Tui
đã giới thiệu bản thân đến thế giới như thế nào?
(Về
cuốn sách “Nghệ thuật PR bản thân” – Austin Kleon)
Cuốn
sách “Nghệ thuật PR bản thân” làm tui nhớ về khoảng thời gian 10 năm trước, khi
vừa bước chân vào đại học, cái thuở “hãy cứ ước mơ, hãy cứ dại khờ”. Suốt bốn
năm học, rồi ra trường, sáng lập Blog Chuyên Văn, dạy lớp Chuyên Văn, rồi tham
gia viết sách giáo khoa, tui nhận thấy tui đã làm tốt việc PR bản thân, ngay cả
khi tui không nhận thức về việc đó (Sự thật là cho đến giờ phút này tui chưa
bao giờ phải rải hồ sơ xin việc, cơ hội việc làm luôn tìm đến với tui – đây là
một trong những điểm tui rất tự hào). Cuốn sách này giúp tui đúc kết một số bí
quyết quan trọng mà bản thân vô tình “lượm” được.
Từ
một ý tưởng thú vị về “hệ sinh thái tài năng”
Gốc
rễ của cuốn sách xoay quanh ý tưởng về “hệ sinh thái tài năng”:
“Có
một cách nhìn nhận sự sáng tạo tích cực hơn, mà nhạc sĩ Brian Eno gọi là “cộng
đồng tài năng”. Theo hình mẫu này, những ý tưởng vĩ đại thường được tạo ra bởi
một nhóm người sáng tạo, như nghệ sĩ, quản lí nghệ thuật, nhà tư tưởng, nhà lí
luận, những người dẫn đầu trào lưu và phong cách mới – họ tạo ra một “hệ sinh
thái tài năng” … cộng đồng tài năng không làm giảm giá trị thành quả của các vĩ
nhân kiệt xuất đó; nó chỉ cho thấy những sản phẩm tốt không được tạo ra một
cách đơn độc mà xa rời xã hội, mà theo một cách nào đó, sáng tạo luôn là sự hợp
tác, là kết quả của một trí tuệ liên kết với nhiều trí tuệ khác nhau”.
Ý
tưởng về “hệ sinh thái tài năng” giúp ta nhận ra rằng: sự sáng tạo không đến từ
hư vô mà nó là sản phẩm của rất nhiều tương tác trong mạng lưới trí tuệ của một
cộng đồng sáng tạo. Tất nhiên sự sáng tạo vẫn mang tính chủ thể, vẫn thuộc quyền
sở hữu trí tuệ của mỗi cá nhân, nhưng việc nhận ra bản thân là một phần của “hệ
sinh thái tài năng” và tham gia vào mạng lưới ấy cho bạn nhiều cơ hội hơn để nảy
sinh sự sáng tạo, từ bé nhỏ đến vĩ đại.
Chia
sẻ - đó là cách để thế giới biết đến bạn
Như
vậy, sáng tạo và chia sẻ có mối tương quan với nhau. Và trong thế giới mạng hiện
nay, bạn có những công cụ vô cùng tuyệt vời để chia sẻ những ý tưởng, những sản
phẩm tui làm với thế giới. Chúng ta có thể CHIA SẺ:
-
Sản phẩm trong công việc của bản thân.
-
Quá trình thực hiện công việc.
-
Những ý tưởng
-
Tri thức của bản thân (qua bài viết, qua dạy học…)
-
chia sẻ sản phẩm của người khác (và ghi nhận xứng đáng đóng góp của họ)
-…
Điều
tui tâm đắc ở cuốn sách, đó là Austin Kleon giới thiệu hai khái niệm “lưu lượng”
và “trữ lượng” để nói về truyền thông đại chúng. “Lưu lượng” là những bài viết
mới trên trang mạng xã hội, là những thông tin cập nhật hằng ngày, hằng giờ.
“Trữ lượng” là giá trị lâu bền trong các bài viết ấy, đề dù hai, ba năm sau người
ta vẫn cần tìm đọc lại những gì bạn đã chia sẻ. Công thức thần kì đó là: ĐẢM BẢO
LƯU LƯỢNG TRONG KHI TẬP TRUNG VÀO TRỮ LƯỢNG Ở PHÍA SAU.
Hình
dung một cách đơn giản: những ý tưởng, bài viết ngắn bạn chia sẻ hằng ngày, biết
đâu sau quá trình chọn lọc sẽ trở thành một bài báo, bài blog dài trong tương
lai, và biết đâu nhũng bài báo, bài blog sẽ trở thành một cuốn sách được xuất bản?
Khi
bạn chia sẻ được những điều có ích, tiếng nói của bạn sẽ được lắng nghe. Và đó
là cách thế giới dần biết đến bạn. Để làm được điều đó, đương nhiên bạn phải nhớ:
CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU CÓ ÍCH. Bản thân tui thì tin vào quy luật “đồng thanh tương ứng,
đồng khí tương cầu”, khi bạn chia sẻ trong hệ sinh thái sáng tạo, bạn sẽ thu
hút được những người cùng giá trị, và cộng đồng sáng tạo kết nối với bạn sẽ cho
bạn rất nhiều cơ hội để giới thiệu bản thân, cơ hội nghề nghiệp, cơ hội để bán
được những sản phẩm của tui.
Nói
một cách ngắn gọn: Càng biết cách chia sẻ, bạn càng thu hút được nhiều cơ hội,
bạn càng được nhiều người biết tới.
Và
một vài kinh nghiệm của cá nhân tui
Vậy
trong suốt 5 năm qua, tui đã xây dựng một cộng đồng sáng tạo, một hệ sinh thái
những người cùng giá trị thông qua Blog Chuyên Văn, tức là tui đã PR bản thân
mà tui không hề hay biết. Bản thân tui cũng được hưởng lợi nhiều từ đó, nhất là
các cơ hội việc làm, và thường tui không phải nói về bản thân để thuyết phục
người khác về một vấn đề chuyên môn nào đó. Và để giữ được Blog Chuyên Văn vận
hành đến hôm nay (sau 5 năm được hơn 90.000 người theo dõi), có một số kinh
nghiệm tui đã tự rút ra được cho tui:
(1)
Một cộng đồng chia sẻ bình đẳng, lành mạnh: tất cả mọi người đều bình đẳng và
tham gia đóng góp giá trị, không có ai đứng cao hơn hay đứng ngoài cộng đồng.
Giá trị của một cá nhân được thể hiện bằng những đóng góp cụ thể cho cộng đồng,
ngoài ra những yếu tố khác về quyền lực là không quan trọng.
(2)
Tui không đóng vai chuyên gia, mà tui đóng vai một người đang học hỏi: Blog
Chuyên Văn ngay từ đầu và đến bây giờ vẫn là một trang đăng tải những sản phẩm,
bài viết về nghề nghiệp tui đúc kết ra trong quá trình tui tự học để trau dồi
chuyên môn. Có những điều đúng, và có những điều chưa đúng. Nếu để ý các bạn sẽ
thấy thỉnh thoảng tui có viết phần rút kinh nghiệm từ những lỗi sai tui mắc phải
trong thực tế. Các bài viết về phương pháp đều rút ra từ những vướng mắc mà bản
thân gặp phải khi giảng dạy. Ở vai một người amateur, một người đang học hỏi,
tui giúp tui thoát khỏi sự phán xét của bản thân và gánh nặng phán xét của người
đọc, chỉ đơn giản là học hỏi – chia sẻ - rút kinh nghiệm – và lại học hỏi…
(3)
Tuyệt đối ghi nhận đối với thành quả, chất xám của người khác, tôn vinh họ hết
sức có thể: Điều này là lẽ đương nhiên, cả về mặt đạo đức lẫn mặt sáng tạo.
(4)
Chú trọng trữ lượng hơn lưu lượng: Nếu xét về mặt truyền thông, so với những
trang triệu like, ngàn view trên mạng, Blog Chuyên Văn không phải là một trang
mạnh. Có những khi đăng bài chỉ vài người tương tác. Nhưng vấn đề là, bài viết
chỉ cần có ích cho một người nào đó vào lúc họ cần, thì sự tồn tại của nó có ý
nghĩa. Không phải lúc nào bạn gieo một hạt mầm thì cũng nhìn thấy được nó thành
cây, nhưng chỉ cần có ý nghĩa là được. Đó là cách “tích tiểu thành đại” mà tui
đã áp dụng suốt 5 năm qua.
Tóm
lại, cuốn sách “Nghệ thuật PR bản thân” là một gợi ý hay cho những ai còn đang
phân vân về bản thân. Nói thêm một chút, hồi 6 năm trước khi tui mới ra trường,
việc nói về bản thân, khoe ra những gì mình làm được, đối với nghề giáo mà nói
vẫn là một cái gì … kì kì. Người ta cứ gắn vào nhà giáo những cám âm thầm, lặng
lẽ dù vô duyên, vô lí. Người ta vẫn cho rằng cần phải khiêm tốn. Tui thì nghĩ
khác, những điều mình làm tốt mình cần chia sẻ, bởi biết đâu sẽ có ích cho một
ai đó, vào một lúc nào đó. Thuở mới ra trường, sau một lần tìm được trang edutopia.org
và ngỡ ngàng với số lượng kiến thức được chia sẻ trên đó, tui nhận ra chia sẻ
chính là sức mạnh. Gần đây, tui thấy các bạn giáo viên đã mạnh dạn hơn rất nhiều
trong việc chia sẻ sản phẩm dạy học của mình, và rất nhiều ý tưởng trong đó khiến
tui cảm thấy rất thú vị, lại gợi ra thêm những ý tưởng khác nữa. Khi đó, ngay
trên facebook này, chúng ta đang tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo và để những
tiếng nói đầy khát vọng được gặp gỡ.
TRẦN
LÊ DUY
THÔNG
TIN SÁCH:
Tên
sách: Nghệ thuật PR bản thân (Show your work)
Tác
giả: Austin Kleon
Dịch
giả: Cẩm chi
Đơn
vị phát hành: Alphabooks và NXB Thế giới
Bạn
sẽ thích cuốn sách này vì: những lời khuyên thực tế và hữu ích để giới thiệu bản
thân đến thế giới; hệ thống sơ đồ bảng biểu trực quan, dễ hiểu; các tips dễ ứng
dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét