Thông tin liên lạc

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

TÔI ĐI QUA TÔI


Nguồn hình: page Ơ kìa

Đề bài:
“Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì ?”
                             (Không đề, Văn Cao)
          Từ ý thơ trên, anh (chị) hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về vấn đề “tôi đi qua tôi” trong cuộc sống.

Bài làm

                    Trước sự hữu hạn của đời người, nhà giáo dục Xukhômlixky từng nghẹn ngào: “Con người ta sinh ra không phải để tan biến như hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu chân trên mặt đất, và lưu dấu ấn trong trái tim người khác.” Chúng ta đều nhận thức được rằng mình đang sống, nhưng đã bao lần ta tự hỏi lòng: “Mình sống để làm gì ?”. Câu hỏi ấy cũng đã được nhà văn Văn Cao đặt ra trong bài thơ “Vô đề” của mình:

 “Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì ?”

          Bài thơ kết thúc bằng dấu chấm hỏi nhưng đồng thời cũng là thông điệp của tác giả mong muốn gửi gắm về chuyến hành trình “tôi đi qua tôi” trong cuộc sống.

Trong bài thơ “Vô đề”, nhà văn Văn Cao đã đề cập đến các sự vật: “con thuyền”, “đoàn tàu”, “đoàn người” và nhấn mạnh những gì chúng để lại qua điệp từ “đi qua”. “Con thuyền” đi qua để lại “sóng”, “đoàn tàu” đi qua để lại “tiếng”, “đoàn người” đi qua để lại “bóng” hay đó cũng chính là quy luật tất yếu của tự nhiên: vạn vật luôn vận động và để lại dấu vết minh chứng cho sự tồn tại của nó. Tất cả tạo nên một âm hưởng dồn dập để rồi lắng lại ở câu thơ cuối: “tôi không đi qua tôi để lại gì ?”. “Tôi đi qua tôi” là quá trình soi chiếu, khám phá sâu vào thế giới nội tâm của mỗi người. Từ đó, chuyến hành trình giúp ta hiểu rõ hơn mục đích sống và giá trị của bản thân. Câu thơ vang lên như gợi ra một khoảng lặng trong tâm hồn ta. Nếu tôi không đi qua chính mình, nếu tôi sống mà không để lại chút dấu vết cho đời thì liệu cuộc sống này có còn giá trị hay không ? Câu hỏi ấy mở ra trong chúng ta những băn khoăn, như một sự thức tỉnh con người nhìn lại quá khứ và cả thực tại. Tóm lại, bài thơ là những tầng ý nghĩa về chuyến hành trình sống “tôi đi qua tôi” mà nhà văn muốn truyền tải đến bạn đọc. Đó là quá trình mà bất kỳ con người nào đều phải trải qua để trưởng thành hơn, hiểu rõ chính mình và tìm ra “ta là ai ?” giữa cuộc đời mênh mông, rộng lớn này ?

Tất cả chúng ta là những lữ khách trên chuyến hành trình “tôi đi qua tôi” của chính mình. “Tôi đi qua tôi” có lẽ là khi con người dừng chân trước nhịp sống vội vã để bình tâm lắng nghe tiếng nói từ con tim mình, để hiểu được bản thân thật sự cần gì, muốn gì. Chuyến hành trình ấy giúp ta nhận thức giá trị của con người mình và nhận thức cả thế giới ở xung quanh ta. Thực chất, cuộc đời là một chuyến hành trình đầy những trải nghiệm, chính vì vậy “tôi đi qua tôi” là bước đi và cảm nhận cuộc sống. Trên mỗi chặng đường đời, rồi sẽ có lúc con người ta cảm thấy hân hoan, hạnh phúc, cũng có khi đau đớn, tuyệt vọng trước bi kịch của kiếp người. Ta có thể gặt hái thành công nhưng cũng có thể vấp ngã, thất bại bởi ao đời nào có phẳng lặng bao giờ ! Tôi tin rằng điều quan trọng nhất trong chuyến hành trình đi qua bản thân là chúng ta đã trải nghiệm những gì và nhận ra được gì ? Vì chỉ có như vậy con người ta mới rút ra cho mình những bài học để ngày một trưởng thành, để sống sâu sắc hơn với cuộc đời. Hay đơn giản, qua những trải nghiệm sống, con người ta sẽ xác định được mục tiêu, ước mơ của bản thân để từ đó nhận ra mình đã sống đúng, sống “thật” hay chưa ? Chuyến hành trình “tôi đi qua tôi” khiến cuộc đời mỗi con người trở nên thú vị và đầy ý nghĩa.

Nhà văn Văn Cao qua bài thơ “Vô đề” đã đề cao tầm quan trọng của chuyến hành trình “tôi đi qua tôi” trong cuộc đời mỗi con người. Đó là một quá trình trải nghiệm, sống hết mình để nhận thức rõ giá trị của bản thân và tìm ra con đường đi đúng đắn, phù hợp. Bởi con người luôn trăn trở, do dự trước muôn vàn sự lựa chọn của cuộc sống. Với những ai may mắn thì ngay từ vạch xuất phát, quyết định của ta là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên đó chỉ chiếm một số ít, còn phần lớn tất cả chúng ta đều chơi vơi, đều không hiểu bản thân mình cần gì, muốn gì ? Và đôi khi vì một nguyên do khách quan nào đó mà chúng ta buộc phải lựa chọn một ngã rẽ cho cuộc sống của mình trong niềm hoang mang, mơ hồ. Để cuối cùng, giữa dòng đời vội vã, ta giật mình nhận ra rằng: tự bao giờ ta đã không còn là chính ta, đã vô tình sống như những “cỗ máy” vô hồn hơn là một con người đúng nghĩa. Mahatma Gandhi từng nói: “Là con người, sự vĩ đại của chúng ta không nằm nhiều ở việc cải tạo thế giới, đó là thần thoại của thời đại nguyên tử, mà nằm ở khả năng cải tạo chính mình.” Phải chăng, “tôi đi qua tôi” là chuyến hành trình mang ý nghĩa như thế, là giúp cho con người “cải tạo chính mình” và cải tạo cuộc đời ? Nhờ những trải nghiệm sống từ quá trình “tôi đi qua tôi” mà chúng ta nhận ra những ưu điểm, khuyết điểm, khả năng và đặc biệt là đam mê đích thực của bản thân. Từ đó con người sẽ biết hoạch định cho cuộc sống của mình những lối đi đúng đắn, thích hợp để dễ dàng thành công, đạt được những thành tựu khẳng định giá trị của bản thân và kiến tạo nên một chuyến hành trình sống lý tưởng, hạnh phúc.

Không chỉ có chúng ta mà cả những con người nổi tiếng, vĩ đại nhất thế giới như cựu tổng thống nước Mĩ Abraham Lincoln, cũng đã từng mắc phải không ít sai lầm trong cuộc sống. Thời trẻ tuổi, Abraham Lincoln từng thử sức với nhiều loại công việc, đặc biệt là với công việc kinh doanh buôn bán. Song ông đã thất bại nặng nề dù chưa bao giờ từ bỏ. Sự thua lỗ trong kinh doanh đã đem lại cho Abraham Lincoln những món nợ khổng lồ khiến cuộc sống của ông không thể yên ổn trong nhiều năm liền. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc giá trị và tài năng của vị cựu tổng thống nước Mĩ là thấp kém vô dụng. Chỉ vì sở trường của ông không thuộc về kinh doanh và khi ấy, ông chưa thể tìm ra ngành nghề yêu thích, con đường phù hợp với bản thân. Nhưng chính nhờ những thất bại cùng sự trải nghiệm ấy đã cho ông cơ hội để hiểu rõ hơn về khả năng của bản thân, để thấy những điểm mạnh của con người mình. Cuối cùng Abraham Lincoln đã phát hiện ra niềm đam mê của cuộc đời ông trong công việc luật sư. Ngay khi rẽ sang con đường ấy, ông đã không ngừng nổ lực trau dồivà đã đặt gái thành công, trở thành một luật sư tài ba nổi tiếng. Thông qua câu chuyện về cuộc đời của Abraham Lincoln ta lại càng thấm thía hơn về ý nghĩa sâu xa của chuyến hành trình “tôi đi qua tôi”. Có lẽ, chỉ khi “tôi đi qua tôi”, con người ta mới tìm thấy chính mình, nhận thấy những tiềm năng của bản thân, để phát huy và đạt được thành công.

Cuộc sống mưu sinh khiến con người ta đặt nặng những giá trị vật chất lên hàng đầu mà quên mất khả năng con người còn sống dựa vào những giá trị tinh thần. Chính vì vậy “tôi đi qua tôi” là giây phút ta thoát khỏi guồng quay cuộc sống để lắng nghe những thanh âm nơi tâm hồn, những tình cảm trong trái tim mình. Để nhận ra sau tất cả, điều duy nhất con người ta không thể mua được dù có rất nhiều tiền đó chính là hạnh phúc nội tâm. Hạnh phúc là khi con người được sống đúng với tâm tư, nguyện vọng của mình, được cất lên tiếng hát của khát vọng, của ước mơ và thực hiện chúng. Nhưng hạnh phúc không chỉ dừng lại ở đó. Bởi trong chuyến hành trình “tôi đi qua tôi” chúng ta sẽ nhận ra điều hạnh phúc nhất là khi ta hiểu được những giá trị và biết trân trọng sự tồn tại của bản thân trên cõi đời này. Là lời tri ân cuộc đời vì đã cho ta được sống thêm một ngày, như trong lời thơ “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Có hạnh phúc con người ta mới có đủ động lực cùng niềm tin yêu để vững bước trên cuộc sống. Chỉ khi “tôi đi qua tôi” ta mới tìm thấy sự bình yên, an nhiên trong tâm hồn mình, để từ đó đối mặt với bao sống gió, gian lao của đời người. Bình an và hạnh phúc, đó chẳng phải là điều con người ta hằng ao ước hay sao?

Kito Aya, người đã truyền cho tôi cảm hứng sống mãnh liệt. Nhắc đến chị, tôi liền nhớ về hình ảnh một người con gái lạc quan luôn nở nụ cười trên môi, một nghị lực sống phi thường. Vậy điều gì đã khiến cho người con gái nhỏ bé trở nên mạnh mẽ đến thế? Kito Aya đã từng cảm thấy lo sợ, thậm chí là tuyệt vọng. Với Kyto Aya, mỗi khi ánh bình minh mang theo một ngày mới đến chị biết rằng khoảng thời gian sống của mình lại vơi đi một chút. Trước những đớn đau mà căn bệnh thoái dây sống tiểu não mang lại, Kito Aya tìm về nơi sâu nhất trong tâm hồn và nhận ra: “Mình có thể cảm nhận được trái tim mình đang đập. Trái tim mình đang hoạt động. Mình hài lòng với điều đó. Mình vẫn còn sống”. Aya đã trải qua chuyến hành trình đi qua chính mình như thế. Chị vượt qua nỗi sợ hãi, đi qua những nghiệt ngã của số phận để tìm thấy miền bình yên, hạnh phúc trong trái tim mình. Đó chính là nguồn sức mạnh giúp Aya kiên trì chiến đấu, đối mặt với bệnh tật và cái chết. Cách sống “Tôi đi qua tôi” khiến con người ấy trở nên lớn lao và phi thường, luôn giữ trọn niềm tin yêu với đời. Kyto Aya đã viết hai tiếng “Cảm ơn” vào trang cuối cùng của quyển nhật ký trước khi ra đi mãi mãi, như muốn nói rằng: cảm ơn đời vì đã cho tôi một chuyến hành trình đầy ý nghĩa.

Song “tôi đi qua tôi” không phải là chuyến hành trình đơn độc, không chỉ của riêng “tôi” mà còn là của “chúng ta”. Bởi ta có thể chia sẻ chuyến hành trình của bản thân với người khác và ngược lại, được lắng nghe câu chuyện “tôi đi qua tôi” từ những người xung quanh. Để từ đó chúng ta sẽ có cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn, để đánh giá lại chính con người mình. Kinh nghiệm của người đi trước bao giờ cũng là một bài học quý giá, vì vậy nếu biết vận dụng tốt chúng ta sẽ trưởng thành một cách nhanh chóng và dễ dàng chạm tay tới thành công.

“Tôi không đi qua tôi / để lại gì?” câu hỏi mà nhà văn Văn Cao đặt ra như một lời cảnh tỉnh với những ai chưa dám đi qua chính mình. Nếu “tôi không đi qua tôi” làm sao để biết “tôi là ai” giữa cuộc đời này ? Nếu “tôi không đi qua tôi” cuộc sống liệu có còn giá trị và ý nghĩa? Hay ta rồi sẽ đánh mất bản thân mình, sẽ chơi vơi và lạc lõng vì ta không tìm thấy hạnh phúc trong tâm hồn mình, vì ta không thể để lại cho đời chút dấu vết riêng của bản thân. Chúng ta mãi oán trách cuộc đời đã không cho ta cơ hội, nhưng liệu ta đã đi qua chính mình hay chưa? Bất kỳ giây phút nào khi đặt tay lên ngực trái, ta vẫn nghe thấy trái tim mình đang đập, ngay lúc ấy hãy cho bản thân một cơ hội để tìm lại chính mình, để trải nghiệm chuyến hành trình đáng nhớ mang tên “tôi đi qua tôi”

“Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì”

  Hành trình “tôi đi qua tôi” giúp con người nhận thức được giá trị của bản thân và tìm được đáp án cho câu hỏi “tôi là ai”. Đi qua để ngày càng trưởng thành, để tìm thấy hạnh phúc và con đường đi phù hợp với bản thân. Hay đơn giản, ta đi qua để hiểu hơn về con người mình, để nhận ra không gì tuyệt vời hơn khi được sống với ước mơ và khát vọng, được sống là chính mình.

NGUYỄN NGUYÊN THU HÀ
HỌC SINH LỚP 11 CHUYÊN VĂN
TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét