“Hội
ạ, muốn là muốn thế – dẫu rằng cuộc sống không phải cứ muốn là mọi sự sẽ được –
nhưng mẹ sẽ cùng con, ta sẽ cùng nhau đi tiếp những bước đi, dù nho nhỏ thôi,
ta vẫn sẽ đi vì cuộc sống chẳng thể nào dừng lại”
Mình
đã thức đến 3 giờ sáng đọc một mạch hết cuốn “Hành trình xương thuỷ tinh” của cô
Thu Hương. Câu chuyện về một người mẹ chiến đấu với số phận nghiệt ngã, đã phải
bán nhà hàng chục lần để chạy chữa cho cậu con trai bị mắc chứng xương thuỷ
tinh – khi đọc giới thiệu về sách, mình đã chuẩn bị tinh thần cho một cuốn sách
thấm đẫm nước mắt, để rồi người đọc sẽ lần mò trong vô biên nỗi buồn giữa bao điều
phi lí của trần thế. Mình đã nghĩ, có lẽ cuốn sách cũng sẽ mang đến một thế giới
vô cực của nỗi buồn, giống như cách Jean -Louis Fournier dẫn dắt người đọc
trong “Ba ơi mình đi đâu vậy”, trong mê cung những điều đớn đau – những điều đớn
đau đến với những đứa con tật nguyền bởi vì đơn giản chúng là kẻ đã thắng trong
trò xổ số kì dị của số phận.
Nhưng
không, cuốn sách của cô Thu Hương có một sức mạnh quyết liệt, nó xốc tinh thần
người đọc dậy và cho chúng ta một câu trả lời trước những phi lí của đời: PHẢI
SỐNG.
Phải
sống, vì mình đâu thể chết.
Đọc
suốt cuốn sách, điệp khúc “Phải sống” cứ trở đi trở lại, mạnh mẽ và quyết liệt.
Định mệnh đã đẩy người mẹ ấy vào thế cờ đầy nghiệt ngã. Khi được bác sĩ thông báo
về chứng bệnh xương thuỷ tinh của con mình, rất nhanh chóng người mẹ ấy xốc mình
dậy vì nhận thức thực tế: còn cần tiền, con còn cần thuốc, con phải được chữa
trị. “Mẹ lại mặc áo trắng tinh, thả tóc ngang vai, mẹ dắt xe đi kiếm việc làm.
Ba sẽ làm ngày và mẹ sẽ làm đêm. Con sẽ có tất cả mọi thứ mà những đứa trẻ ốm
đau cần phải có. Con cứ yên tâm! Mẹ hứa mà!”.
Và
bởi vì phải sống, nên phải quyết liệt để giành lấy sự sống.
Người
mẹ trong cuốn tự truyện này trò chuyện với con, và cũng là trò chuyện với bạn đọc
bằng ngôn ngữ của lí trí, một thứ ngôn ngữ của những quyết định và hành động. Bà
hiểu rõ mọi nỗi đau và bi ai đến với đời mình. Nhưng không có thời gian mà chìm
đắm vào nỗi buồn. Bởi thực tế là cấp bách, và những bài toán của cuộc đời đang
réo gọi cần lời giải đáp. Nên người mẹ ấy không phút giây chần chừ.
Người
mẹ ấy chấp nhận vào làm quán nhậu để có tiền cho con, mặc bao lời đàm tiếu của
người đời, bao cạm dỗ của môi trường, bao tủi nhục – đó là một sự lựa chọn đầy
chủ động, đầy tự trọng, đầy thực tế và cũng rất táo bạo:
“Bắt
phong trần phải phong trần
Cho
thanh cao mới được phần thanh cao
Cái
ông Nguyễn Du này, quá... tín nhiệm ông trời đấy. Còn tôi - tôi sẽ tín nhiệm
chính mình. Cái ranh giới giữa Phong trần - Thanh cao sẽ phải do tôi thiết lập
và gìn giữ.”
Trong cuộc hành trình xương thuỷ tinh, có những
lúc cuộc đời như những cơn sóng dữ ồ ập xô vào chị, và chị trong những tình huống
nghiệt ngã ấy, tỉnh táo và quyết liệt đối mặt với từng cơn sóng. Mình đọc được ở
đâu đó rằng, trong thế giới tinh thần, nếu ta cứ mãi miên man vô vàn nỗi buồn,
thì ta sẽ rơi vào mê cung không lối thoát. Dùng ngôn từ nói về nỗi buồn là một
cái bẫy vô hạn, nó giống như dùng hai tấm gương phản chiếu vào nhau vậy. “Tại
sao lại là tôi?”, “Tôi có tội gì mà phải gánh lấy những điều này?” – những câu
hỏi ấy là những cái bẫy trong tâm hồn, chúng giống như cát lún, càng vùng vẫy
ta sẽ càng lún sâu. Cách duy nhất là chấp nhận tất cả mọi tai ương trong cuộc đời
này, chấp nhận như một bài học và đối mặt với nó. Có lẽ trong khoảnh khắc nào đó,
người mẹ ấy cũng đã miên man trong những nỗi buồn, nhưng một trí tuệ sáng suốt đã
giúp chị thức tỉnh: thực tế còn bao bài toán phải giải quyết. Thôi vậy, cứ buồn
nhưng để buồn sang bên đã, ta phải hành động. Và chính cái tâm thế sẵn sàng đối
mặt và hành động – là một minh triết đầy sức mạnh trong cuốn sách bình dị và
lay động này.
Và
cuối cùng, phải sống, vì cuộc đời đáng sống biết bao.
Mình
thử search từ khoá “sống”, và nhận ra người mẹ ấy bàn rất nhiều về sự sống. Đọc
lại những đoạn viết ấy, mình thấy rằng cuốn sách không chỉ là một câu chuyện vượt
lên nghịch cảnh, mà hơn thế, là một cách nhìn sâu sắc về cuộc sống. Trời đã phú
cho người mẹ ấy tư chất nghệ sĩ để nhìn thấu nhân tình thế thái, để cảm thông xót
đau cho số phận con người, và hơn tất cả, dù trong tình cảnh tuyệt vọng nhất,
chị vẫn có được sức mạnh đề nhìn ra những ý nghĩa của cuộc sống này:
“Chao
ôi là mẹ tiếc, bởi mẹ tự biết, nếu điều kiện thuận tiện mẹ sẽ làm được nhiều điều.
Nhưng mà thôi, vì điều cần hơn là lo cho con và ổn định gia đình con ạ! Nhưng
những ước mơ sẽ vẫn theo ta mãi, và mẹ còn ước mơ thêm rằng khi ta khá hơn, cuộc
sống bớt gian nan, ta sẽ đến với những người ốm đau, những trẻ con không may mắn...
(Điều này chúng ta đã thực hiện được chút ít, khi gia đình mình đến nơi ở mới
xa thật xa. Nơi xóm nghèo, bệnh nhiều và trẻ con thì tha hồ... đông đúc!)”
“Đúng
rồi đấy, con trai của mẹ, hãy cứ mang những dự tính, những ước mơ. Đừng bao giờ
chỉ sống với những thực tại trần trụi. Con có thấy cuộc đời sẽ đẹp mãi, nếu ta
còn biết ước mơ. Không phải cứ mơ ước nào cũng thành. Nhưng không phải vì thế
mà con không mơ ước.”
Khép
lại cuốn sách, mình cảm thấy có một sức mạnh to lớn. Cuộc đời có thể chơi khăm đánh
úp chúng ta, đầy tai tương, bệnh tật và cái chết. Nhưng chúng ta PHẢI SỐNG. Hai
tiếng ấy là một chân lí giản đơn nhưng mang sức mạnh tối thượng, nó cho ta sự
quyết đoán, nó cho ta can đảm và nghị lực, và khi cuộc đời tước hết của ta tất
cả, ta vẫn còn một thứ không gì tước được – sự sống. Chỉ cần được sống đã là hạnh
phúc. Phải sống vì cuộc đời vẫn cứ tiếp diễn. Phải sống vì ngày mai vẫn đến, ta
không có sự lựa chọn nào khác.
TRẦN
LÊ DUY
THÔNG TIN SÁCH
Tên sách: Hành trình xương thuỷ tinh
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản trẻ
Năm xuất bản: 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét