Chào các bạn, lại là Duy đây. Tình hình dịch cũng đã kéo đến năm thứ hai rồi, các thầy cô giáo và HS cũng đã dần quen với hình thức dạy – học online rồi phải không ạ? Bản thân mình thì cũng đã dần học cách thích nghi, và cũng đã rút ra được một số cách để bài dạy online trở nên hấp dẫn hơn, dễ tiếp thu hơn với HS. Đọc trên mạng thấy các bài viết về dạy học online chủ yếu chia sẻ về các phương tiễn kĩ thuật hỗ trợ giờ dạy, nên bài viết này mình sẽ chia sẻ về khía cạnh khác: cách thiết kế kịch bản dạy học sao cho hấp dẫn và dễ chịu với HS.
Nhận thấy nhược điểm của việc dạy online đó là hạn chế khả năng tương tác giữa thầy và trò, hơn nữa cũng là sự thách thức với khả năng tập trung của HS do phải ngồi thời gian dài trước màn hình máy tính, cho nên các gợi ý mình sẽ chia sẻ sau đây chủ yếu xoay quanh hai phương diện, (1) sử dụng đa phương tiện và các kĩ thuật khắc kiến thức để giúp tăng sự tập trung chú ý của HS, (2) một số gợi ý để tăng sự tương tác giữa GV và HS trong một buổi học online.
Để tăng sức hấp dẫn cho buổi dạy online của mình, thầy cô có thể:
1. Đa dạng hoá các loại hoạt động trong buổi học:
Theo sách “Luật trí não”, con người tập trung tốt nhất trong thời gian 15 phút. Do đó, chúng ta cần tính đến phương án liên tục thay đổi các hoạt động khi dạy học online để duy trì sự chú ý của HS, tránh gây cảm giác nhàm chán. Chẳng hạn, với một nội dung bài học mới, có thể triển khai theo các bước (1) hoạt động mở đầu à (2) hoạt động hình thành kiến thức mới à (3) hoạt động luyện tập à (4) hoạt động vận dụng, mở rộng. Với mỗi hoạt động, thì lại đi theo các bước (1) giao nhiệm vụ học tập à (2) thực hiện nhiệm vụ học tập à (3) báo cáo, thảo luận à (4) nhận xét, kết luận.
Các hình thức hoạt động cũng đa dạng: hoạt động kích hoạt kiến thức nền, hoạt động đàm thoại, hoạt động trải nghiệm, hoạt động diễn giảng, hoạt động luyện tập, hoạt động liên hệ, chia sẻ trải nghiệm…
Thực tế khi tổ chức một buổi dạy, các thầy cô sẽ nhận ra các slide bài dạy cũng được thay đổi theo từng nội dung (tránh một slide nhồi nhét quá nhiều nội dung, cũng tránh xé nhỏ một nội dung ra quá nhiều slide), có sự luân phiên giữa hoạt động của GV và hoạt động của HS, có phần hoạt động, trao đổi của GV và HS, cũng có khoảng lặng để HS suy nghĩ về vấn đề, ghi bài, hệ thống hoá kiến thức…
2.
Tăng tính chủ động của HS bằng cách giới thiệu yêu cầu cần đạt và dàn ý nội
dung chính của buổi học:
Khi dạy online, tính chủ động sẽ bị hạn chế, HS chỉ ngồi học trước màn hình theo trình tự tuyến tính, do vậy, để HS chủ động trong việc học, luôn biết mình đang học cái gì, và sẽ tới nội dung gì, GV cần chuẩn bị slide giới thiệu mục tiêu cần đạt của buổi học và outline bài dạy ở đầu buổi học.
Mục tiêu cần đạt cần được viết dưới dạng các động từ thể hiện mức độ tư duy (nhận biết, phân tích, trình bày…) để có thể định lượng được. Đầu buổi học, GV cho HS ghi nhận mục tiêu cần đạt. Cuối buổi học, trước khi kết thúc, GV nhắc lại các mục tiêu cần đạt để HS tự định lượng mức độ hiểu bài, cũng như đưa ra những thắc mắc về bài học.
3. Tổ chức hoạt động khởi động và củng cố bài học khi dạy một đơn vị kiến thức mới:
Với mỗi đơn vị kiến thức mới, nên tổ chức theo ba giai đoạn (1) khởi động à (2) dạy kiến thức mới à (3) củng cố. Hoạt động khởi động và củng cố giúp HS neo kiến thức, đồng thời tạo tâm thế hứng thú cho buổi học. Thầy cô có thể thiết kế hai hoạt động này theo hình thức trò chơi, đố vui, câu hỏi trắc nghiệm, chia sẻ trải nghiệm, thảo luận về một vấn đề mở, xem video, hình ảnh và thảo luận…
4. Sử dụng tư liệu đa phương tiện như hình ảnh, video clip, âm thanh trong bài học:
Cần đa dạng hoá các kênh đa phương tiện để kích thích sự chú ý của HS, đáp ứng các phong cách học tập khác nhau, cũng như để buổi học thêm sinh động. Nên sử dụng hình ảnh, video clip, bức tranh… để lồng ghép vào các hoạt động dạy học. Một điều lưu ý: cần cân nhắc về mục đích và cách khai thác đối với các tư liệu đa phương tiện, để tránh tình trạng chiếu cho có, hay chỉ để trang trí. Chẳng hạn: trước khi cho học sinh xem clip, thầy cô có thể đặt câu hỏi để HS nhận biết các thông tin trong clip; sau khi xem clip, có thể tiếp tục thảo luận một số vấn đề gợi ra từ clip mà có liên quan đến bài học.
5. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu tài liệu, thuyết trình, làm bài tập để HS chủ động trong giờ học:
Trao quyền cho HS, để HS là trung tâm, chủ động trong buổi học dưới hình thức thuyết trình (dưới hình thức nhóm hoặc cá nhân). Tuy vậy, để việc chuẩn bị bài và thuyết trình của HS được thuận lợi, GV cần chuẩn bị: (1) kho tư liệu tham khảo để HS nghiên cứu, có thể dùng app cam scanner để scan tài liệu cho HS, lập danh mục các link tài liệu HS có thể đọc (rất quan trọng, đặc biệt trong hoàn cảnh giãn cách), (2) rubric hoặc bảng kiểm các tiêu chí thực hiện sản phẩm thuyết trình, (3) Bản hướng dẫn cách thực hiện bài thuyết trình, hướng dẫn cụ thể thao tác từng bước và những lưu ý khi thực hiện các bước.
6. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm để đưa nội dung bài học gần hơn với thực tế cuộc sống của HS:
Ai cũng có nhu cầu chia sẻ, và khi kết nối được kiến thức bài học với những trải nghiệm thực tế, sẵn có của người học thì kiến thức sẽ dễ tiếp thu hơn. GV có thể thiết kế các hoạt động trải nghiệm như: chia sẻ về một tác giả là “trụ đỡ tinh thần” của em, chia sẻ về một tác phẩm em muốn thay đổi cốt truyện… để vừa kích hoạt kiến thức nền của HS, vừa huy động tư liệu sẵn có của HS làm ví dụ minh hoạ cho kiến thức bài học.
7. Sử dụng kĩ thuật kể chuyện để tăng hiệu ứng cảm xúc, kích hoạt kiến thức nền của HS.
Các câu chuyện luôn có sức hấp dẫn vô cùng và tạo hiệu ứng cảm xúc cho bài học. Dùng một câu chuyện để dẫn dắt vào bài học, hoặc kết lại bài học với một thông điệp ý nghĩa sẽ là một cách hay để giờ học có độ lắng. Khi kể chuyện, nên dùng ngôn ngữ có cảm xúc để kết nối với người học. Mình cũng thích dùng các ngôn ngữ cảm xúc để gần gũi với HS hơn: thầy rất vui…, thầy cảm thấy bất ngờ trước sự chuẩn bị của các em, ôi lớp mình giỏi quá…
8. Sử dụng các kĩ thuật khắc kiến thức:
Để kiến thức không trôi đi, slide này nối tiếp slide khác trôi qua mà HS không đọng lại gì, GV cần sử dụng các kĩ thuật khắc kiến thức như: sơ đồ tư duy, khắc kiến thức bằng từ khoá, khắc kiến thức bằng hình ảnh… Chẳng hạn, dạy hết một đơn vị kiến thức có thể khái quát kiến thức bằng sơ đồ để HS ghi bài, chốt một đơn vị kiến thức bằng một số từ khoá, khắc kiến thức bằng hình ảnh (dùng hình ảnh bông hồng vàng, làn sóng lan toả để nói về chi tiết nghệ thuật; dùng hình ảnh trái tim và khối óc để nói về mối quan hệ giữa tình cảm và tư tưởng trong VH…)
9. Sử dụng chức năng thu hình buổi dạy của các phần mềm dạy học trực tuyến:
Mục cuối cùng này không liên quan lắm đến các mục trên, nhưng nó là thế mạnh của dạy học trực tuyến so với cách học trực tiếp trước đây, đó là sau mỗi buổi học, có thể xuất file ghi lại nội dung buổi học hôm đó, để HS có thể xem lại những chỗ chưa kịp theo dõi trong buổi học. Đây là một tính năng hữu dụng mà mình vẫn hay sử dụng, edit lại nội dung bài giảng và đăng lên kênh youtube để làm nguồn tư liệu online cho HS tham khảo.
Đến
giờ phút này, thì mình cũng không còn quan điểm “dạy học trực tuyến sẽ không hiệu
quả”, như hồi bất đắc dĩ phải dạy trực tuyến như hai năm trước nữa. Cái gì cũng
phải học, học rồi sẽ tìm ra cách. Chúc các thầy cô có những buổi dạy online thật
thành công và có thêm những kinh nghiệm bổ ích cho riêng mình để tiết dạy ngày
càng hấp dẫn hơn nữa.
TRẦN LÊ DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét