Thông tin liên lạc

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Nhà văn Nguyễn Khải và tập "Hà Nội trong mắt tôi"

Nguyễn Khải (3 tháng 121930 - 15 tháng 12008) là một nhà văn quan trọng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nói như Nguyên Ngọc, “Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi”.Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch. Trong đó, Nguyễn Khải để dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Xung đột (1959-1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Thời gian của người (1985)... Nguyễn Khải được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
Về cuộc đời, Nguyễn Khải sống qua khoảng thời gian với những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc. Ông nằm trong “thế hệ của những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kì lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa” (Nguyên Ngọc). Có thể nói Nguyễn Khải đã tích lũy được một vốn sống dày dặn, sâu sắc, trưởng thành lên cùng với sự trưởng thành của dân tộc. Trong đời tư, Nguyễn Khải cũng gặp nhiều thăng trầm. Ở tác phẩm “tự sự dán mác tiểu thuyết” Thượng đế thì cười, Nguyễn Khải đã hé lộ cho độc giả nhiều chi tiết về cuộc đời ông. Cuộc đời ấy không thiếu những phút giây vẻ vang khi tài năng văn chương của ông được thăng hoa và đạt nhiều thành tựu, nhưng cuộc đời ấy cũng đầy những lẽ bi kịch. Sinh ra trong một gia đình quý tộc phong kiến, là con vợ lẽ, từ bé đã sớm phải nếm trải cay đắng. “Cái số hắn hóa ra cũng vất vả, từ nhỏ tới năm 15 tuổi mới được về nhà để nhận mẹ già, nhận các anh các chị, được tận mắt thấy bố ăn bố ngủ, lúc găt lúc cười. Rồi bặt tin nhau tròn ba mươi năm mới được gặp lại”.[1]  Nguyễn Khải đã phải trải qua nỗi đau mất hai người con. Người con gái đầu lòng mất ngay sau khi sinh. Người con trai tiếp theo chết đuối năm 15 tuổi ở sông Hồng.  “Hẵn giãy giụa than khóc mất mười năm, vợ hắn ứa sữa non, đái ra máu, thành người ngớ ngẩn mất vài năm[2]. Cuộc đời nhiều thăng trầm, được mất có lẽ là một trong những lí do tạo nên thiên hướng suy tư, triết luận khôn nguôi của tác giả. Mở đầu Thượng đế thì cười, Nguyễn Khải đã dùng câu châm ngôn của người Do Thái làm đề từ: “Con người thì suy nghĩ, còn Thượng đế thì cười”. Sự tồn tại của con người luôn là một sự hữu hạn đối lập với sự vô hạn của tự nhiên, lẽ được – mất trong cuộc đời là khách quan mà con người không sao có thể trả lời cho ngọn ngành hết được. Nguyễn Khải trong các tác phẩm của mình hình như có một ước mơ khái quát lên những triết lý nhân sinh, dẫu biết rằng “Thượng đế thì cười”, lẽ khách quan của vũ trụ thì không sao có thể nói hết. Sống ở đời, Đời khổ, Chuyện tình của mỗi người, Một thời gió bụi, Anh hùng bĩ vận…, tên gọi của một số tác phẩm Nguyễn Khải viết hơn một thập kỷ nay đã làm chứng cho một ao ước chính đáng nơi ông là muốn đi tới những khái quát nhân sinh (Vương Trí Nhàn).
Về phong cách văn học, ở Nguyễn Khải nổi bật lên là một thiên hướng triết luật sắc sảo, đầy chất trí tuệ.“Có một nét đặc biệt trong tâm thế nhà văn ở Nguyễn Khải là ngòi bút này không bao giờ có cái nhìn xuôi chiều dễ dàng.” (Vương Trí Nhàn). Nguyên Ngọc nhận xét về tạng văn Nguyễn Khải: “Cái tạng của anh là moi tìm, lục lọi, văn đi vặn lại vấn đề, luôn đặt câu hỏi, không bằng lòng với những câu trả lời của chính mình, và luận lý, tự luận lý, suy ngẫm”. Từ cái nhìn triết luận ấy, nhà văn đóng góp quan điểm tích cực về nghệ thuật, về cuộc đời. “Còn người cầm bút thì lại quan tâm tới sự nuôi dưỡng sức mạnh cá nhân, tính độc lập của cá nhân, cả tính phản kháng củ cá nhân và sự sáng tạo muôn màu muôn mẻ của cá nhân chống lại mọi sự độc đoán, mọi sự giản lược, tùy tiện, thu hẹp tầm vóc của cá nhân khiến nó bị ngạt dưới sức nặng của guồng máy.” (Thượng đế thì cười). Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thuỷ chung" . Đó cũng là ước mơ góp một phần mình để cải tạo xã hội: Đây còn là những xót xa đau đớn về sự buông tuồng của xã hội; tiếng kêu thảm thiết về sự xuống cấp của những mối quan hệ giữa người và người, và đôi khi là tiếng cười cay đắng về những khuyết tật rõ ràng đến thế, mà không ai nói ra, để cùng tính chuyện thay đổi. (Vương Trí Nhàn).
Trong quá trình khám phá hiện thực, Nguyễn Khải cũng ý thức tìm kiếm những vẻ đẹp trong tâm hồn con người, những vẻ đẹp của tính cách Việt Nam. Trong Thượng đế thì cười, ông viết: “Nói thì dễ nhưng hiểu được vẻ đẹp của đời thường với riêng hắn cũng mất gần nửa thế kỷ. Nhận ra vẻ đẹp một cách nên thơ, trong ánh sáng của bình minh thì hắn đã nhận ra từ Mùa lạc, Hãy đi xa hơn nữa, từ những năm hắn 30 tuổi. Nhưng nhận ra vẻ đẹp của thất bại, trầm luân trong cái quần sáng vàng úa ở hoàng hôn thì phải từ năm hắn đã 50 tuổi khi hắn viết Hai ông già ở Đồng Tháp Mười.” Đi tìm cái đẹp có thể nói là mục tiêu lao động của nhà văn. Nguyễn Tuân cả đời đi tìm cái đẹp tài hoa tài tử. Nguyên Ngọc đi tìm vẻ đẹp nơi những anh hùng. Còn Nguyễn Khải, đau đáu tìm kiếm vẻ đẹp đời thường trong cảm hứng xung đột của nó. Các tác phẩm của Nguyễn Khải đầy  những mâu thuẫn, mâu thuẫn xã hội, mâu thữa giữa cá thể - tập thể, mâu thuẫn giữa cái chủ quan – khách quan, mâu thuẫn giữa ý chí con người – số mệnh, mâu thuẫn giữa các giá trị… Soi chiếu con người trong những va chạm dữ dội ấy và tìm ra vẻ đẹp của họ, đó chính là biệt tài của Nguyễn Khải.
Hà Nội trong mắt tôi là tập truyện ngắn hoàn thành vào ngày 27 tháng 11 năm 1989, gồm 9 truyện ngắn: Nếp nhà, Chúng tôi và bọn hắn, Đất kinh kỳ, Người vợ, Người của ngày xưa, Tiền, Danh phận, Nghệ nhân ở làng, Một người Hà Nội, Nắng chiều… Đúng như tên gọi, Hà Nội trong mắt tôi là một chân dung khá toàn vẹn và sống động về một Hà Nội trong mắt tác giả với các sự kiện, nhân vật, các cuộc đời được soi chiếu dưới nhiều góc nhìn khác nhau thiêu chiều dài lịch sử. Tất cả các truyện ngắn đều có sự xâm lấn của thể loại ký. Tác giả hiện thân trong tác phẩm là nhân vật tôi, quan sát ghi chép lại hiện thực ở nhiều góc độ, nhiều lát cắt, nhiều phương diện. Một người Hà Nội nổi lên những chủ đề chính: Vẻ đẹp văn hóa của Hà Nội và của người Hà Nội, nếp nhà, sự tha hóa của nhân cách con người trong bối cảnh mới, nguy cơ đánh mất các giá trị truyền thống, chân dung của những nghệ sĩ đất Hà Thành… Tác phẩm chứa những lo âu, những cảnh báo, cũng chứa những từ hào, yêu thương, và ấm áp một niềm tin sâu sắc vào con người, vào cuộc đời, vào sự trường tồn của văn hóa.


[1] Nguyễn Khải, Thượng đế thì cười, trang 240
[2] Nguyễn Khải, Thượng đế thì cười, trang 287

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét