Thông tin liên lạc

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Dạy Ngữ Văn theo chương trình mới - cho học sinh ghi bài như thế nào?




Khi tiếp cận chương trình Ngữ văn mới, một trong những băn khoăn của thầy cô đó là: sẽ cho học sinh ghi bài như thế nào? Làm sao để học sinh ghi bài chỉn chu, đầy đủ khi lớp học tổ chức nhiều hoạt động thảo luận, khi không có nội dung cố định và vai trò chủ động của học sinh được đặt lên hàng đầu? Bài viết này sẽ giúp thầy cô trả lời phần nào câu hỏi ấy.

I. Chúng ta đang cho học sinh ghi bài như thế nào và vì sao chúng ta chọn như vậy?

Hiện nay, cách thầy cô vẫn thường soạn sẵn một nội dung ghi bài là những phần kiến thức cô đọng, ngắn gọn của bài học để viết lên bảng hoặc đọc cho học sinh chép, mỗi bài học như vậy cô đọng khoảng một đến hai trang tập.

Phần ghi bài của giáo viên phải đảm bảo tóm gọn được những kiến thức học sinh cần nhớ, khi về nhà học sinh sẽ mở tập ra học thuộc, phần kiểm tra sau đó cũng sẽ xoay quanh những nội dung này, có vận dụng, mở rộng, liên hệ.

Cách ghi bài này rất hiệu quả với hướng tiếp cận nội dung mà chúng ta giảng dạy hiện nay. Những phần ghi bài ngắn gọn, súc tích sẽ giúp học sinh cô đọng những đơn vị kiến thức cần nhớ, và do đó việc học hiệu quả hơn.

Tuy vậy, khi chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học phát triển năng lực, thầy cô bắt đầu nhận ra cách ghi bài không còn phù hợp với sách giáo khoa mới và các phương pháp dạy học mới.

II. Việc ghi bài của học sinh khi học chương trình mới có gì khác?

“Không biết cho học sinh ghi cái gì!” – đó có thể là cảm nhận của thầy cô khi bắt đầu dạy Ngữ văn theo chương trình mới. Nhưng trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta cùng xem xét những điểm khác biệt trong việc ghi bài của học sinh khi học chương trình Ngữ văn mới.

Chương trình mới chọn hướng tiếp cận hình thành năng lực, do đó câu hỏi giáo viên cần trả lời là: Sau bài học này, học sinh sẽ LÀM ĐƯỢC GÌ? (Khác với cách tiếp cận nội dung trước đây, trả lời cho câu hỏi: Sau bài học này, học sinh sẽ BIẾT ĐƯỢC GÌ?). Năng lực là sự tổng hoà giữa kiến thức, kĩ năng, và thái độ, có thể định lượng qua các hoạt động cụ thể, các sản phẩm cụ thể của học sinh trong quá trình học tập.

Do vậy, chúng ta cần thay đổi cách hình dung về tập ghi bài của học sinh: Đó không còn chỉ là phần ghi những kiến thức cần nhớ, mà là phần ghi chú những chỉ dẫn cần thiết để khi kết hợp với đọc SGK, học sinh sẽ BIẾT CÁCH thực hiện các nhiệm vụ đọc, viết, nói, nghe. Như vậy, những nội dung kiên thức cần nhớ, cần biết chỉ là một phần trong nội dung ghi bài, có thể được viết ngắn gọn dưới dạng chi dẫn, hoặc trình bày ngắn gọn thành sơ đồ, bảng biểu.

Để hình dung về sự khác biệt giữa cách ghi bài của chương trình hiện nay so với chương tình mới, ta có thể liệt kê một số điểm như sau:




·       Ở cách dạy hiện nay, thầy cô chuẩn bị trước nội dung ghi bài, đọc cho học sinh ghi hoặc ghi lên bảng để học sinh chép. Ở cách dạy theo chương trình mới, thầy cô chuẩn bị trước các câu hỏi, nhiệm vụ học tập, học sinh tự giải quyết các câu hỏi nhiệm vụ và tự ghi ý kiến, câu trả lời của mình vào tập.

·       Ở cách dạy hiện nay, nội dung ghi bài là câu, đoạn hoàn chỉnh, là lời văn của giáo viên. Ở chương trình mới, nội dung ghi bài có thể là cụm từ, từ khoá, là lời văn của học sinh.

·       Ở cách dạy hiện nay, nội dung ghi bài là phần rút gọn, cô đọng những ý trọng tâm cần nhớ. Ở chương trình mới, nội dung ghi bài là những hướng dẫn, chỉ dẫn để thực hành kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.

·       Ở cách dạy hiện nay, nội dung ghi bài cố định, đã được chuẩn bị trước. Ở chương trình mới, nội dung ghi bài không cố định, là sản phẩm trí tuệ của cả tập thể trong quá trình thảo luận, xây dựng bài học.

·       Ở cách dạy hiện nay, học sinh thường về nhà học bài trong tập là đủ, không bắt buộc phải đối chiếu lại với sách giáo khoa. Ở cách dạy theo chương trình mới, phần ghi bài trong tập là hướng dẫn, định hướng, học sinh cần kết hợp với sách giáo khoa để thực hiện các nhiệm vụ về đọc, viết, nói và nghe.

Đến đây, chắc thầy cô cũng nhận ra: ta có cảm giác “chẳng biết học sinh ghi gì” là vì với tinh thần và yêu cầu của chương trình mới, việc chuẩn bị nội dung ghi bài cố định và đọc cho học sinh chép đã không còn phù hợp nữa. Nhưng nếu hình dung nội dung ghi bài sẽ là những chỉ dẫn học sinh cần có, những suy nghĩ học sinh rút ra về bài học, thì học sinh có thể ghi rất nhiều nội dung vào tập, chẳng hạn:

·       Câu trả lời cho các câu hỏi, nhiệm vụ trong SGK.

·       Những suy nghĩ, ý tưởng bất chợt nảy sinh khi thực hiện các nhiệm vụ đọc, viết, nói, nghe.

·       Những câu hỏi, thắc mắc học sinh đặt ra khi nghiên cứu bài học ở nhà.

·       Những sơ đồ, bảng biểu học sinh lập ra để tự củng cố, ôn tập bài học…

Và như vậy, nhiệm vụ của thầy cô lúc này không phải là chuẩn bị trước nội dung để đọc cho học sinh ghi chép, mà chúng ta cần học sinh biết cách ghi chép những câu trả lời, suy nghĩ, ý tưởng của bản thân mình. Vậy chúng ta làm điều đó như thê nào?

III. Một số giải pháp hướng dẫn học sinh ghi bài

Sau đây là một số giải pháp hiệu quả thầy cô có thể sử dụng để thiết kế học sinh bài.

1. Thiết kế phiếu học tập:

Thầy cô có thể chuyển hoá các yêu cầu, nhiệm vụ trong SGK thành mẫu phiếu học tập để học sinh thực hiện, mẫu phiếu học tập này sẽ thay thế nội dung ghi bài trong tập.

Thầy cô tham khảo hình 2: Một số gợi ý thiết kế phiếu học tập phần Viết trong sách giáo viên Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo.



2. Ghi bài theo dạng sườn bài (outline):

Thầy cô ghi sườn bài dạy lên bảng, và hướng dẫn học sinh tự ghi nội dung trong từng mục. Nội dung ở đây có thể là câu trả lời, ý tưởng của học sinh; những lời phát biểu hay của các học sinh khác trong lớp, những nội dung mà giáo viên nhấn mạnh. Khi hướng dẫn học sinh thực hiện xong một nhiệm vụ học tập, giáo viên có thể dừng lại dành thời gian cho học sinh tự ghi bài. Nếu hoạt động nhóm và học sinh đã ghi nội dung thảo luận lên giấy A0 để thuyết trình, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh để trống tập một khoảng, ghi nhanh một vài chỉ dẫn để về nhà tóm tắt, hệ thống lại những nội dung đã thảo luận trên lớp.

Thầy cô tham khảo hình 3: Mẫu ghi chép theo sườn bài.



3. Ghi bài theo phương pháp Cornell

Hệ thống ghi chú Cornell (cũng là hệ thống ghi chú Cornell, phương pháp Cornell, hoặc cách Cornell) là một hệ thống ghi chú được phát minh vào những năm 1940 bởi Walter Pauk, một giáo sư giáo dục tại Đại học Cornell.

Với phương pháp ghi chú Cornell, ta chia phần ghi tập ra làm ba phần (Xem hình 4 và 5):




+ Phần ghi chép chính: Ghi bài tại lớp, bao gồm các đề mục và ý chính của bài học.

+ Phần gợi ý: Dùng phần gợi ý để xem lại bài học sau khi đã ghi chép tại lớp. Sau khi học xong, ghi lại những điểm trọng yếu cần nhớ, những lưu ý, nhắc nhở, những từ khoá quan trọng và những câu hỏi về bài học.

+ Phần tổng kết: Ghi sau cùng, là phần ghi kết lại ở cuối. Phần này ghi lại những tổng kết về bài học, những điểm cần nhấn mạnh.




4. Ghi bài dưới dạng sơ đồ, bảng biểu

Với những nhiệm vụ học tập phù hợp, thầy cô có thể hướng dẫn học sinh ghi bài dưới dạng sơ đồ, bảng biểu. Thầy cô có thể cho học sinh chép lại mẫu sơ đồ, bảng biểu để học sinh dựa vào đó thực hiện theo và ghi vào tập.

Thầy cô xem hình 6: Một số nhiệm vụ học tập dưới dạng sơ đồ, bảng trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 bộ Chân trời sáng tạo.




5. Ghi chép tự do

Sẽ có những nhiệm vụ học tập yêu cầu học sinh động não, huy động ý tưởng. Nhiệm vụ này phù hợp với cách ghi chép tự do, không theo thứ tự, quy luật nào. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh chừa một khoảng trắng trong tập và bắt đầu ghi lại bất kì ý tưởng nào nảy sinh ra trong đầu về nhiệm vụ học tập, ghi lại dưới dạng tự do: từ ngữ, cụm từ, sơ đồ, hình vẽ… Mời thầy cô t ham khảo hình 7: Một mẫu thực hiện ghi chép tự do tìm ý tưởng cho bài thuyết minh thuật lại sự kiện của học sinh.



Tuỳ vào mục đích của mình, giáo viên có thể phối hợp các hình thức ghi chép trên để đạt hiệu quả học tập tốt nhất. Khi học sinh đã quen với các kĩ thuật ghi chép, giáo viên có thể trao quyền để học sinh chủ động ghi bài, bởi cách thức ghi bài cũng giúp rèn luyện tư duy của học sinh.

Chúc thầy cô có những tiết học thật thành công.

TRẦN LÊ DUY


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét