Đề bài: Có ý kiến
cho rằng: “Văn học không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến
thế giới như nó có thể và phải là”.
Anh/ chị hãy bình
luận ý kiến trên.
Bài
làm
![]() |
Nguồn ảnh: Unplash.com |
Tôi
tự hỏi văn chương đã đem đến cho ta những gì, đã phản ánh những gì mà chưa một
phút giây nào nhân loại ngừng say đắm và thao thức vì nó? Có ý kiến cho rằng
“Văn học không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới
như nó có thể và phải là”. Phải chăng, chính cái “thế giới như nó có thể và phải
là” được trưng bày trong tác phẩm là mục đích, lý do tồn tại đích thực của văn
học và cũng là sức hấp dẫn kỳ diệu của văn chương nghệ thuật trong mỗi con người.
Quan
niệm trên giúp ta nhận ra những đối tượng mà văn học đặc biệt quan tâm. Đối tượng
đầu tiên mà văn học luôn chú trọng phản ánh đó là “thế giới như nó đang là”, là
hiện thực cuộc sống, thế giới khách quan tồn tại xung quanh chúng ta. Nhưng văn
học không dừng lại ở việc thể hiện bản chất của cuộc sống, cái mà văn học quan
tâm hàng đầu là một “thế giới như nó có thể và phải là”. “Thế giới như nó có thể”
là một thế giới mang những hạt mầm tiềm năng của tương lai, là con đường phát
triển của hiện thực cuộc sống. Còn “thế giới như nó phải là” hay cũng chính là
thế giới của những lý tưởng, khát vọng, ước mơ nơi tâm hồn con người. Ấy là một
thế giới chứa đựng những giá trị tốt đẹp, ca tụng lẽ phải, chính nghĩa. Tóm lại,
nhân định trên đã đề cập đến các đối tượng mà văn học quan tâm bao gồm hiện thực
đời sống - “thế giới như nó đang là”, thế giới của tương lai - “thế giới như nó
có thể” và thế giới của những ước mơ, khát vọng trong con người - “thế giới như
nó phải là”.Từ những đối tượng ấy, nhận định làm bật lên nhiệm vụ, chức năng của
văn học: văn chương nghệ thuật cần phản ánh thế giới thực tại của cuộc sống
nhưng đồng thời cũng cần quan tâm, đi sâu khám phá vào thế giới nội tâm của
con người để hiểu hơn về những tâm tư, khát vọng, giúp xây dựng trên trang giấy
một “thế giới như nó có thể và phải là”.
Nhận
định trên là một nhận định hoàn toàn đúng đắn đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về
đối tượng phản ánh và sứ mệnh cao cả của văn học đối với con người. Vậy, vì sao
văn học lại quan tâm đến “thế giới như nó đáng là”? Bởi “cuộc đời là điểm khởi
đầu và là điểm đi tới của văn chương”. Hiện thực là nguồn gốc của ý thức, của
nhận thức, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật đồng thời là chìa khóa giải
thích các hiện tượng phức tạp trong nghệ thuật. Văn học phải phản ánh những vấn
đề của cuộc sống vì chỉ khi hướng về với đời sống nhân dân, văn học mới tìm được
cho mình nguồn cảm hứng dồi dào cũng như chất liệu sáng tạo đặc sắc. Hơn nữa, bởi
đối tượng tiếp nhận văn học là con người, nếu văn học không miêu tả thế giới của
con người – “thế giới như nó đang là” thì làm sao người đọc có thể tìm thấy sự
tri âm đồng điệu, soi bóng chính mình trong quá trình cảm thụ tác phẩm? Cội nguồn
của văn chương là cuộc sống mà nói đến cuộc sống thì không thể không nhắc đến
cái thế giới đang vận hành, đang diễn ra của nó. Do đó, bất ký một tác phẩm nghệ
thuật chân chính nào cũng là tấm gương phản ánh “thế giới như nó đang là” lấy
hiện thực cuộc sống làm cái lõi để ngày một phát triển đặc sắc hơn.
Nhưng
tác giả của nhận định như muốn tô đậm, thu hút người đọc vào vế sau “mà quan
tâm đến thế giới như nó có thể và phải là”.Vậy vì sao văn học cần khám phá cái
thế giới “như nó có thể”? Bởi trong quá trình phản ánh hiện thực xã hội văn học
khai thác, tìm hiểu những vấn đề mang tính bản chất, những khía căn bản của cuộc
sống. Quá trình nhận thức hiện thực giúp văn học có khả năng vươn lên tầm cao của
sự khái quát, nắm bắt được sự vận động bên trong của đời sống xã hội. Chính từ
độ chín của sự khát quát, khám phá ấy, văn học có tiền đề vững chắc để đưa ra
những dự báo tương lai. Quan trọng hơn, hiện thực cuộc sống vốn là một thế giới
không ngừng vận động và phát triển theo chiều xoắn ốc, mỗi chặng đường là sự kế
thừa, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của thời kỳ trước, phá bỏ những yếu tố
không cón phù hợp, đồng thời luôn hàm chứa những mầm mống làm nên giai đoạn
sau. Căn cứ vào sự vận động mạnh mẽ bên trong của hiện thực, các nhà văn với
đôi mắt tinh tường có khả năng nhìn thấu được sự phát triển tất yếu của cuộc sống,
từ đó giúp họ tiên đoán, dự báo trước tương lai. Nắm bắt những quy luật vận động
của xã hội, nhà văn đề xuất các giải pháp, lối đi đúng đắn cho sự phát triển của
hiện thực khách quan trong sáng tác của mình. Thông qua tác phẩm, nhà văn tác động
vào bạn đọc bằng con đường tư tưởng, giúp người đọc hình dung về cuộc sống
tương lai. Để rồi, người nghệ sĩ gián tiếp cải tạo xã hội, góp phần kiến tạo
nên một thế giới “như nó có thể” cho nhân loại, một thế giới ngày mai tươi sáng
hơn. Cho nên văn học bao giờ cũng quan tâm đến việc xây dựng cái thế giới “ như
nó có thể”, vì chính thế giới ấy sẽ giúp cho con người thoát khỏi bóng tối của
cuộc sống thực tại và hướng họ về một tương lai tốt đẹp.
Và
thế giới “như nó phải là” là gì, nó nhằm phục vụ điều gì mà văn học lại phải đặc
biệt quan tâm và đề cao? Bởi hiện thực trong tác phẩm văn học không phải là sự
sao chép nguyên xi cuộc sống mà bao giờ củng biểu hiện, những khát vọng, tâm tư
tình cảm của con người. Do đối tượng phản ánh trung tâm của văn học là con người,
mà điều làm nên vẻ đẹp của con người là gì ngoài những ước mơ lý tưởng? Để chạm
đến những hoài bão, ước vọng – nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người văn học
phải len lỏi vào những suy tư, lắng nghe những tâm sự, những tình cảm buồn vui
của loài người. Nếu tác phẩm văn học không trưng bày một thế giới “như nó phải
là” mà miêu tả “cuộc sống chỉ để miêu tả” thì làm sao nó có thể “nâng giấc cho
những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người
ta đến chân tường”? Thế giới trong tác phẩm phải là thế giới được vun đắp
nên từ những ước mơ, lý tưởng con người, là thế giới ca tụng sự công bằng, tình
yêu thương, cái thiện. Trong sự cảm thụ tác phẩm, thế giới “như nó phải là” hiện
ra giúp xoa dịu những nỗi đau tinh thần nơi người đọc, củng cố và tiếp thêm cho
họ niềm tin, niềm hy vọng vào cái tốt, cái đẹp. Chính thế giới ấy đã khiến cho
văn học có những nét đặc trưng riêng biệt, tuy thống nhất nhưng không đồng nhất
với hiện thực cuộc sống. Tóm lại, văn học cần quan tâm và kiến tạo nên thế giới
“như nó phải là”, bởi đó là cách duy nhất giúp văn học trở thành “thứ vũ khí
thanh cao và đắc lực” nhằm thay đổi, cải tạo xã hội đúng với lý tưởng mong muốn
của con người.
Bên
cạnh đó, do bản thân nghệ thuật là hoạt động sáng tạo thẩm mỹ mang tính chất cá
thể vì vậy văn học phải phản ánh vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của những tâm tư,
khát vọng thể hiện trong thế giới “như nó phải là”. Xây dựng và tôn vinh cái đẹp
trong thế giới của mình, văn học mới có thể mang đến sự đền bù về mặt thẩm mỹ
cho người đọc khi họ được sống trong thế giới của nghệ thuật, nơi cái tốt, cái
thiện sẽ được tưởng thưởng, hạnh phúc, cái ác, cái gian dối sẽ bị tố cáo, tiêu
diệt. Với đặc trưng thẩm mỹ, nói đến văn học là nói đến cái đẹp, văn học không
thể dửng dưng, ngoảnh mặt làm ngơ trước những khát vọng cao đẹp của con người.
Bởi thiếu khát khao vươi tới cái đẹp, văn học sẽ mất đi sức mạnh cơ bản của nó,
sẽ không thể thanh lọc tâm hồn con người và cải tạo xã hội. Tóm lại “Văn học
không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới như nó
có thể và phải là”. Nhà văn, qua tác phẩm của mình, phải tìm mọi cách để biến
cái thế giới “như nó phải là” kia trở thành một thế giới có thật, một thế giới
“như nó có thể” và thậm chí là trở thành “thế giới như nó đang là”.
“Trong
sáng tác của Thạch Lam luôn thấp thoáng cái tôi trữ tình của nhà văn, ngòi bút
của Thạch Lam có xu hướng hướng nội, đi vào thế giới bên trong với những cảm
xúc, cảm giác...” (Nguyễn Hoàng Khung). Thạch Lam – người nghệ sĩ đã chọn văn học
lãng mạn làm mảnh đất cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình. Với đặc trưng
của văn học lãng mạn là thoát li khỏi thực tại và đi sâu vào thế giới nội tâm,
thế giới ước mơ của con người, Thạch Lam đã phác họa nên cái thế giới “như nó
có thể và phải là” trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” mà cụ thể là ở khung cảnh chờ
tàu.
Trước
hết, nhà văn đã phản ánh “thế giới như nó đang là” trong tác phẩm chính là hiện
thực cuộc sống nơi phố huyện tối tăm, tù đọng. Thế giới ấy được Thạch Lam miêu
tả: “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ
vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối dày đặc bao phủ lên cuộc sống và
số phận con người, mở ra bi kịch những kiếp người tàn nơi phố huyện. Ở nơi đây,
những đứa trẻ con nhà nghèo “tìm tòi, nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất
cứ cái gì đó có thể dùng được của người bán hàng để lại”, hai mẹ con chị Tý dọn
hàng từ chập tối “nhưng chả kiếm được bao nhiêu” hay An và Liên, hai đứa trẻ
trông nom cửa hàng cả ngày trời mà “bán cũng chẳng ăn thua gì”. Trong tác phẩm,
mỗi nhân vật hiện ra đều mang theo một bi kịch riêng nhưng nhìn chung cái thế
giới “như nó đang là” được thể hiện là một cuộc sống khó khăn, nghèo túng, khổ
cực đến mức “chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự
sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.
Nhưng
với Thạch Lam, một nhà văn luôn nặng lòng trước những mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh
đã không để yên cho thế giới “như nó đang là” tiếp diễn trên trang giấy của
mình. Qua việc thể hiện những khát vọng của An và Liên trong cảnh chờ tàu, Thạch
Lam đã gián tiếp kiến tạo nên một thế giới “như nó có thể và phải là”. Trong mắt
An và Liên, đoàn tàu là hoạt động sống cuối cùng nhưng cũng là hoạt động sôi nổi,
náo nhiệt nhất trong ngày ở nơi phố huyện tĩnh lặng. Chính vì vậy, đoàn tàu đến
với “tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi” đã mang lại niềm vui cho tâm hồn
thơ trẻ, khiến Liên phải dắt em đứng dậy để nhìn đoàn tàu vụt qua. Nhà văn Thạch
Lam đã rất tinh tế khi đào sâu vào thế giới nội tâm của cả hai nhân vật. Với chị
em Liên, đoàn tàu không chỉ mang đến sự khuấy động mới mẻ cho cuộc sống của họ
mà còn là ánh hồi quang gợi nhớ trong hai đứa trẻ miền ký ức về một Hà Nội thân
thương – nơi gia đình An và Liên đã sinh sống trước đây. An và Liên càng tha
thiết mong đợi đoàn tàu đến bao nhiêu thì khi đoàn tàu đi, chúng lại càng hụt hẫng,
nuối tiếc bấy nhiêu. Sự xuất hiện của đoàn tàu tựa vì sao băng thoáng ngang qua
bầu trời nơi phố huyện, nhưng để lại trong tâm trí hai đứa trẻ bao xúc cảm bâng
khuâng, xao xuyến. Nó cứ chao qua chao lại nơi trái tim chúng bởi đoàn tàu
chính là ước mơ, là niềm hy vọng đổi đời, niềm tin của An và Liên vào một tương
lai tốt đẹp hơn, về một thế giới “như nó có thể” nơi cuộc sống của những đứa trẻ
không còn bị khuôn hẹp trong sự nghèo khổ. Ước mơ, khát vọng mãnh liệt của An
và Liên hay cũng chính là thế giới lý tưởng, một thế giới “như nó phải là” mà
nhà văn Thạch Lam mong muốn xây dựng trong tâm thức bạn đọc. Qua chi tiếc cảnh
chờ tàu, nhà văn đã tác động vào suy nghĩ của người đọc, gióng lên một hồi
chuông cảnh tỉnh rằng cần phải thay đổi, phải cải tạo hiện thực trở nên tốt đẹp,
lý tưởng hơn, trở thành một thế giới “như nó có thể và phải là” để An và Liên
nói riêng và người dân nơi phố huyện nói chung được sống hạnh phúc hơn, một cuộc
sống mà họ hằng mơ ước. Chỉ khi cái thế giới “như nó có thể và phải là” bước ra
khỏi trang giấy và trở thành một thế giới thật, văn học mới hoàn thành sứ mệnh
cao cả của mình đó là cứu rỗi, nâng đỡ những kiếp phận bất hạnh, đáng thương.
Quan
niệm về thiên chức của người nghệ sĩ, Marcell Proust cho rằng “Thế giới được tạo
lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một
lần thế giới được tạo lập”. Trong văn học, thế giới mà người nghệ sĩ tạo
lập trên trang giấy phải là thế giới của cái đẹp, tôn vinh cái đẹp của
con người và cuộc sống. Văn chương của Nguyễn Tuân sinh ra như để phục vụ cho sứ
mệnh cao cả ấy của nghệ thuật, bởi với Nguyễn Tuân “Nghệ thuật trước hết là cái
đẹp”, ông dành trọn cả cuộc đời mình để đi tìm cái đẹp và tôn thờ nó. Chính vì
vậy trong sáng tác “Chữ người tử tù” của mình, Nguyễn Tuân đã lấy cái đẹp làm
trung tâm để tạo lập nên thế giới “như nó có thể và phải là”.
Trong
tác phẩm “Chữ người tử tù” “Thế giới như nó đang là” không được nhà văn miêu tả
rõ mà hiện thực được thể hiện gián tiếp qua hình ảnh nhà tù tăm tối, từ đó phản
ánh toàn bộ bức tranh xã hội Tây Tàu nhố nhăng “Ối a ba phèng”. Nhà tù, một
nơi “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”,
nơi bị bóng tối chiếm lĩnh, cai trị. Nhà tù còn là nơi trưng bày rõ nhất bộ mặt
xấu xa, sự bất công tàn bạo của xã hội đương thời. Chính vì vậy sống trong cái
xã hội thiện – ác đảo lộn ấy đã đẩy những kẻ như Huấn Cao – những con người có
tài, dám đứng lên chống lại cái ác, những con người đáng lý phải được xã hội
tôn vinh và trọng dụng lại trở thành những tên tử tù bị bắt giam trong nhà ngục
chờ ngày tử hình. Qua đó Nguyễn Tuân không chỉ phản ánh cái thế giới “như nó
đang là” mà còn ngầm lên án, tố cáo những điều xấu xa trong xã hội Tây Tàu nhố
nhăng.
Nhưng
cũng chính từ xã hội “Ôi a ba phèng” ấy, Nguyễn Tuân đã tạo lập nên thế giới
“như nó có thể và phải là”. Đó là một thế giới được làm chủ bởi chủ bởi cái đẹp,
nơi vẻ đẹp của con người được soi chiếu qua lăng kính tài hoa nghệ sĩ, thể hiện
đặc sắc trong chi tiết sáng giá nhất của tác phẩm – cảnh cho chữ. Ở buồng tối của
nhà tù, nơi tưởng chừng chỉ chứa đựng cái chết lại xảy ra “một cảnh tượng xưa
nay chưa từng có”, cảnh cho chữ hiện ra dưới “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc
tẩm dầu”. Trước khoảnh khắc cái đẹp được sinh ra, mọi rào cản dường như đều bị
phá vỡ khiến con người trở nên bình đẳng và gần nhau hơn. Ta chợt thấy hình ảnh
“Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa
trắng tinh”, một viên quản ngục “vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu
ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Trong khoảnh khắc ấy, cái đẹp của con chữ, của
tài hoa, nhân phẩm đã giải thoát, cứu rỗi cho hai loại người tù: một loại người
bị giam giữ về thể xác nhưng tự do về tinh thần, một loại người bị giam cầm về
tinh thần nhưng lại tự do về thể xác. Cái đẹp sáng ngời nơi nhà tù tăm tối ấy
không chỉ là cái đẹp của tài năng con người mà còn là cái đẹp của tình cảm tri
âm đồng điệu giữa Huấn Cao và viên quản ngục, giữa một người cho đi và một người
người nhận lấy cái đẹp. “Thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến
chuyện chơi chữ”, đó là lời khuyên chân thành, là sự hướng về cái thiện của Huấn
Cao dành cho viên quản ngục. Con chữ mà Huấn Cao trao đi chính là lời tuyên thệ
của cái đẹp, là ánh sáng thiên lương cảm hóa viên quản ngục và giúp ông tìm lại
chính mình. Đứng trước cái đẹp và được nó soi rọi, dẫn lối, con người ta dù có
mê muội đến đâu cũng đều phải thức tỉnh. “Ngục quan cảm động vái người tù một
vái” nghẹn ngào thốt lên: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Phải chăng con người
chỉ vái lạy trước cái đẹp khi cái đẹp đã tràn đầy tâm hồn ta? Có những cái cúi
đầu làm cho người ta thấp hèn, có những cái vái lạy làm cho người ta đê tiện.
Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho người ta sang trọng và cao cả đó là cái
cúi đầu thành kính trước cái tài, cái thiện lương. Con chữ ấy, cái đẹp và ánh
sáng thiên lương ấy sẽ mãi mãi trường tồn nơi lòng người, nó khiến cái chết trở
nên nhỏ bé và đưa người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp – Huấn Cao trở thành bất tử.
Như vậy, qua cảnh cho chữ, nhà văn đã bày tỏ quan niệm của bản thân về cái đẹp,
Cái đẹp phải đi với cái thiện, nó có thể sản sinh từ cái chết, nơi cái ác ngự
trị nhưng không thể cùng tồn tại với cái ác. Và để sở hữu, chiếm lĩnh cái đẹp,
con người cần phải bảo vệ và giữ gìn thiện lương, kể cả phải hy sinh tính mạng
của mình. Trên trang giấy, Nguyễn Tuân đã mở ra một thế giới nơi tôn vinh vẻ đẹp
của con người, của tài hoa nhân phẩm và của cái thiện. Nhưng quan trọng hơn,
nhà văn đã tạo lập nên một thế giới “như nó có thể và phải là” để cái đẹp được
sống mãi, được tiếp tục sinh ra để chiến thắng cái ác. Quả là không sai khi nói
rằng “Nếu có một ngôi đền để thờ phụng CÁI ĐẸP thì Nguyễn Tuân chính là viên
tử tế chuyên lo công việc đèn nhang cho người đến lễ”.
Qua
hai tác phẩm “Chữ người tử tù” và “Hai đứa trẻ”, dù là hai câu chuyện, hai
phong cách văn chương khác nhau, nhưng ở Thạch Lam và Nguyễn Tuân ta nhận thấy
điểm giao nhau của họ là tấm lòng tha thiết trước những khát vọng, lý tưởng, vẻ
đẹp trong tâm hồn của con người. Nếu Thạch Lam rung động trước những ước mơ đẹp
của kiếp người nghèo khổ, bất hạnh – những kiếp người tàn thì Nguyễn Tuân lại
nghiêng mình trước vẻ đẹp của tài hoa, của ánh sáng thiên lương cao cả. Cả hai
nhà văn, bằng những cách thức khác nhau, đều đã kiến tạo nên thế giới “như nó
có thể và phải là”, thúc đẩy con người nhanh chóng cải tạo xã hội để biến cái
thế giới nơi trang giấy trở thành một thế giới có thật.
Bên
cạnh đó, quan niệm cũng đã đưa ra những bài học sâu sắc cho quá trình sáng tác
của nhà văn và quá trình tiếp nhận của bạn đọc. Nhà văn cần phản ánh hiện thực
cuộc sống “thế giới như nó đang là” trong tác phẩm để không đi trái lại với các
đặc trưng cơ bản của văn chương nghệ thuật. Nhưng nhà văn cũng không được quên
sứ mệnh “nâng giấc cho những kẻ cùng đường, tuyệt lộ”. Anh cần phải xây dựng
nên một thế giới khác với thế giới của thực tại, đó là thế giới “như nó có thể
và phải là” để nâng đỡ các giá trị tinh thần cho người đọc. Đồng thời, nhà văn
cũng cần sáng tạo nên những hình thức nghệ thuật phù hợp để nội dung tác phẩm
được đầy đủ, trọn vẹn hơn. Về phía bạn đọc khi lĩnh hội thông điệp mà nhà văn gửi
gắm trong tác phẩm cũng nên tìm cách hiện thực hóa những thông điệp ấy, có những
phương án tác động vào đời sống xã hội để hiện thực phát triển theo hiều hướng
đúng đắn, trở thành thế giới “như nó có thể và phải là” trong tương lai.
“Cái
đẹp cứu chuộc thế giới” (Doxtoepxki). Để thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng ấy,
“Văn học không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới
như nó có thể và phài là”. Chỉ khi văn chương hòa vào cuộc sống, đào sâu vào những
ước muốn nội tâm, những tâm tư tình cảm và phát hiện hiện, trân trọng vẻ đẹp của
con người, văn học mới có sức mạnh thay đổi, cải tạo xã hội và hướng nhân loại
về các giá trị tốt đẹp hơn.
NGUYỄN
NGUYÊN THU HÀ
LỚP
11 CHUYÊN VĂN TRƯỜNG THTH ĐHSP
NĂM
HỌC 2019 - 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét