Đề bài:
Nhà văn Diêm Liên Khoa cho rằng: “Ở điểm xung
động giữa sự xa mờ của văn học với sự bức thiết cận kề của nạn
dịch, chúng ta lại một lần nữa nhận ra sự yếu đuối và cô độc của
văn học. Nó chẳng những không thể biến thành khẩu trang để đưa đến
vùng dịch mà cũng không thể trở thành một bộ quần áo bảo hộ y tế.
Lúc cần ăn uống, nó không phải sữa và bánh mì, khi cần rau cỏ, nó
không phải là củ cải và cần tây. Thậm chí, khi mọi người sợ hãi, lo
lắng, bất an, nó cũng không thể trở thành một viên giả dược”
Theo
anh (chị), trong đại dịch văn học có “yếu đuối và cô độc”? Hãy viết bài văn trình
bày suy nghĩ của anh (chị).
Bài làm
Những đóa hồng
tro, yêu kiều và ngát hương, song chẳng thể thoát khỏi nỗi phai tàn
trước bàn tay thời gian. Trong thần thoại Hy Lạp, chàng Edip tự chọt
mù đôi mắt mình, phải chăng vì chẳng thể thoát khỏi sự rung rủi của
định mệnh?
Cuộc đời này, có lẽ là những
niềm bất lực...
Và văn chương cũng
mang nỗi bất lực của riêng mình. Nhà văn Diêm Liên Khoa không né tránh
sự thật ấy: “Ở điểm xung động giữa sự xa mờ của văn học với sự
bức thiết cận kề của nạn dịch, chúng ta lại một lần nữa nhận ra
sự yếu đuối và cô độc của văn học. Nó chẳng những không thể biến
thành khẩu trang để đưa đến vùng dịch mà cũng không thể trở thành
một bộ quần áo bảo hộ y tế. Lúc cần ăn uống, nó không phải sữa và
bánh mì, khi cần rau cỏ, nó không phải là củ cải và cần tây. Thậm
chí, khi mọi người sợ hãi, lo lắng, bất an, nó cũng không thể trở
thành một viên giả dược”. Không riêng gì những người cầm bút mà tất
cả chúng ta đều cảm thấy bất lực. Đại dịch là nỗi bất lực lớn
của hành tinh!
Đại dịch đến và lây lan với tốc
độ chóng mặt, khi con người còn vô tư trong những bữa tiệc, những
cuộc chuyện trò. Vì thế mà khẩu trang hay quần áo bảo hộ, lương
thực hay thuốc đều không được chuẩn bị kĩ lưỡng, Covid bùng nổ và
con người khủng hoảng trong sự khan hiếm đồ dùng. Liệu con người có
còn tâm trạng để lo cho cơn đói của tâm hồn khi toàn bộ sức lực và
tiền bạc đều đổ vào cuộc chiến giành lại sự sống? Phó thủ tướng
Vũ Đức Đam nhận định “Cuộc chiến này còn rất dài”, dịch càng kéo
dài bao lâu thì văn chương càng bất lực bấy nhiêu. Và các nhà văn có
thong thả đặt bút xuống, khi ngoài kia nhân loại gào thét trong vô
vọng mà anh chẳng giúp được gì?
Muytxe tâm tình rằng: “Lời tuyệt
vọng là lời ca hay nhất”, nhưng giờ đây, lời tuyệt vọng có còn là
lời ca, hay chỉ là sự bế tắc, vô lối thoát?
Và sự bất lực không dừng lại ở
đó mà còn diễn ra ở nghệ thuật nói chung. Giữa bức họa “Mona Lisa”
của Da Vinci và mẩu bánh mì, con người sẽ chọn bánh mì vì nó hữu
dụng hơn trong hoàn cảnh này. Những công trình nghệ thuật mà lĩnh
vực kiến trúc tạo nên dần vô nghĩa, khi con người cần xây nhanh những
bệnh viện để kịp với số bệnh nhân tăng lên. Âm nhạc và điện ảnh
cũng mang nỗi bất lực khi các nhà hát, rạp phim buộc phải đóng cửa.
Phải chăng Covid là lời báo hiệu
cho sự suy tàn của nghệ thuật?
Tôi chợt nhớ đến một khung cảnh
mình đã xem trên tivi, khi nước Ý trở thành tâm dịch thế giới và
buộc phải thực hiện chặt chẽ giãn cách xã hội. Người dân trong đêm
tối, họ đứng trên lan can nhà mình và cùng nhau hát ca, gảy lên tiếng
đàn làm dịu êm nhân gian. Trong khoảnh khắc cái chết có thể lướt qua
và cướp đi mạng sống của bất kỳ người nào, con người vẫn thắp lên
niềm tin bằng những lời ca. Và nghệ thuật là những que diêm diệu kỳ,
phá tan những khoảng cách – lớp khẩu trang để con người gần nhau hơn.
Văn chương, có lẽ như Thanh Thảo từng nói, là “đôi nạn” giúp người
tàn tật “đứng dậy”, bước đến với mọi người. Nếu chiếc khẩu trang
ngăn chặn sự lây nhiễm virus đến con người thì những quyển sách ngăn
chặn sự đứt gãy quan hệ, mất kết nối giữa cá nhân và cộng đồng.
Tôi nghĩ đó cũng là sứ mệnh của người cầm bút, như Lỗ Tấn trăn trở
trước cái chết của AQ, Balzac đau đớn khi viết về cái chết lão
Goriot, những cái chết diễn ra trong ánh mắt bàng quan, vô cảm của xã
hội. Nam Cao khao khát viết nên những tác phẩm để người “gần người
hơn”, mà đây là điều duy nhất chỉ có văn chương mới đủ sức mạnh thực
hiện ngay lúc này.
Với những ai là bệnh nhân Covid,
ta cảm thấy cô đơn trên con đường chiến đấu với tử thần. Với những ai
may mắn khỏe mạnh, ta cũng không thoát khỏi nỗi cô đơn khi quẩn quanh
trong ngôi nhà của mình. Chúng ta – một nhân loại cô đơn sống trong
thời đại cô đơn. Với Chí Phèo là nỗi cô đơn khi bị coi là “con quỷ
dữ” của làng Vũ Đại, những nhân vật trong “Rừng Na Uy” gắn lên mình
chiếc mặt nạ để che giấu niềm cô đơn gặm nhấm trong lòng. Còn “Trăm
năm cô đơn” của nhà văn Marquez, những bóng người mang trong mình dòng
máu Buendia hiện ra đầy đơn độc. Những con người ấy bơ vơ ngay cả khi
ở cạnh bên gia đình, những người chồng, người vợ thân yêu của mình.
Kết thúc tác phẩm, ngôi làng Macondo biến mất vĩnh viễn và nhà văn
trăn trở: làm thế nào để dân làng ấy được “tái sinh” lần thứ hai
trên mặt đất này? Chỉ có một chìa khóa giải thoát được vòng vây cô
đơn ấy, đó chính là tình yêu. Ấy là thông điệp mà Marquez gửi gắm
đến độc giả từ thế kỉ trước, song vẫn vẹn nguyên giá trị ở thời
đại chúng ta, thời đại dịch bệnh làm con người thấy đơn độc hơn. Và
ta thấy nồng ấm biết bao trước tình người giữa cậu bé Rémy và cụ
Vitalis (Không gia đình), những kiếp người sống trong đói khổ vẫn bao
bọc, san sẻ lẫn nhau trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, “Nhà mẹ Lê” của
nhà văn Thạch Lam. Chúng ta thật cô đơn, vì thế mà chúng ta cần có
nhau và sống tựa vào nhau. Chính văn chương đã gỡ bỏ những then cài
mà nhẹ nhàng bước vào lòng ta, trao cho tôi, cho bạn, những con người
để cùng chuyện trò. Để thấy rằng không gì có thể ngăn cách con
người đến được với nhau!
Tôi nghĩ một phần nào đó trong
chúng ta, những người mắc phải Covid không tránh khỏi nỗi đau về thể
xác lẫn tinh thần. Trước tình cảnh đó, văn chương là sự nâng đỡ cho
những kẻ “cùng đường tuyệt lộ”, để con người không tự giày vò mình
trong tuyệt vọng bi ai. Những trang sách giúp ta có thêm niềm tin rằng
“Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại” (Ernest
Hemingway). Văn chương làm tươi mát tâm hồn ta bằng những vẻ đẹp, để
một thoáng thấy lòng mình hồn nhiên như trẻ thơ. Nó gợi lên trong ta
cái cảm giác man man như đứng trước “một bến đò gió nổi” (Lê Đạt),
khiến mỗi người phải ngỡ ngàng mà thừa nhận rằng: cuộc sống vẫn
còn đó bao điều tốt đẹp! Và dù có phải chết, những trang sách giúp
ta sống theo quan niệm của người Nhật, rằng chết không có nghĩa là
tan biến, là sợ hãi. Chết là để cho con người vĩnh viễn đi vào cõi
bất tử, để sống mãi cùng cái đẹp. Khi con người chưa thể khẳng định
loại vaccine hữu hiệu nhất, khi sự sống mong manh như sương khói, khi
tất cả chúng ta đồng thanh nói “tuyệt vọng”, văn chương lại chọn một
cách nói khác. Đó là cách mà nhân vật Scarlett trong “Cuốn theo chiều
gió” từng nói: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”.
Hãy nhìn kìa, mặt trời đang
lên...
Tôi tình cờ đọc “Ngàn mặt trời
rực rỡ” của Khaled Hosseini vào ngày thế giới tuyên bố đã có một
triệu người nhiễm Covid qua đời. Trong lòng tràn ngập niềm lo âu lẫn
xót xa, nhưng quyển sách đã soi chiếu vào tôi thứ ánh sáng đầy hy
vọng. Sinh ra là một “harami” – “đứa con hoang”, Mariam đáng thương lớn
lên trong nỗi hận thù của mẹ. Tôi nhớ mẹ Mariam đã dạy cô rằng:
“ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào phụ nữ”. Ấy là
thực trạng bất bình đẳng giới ở Afghanistan, người phụ nữ luôn phải
cam chịu trước sự kiểm soát của đàn ông. Thậm chí, phụ nữ bị đối
xử như loài vật phục tùng mệnh lệnh, như cách mà Rasheed bắt Mariam
phải nhai những viên đá trong miệng đến mức miệng cô bê bết máu. Đau
đớn. Tuyệt vọng. Nhưng cũng như tên tác phẩm, Mariam đã sống như ánh
mặt trời rực rỡ, tỏa tia nắng ấm áp cho đời. Cô giết chết chồng để
cứu sống Laila – “đóa hoa nhỏ” mà Rasheed hết lòng nâng niu, người đã
hạ sinh cho chồng cô đứa con trai – điều Mariam không làm được.
Có lẽ, cuộc đời Mariam
chưa bao giờ hạnh phúc trọn vẹn...
Vì cuối cùng,
Mariam chấp nhận án tử hình của một pháp luật thiên về quyền lợi
người đàn ông. Nhưng chính giây phút lìa xa cuộc đời mãi mãi cũng là
lần cuối cùng “Mariam làm như người ta bảo”. Cái chết đã phóng sinh
một Mariam tự do, để cô mãi sống trong những người phụ nữ Afghanistan,
trong ngàn ánh mặt trời của ngày mai tươi sáng.
Tựa những áng mây lãng đãng trôi,
văn chương nhẹ nhàng ru êm lòng tôi một thoáng bình yên giữa bao bộn
bề cõi phù sinh. Nhưng văn chương còn giúp tôi vỡ ra những lẽ sống ở
đời. Những vần thơ haiku tự bao giờ đã tràn vào tâm thức ta, làm rung
động những cảm xúc đáy lòng mình:
“Tên
trộm đi rồi
Còn
bên cửa sổ
Một
vầng trăng soi”
(Ryokan)
Khi tất cả chỉ
còn lại là những hoang tàn hiu quạnh, liệu con người có thấy bất
lực? Thế nhưng, trong khoảnh khắc nỗi tuyệt vọng dâng trào, vẫn còn
bên cửa sổ ấy là sự hiện hữu của cái đẹp. Thi nhân trong giây phút
ấy khát khao vượt lên thực tại nghiệt ngã, để tìm đến vẻ đẹp sáng
trong của vầng trăng vằng vặc giữa bầu trời đêm. Tôi nhớ Albert Camus
từng nói: cái đẹp cho ta giây phút “thoáng nhìn cõi vĩnh hằng mà
chúng ta muốn vươn tay ra toàn bộ thời gian”. Cái vĩnh hằng nơi câu thơ
chính là ánh trăng hiện ra khiến cho cái hữu hạn của đời người, của
kiếp người phải thao thức, mê say. Và dường như, con người buông bỏ
mọi bất hạnh nhân sinh để cả thể xác lẫn tâm hồn mình được sống
tận hiến cho cái đẹp cao cả. Đại dịch, tựa “tên trộm” đã cướp đi
khỏi chúng ta sự bình yên. Nhưng nó cũng để lại trong chúng ta, những
khoảng lặng để tâm hồn mình thư thả, để mở tung cửa sổ mà đón vào
lòng vầng trăng sáng, những vẻ đẹp gần gũi ta quên lãng tự lâu.
Covid
đi qua để lại cho nhân loại những gì? Không riêng những tổn thất về
mạng người hay vật chất, nó là một phép thử để ta thấy bản chất
con người. Những kẻ tung tin giả khiến dư luận đầy hoang mang, hay đầu
tư tích trữ hàng hóa để thừa dịp kiếm lời. Và văn chương một lần
nữa làm nên những điều ý nghĩa, đó là sự níu giữ thiên lương trong
mỗi người. Nếu những chiếc khẩu trang khiến con người ta nảy sinh
lòng tham, những quyển sách khuyên con người sống hãy biết đủ. Nếu
những mẩu bánh mì, những gói mì tôm là tâm điểm mà con người tranh
giành nhau, chen lấn nhau để mua bằng được, văn chương nhắn nhủ mỗi
chúng ta chớ đi theo đám đông mà hãy tin vào trực giác của mình. Với
những kẻ xấu, văn chương không cho phép con người khoan nhượng, dung thứ
nó. Cần phải đấu tranh, như chàng Hamlet của Shakespeare một mình
chống lại cả triều đình độc ác. Cần phải thức tỉnh con người thoát
khỏi cơn mộng mị, như cách McMurphy đã đánh thức nhân tính trong những
kẻ tâm thần trá hình (Bay trên tổ chim cúc cu). Mỗi người hãy gìn
giữ và bảo vệ sự thiện lương trong mình khỏi phần “con” thấp bé, để
tôn vinh phần “người” đáng quý. Raskolnikov cảm thấy day dứt vì giết
người nên quyết định đi đầu thú
(Tội ác và trừng phạt), Thành thấy lo sợ vì lấy trộm chiếc
ví của người bạn thân - Bân (Sợi tóc) hay người họa sĩ đầy mặc cảm
lương tâm vì lỡ hẹn với người lính năm xưa (Bức tranh). Quả thật, văn
chương “thức tỉnh những lương tri đang ngủ” (Evtusenko), cho con người một
kẽ hở trong nhịp sống vội vã để ngắm nhìn lại chính bản thân mình.
Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh chỉ ra bản
chất tẻ nhạt của cuộc đời khi không có văn chương. Rằng thiếu đi
những áng thơ, cuộc sống “Không nỗi buồn không niềm vui kinh ngạc”.
Vậy con người có thể sống mà không có văn chương?
Diêm Liên Khoa thú nhận sự cô độc
và bất lực của văn học, nhưng tôi tự hỏi: khi Covid qua đi, khi đời
sống con người trở về với những mệt mỏi áp lực, những chiếc khẩu
trang lúc ấy liệu có thể trở thành sách mang đến sự cởi giải cho
tâm hồn người? Khi ấy, dù có bao nhiêu mẩu bánh mì cũng không thể
lấp đầy cơn đói cồn cào nơi trái tim ta. Do đó, tôi nghĩ các nhà văn,
những kẻ có đôi mắt đi trước thời đại, hơn ai hết cần ý thức giá
trị bền lâu của văn chương chứ không phải là sự bất lực nhất thời.
Văn chương không bao giờ bất lực khi anh – người cầm bút luôn tràn trề
những nhiệt huyết, khát khao làm nên một tác phẩm “vượt lên mọi bờ
cõi và giới hạn” (Nam Cao). Và hỡi loài người, hãy tin vào văn
chương, tin vào những hy vọng tốt đẹp của cuộc sống. Đó sẽ là lúc
chúng ta thoát khỏi niềm sợ hãi, âu lo tầm thường để chạm tay đến
những giá trị thiêng liêng vĩnh cửu.
“Nếu
tôi không cháy lên
Nếu
anh không cháy lên
Nếu
chúng ta không cháy lên
Thì
làm sao bóng tối trở thành ánh sáng?”
(Nazim Hikmet)
Văn chương không xử
phạt con người bằng tiền bạc, nó thức tỉnh con người bằng tiếng gọi
của lương tâm, trong nỗi hổ thẹn của chính mình. Như cách Nazim Hikmet
đã đánh vào phần sâu thẳm nhất của mỗi người, rằng nếu chúng ta
không cháy lên, thì bóng tối vẫn sẽ mãi ở đó.
Và Covid cũng như thế...
Nếu tôi góp sức,
anh góp sức, cả nhân loại cùng chung tay nỗ lực, không gì có thể ngăn
cản chúng ta chiến thắng Covid.
Khi ấy
văn
chương
không
còn bất lực!
LỚP 12 CHUYÊN VĂN
TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TPHCM
NĂM HỌC 2020 - 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét