Đề bài: Con người
và Thiên nhiên, đâu là trung tâm của thế giới?
Bài làm
Từ những toà lâu đài vươn lên cao
như đâm thẳng vào bầu trời của kiến trúc Gothic đến những đỉnh nhọn tam giác
trên các Kim tự tháp Ai Cập.
Từ sử thi Odyseey với hành trình
vượt qua những trở ngại của biển cả để về nhà đến câu chuyện về chàng Đăm Săn
cùng giấc mộng chinh phục Nữ thần Mặt Trời.
Tất cả đều là dấu hiệu cho ý thức
muốn chiến thắng và chinh phục thiên nhiên của con người. Phải chăng, con người
ta từ bao đời nay vẫn mặc nhiên xem thiên nhiên với sức mạnh của nó là trung
tâm của thế giới? Thế nên ta mới không ngừng khát khao, nỗ lực để vươn lên
chiếm lĩnh, để thay thiên nhiên trở thành trung tâm của vũ trụ này? Đến cuối
cùng, con người có thể chiến thắng được thiên nhiên? Con người và Thiên nhiên, đâu mới là trung
tâm của thế giới?
Con người và Thiên nhiên là một mối
quan hệ đầy tranh cãi. Thiên nhiên là gì giữa đời sống nhân loại? Thiên nhiên
là cỏ cây, hoa lá, là núi cao, biển rộng. Hơn cả thế, thiên nhiên là bầu không
khí đem đến cho con người sự sống, là nền trời vô tận với những hành tinh,
thiên hà, là cả vũ trụ rộng lớn nói chung. Con người nhờ thiên nhiên mà có nơi
để sinh sống, tiến hoá và phát triển. Sức mạnh của thiên nhiên là điều không
một ai có thể chối cãi được. Nhưng với sự phi thường ấy, thiên nhiên lại không
phải là sự tồn tại duy nhất trên thế giới. Thế giới còn còn có một sự sống khác
song hành cùng với thiên nhiên chính là con người. Con người sống trên Trái đất
bằng những giá trị thiên nhiên đem đến nhưng cũng đồng thời tạo ra vô số những
giá trị nhân tạo khác. Đó là những máy móc, vũ khí hạt nhân - phản hạt,... thậm
chí có sức mạnh vượt qua, chế ngự được cả thiên nhiên. Tuy vậy, con người lẫn
thiên nhiên đều không phải và cũng không thể tồn tại riêng lẻ như một trung tâm
duy nhất của thế giới. Con người và Thiên nhiên trên thực tế không có bất kỳ sự
tách bạch nào về vị thế dù là trạng thái đối lập hay chênh lệch cao-thấp,
chính-phụ. Con người và Thiên nhiên phải cùng nhau tồn tại, cùng cộng sinh để
duy trì sự phát triển chung của cả nhân loại.
Thiên nhiên và Con người tuy khác
nhau về vẻ ngoài nhưng bản chất bên trong là tương thích và đồng nhất với nhau.
Trong “Phong thần diễn nghĩa”, Khương Tử Nha từng khiến mọi người thắc mắc về
lưỡi câu thẳng nhằm “câu thời” thay vì “câu cá” của mình. Lại nhớ Gia Cát Lượng
của “Tam Quốc diễn nghĩa” nhìn lên trời sao mà đoán mệnh mình đã tận. Là phi lý
chăng khi người ta đã đồng nhất sinh mệnh, thời vận của mình với tự nhiên, với vũ
trụ? Là thiếu căn cứ hay không khi từ xa xưa, Lão Trang đã đề ra học thuyết
Thiên - Địa - Nhân và khẳng định rằng con người với trời đất là một thể, các bộ
phận đồng nhất với cục bộ, cái đơn thể hoà cùng những hợp thể trong đời? Không
chỉ người phương Đông, mà các nhà chiêm tinh học phương Tây cũng đã áp dụng
triệt để những quan sát về thiên văn để phân chia những chòm sao ứng với từng
người. Nhìn vào đó, ta thấy rõ ràng rằng, Con người và Thiên nhiên có mối liên
kết, tương thông với nhau từ tầng sâu. Đó cũng chính là lý do mà người ta gọi
mỗi con người trong cuộc đời này là một tiểu vũ trụ. Bởi lẽ mỗi cái tôi là một
“thế giới nhỏ” mang trong mình những cốt lõi tương ứng với đại vũ trụ của tạo
hoá. Và thế giới này chỉ có thể tồn tại, tiến hoá một cách hài hoà, ổn định khi
mỗi vật đều gắn kết, chứa đựng nhau thay vì có một trung tâm hay bất kỳ sự
chênh lệch, đối đầu nào. Vậy nên, trung tâm của thế giới không phải là con
người cũng không phải là thiên nhiên. Trung tâm của thế giới chính là sự hợp
nhất, giao hoà của Con người và Thiên nhiên.
Con người và Thiên nhiên không những
bao hàm trong nhau mà còn soi chiếu lẫn nhau. Tức nhìn vào con người ta sẽ thấy
được thực trạng của thiên nhiên và ngược lại, sự tồn tại của thiên nhiên phản
chiếu đời sống của con người. Một xã hội loài người muốn phát triển, muốn tạo
ra nhiều giá trị vật chất thì tất yếu đó là xã hội được thiên nhiên hậu ái với
những tài nguyên thiên nhiên phong phú, đem lại nhiều giá trị vật chất lẫn tinh
thần. Thiên nhiên cũng là một yếu tố định hình, tạo nên nếp sống, lối sinh hoạt
của con người. Người miền Nam Việt Nam thường gắn liền với sự phóng khoáng, hào
sảng một phần cũng bởi sinh sống ở khu vực đồng bằng rộng lớn với đất đai màu
mỡ, khác với khu vực nhiều núi đồi, phải lo toan nhiều đến địa hình định cư.
Cũng như cách những nhà văn hoá học lý giải sự cứng rắn, kiên cường của người
Hàn Quốc và Nhật Bản được hình thành từ lâu đời do đây là hai quốc gia có địa
hình bất lợi kèm theo việc phải sinh sống ở khu vực có nhiều thiên tai. Chính
vì vậy, Con người và Thiên nhiên gắn bó chặt chẽ với nhau để cùng là trung tâm
của thế giới mà không có sự tách rời để nhìn rõ được đâu là trung tâm, là cốt
yếu hay đâu là phụ trợ, bổ sung.
Thế giới vận động cùng với sự hoà
hợp của Con người và Thiên nhiên bởi nếu tách rời ra khỏi nhau thì sẽ dẫn đến
sự lệch lạc, mất cân đối. Nếu con người “ngạo mạn” xem mình là trung tâm của
thế giới sẽ dẫn đến việc lãng quên, phủ nhận sự tồn tại vô giá của thiên nhiên,
sẽ lờ đi một sự thật rằng, thiên nhiên là nguồn gốc để con người xuất hiện trên
thế giới này. Thiên nhiên dù là với một cảnh đẹp làm say ngất lòng người hay
những cơn cuồng nộ như muốn phá huỷ tất cả đều có giá trị của riêng nó. Thiên
nhiên với những nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng sẽ là những giá trị vật chất
đẩy mạnh sự phát triển của nhân loại. Thiên nhiên dù là với cái đẹp hùng vĩ hay
bình dị cũng để sẽ là sự bồi đắp cho tâm hồn con người bởi chắc chẳng có ai
trên đời có thể cưỡng lại hồn mình để không đắm say, không mải mê tận hưởng cái
đẹp của tạo hoá. Nhưng cũng là Thiên nhiên đó, dù cho là bão lũ, động đất hay
sóng thần - những điều mà không một ai muốn phải đối diện, chứng kiến, thì cũng
đều là một phần của quy luật mà thế giới vận hành. Thiên tai tuy càn quét, tuy
là một cuộc thanh trừng trên diện rộng nhưng nó là điều tất yếu để cân bằng
những sự sống khác trên cuộc đời này. Tồn tại và suy thoái, vạn vật đều phải
chấp nhận quá trình sống như thế.
Con người một khi ngộ nhận mình là
trung tâm của vũ trụ sẽ chìm đắm trong sự tham lam, vụ lợi và mặc nhiên thụ
hưởng tình yêu của Mẹ Thiên nhiên. Đó là những cuộc khai thác đến cạn kiệt,
hoang phí đến vô độ thay vì chung sống bằng sự trân trọng và không ngừng gìn
giữ, bồi đắp cho sự sống của thiên nhiên được bền vững, lâu dài. Mặt khác, con
người khi mặc nhiên nghĩ rằng mình ở trên thiên nhiên, mình mới là nhân tố quan
trọng tạo nên sự tồn tại của thế giới thì sẽ ảo tưởng về sức mạnh của mình
trước thiên nhiên. Khi ấy, con người chẳng những không quý trọng những gì thiên
nhiên đem lại mà cũng sẽ quên luôn một sự thật rằng: con người vẫn sẽ phải gánh
chịu những hậu quả nặng nề khi đối diện với những trận cuồng nộ của trời đất,
với những bão giông, sóng gió không sao lường trước được. Thế nên, thay vì cố
gắng chiến thắng, giành lấy sức mạnh độc tôn đầy huyễn hoặc, con người phải
hiểu được rằng, mình và thiên nhiên là cùng nhau tồn tại, cùng nhau cộng sinh
không thể có bất kỳ sự hạ bệ hay đối đầu nào với đại vũ trụ.
Tuy vậy, nếu thế giới này chỉ có một
trung tâm là thiên nhiên, nếu con người tự khép mình trước vũ trụ thì cũng sẽ
không đem lại bất kỳ một giá trị nào đủ tốt đẹp, trọn vẹn. Không có con người,
thiên nhiên tất yếu sẽ không bị khai thác mọi tiềm năng vốn có, nó vẫn là nó,
với những điều tốt đẹp và thi thoảng, tự huỷ hoại mình như một quy luật
sinh-tử. Nhưng cũng khi ấy, thế giới thiếu vắng những giá trị nhân tạo. Sẽ
không có một Vạn Lý Trường Thành hay Vườn treo Babylon, không có những Kim Tự
Tháp hay bất kỳ một nền văn minh nào. Thiếu vắng đi những nét văn hoá đặc sắc
của mỗi dân tộc, miền đất, thế giới này có trở nên đơn điệu, nhàm chán bởi
thiên nhiên còn lắm thô sơ, trần trụi?
Thêm vào đó, con người một khi tự hạ
mình trước thiên nhiên, xem thiên nhiên là trung tâm của thế giới thì khác nào
tự đưa mình trở về thuở hồng hoang? Chẳng phải tổ tiên ta trước kia từng hãi
hùng, hoảng sợ trước những tiếng sấm, những ngọn lửa một cách thái quá hay sao?
Chẳng phải khi mới khai thiên lập địa người ta luôn mù quáng tôn thờ những Thần
Đất, Thần Nước,... và phó mặc cuộc đời mình cho những “buồn, vui” của các vị thần
thay vì tìm cách lý giải, khám phá một cách khoa học để có thể bảo vệ mình
trước những trận động đất, bão lụt? Xem thiên nhiên là trung tâm còn người sẽ
chỉ ở yên một chỗ thay vì tin vào sức mạnh của mình mà không ngừng nỗ lực tạo
ra những giá trị nhân tạo để cho cuộc sống của mình tốt đẹp, ý nghĩa hơn.
Trước khi ý thức được khả năng của
mình, con người phụ thuộc vào thiên nhiên để rồi dù là sống hay chết của bản
thân cũng “đổ” cho trời đất. Trong khi đó, đi cùng với sự phát triển nhận thức
về sức mạnh của chính mình, con người dần nghiên cứu nhiều hơn để hiểu biết rõ
thêm về thế giới xung quanh mình, để cho kiến thức của nhân loại thêm dồi dào,
giàu có về những hiện tượng, bản chất của tự nhiên mà tạo ra nhiều phát minh vĩ
đại. Cũng chính nhờ không còn xem thiên nhiên là tuyệt đối, là trung tâm điều
hành thế giới mà con người nỗ lực để tự phát triển đem lại những phát kiến về
khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành y tế để rồi sự sống, tuổi thọ của con
người ngày càng lâu dài hơn. Chính bởi thế, Thiên nhiên hay Con người đều không
phải là trung tâm của thế giới. Câu hỏi “Ai là trung tâm của thế giới?” sẽ chỉ
là vô nghĩa nếu ta không nhận thức được rằng, trung tâm của thế giới này là sự
gắn bó, hài hoà giữa những tiểu vũ trụ cùng đại vũ trụ bao la.
Dù nói Con người và Thiên nhiên phải
hoà hợp với nhau để cùng là trung tâm của thế giới nhưng nhìn vào thực tại hiện
nay, chúng ta không thể phủ nhận rằng, con người đang đối xử với người bạn cộng
sinh của mình đầy nhẫn tâm. Danh sách Đỏ với hàng trăm loài sinh vật đã và đang
đứng trên bờ vực tuyệt chủng; bầu trời không có màu xanh hay những sắc màu óng
ánh của cầu vồng mà chỉ còn lại khói bụi và khí thải; đại dương bị cướp mất màu
xanh trong vắt của nó để thay bằng những mảng xám xịt đến đen mịt vì rác rưởi,
cặn bẩn: tất cả, đều là cách con người đã đối xử với thiên nhiên. Từ nỗi sợ hãi
đến mặc cảm rồi luôn ao ước chiếm lĩnh được thiên nhiên, con người đi đến chỗ
tàn sát, cưỡng đoạt tự nhiên vì tham vọng của riêng mình. Là một nền kinh tế tư
bản hùng mạnh với những nhà máy, xí nghiệp; là những địa điểm du lịch năm sao,
hạng A với trị giá bằng hàng trăm tỉ đô la; và là rất nhiều những nguyên do
khác khiến con người không tiếc tay khai thác đến cùng kiệt những gì thiên
nhiên đem lại. Nhưng con người lại quên mất một điều rằng, bản thân mỗi chúng
ta lại gắn kết mật thiết với thiên nhiên, một khi ta “tàn sát” thiên nhiên thì
cũng chính là nuôi dưỡng quá trình “tự sát” với chính mình. Vì vậy, đối diện
với thiên nhiên không ngừng bị phá hoại hiện nay, con người ta hãy bảo vệ, chăm
sóc nó như thể đó là một người bạn không thể thiếu trong cuộc đời ta.
Con người và Thiên nhiên cũng như
mọi thứ khác trên cuộc đời này vậy, cùng nhau sinh sống, cùng nhau tồn-vong.
Con người hay Thiên nhiên đều không thể trở thành trung tâm duy nhất của vũ trụ
nếu thiếu đi sự tồn tại của phần còn lại. Và thế giới sẽ không còn là thế giới
nữa nếu Con người và Thiên nhiên chỉ mải miết chứng minh mình là trung tâm của
thế giới bằng những lần đối đầu, cạnh tranh.
NGUYỄN ĐỨC
LAM THẢO
HỌC SINH LỚP
12 CHUYÊN VĂN TRƯỜNG THTH ĐHSP
NIÊN KHÓA
2017 - 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét