Đề bài: "Truyện có thể có cốt
truyện, có thể không có cốt truyện, nhưng không thể nghèo chi tiết. Nếu thế
truyện sẽ như nước lã." (Nguyên Ngọc)
Em hiểu thế nào về nhận định trên. Hãy làm sáng tỏ
qua một số tác phẩm yêu thích.
Bài làm
Văn chương tồn tại
để thực thi sứ mệnh giúp nhân loại nhìn thấy được những "rạng đông sáng
ngời" ẩn giấu nơi ngõ ngách nào đó của cõi trần. Âm điệu của văn chương
chính là hợp xướng của dàn đồng ca nhiệm màu về tình yêu thương chạm khẽ đến
ngưỡng rung động vĩnh hằng, là tiếng hát ngân vang của trái tim, là nơi dừng
chân của tâm hồn, nơi người nghệ sĩ gửi gắm những bồi hồi, xao xuyến của một
linh hồn đa cảm trước cuộc đời. Như Nguyên Ngọc từng quan niệm “Nghệ thuật là
sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”. Những
thiên chức văn chương mang trong mình quả thật cao cả, và để thực hiện được
những thiên chức ấy, mỗi một tác phẩm văn chương cần rất nhiều yếu tố, mà cách
riêng đối với các tác phẩm truyện chính là "chi tiết" được khéo léo
xây dựng trong tác phẩm. Bởi thế, Nguyên Ngọc đã từng nhận định rằng:
"Truyện có thể có cốt truyện, có thể không có cốt truyện, nhưng không thể
nghèo chi tiết. Nếu thế truyện sẽ như nước lã."
Trước hết, phải nói Nguyên Ngọc quả rất tài tình và chí lý
khi nhận định như thế. "Truyện có thể có cốt truyện, có thể không có cốt
truyện" - có nghĩa là trong mỗi tác phẩm truyện, kể cả truyện dài hay
ngắn, tiểu thuyết hay ngụ ngôn… có "cốt truyện" (- là hệ thống các sự
kiện, tình huống truyện nòng cốt làm nên tác phẩm) hay không, đó cũng không
phải là vấn đề quan trọng nhất, mà vấn đề quan trọng nhất là "chi
tiết" - chi tiết nghệ thuật - là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa
lớn về cảm xúc và tư tưởng”. Các chi tiết trong mỗi tác phẩm truyện chính là
tiêu điểm, căn nguyên của mỗi tác phẩm, vậy nên "không thể nghèo chi
tiết" - các chi tiết trong tác phẩm truyện nghèo nàn, ít ỏi, xây dựng hời
hợt, nếu không "truyện sẽ như nước lã" - sẽ nhạt nhẽo, vô vị, không
gửi gắm đủ đầy những ý tứ, tư tưởng sâu sắc, không mang những ý nghĩa nhân văn,
tác phẩm truyện sẽ không thể làm tròn thiên chức của văn chương. Qua đó, Nguyên
Ngọc muốn khẳng định, đề cao vai trò của các chi tiết truyện. Đồng thời, nhận
định ấy còn là yêu cầu sáng tác đối với mỗi "người cầm bút". Mỗi chi
tiết phải được nhà văn chọn lọc kỹ lưỡng, gửi gắm tư tưởng, tình cảm, ý tứ giàu
tính dồn nén, dư ba. Đó là một trong những yếu tố cấu thành nên tầm vóc của nhà
văn trong tiềm thức người đọc, trong nền văn học.
"Truyện có thể có cốt truyện, có thể không có cốt
truyện, nhưng không thể nghèo chi tiết. Nếu thế truyện sẽ như nước lã."
Quả thật xác đáng khi Nguyên Ngọc đưa ra nhận định ấy. Bởi lẽ, nếu như giai tiết
tấu làm nên âm nhạc, đường nét sắc màu làm nên hội họa, cảm xúc hình ảnh làm
nên thơ thì chi tiết làm nên truyện. "Chi tiết là lát cắt trên thân cây để
thấy cả đời thảo mộc". Dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, cùng với nhân
vật, tình huyễn truyện… chi tiết làm nên sức sống, thổi vào "cái
hồn", gợi sức cuốn cho truyện, làm nên chiều sâu tác phẩm. Vì, chi tiết là
nơi nhà văn khắc họa nổi bật tính cách nhân vật, nơi nhà văn gửi gắm nội dung
tác phẩm, cả những tư tưởng, tình cảm lẫn ý tứ sâu xa, từ đó tạo cho truyện sức
chứa lớn về tư tưởng. Chưa dừng lại ở đó, nói đến truyện là nói đến vấn đề xây
dựng chi tiết. Vậy thử hỏi rằng, chẳng phải nếu chi tiết nghèo nàn, nhà văn xây
dựng chi tiết hời hợt, cẩu thả, thì truyện sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo,
"như nước lã" hay sao?
"Nếu tình huống truyện tạo ra bước ngoặt của tác phẩm
thì chi tiết nghệ thuật lại là cái bánh lái bẻ nên đường cua tuyệt diệu
ấy." (Lêonit Leonov). Vâng, phải nói rằng, vấn đề xây dựng chi tiết là vấn
đề chi tử cốt tử, vấn đề sống còn của tác phẩm. Trong truyện, mỗi chi tiết từ
lớn đến nhỏ đều có một vai trò riêng, đặc biệt là trong truyện ngắn (- như một
lát cắt của cuộc sống). Có những chi tiết vô cùng quan trọng, chi tiết thắt nút
gây cấn, chi tiết mở nút khéo léo…bộc lộ hết thảy chiều sâu tư tưởng, hàm ý sâu
xa, thông điệp ý nghĩa nhà văn muốn gửi gắm… Đó là những "chi tiết
lớn".
Bên cạnh đó, cũng có những "chi tiết nhỏ" - những
chi tiết không ngay lập tức gây ấn tượng với người đọc, dễ bị lướt qua thế
nhưng không thể coi thường, như M.Gorki từng nhận định: "Chi tiết nhỏ làm
nên nhà văn lớn". Chi tiết dù nhỏ cũng có ý nghĩa nhất định trong việc
khắc họa tính cách, số phận nhân vật, gửi gắm thông điệp, tư tưởng của nhà văn.
Không có nó, ắt sẽ không có cái tròn đầy, vẹn nguyên của một tác phẩm truyện -
và tất nhiên, cũng không có "nhà văn lớn". Đồng quan điểm ấy,
Pauxtopxki cũng từng cho rằng: "Chi tiết nhỏ là bụi vàng của tác
phẩm".
Như vậy, "chi
tiết" là quá trình lao động cật lực, tận tâm, bằng cả khối óc và trái tim
của người nghệ sĩ, là kết quả sự lựa chọn, sắp xếp, tư duy, sáng tạo của nhà
văn. Nhà văn phải có tài thì chi tiết mới đặc sắc, không nghèo nàn, nhà văn
phải có tâm thì chi tiết mới "lắng ở ô nề", "đọng ở bề
sâu". Có như thế, tác phẩm mới không "như nước lã", mới gửi gắm
những ý tứ, tư tưởng, thông điệp sâu xa.
Rõ ràng, vai trò của chi tiết trong tác phẩm truyện là vô
cùng quan trọng, nhận định của Nguyên Ngọc là vô cùng đúng đắn. Lời khẳng định
ấy vậy là định hướng đối với người sáng tác trong quá trình sáng tạo văn
chương, vừa là lời nhắn gửi đến người đọc: Hãy biết trân trọng, nâng niu, thích
thú khi thấu hiểu, cảm nhận, giải mã những ý nghĩa sâu xa của các chi tiết nghệ
thuật trong truyện, dù là chi tiết lớn hay nhỏ đi chăng nữa!
Tự cổ chí kim của văn chương, ngay từ những tác phẩm văn học
trung đại, ta đã thấy được tài - tâm của người nghệ sĩ trong vấn đề xây dựng
chi tiết cũng như vai trò của chi tiết trong mỗi tác phẩm truyện. Phải kể đến
trước tiên chính là tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" -
Nguyễn Dữ với chi tiết "cái bóng" - là nguồn cơn của mọi bi kịch
trong cuộc đời Vũ Nương, ở đó còn kết tinh giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực
của tác phẩm. Chi tiết ấy là chi tiết Vũ Nương chỉ vào bóng mình trên vách
tường mà nói với bé Đản đó là cha nó, tức là chồng nàng. Chi tiết chính là biểu
tượng cho tình yêu chồng của nàng, đó là sự đồng nhất giữa nàng với phu quân,
là sự gắn bó, giao hòa giữa hai tâm hồn. Nguyễn Du từng viết: "Trăm năm
tàn một chữ đồng đến xương". Phải chăng, chi tiết lấy bóng mình mà nói đó
là chồng của Vũ Nương thực ra chính là cách nói sơn cùng thủy tận quy về chữ
"đồng" trong đạo vợ chồng? Qua đó, thể hiện rõ nét tình cảm vợ chồng
son sắt, gắn bó thủy chung của nàng với Trương Sinh. Chưa dừng lại ở đó, chi
tiết ấy còn là biểu tượng cho tình mẫu tử của nàng với con. Có yêu thương con
vô bờ bền thì nàng mới khổ tâm nét nỗi nhớ thương trong lòng mình định lên một
hình ảnh người cha để tâm hồn con trẻ không tổn thương, không cảm thấy trống
vắng khi thiếu tình phụ tử thuở còn bé thơ. Như vậy, chi tiết Vũ Nương chỉ vào
bóng mình nói đó là chồng nàng, là cha của con nàng là một chi tiết lớn, vừa
mang giá trị nhân đạo, như xoa dịu nỗi nhớ thương, lắng lo khắc khoải của nàng
cho Trương Sinh "nơi hòn tên mũi đạn", vừa đóng vai trò quan trọng
trong việc khắc họa chân dung đầy đức hạnh của Vũ Nương với tình yêu chồng,
thủy chung son sắt, tình yêu thương con thiết tha. Để rồi qua đó, bức tượng đài
nhân vật với những phẩm chất cao đẹp được tạc nên, giá trị nhân đạo của tác
phẩm được khơi dậy, cái tâm của Nguyễn Dữ trở nên sâu sắc hơn. Vậy thử hỏi
rằng, nếu "Chuyện người con gái Nam Xương" thiếu đi chi tiết ấy, liệu
có còn đủ đầy giá trị nhân đạo, cái tâm của tác giả và nhân vật Vũ Nương liệu
có còn đủ đầy, vẹn nguyên biết bao nhiêu phẩm hạnh quý giá kia? Như vậy, chẳng
phải "truyện có thể có cốt truyện, có thể không có cốt truyện, nhưng không
thể nghèo chi tiết. Nếu thế truyện sẽ như nước lã" hay sao?
Vâng, "chi
tiết là linh hồn của tác phẩm". Nếu ví tác phẩm truyện như một bông hoa
hồng thì mỗi chi tiết lớn là những cánh hoa tươi thắm, mỗi chi tiết nhỏ là
những nhụy hoa điểm xuyết để bông hồng thêm đẹp để, kiêu sa, thơm ngát. Ở tác
phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, ta thấy rõ vai
trò của chi tiết lớn đối với tư tưởng, thông điệp của cả tác phẩm, lẫn cái tâm,
tài của chính tác giả. Bên cạnh đó, chi tiết nhỏ cũng đã góp phần làm nên
"cái hồn" "lắng ở ô nề, đọng ở bề sâu" trong nhiều tác phẩm
khác, mà điển hình là "Truyện Kiều" - kiệt tác của đại thi hào Nguyễn
Du, để rồi" trải bao gió dập sóng dồi/ tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết
tha". Trong cả rừng chi tiết của thiên truyện này, tiểu tiết Mã Giám Sinh
tìm đến để mua Kiều về làm vợ (như lời hắn nói) trong đoạn trích đặc sắc, thể
hiện đậm nét giá trị hiện thực, mang tính tố cáo mạnh mẽ nhất tác phẩm "Mã
Giám Sinh mua Kiều". Sau khi nghe mụ mỗi đánh tiếng, nghe được tin người
con gái "nghiêng nước nghiêng thành" bán mình, Mã Giám Sinh đã tìm
đến nhà Kiều. Sau sự xuất hiện ồn ào, phô trương, tiền hô, hậu ứng "Trước
thầy sau tớ lao xao" là màn vấn danh đầy giả tạo. Hắn ta tự nhận là kẻ sĩ,
từng theo học ở trường Quốc Tự Giám, chỉ nói họ, không xưng tên, ra vẻ kiểu
cách, quý tộc. Y nói những lời "ong bướm, mĩ miều": "rằng mua
ngọc đến Lam Kiều/sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường", rất dễ đánh lừa
người ta. Song, Nguyễn Du đã khéo léo đan cài thêm một chi tiết nhỏ thôi, nhưng
đủ vạch trần bộ mặt Mã Giám Sinh dối trá, và đủ cho thấy cái tài rất khéo của
nhà văn. Ông để cho Mã Giám Sinh "đắn đo cân sắc cân tài" - hắn ta
nhìn Kiều nhưng với một cái nhìn không chính trực, đường hoàng, không phải là
cái nhìn của một chàng trai say đắm trước vẻ đẹp sắc nước hương trời của một cô
gái. Lại còn để hắn "cò kè bớt một thêm hai" - vừa "cân
sắc", "cân" tài Thúy Kiều, định lượng nàng như một món hàng, lại
còn "cò kè", "bớt một thêm hai", trả giá để mua nàng. Thử
hỏi rằng, một thư sinh nho nhã sẽ hành xử như thế sao? Chỉ một tiểu tiết cũng
đủ lột mặt mạ "con buôn" của y rồi. Chân dung trơ trẽn, vô học, bất
lương, mưu mô, xảo quyệt ấy đã được chỉ tiết nhỏ ấy khắc họa, giá trị hiện thực
cũng đã được chi tiết nhỏ khéo léo hé mở sâu sắc, sinh động biết bao. Và phải
nói rằng, nếu chi tiết nhỏ này chỉ được xây dựng hời hợt thì "truyện
Kiều" ắt sẽ không trở thành kiệt tác, sẽ nhạt nhẽo, vô vị "như nước
lã", thì làm sao đại thi hào Nguyễn Du có được thành công rực rỡ, chỗ đứng
vững trãi trong nền văn học? Rõ ràng, qua đó, nhận định của Nguyên Ngọc lại một
lần nữa trở nên xác đáng biết bao!
Không chỉ riêng các tác phẩm văn học trung đại, mà các tác
phẩm văn học thời chống pháp nói riêng cũng như các thời khác nói chung đều là
kết tinh của muôn chi tiết lớn, nhỏ, đóng vai trò quan trọng, là vấn đề sống
còn của tác phẩm, như chi tiết bà chủ nhà trong "Làng" - Kim Lân trở
nên vui vẻ, rạng rỡ khi nghe tin làng Chợ Dầu của ông Hai không theo Tây làm
Việt gian. Bà chủ nhà vốn là một nhân vật phụ. Đọc tác phẩm, người đọc có lẽ sẽ
không thể có thiện cảm với bà bởi sự đáo để và khó ưa, chua ngoa và đanh đá,
tọc mạch và tham lam của bà. Song, khi đọc đến chi tiết: nghe tin ông Hai kể
rằng làng mình không theo Tây, bà chỉ nhà vui vẻ, rạng rỡ hẳn lên, không còn
đuổi ông bà Hai đi nữa… Chúng ta thấy, nhân vật phụ ấy đã hiện lên với một phẩm
chất rất đáng quý qua tiểu tiết đó. Người phụ nữ vốn thế kia mà giờ đây sao yêu
nước đến mãnh liệt, yêu kháng chiến đến tha thiết, hết mình vì cách mạng, ủng
hộ cụ Hồ, ủng hộ đồng bào, chẳng thua kém gì ông Hai. Nghe lời tâm sự của bà ta
mới thấy rõ cái tình cảm thiêng liêng
ấy: "A! Thế chứ! Thế mà tôi cứ tưởng dưới nhà đi Việt gian thật, tớ ghét
ghê ấy…". Ghét Việt gian tức là và căm thù giặc và sẵn sàng chiến đấu
chống giặc với tinh thần yêu nước sâu sắc. Rõ ràng, chỉ với một chi tiết nhỏ,
Kim Lân đã giúp người đọc hiểu được đầy đủ chân dung nhân vật BÀ CHỦ NHÀ. Đồng thời góp phần thể hiện nội dung tác phẩm: ngoại ca
tình cảm với đất nước, tinh thần kháng chiến của những người nông dân trong
kháng chiến chống Pháp thời bấy giờ. Rõ ràng, chi tiết ấy nhỏ ấy giống như cơn
gió nâng cánh diều bay cao bay xa, đã làm cho "Làng" trở nên sâu sắc
hơn, tư tưởng của Kim Lân gửi gắm trở nên ý nghĩa hơn. Thật sự,, thử hỏi rằng,
nếu các chi tiết này nghèo nàn, có phải thiên truyện này sẽ nhạt nhẽo "như
nước lã" ?
"Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn"
("Lời mẹ dặn" - Phùng Quán)
Mỗi văn nhân hãy viết nên những tác phẩm truyện bằng chính
cái tâm và cái tài, khối óc và cả trái tim, để tác phẩm kết tinh những chi tiết
đặc sắc, dù lớn, dù nhỏ vẫn dư ba tư tưởng, thông điệp sâu xa, để các tác phẩm
truyện ấy không phải là "nước lã" nhạt nhẽo, vô vị. Bên cạnh đó,
người nghệ sĩ cần sống sâu với đời, thâm nhập cuộc sống, góp nhặt tinh túy của
cuộc đời, "nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang" (Chế Lan Viên). Họ
cũng cần phải có "thứ vân tay nghệ thuật" riêng biệt, phải sáng tạo
để tạo ra các chi tiết khéo léo, tài tình nhất, độc đáo nhất, và hãy nhìn đời
với con mắt "xanh non biếc rờn" để thực hiện thiên chức của nhà văn,
của văn chương.
Để thưởng thức các tác phẩm, hiểu được ý tứ nhà văn gửi gắm
qua các chi tiết nghệ thuật, dù chỉ là chi tiết nhỏ, người đọc cũng cần phải
trau dồi vốn sống, sự hiểu biết văn chương để có khả năng giải mã chi tiết,
tiếp nhận chiều sâu tác phẩm, có sự tương tác qua lại thật tốt giữa họ với
người sáng tác, thì các giá trị của tác phẩm mới "bất hủ cổ kim".
"Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh
sáng" (CharlesDuBos). Văn chương quả thật có sức mạnh to lớn, hướng con
người ta đến nhân tính, "Người" hơn, để con người biết "đi tìm
cái đẹp trong ánh sáng" và quả thật, mỗi chi tiết trong các tác phẩm
truyện đang góp phần quan trong vào thiên chức ấy, để văn chương len lỏi vào
hồn người, sống ở đó, bén rễ, trổ hoa và tỏa hương. Vậy nên, nhận định của
Nguyên Ngọc là vô cùng xác đáng, khẳng định vai trò không thể thiếu của chi
tiết cũng như gửi gắm yêu cầu sáng tác đối với các văn nhân. Ta hãy đến với văn
chương đế khám phá nhiều hơn những chi tiết nghệ thuật, những tư tưởng, thông
điệp ý nghĩa, để cuộc sống thâm trầm, rộng rãi hơn, đủ nhanh để không hoài phí
nhưng cũng đủ chậm để thưởng thức những vẻ đẹp của cuộc sống, bạn nhé!
NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC
LỚP 9/8
TRƯỜNG THCS TÂN SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét