình ảnh sóng đôi " trăng sáng" - "cố hương" đã lột tả được nỗi nhớ quê hương da diết, khôn của thi sĩ. "Cố hương" là quê cũ, là gia đình, là bè bạn, là những kỉ niệm đã đi cùng với con người. Ánh trăng soi sáng nơi đầu giường hay soi vào chính những góc khuất trong tâm hồn của khách li hương? Như những nhánh cây, con người dẫu trưởng thành theo một hướng đi nào thì những nhánh cây con ấy vẫn có chung một cội rễ đó chính là gia đình, là quê hương. Thơ đã nhắc nhở điều đó, thơ đã bên cạnh thi nhân trong những phút ngã lòng, thơ san sẻ nỗi nhớ quê hương và thơ cũng thức tỉnh bạn đọc sống làm sao cho trọn tình trọn nghĩa với quê hương.

 

Dẫu rằng " Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" song chữ tài vẫn là một yêu cầu tất yếu đối với nhà thơ. Làm sao anh có thể trở thành nhà thơ khi anh chẳng có một chút hiểu biết gì về thơ? " Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ". Anh muốn độc giả của mình hiểu được những thông điệp ẩn sau con chữ thì trước tiên anh hãy khiến người ta cầm lên và đọc.

 

Hình thức vốn chỉ là bề nổi nhưng hình thức không trau chuốt thì cũng chẳng khiến người ta muốn tìm hiểu bề sâu.

 

Khi nhắc đến thành công của Truyện Kiều người ta sẽ không quên ca ngợi sự sáng tạo của đại thi hào Nguyễn Du. Dù mượn cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) nhưng ở Truyện Kiều nổi bật hơn cả nhờ tài năng sử dụng ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ, nghệ thuật tự sự có bước phát triển vượt bậc. Trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích " nỗi buồn của Kiều không được miêu tả trực tiếp mà Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình :

 

" Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

 

Bốn bức tranh thiên nhiên ở lầu Ngưng Bích cũng chính là tâm trạng của Kiều. Không gian mở ra với hình ảnh " cửa bể" "chiều hôm" gợi cảm giác buồn man mác và nỗi nhớ quê hương của người xa xứ. Hình ảnh " con thuyền" và " cánh buồm" gợi cho người đọc về những chuyến đi xa, lưu lạc. Từ láy mang sắc thái nhạt nhoà " thấp thoáng", " xa xa" cùng với đó là từ "ai" mang tính chất phiếm chỉ thể hiện một sự bất định, mông lung như chính thân phận éo le của Kiều. Nỗi buồn ấy ngày một dâng lên, từ một nỗi buồn của người tha hương đến nỗi buồn cho số phận trôi nổi, truân chuyên. Bất giác khi nhìn về thực tại Kiều chẳng biết mình sẽ về đâu, Kiều chán ghét cảnh sống vô vị buồn tẻ, Kiều nghĩ về một tương lai, một nổi buồn mang đầy tai ương:

" Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi". Câu thơ như bị xô lệch bởi các từ chỉ cường độ mạnh " cuốn" , "ầm ầm" và biện pháp đảo ngữ ở câu bát đã miêu tả cảnh thiên nhiên như trở nên dữ dội, hãi hùng như một lời tiên báo về cuộc đời đầy bão tố như muốn nuốt chửng lấy Kiều. Gió cuốn, sóng kêu hay chính là nỗi lòng của con người đang vỡ oà nức nở. Điệp khúc " buồn trông" tạo một điệp khúc tâm trạng miêu tả nỗi niềm đang nổi sóng của Kiều. Một điệp khúc thể hiện tâm trạng khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào, tuy nhiên trước cảm xúc nghẹn ngào ấy ta không quên kể đến vẻ đẹp của ngôn ngữ mà Nguyễn Du đã dụng tâm xây dựng. Một hình thức "đẹp" đã thôi thúc trong ta sự tò mò, kích thích mọi giác quan của ta để sau cùng trái tim mới có cơ hội được rung động.

 

"Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi" ( Raxun Gamzatop). Thơ trở thành một nhân vật không thể thiếu trong cuộc đời của thi nhân và của cả nhân loại. Thơ là liều thuốc tinh thần chữa lành những vết thương trong tâm hồn, song không chỉ riêng thơ có khả năng làm điều đó mà phải kể đến mọi thể loại của văn học nói chung. Vì văn học đến với đời sống để trở thành " thứ vũ khí thanh cao và đắc lực" của con người, thay đổi con người. Và thơ là một trong những " thứ vũ khí" ấy. Thế nên ta không chỉ trân trọng những vần thơ mà phải trân trọng những thể loại khác, tiếp cận nhiều khía cạnh khác nhau của văn học để bản thân có thể trau dồi vốn hiểu biết.

 

Quan niệm của Raxun Gamzatop thật đúng đắn khi bàn về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người. Nếu những đoá hoa thơ sinh ra để làm đẹp cho đời thì thi sĩ chính là người chăm sóc tận tụy nhất. Họ vừa là thầy vừa là bạn, họ thay đổi cả nhân loại qua những trang sách. Để làm được điều đó thi nhân phải luôn trau dồi vốn sống, cũng như rèn luyện tài năng của mình để mỗi lần chấp bút là một lần rung động hàng triệu trái tim. Tuy nhiên tác phẩm có hay, lời thơ có ngất ngay mà lòng người lại đóng khép thì làm sao thơ ca có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình đây? Thế nên trong mỗi chúng ta hãy mở lòng mình ra đón nhận những vần thơ được nhà thơ chưng cất, điều đó không chỉ giúp ta tìm được mốt điểm tựa cho mình mà còn làm giàu thêm đời sống tinh thần của bản thân.

 

 Nhận định của Raxun Gamzatop thật xác đáng. Thơ ca đã nâng đỡ, dìu dắt con người qua bao chông gai, thử thách, bầu bạn với con người với bao vui buồn trong đó có cả tôi. Có những khi đọc thơ tôi tìm thấy mình trong đó, tôi học cách viết của người khác tôi viết ra những câu thơ cho chính tôi, hẳn nó còn vụng về song nó cũng là cách để tôi nhìn lại chính mình qua mọi chặng đường. Tôi biết trên con đường chinh phục văn chương còn nhiều chông gai và thử thách nhưng tôi luôn hạnh phúc vì tôi luôn có thơ ca bầu bạn.

 

NGUYỄN XUÂN MAI

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG MẠC ĐĨNH CHI

NĂM HỌC 2021 - 2022

#baiviethocsinh_blogchuyenvan

#liluanvanhoc_blogchuyenvan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét